Tác phẩm của các tác giả gạo cội trong tương quan mặt bằng cuộc thi, về tay nghề hiển nhiên là vững, tuy vậy thành viên các vòng hội đồng tin rằng các tác giả này sẽ chia sẻ niềm vui khi giải thưởng được trao cho những đồng nghiệp khác, có thể trẻ hơn về tuổi đời hoặc trẻ hơn về tuổi nghề.
Cuộc thi
truyện ngắn do tuần báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức diễn ra trong 2
năm, từ 2022 đến 2024. Trong thời gian đó, Ban Tổ chức đã nhận được số lượng rất
lớn các tác phẩm gửi tới tham dự, với đủ mọi lứa tuổi, đủ các vùng miền, từ những
nhà văn đã thành danh tới những cây viết trẻ mới lần đầu tham dự. Những dữ liệu
ấy cho thấy sức hút của cuộc thi cũng như tình cảm ủng hộ của các tác giả, các
nhà văn đối với tuần báo Văn nghệ.
Về quy
trình, Ban Tổ chức đã thành lập 2 vòng hội đồng để xét giải. Hội đồng Sơ khảo gồm:
nhà văn Võ Thị Xuân Hà, nhà văn Nguyễn Mạnh Hùng, nhà văn Đào Bá Đoàn, nhà văn
Uông Triều và nhà văn Phạm Thanh Thúy. Hội đồng Chung khảo gồm: Nhà văn Bảo
Ninh, nhà văn Cao Duy Sơn, nhà văn Nguyễn Một, nhà văn Đỗ Bích Thúy và nhà văn
Nguyễn Bình Phương.
Từ những truyện ngắn được đăng tải, hội đồng
Sơ khảo đã thống nhất chọn ra 30 tác phẩm để chuyển lên hội đồng Chung khảo. Hội
đồng Chung khảo sau khi đọc độc lập, đã trao đổi, phân tích, đánh giá và lựa ra
10 tác phẩm để trao giải thưởng theo các hạng mục.
Đánh giá một
cách tổng quan, có thể khẳng định rằng, về cả số lượng lẫn chất lượng, cuộc thi
đã thể hiện đúng mặt bằng hiện tại của thể loại truyện ngắn. Hầu hết các tác phẩm
dự thi đã phản ánh khắc họa nhiều khía cạnh của đời sống xã hội, từ hiện tượng
phổ quát cho tới những biến chuyển thầm kín, riêng tư, từ vấn đề của cả cộng đồng
cho tới ứng xử của mỗi cá nhân. Bằng sự nhạy bén, sắc sảo và hết sức trách nhiệm
của mình, các tác giả đã tập trung mổ xẻ về đời sống hiện tại với những hoàn cảnh,
những vấn đề hoặc trở thành niềm tự hào hoặc đang chuyến biển thành nhức nhối
trong xã hội. Không ít tác phẩm đề cập tới sự nghiền ngẫm, chất vấn các vết
thương đã thuộc về lịch sử nhưng chưa được chữa trị triệt để.
Qua những
phản ánh, mổ xẻ đầy tinh tế này, chúng ta có thể rút ra bài học sâu sắc về số
phận, thân phận và nhân phẩm cũng như tình thế của con người trong đời sống xã
hội hôm nay. Ở khía cạnh nghệ thuật thể hiện, các tác phẩm tham dự cuộc thi phần
nào cho thấy được tính đa dạng, phong phú đến mức tự do, tự tại về nghề của người
sáng tạo. Bên cạnh những tác giả, tác phẩm kiên định với lối viết đậm chất truyền
thống, có không ít những tác giả, tác phẩm thể hiện rõ nét tinh thần tìm tòi,
khám phá cách thể hiện mới, từ góc tiếp cận tới giọng điệu, từ bút pháp cho tới
bố cục.
Khi lọt
vào vòng Chung khảo, mọi tác phẩm đều có cơ hội đoạt giải vì ít nhiều đều có những
giá trị đáp ứng được với tiêu chí của cuộc thi, theo quan điểm của hội đồng
vòng Sơ khảo. Tuy nhiên ở những cuộc thi như cuộc thi truyện ngắn này, ngoài chất
lượng là yếu tố đặt lên hàng đầu, thì việc xét giải còn xem xét thêm những yếu
tố phụ khác, như tính cân bằng giữa giá trị truyền thống với giá trị sáng tạo mới,
giữa giá trị của vẻ đẹp văn chương thuần túy với giá trị giáo dục nhân tính,
trong đó có cả tính cân bằng giữa các vùng chủ đề với nhau. Và cũng không thể
không nhắc tới yếu tố cơ duyên. Nói cơ duyên là bởi, mặc dù vẫn có những điểm
chung về tiêu chí giá trị, nhưng rõ ràng trong nghệ thuật, cùng một tác phẩm mỗi
người lại có sự tiếp nhận, thẩm thấu, đồng cảm khác nhau dẫn tới các đánh giá
khác nhau. Tác phẩm có cơ duyên ở cuộc thi là tác phẩm may mắn chiếm được sự đồng
cảm trong tiếp nhận, thẩm thấu của đa số thành viên tại một hội đồng cụ thể.
Nhắc điều ấy
để cùng nhau thấy rằng những tác phẩm chưa đoạt giải trong cuộc thi này không hẳn
là chất lượng nghệ thuật thấp hơn, yếu hơn, và các tác phẩm đoạt giải chưa hẳn
đã xuất sắc vượt trội hẳn lên hoặc đã hoàn hảo đến mức tuyệt đối. Các thành
viên hội đồng Chung khảo cuộc thi truyện ngắn do tuần báo Văn Nghệ tổ chức cũng
muốn chia sẻ thêm: Việc để trống hạng mục cao nhất của cuộc thi cũng như việc hạn
chế số lượng giải ở các hạng mục khác nên được nhìn nhận ở khía cạnh tích cực
hơn, đó như là sự đòi hỏi cao của hội đồng giám khảo. Và đòi hỏi ấy hết sức
chính đáng, bởi đó là lời nhắc ý vị với nhau rằng còn những bước hoàn thiện ở
phía trước mà mỗi tác giả cần tiếp tục vươn tới nếu thực sự muốn chinh phục đỉnh
cao của nghệ thuật truyện ngắn.
Một điểm nữa
cần phải đề cập tới từ cuộc thi, đó là sự tham gia hưởng ứng của nhiều tác giả
gạo cội, những người đã có danh tiếng và thành tựu. Tác phẩm của các tác giả gạo
cội trong tương quan mặt bằng cuộc thi, về tay nghề hiển nhiên là vững, tuy vậy
thành viên các vòng hội đồng tin rằng các tác giả này sẽ chia sẻ niềm vui khi
giải thưởng được trao cho những đồng nghiệp khác, có thể trẻ hơn về tuổi đời hoặc
trẻ hơn về tuổi nghề. Đó sẽ là vẻ đẹp mà những người làm văn chương dành tặng
cho nhau như một sự khích lệ nhau trên con đường văn chương vốn hết sức gập ghềnh,
thăm thẳm.
Với các
thành viên hội đồng chấm giải, ngoài giá trị nghệ thuật văn chương cụ thể mà
các tác phẩm mang tới, cuộc thi còn cho thấy giá trị khác, đó là tình yêu văn
chương dường như không bao giờ tắt, trái lại vẫn luôn bền bỉ cháy trong mỗi nhà
văn. Quan trọng hơn, từ tất cả các tác phẩm tham gia cuộc thi, dù được giải hay
chưa được giải, chúng ta cũng nhận ra tinh thần, ý thức xây dựng đầy nhân ái của
người sáng tác đối với đời sống, với cộng đồng, tinh thần ấy thể hiện qua nỗi
thương cảm trước những hoàn cảnh, số phận đồng loại mà các tác giả đã gửi gắm
qua từng câu, từng chữ, từng chi tiết. Khi con người còn biết yêu thương, trân
quý nhau thì cuộc sống vẫn còn ánh sáng để mỗi chúng ta can đảm, lạc quan bước
tiếp về phía trước.
Cuộc thi
đã khép lại, nhưng khát vọng sáng tạo thì luôn không ngừng mở rộng, vì thế kỳ vọng
vào thành công mang tính đột phá của thể loại truyện ngắn vẫn còn đó, không chỉ
trong mỗi tác giả, mà trong cả những người yêu văn học nói chung.
NGUYỄN
BÌNH PHƯƠNG
(Chủ tịch
Hội đồng Chung khảo)