Có thể thấy trong ‘Chấm phá’, Nguyễn Việt Anh không trực tiếp thể hiện cái hữu hình của sự vật, hiện tượng, của đề tài thông qua thị giác trực cảm, mà là thể hiện bề sâu của tâm trạng, cũng tức là thể hiện cái vô hình của tâm trạng, bắt nguồn từ những cảm thức, suy cảm, suy tưởng muốn được thổ lộ, được giãi bày, được cảm thông và chia sẻ.


NHỮNG “CHẤM PHÁ” TÂM CẢM CỦA MỘT NHÀ THƠ KHIẾM THỊ

 (Đọc “Chấm phá” - Tập thơ lục bát của Nguyễn Việt Anh, Nxb. Hội Nhà văn)

QUANG HOÀI

“Chấm phá” là tập thơ thứ 16 của Nguyễn Việt Anh - nhà thơ khiếm thị, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn Hà Nội. Nếu như “Thức cùng bóng tối” là tập thơ lục bát đầu tiên xuất bản năm 2014 hoàn toàn là lục bát 4 câu khai mở thi nghiệp của mình, thì “Chấm phá” ra đời sau 10 năm cũng tại Nhà xuất bản Hội Nhà văn là một bước tiến cả về hình thức và nội dung của thơ Nguyễn Việt Anh nói chung và thơ lục bát nói riêng của anh.

“Chấm phá” có cả thẩy 50 bài thơ lục bát, trong đó đại bộ phận là thơ 12 câu, không có bài 4 câu. Với Nguyễn Việt Anh từ ngắn đến dài không phải là sự kéo dài vô độ vô vị, mà là cái dài cần thiết để dung chứa những điều cần bày tỏ, biểu thị trọn vẹn những ý tứ thầm kín, sâu xa mà mình muốn nhắn gửi tới bạn đọc yêu quý. Đó là cái dài có liều lượng đủ gợi mở bằng các thủ pháp nghệ thuật vốn có của thơ Lục bát, chứ không phải là sự dài dòng, lan man dây cà ra dây muống, không kìm nổi dây cương khi cưỡi lên chú ngựa Lục bát bất kham.

Đặc điểm nổi bật của “Chấm phá” là tác giả Nguyễn Việt Anh trong tập thơ của mình, đã sử dụng bút pháp thiên về tưởng tượng, hầu như rất ít kể, tả và chỉ kể, tả khi thật cần thiết. Đó là bút pháp thông qua suy cảm và suy tưởng, tức là không nhìn bằng thị giác, mà nhìn bằng trái tim, bằng tâm cảm, thực sự là lục bát của một nhà thơ khiếm thị.

Thể loại lục bát trong “Chấm phá” chính là thể loại được bắt nguồn từ cảm hứng, hứng thú sáng tạo của một tâm hồn mê đắm thi ca, lấy thi ca làm một điểm tựa của cuộc đời. Đó là sự rung động của trái tim - khởi thuỷ và cứu cánh tạo nên giá trị nội dung và hình thức của một thi phẩm. Chính vì vậy mà lục bát trong “Chấm phá” của Nguyễn Việt Anh có điểm trụ, không chênh vênh, mòn sáo và luyễn loãng nhàm chán. Đúng như Viên Mai, nhà phê bình văn học nổi tiếng đời Thanh Trung Quốc (1716 - 1797) đã chỉ rõ: “Thơ có thể cách mà không có hứng thú là con trâu đất vậy… Phải có tính tình trước rồi có cách luật sau; cách luật không ở ngoài tính tình”. Bởi vậy, ta có thể khẳng định, sự thôi thúc của hứng thú là khởi nguồn tạo nên xúc động và xúc cảm tác để thành giá trị căn cốt của tác phẩm.

Xúc động và xúc cảm trong “Chấm phá” hầu như được thể hiện hoàn toàn qua tâm cảm của người thơ khiếm thị, tức là từ sự rung động của trái tim, chứ không phải từ trực cảm của thị giác. Coi trọng và đề cao vai trò của xúc động, xúc cảm trong thơ ca, nhà thơ có ảnh hưởng lớn ở Pháp thế kỷ thứ XIX Sác Bô-đơ-le (Charles Pierre Baudelaire 1821 - 1867) quả quyết: “Đừng coi thường sự xúc động của bất cứ ai. Sự xúc động của mọi người, đấy chính là thiên tài”.

Nguyễn Việt Anh trong tập thơ Lục bát “Chấm phá”, bằng xúc động, xúc cảm tạo nên và ươm ủ bởi tâm giác, cảm thức tâm hồn được thẩm thấu vào từng nhịp thơ, mạch thơ, ý thơ và vào từng lát cắt của đời sống trong thơ anh. Dưới đây, xin nêu mấy dẫn dụ để minh chứng cho những cảm nhận nói trên.

Ngay từ bài thơ đầu tiên trong tập - bài “Đề đền Quán Thánh”, có thể nói cái vô hình của tâm trạng tác giả, chứ không phải cái hữu hình của đền Quán Thánh, đã được Nguyễn Việt Anh bộc lộ khá ý vị về sự mất thiêng trước “Hồn thiêng Trấn Vũ đi đâu/ Tượng Huyền Thuyên đứng dàu dàu mà thương”. Sự mất thiêng ấy đã dẫn đến tâm trạng xa xót qua thấu cảm:

                    “Quy, Xà, tứ đại Long thần

                    Đi đâu để nước để dân nhọc lòng

                    Điện hoang khói lạnh hư không

                    Tôi như dấu hỏi cúi cong mái đền”.

Cũng với cái tâm trạng vô hình ấy, trước “Nghìn năm Trấn Quốc linh thiêng”, trước “bảo tháp ngả nghiêng”, “Kim Ngư tróc vây” và “Cao tăng đắc đạo… biệt tăm”, người thơ khiếm thị không thể cầm lòng mà không giãi tỏ nỗi lòng mình về những mất mát không thể gìn giữ và bảo trì được trước những chảy trôi của thời thế và biến thiên của nhân quần:

                    “Vỗ vai, khẽ hỏi thăng trầm

                    Giúp ta cắt nghĩa Vạn Xuân là gì

                    Mây trời còn lắm sân si

                    Sóng Tây Hồ biết nói chi với đời

                    Ta ngồi nhìn cỏ thèm tươi

                    Cổ Ngư đường vẫn ngược xuôi bụi trần”.

Và, tác giả - nhà thơ khiếm thị, với niềm tâm cảm sâu nặng, khi “Tưởng rằng đến được bình yên/ Ngờ đâu chuông mõ luỵ phiền chưa khuây”, đã thốt lên trước Thánh Mẫu ở phủ Tây Hồ với sự bừng ngộ “lửa thiêng” như “hoá vàng” cả thân xác mình:               

                   “Nhìn ai Thánh Mẫu đăm chiêu

                    Lầu Cô, lầu Cậu nghe chiều hoang mang

                    Phủ Tây Hồ đứng mơ màng

                    Lửa thiêng em bén, hoá vàng cả tôi”.

Đấy là cái vô hình của tâm trạng được thức nhận, cảm khái ở chốn thiêng liêng, chốn tâm linh - nơi có thể làm cho tâm hồn của con người trở nên thanh thoả và lắng dịu.

Trong “Vòng quay định mệnh đa đoan” của cõi người, cũng với thân phận một con người trần thế, không thể ly thoát khỏi “những trái ngang, ngặt nghèo” do “vòng quay” ấy cương toả, người thơ thấu nhận:

                    “Càng vùng vẫy giữa tình yêu

                    Càng thêm siết chặt lắm điều éo le

                    Những mong được một lối về

                    Càng tìm càng lạc trong mê cung đời”.

Để rồi cuối cùng ngộ ra như một chân lý “Càng thương tích, càng đa mang” trong tình yêu vĩnh cửu, bởi cái “phũ phàng vòng quay” ấy chẳng bao giờ dừng lại. Chính sự thấu nhận này đã đem lại cho người ta tình yêu cuộc đời, cuộc sống trước những “úa nhàu, nát tan”, không chán chường, bi luỵ. Trước sự tan vỡ của một mối tình, đau đớn không hạ gục được trái tim nồng nàn yêu thương, mà trái lại càng thổi bùng lên ngọn lửa của sự say cháy và khao khát:

                    “Bẽ bàng nhắm với lưỡi dao

                    Vị men sắc nhọn xuyên vào tận tim

                    Càng đau đớn càng dịu êm

                    Càng say đến chết càng em nồng nàn”.

Sự vô hình của tâm trạng ở đây là một thông điệp tâm hồn mà tác giả - nhà thơ khiếm thị của chúng ta muốn nhắn gửi tới mọi người, đó là thông điệp về tình yêu đời, yêu cuộc sống, về tinh thần và nghị lực vươn lên vượt qua những ranh giới mất - còn, sinh - tử khắc nghiệt trong cuộc sống và trong tình yêu.

Như vậy, có thể thấy trong “Chấm phá”, Nguyễn Việt Anh không trực tiếp thể hiện cái hữu hình của sự vật, hiện tượng, của đề tài thông qua thị giác trực cảm, mà là thể hiện bề sâu của tâm trạng, cũng tức là thể hiện cái vô hình của tâm trạng, bắt nguồn từ những cảm thức, suy cảm, suy tưởng muốn được thổ lộ, được giãi bày, được cảm thông và chia sẻ. Đây là một thành công, một bước tiến của thơ Lục bát Nguyễn Việt Anh. Nhà thơ Vũ Quần Phương đã rất có lý khi ông cho rằng:

“Thơ không nói vào cái hữu hình của đề tài mà nhập vào, lặn vào bề sâu vô hình của tâm trạng. Đó chính là chỗ thơ hiện đại phương Tây cũng đang học ở thơ cổ điển phương Đông… Bám vào cái vô hình mà thành thơ là một bước tiến ảo hoá thơ, nó cần một yêu cầu tiên quyết là trong lòng người viết phải có điều muốn giãi bày”.

Trong “Chấm phá”, có khá nhiều bài thơ Nguyễn Việt Anh đã “bám vào cái vô hình của tâm trạng” như thế để giãi tỏ những thức cảm tâm hồn của mình.

Đó là “Nếu mai tôi chết”:

                    “Hãy tin tôi chết nhẹ tênh

                    Sau cơn mưa xuống, bình minh lại chồi

                    Nếu mai tôi chết, người ơi

                    Viếng tôi, xin một giọt đời trong veo”.

Đó là “Ngày mai”:

                    “Kiếp người chẳng khác dòng sông

                    Vèo qua một thoáng là xong một đời

                    Đừng làm hoa bẽ bàng rơi

                    Ai kia còn muốn giữ lời sắc hương”.

Và đó là “Em hồ ly”:

                    “Hào quang bóng tối chờn vờn

                    Sướng vui, đau khổ chon von tột cùng

                    Tỉnh say quẫy đạp vẫy vùng

                    Lưới tình yêu vẫn thuỷ chung không rời”…

“Trái tim thơ đập mãi nhịp yêu thương” là bài viết thay cho lời giới thiệu của Trần Kim Thoa - một cô gái ở tận An Giang, người giúp nhà thơ khiếm thị Nguyễn Việt Anh đánh vi tính và hoàn chỉnh bản thảo tập thơ “Chấm phá”, được in trang trọng ở đầu tập. Theo Trần Kim Thoa, Nguyễn Việt Anh đặt nhiều hy vọng ở tập thơ này, anh mong muốn truyền tải được những điều tốt đẹp tới bạn đọc. Cô khẳng định: “Nguyễn Việt Anh rất tình, yêu mãnh liệt và đầy cá tính… Mong những điều tốt đẹp anh muốn truyền tải thông qua tác phẩm này sẽ đến được với những tâm hồn đồng điệu”. Hy vọng tâm nguyện của Nguyễn Việt Anh sẽ trở thành hiện thực. Và cũng hy vọng nhiều bạn đọc sẽ được sưởi ấm bởi ngọn lửa yêu đời, yêu cuộc sống được nhen lên từ tác phẩm “Chấm phá” của nhà thơ nguyễn Việt Anh.

                                                         Phố Vương Thừa Vũ - Hà Nội, 29-6-2025