‘Người ăn chay’ là tác phẩm tiêu biểu của Han Kang, nhà văn nữ châu Á đầu tiên đoạt giải Nobel văn học, tiếp tục gợi mở suy tư cho công chúng về đời sống cá nhân trước sự ngột ngạt xã hội hiện đại.


“Người ăn chay” được nhà văn Han Kang hoàn thành năm 1997, và nhanh chóng trở thành một hiện tượng của văn học Hàn Quốc. Năm 2024, nhà văn Han Kang là tác giả Hàn Quốc đầu tiên nhận giải Nobel văn học, thì “Người ăn chay” cũng được nhắc đến nhiều nhất và mở ra nhiều cuộc trao đổi chung quanh tác phẩm này.

Không nằm trong khuôn khổ của một cuốn tiểu thuyết đơn tuyến, “Người ăn chay” mang cấu trúc ba phần, được kể lại từ ba góc nhìn khác nhau – những kẻ đứng ngoài tâm điểm, cố gắng cắt nghĩa một sự việc không sao hiểu nổi một người phụ nữ đột nhiên từ chối ăn thịt.

Tuy nhiên, với sự khước từ ấy, mọi trật tự trong đời sống bắt đầu rạn vỡ và bị đặt vào trạng thái chất vấn: gia đình, hôn nhân, dục vọng, cả những giả định về đạo đức và lẽ sống.

Ba truyện ngắn trong “Người ăn chay” tưởng như độc lập, lại hợp thành một cấu trúc chặt chẽ – một tổng thể mà qua đó nhà văn Han Kang dần hé lộ câu chuyện sâu xa hơn về mối quan hệ giữa sự im lặng và quyền tự quyết trong bối cảnh đô thị hiện đại. Nhân vật trung tâm không lên tiếng, không phản kháng, nhưng chính sự im lặng đó trở thành chất xúc tác buộc người xung quanh, và cả người đọc, phải chất vấn những cấu trúc vốn được xem là hiển nhiên. Người ăn chay không xoáy vào hành vi cụ thể mà là quá trình bóc tách từng lớp vỏ xã hội, nơi sự bình thường có thể trở thành một hình thức đàn áp, và sự bất tuân đôi khi trở thành điều không thể chấp nhận.

“Người ăn chay xoay quanh Young Hye, một người phụ nữ bình thường trong một gia đình trung lưu Hàn Quốc, khi cô bất ngờ tuyên bố ngừng ăn thịt sau một giấc mơ bạo lực. Phần đầu là lời kể của người chồng, một nhân vật thờ ơ, đặt nặng sự tuân thủ và nề nếp, đối diện với sự thay đổi của vợ bằng lối ứng xử lạnh lùng và áp đặt. Young Hye bị gia đình chỉ trích, bị ép buộc, nhưng vẫn giữ im lặng, rút lui khỏi mọi nỗ lực điều chỉnh từ bên ngoài.

Phần thứ hai là góc nhìn của người anh rể, một nghệ sĩ bị ám ảnh bởi hình thể, dần trượt vào một hành vi vượt qua ranh giới đạo đức. Phần cuối cùng là câu chuyện từ người chị gái, người chứng kiến sự suy sụp thể chất lẫn tinh thần của Young Hye, đồng thời đối mặt với những mất mát âm thầm trong chính cuộc đời mình.

“Người ăn chay” cũng có thể được xem như một nghiên cứu về sự hình thành của ẩn ức, khi con người không còn khả năng diễn đạt hoặc từ chối tham gia vào xã hội, sự khước từ dần trở thành một hình thức phản kháng cuối cùng. Quyết định từ chối ăn thịt không đơn thuần là thay đổi một thói quen sinh hoạt, mà là một lựa chọn mang tính phủ định toàn diện, từ vai trò, vị trí của người vợ, người con gái đến việc chối nhân dạng và những kỳ vọng đạo đức.

Nhà văn Han Kang khắc họa hình ảnh một người phụ nữ âm thầm rút lui khỏi khuôn mẫu hiện diện mà xã hội kỳ vọng. Tâm lý nhân vật được khơi mở từ một giấc mơ, như một dấu hiệu đầu tiên của sự rạn nứt trong đời sống bị kìm nén. Những giấc mơ với hình ảnh mơ hồ, bạo lực là phản ứng tự nhiên trước những gì mà người ta không thể đối thoại hoặc chống đỡ ngoài đời thực. Trong thế giới ấy, thân thể lại trở thành phương tiện cuối cùng để khẳng định ý chí và giới hạn của mình.

Bên cạnh hành trình nội tâm của nhân vật, “Người ăn chay” đồng thời khắc họa một bầu không khí xã hội Hàn Quốc đặc trưng với nhiều bất an và lạnh lẽo cùng những căng thẳng cá nhân trong bối cảnh một quốc gia đang trên đà phát triển nhanh chóng. “Người ăn chay” cho thấy dư chấn của đô thị hóa, sự va chạm giữa các giá trị truyền thống và hiện đại, giữa quan niệm phổ quát và nhu cầu riêng tư. “Người ăn chay” có ý nghĩa chữa lành, vì cung cấp một suy tưởng sâu xa về thân phận phụ nữ trong xã hội hiện đại, không chỉ bị giới hạn bởi các chuẩn mực mà đôi khi còn bị đẩy vào sự im lặng chịu đựng.



“Người ăn chay” nằm trong dòng chảy nhất quán của sự nghiệp nhà văn Han Kang, viết về những chấn thương tâm lý, cả ở cấp độ cá nhân lẫn xã hội. Chủ đề này hiện diện rõ nét trong các tác phẩm khác như “Bản chất của người (2019” hay “Trắng”. Nhân vật của Han Kang thường vật lộn với những rối loạn nội tâm, áp lực từ xã hội hoặc khủng hoảng hiện sinh. Sự ngắt kết nối với môi trường xung quanh khiến họ dần trở nên xa lạ với thế giới, dẫn đến cô lập và tự vấn sâu sắc.

Nếu “Người ăn chay” đặt thân thể vào trung tâm như một hình thức kháng cự âm thầm, thì “Trắng” là hành trình gắn kết ký ức cá nhân với những tầng biểu tượng của màu sắc, còn “Bản chất của người” đào sâu vào bản năng, bạo lực và sự tan rã của nhân tính trong các tình huống oái oăm.

Dù khác biệt về hình thức và cấu trúc, cả ba tác phẩm đều đặt nền tảng trên một cảm thức chung về một thế giới đang mất cân bằng, con người không chọn phản kháng trực tiếp, mà lặng lẽ tồn tại trong trạng thái dễ bị tổn thương và thường xuyên bị truy vấn số phận. Các tác phẩm còn đặt ra câu hỏi về giới hạn của ngôn ngữ, khi lời nói trở nên bất lực thì con người có thể tiếp tục kết nối, cảm nhận hay chữa lành? Nhà văn Han Kang tìm thấy khả năng biểu đạt mới, bằng biểu tượng và hình ảnh giàu chất thơ.

Trong bài phát biểu nhận giải Nobel Văn chương 2024, nhà văn Han Kang 54 tuổi, chia sẻ: “Viết, với tôi, là một cách để đặt câu hỏi. Tôi không cố gắng tìm ra câu trả lời, mà để hoàn thiện câu hỏi, hoặc để ở lại với câu hỏi đó càng lâu càng tốt.”

Cho nên, có thể hiểu, “Người ăn chay” không nhằm giải thích hay lý giải một lựa chọn cá nhân, mà gợi mở những câu hỏi sâu sắc về bản sắc và tự do cá nhân. Tác phẩm không mang đến câu trả lời, nó tạo ra khoảng lặng để mỗi người tự chữa lành.

                                     NNMT