Đạo diễn Khải Hưng thường "ăn nói bặm trợn", khiến cánh phóng viên khó lọt tai, nhưng với thời gian, những lời nói ấy đều đã chứng minh sự thật, hơn thế như là sự tiên đoán... Ví như trước những lời chê ỉ eo phim của hãng ông, Đạo diễn Khải Hưng tuyên bố: “Quyền xem hay không là ở cái remote. Bạn thấy dở, thấy chán thì bạn tắt mẹ nó đi”.
ĐẠO DIỄN KHẢI HƯNG: MỘT "QUÁI KIỆT" CỦA VTV
TÔ HOÀNG
Nhân 55 năm ngày VTV phát sóng, trong một chương trình phát
muộn, Đạo diễn Khải Hưng có nói vài lời ngắn gọn và "được phép nói"
về bản thân và những đóng góp, cống hiến của mình cho từng ấy năm của VTV.
Với tư cách là một khán giả, cũng là một nhà báo vào đầu
những năm 1990 hay "nhòm" tới công việc của ông, xin bổ sung mấy điểm
sau:
- Đạo diễn Khải Hưng không những là NGƯỜI ĐẦU TIÊN LÀM PHIM
TRUYỆN TRUYỀN HÌNH, khi mọi người còn chưa biết chuyện đó mô tê răng rứa ra
sao..Với những bộ phim truyện truyền hình của mình như "Mẹ chồng
tôi", "Mùa hoa cải trên sông"… ông còn chứng minh sức sống, sức
hấp dẫn của thể loại này. (Trong khi các đạo diễn điện ảnh thường quá khuếch
trương, quá trầm trọng hóa việc làm phim, tựa như truyền hình không thể làm
phim truyện được!? ).
- Chương trình "Văn nghệ Chủ nhật" của ông cùng
với chương trình "VKT" của hai ông TRẦN BÌNH MINH và LẠI VĂN SÂM, là
những bước đi đầu tiên làm "mềm hóa"- tức DÂN CHỦ HÓA các chương
trình phát sóng của VTV.
-Đạo diễn Khải Hưng thường "ăn nói bặm trợn",
khiến cánh phóng viên chúng tôi khó lọt tai, nhưng với thời gian, những lời nói
ấy đều đã chứng minh sự thật, hơn thế như là sự tiên đoán...
Ví như trước những lời chê ỉ eo phim của hãng ông, Đạo diễn Khải
Hưng tuyên bố: “Quyền xem hay không là ở cái remote. Bạn thấy dở, thấy chán thì
bạn tắt mẹ nó đi”.
Hay khoảng cuối những năm 1990, khi VTF còn rất hiếm hoi đạo
diễn phim truyện truyền hình mà để làm phim truyện, nhà đài thường phải nhờ đạo
diễn điện ảnh bên ngoài làm giùm. Trong một cuộc họp nội bộ VFS, đạo diễn Khải
Hưng đã tuyên bố một câu xanh rờn: "Tất cả đàn ông ở Hãng ta đều làm đạo
diễn được hết. Trừ đàn bà". Thực tế làm phim của VFS những năm sau này
đúng là như vậy!
Thành thử phải ghi nhận thêm, ông Khải Hưng còn rất có công
trong việc "con chị dắt díu con em"- Tức khâu tự đào tạo lấy đạo
diễn, quay phim, thiết kế mỹ thuật...và cả diễn viên nữa! Để thỏa mãn nhu cầu
"tay không bắt giặc" của mình!
LỜI SAU CÙNG: Trong 55 năm phát sóng của VTV có 2 giai đoạn:
- Giai đoạn của Tổng giám đốc PHẠM KHẮC LÃM:
VTV cứng cỏi, khó xem, không hấp dẫn, thiếu hẳn tính giải
trí.. Hình như để bảo đảm sự đúng đắn, tính nghiêm cẩn, không sai chệch đường
lối… VTV cần giống hệt như một TTX được minh họa bằng hình.
- Chuyển sang thời Tổng giám đốc HỒ ANH DŨNG: Dần dần VTV thay
da đổi thịt. Tươi tắn, mềm mại hơn, cuốn hút hơn… váy ngắn, váy dài, uốn éo,
ngúng ngẩy đều OK cả. Và những trai thanh, gái đẹp cả nước lọt vào ống kính.
VTV ủng hộ, đề cao CÁI TÔI SÁNG TẠO và TÀI NĂNG CÁ NHÂN, VTV xích gần lại truyền
hình của các nước.
Tôi không làm trong đài, nhưng cứ như sự hiểu của tôi, danh
sách "NHỮNG CHIẾN SỸ ĐẶT BỘC PHÁ MỞ HÀNG RÀO, DỌN ĐƯỜNG TỚI CON ĐƯỜNG CỞI
MỞ, ĐỔI MỚI, TIẾP CẬN GẦN CUỘC ĐỜI THỰC HƠN phải ghi công những tên tuổi này:
KHẢI HƯNG, TRẦN ĐĂNG TUẤN, TRẦN BÌNH MINH, LẠI VĂN SÂM, TẠ BÍCH LOAN và còn rất
nhiều. rất nhiều anh chị em khác mà tôi
không tường tận.
Và theo ý riêng tôi, không thể, không được quên tên TỔNG
GIÁM ĐỐC HỒ ANH DŨNG!