Nguyễn Tiến Thanh lặng lẽ viết thơ như người gieo hạt lùi vào trong. Anh vừa hoàn thành bản thảo cuốn sách mới nhất "Những câu thơ không cần cứu ai, nhưng cứu người viết" với tâm niệm: “Tôi không tin mọi thứ đều được sắp đặt. Nhưng tôi tin có một thế lực nào đó rất giỏi casting (tuyển chọn) những tình huống kỳ cục, để đẩy ta vào những cảnh không ai viết kịch bản nhưng lại rất đúng vai”.
@ Cuối
cùng thì "Những câu thơ không cần cứu ai, nhưng cứu người viết" sẽ sớm
ra mắt độc giả. Không biết có phải là mâu thuẫn, khi ngày càng ít người hào hứng
với thơ thì anh lại dành nhiều thời gian, khi chính anh vô cùng bận, để hoàn
thiện 9 chương 163 khúc của tiểu luận này?
Không,
không mâu thuẫn đâu. Có chăng, chỉ là một kiểu nghịch lý đẹp - như việc vẫn có
người trồng hoa bên cạnh nhà máy lọc dầu. Nói cách khác, đó là một dạng tồn tại
ngược chiều và tôi chọn ở lại trong dòng chảy đang cạn. Chúng ta đang sống
trong một thời đại mà thơ bị xem như một "đơn vị văn hóa không còn khả
năng sinh lợi".
Tôi không
viết "Những câu thơ không cần cứu ai, nhưng cứu người viết" để chứng
minh thơ vẫn còn giá trị. Khi ngày càng ít người còn hứng thú với thơ thì lại
càng cần có ai đó lặng lẽ ngồi viết. Không phải vì tin rằng thơ sẽ "quay lại
mạnh mẽ" hay "hồi sinh thị phần", mà vì với tôi, thơ không bao
giờ là chuyện đông hay vắng.
Tôi không
viết 9 chương 163 khúc đó để chứng minh điều gì. "Những câu thơ không cần
cứu ai, nhưng cứu người viết" là một cách tôi nói lời cảm ơn với cái im lặng
đã cho mình sống sót. Là một thứ nhật ký không gửi. Là cách tôi chứng thực mình
từng sống, từng run rẩy, từng có một đoạn đời không thể số hóa. Chừng nào tôi
còn cần thơ để tiếp tục trải nghiệm những dư vị cảm nhận được từ đời sống, tôi
sẽ còn viết.
@ Nguyễn
Tiến Thanh nổi tiếng trong giới văn chương với hình ảnh một thi sĩ hào hoa đậm
chất lãng tử, nhưng thi sĩ sau đó đã ẩn mình. Điều gì đã thôi thúc anh trở lại
với thơ sau thời gian dài tập trung vào công việc quản lý báo chí, xuất bản?
- Thật ra,
tôi chưa từng "rời khỏi thơ" - chỉ là thơ rút vào hậu trường, còn tôi
thì mải bận… làm việc, họp hành, ký nháy văn bản. Trong gần 20 năm, tôi không
còn viết thơ. Nhưng thơ không rời tôi. Nó nằm trong giọng nói, trong cách tôi
biên tập một bài báo, trong cách tôi chọn một nhan đề, hay chỉ là cách tôi im lặng
giữa một cuộc họp.
Thơ, với
tôi, không phải là nơi để đến, mà là nơi chờ - dù mình không quay lại. Thật
lòng mà nói, tôi không trở lại với thơ một cách chủ động, mà là… bị thơ phục
kích trong thời điểm yếu lòng nhất: mùa giãn cách. Thời điểm ấy, mọi thứ ngoài
kia đều dừng lại: cuộc họp chuyển sang online, deadline thì delay, lịch trình
thì xóa trắng. Lần đầu tiên sau nhiều năm, tôi có một khoảng trắng thật sự
trong đời sống.
Ban đầu,
tôi nghĩ mình sẽ tranh thủ đọc sách, nấu ăn, thiền định… như người ta hay
khuyên. Nhưng không. Tôi bắt đầu… dọn tủ. Và tôi tìm thấy một tờ giấy nháp có
chép một câu thơ mình từng viết hồi chưa biết cách dùng Excel.
Cũng trong
lúc đó, tôi nhận được tin nhắn Messenger của một người không quen từ bên kia
bán cầu, tận Canada, gửi tôi một bài thơ cũ và hỏi rằng: "Xin lỗi, cho tôi
hỏi bác có phải là tác giả bài thơ này không". Tôi ngạc nhiên, vào đường
link mà người bạn Facebook ấy gửi thì thấy một đoạn status kể về những ký ức thời
sinh viên. Đọc "tút"này, tôi khá choáng váng vì không nghĩ hình ảnh cậu
sinh viên khoa văn "lởm khởm" làm thơ, tóc dài đi guốc mộc lại được
lưu giữ trong ký ức bạn bè một cách "phi hiện thực" như vậy.
Thế là tôi
cầm lại bút - không phải để "trở lại với thơ" một cách long trọng, mà
vì nếu không viết lại, tôi sợ mình sẽ biến thành một người đàn ông chỉ còn biết
viết email theo mẫu và cảm xúc theo phím tắt.
@ Nhà
thơ Nguyễn Quang Thiều từng ví thơ anh như "hương trầm". Anh có nghĩ
rằng vai trò quản lý báo chí, và hiện nay là Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Nhà
Xuất bản Giáo Dục, với những áp lực và trách nhiệm, đã góp phần làm đậm thêm chất
"trầm" trong thơ mình?
- Tôi
không dám tự ví mình là hương trầm. Nhưng nếu thơ tôi có gì đó "trầm"
- như anh Nguyễn Quang Thiều nói - thì có lẽ là vì tôi cũng đã đi qua đủ nhiều
những khu rừng của công việc, của áp lực, của những chữ nghĩa không còn hương.
Tôi từng sống giữa một rừng văn bản mà mỗi chữ là một con số, mỗi câu là một
yêu cầu và mỗi đoạn văn là một cuộc thương lượng deadline.
Và giữa
khu rừng đó, tôi lặng lẽ viết thơ như người… gieo hạt lùi vào trong. Không nảy
mầm ngay. Nhưng đợi. Có khi thơ nằm trong tôi cả năm không ai đọc, nhưng nó vẫn
âm thầm biến gỗ thường thành lõi trầm.
@ Tò mò
một chút, một người lãng tử sống chung với một nhà báo kỳ cựu mà nhiều người gọi
là "vua báo thị trường" trong anh có phải là điều mâu thuẫn?
- À, câu hỏi
hay đấy. Và nhìn qua thì đúng là mâu thuẫn. Tôi mà "lãng tử"? Cũng
đúng - ít nhất là trong lòng vài người… không làm việc với tôi sau 18 giờ. Còn
"vua báo thị trường"? Xin đính chính - tôi chỉ là người viết báo
nghiêm túc. Nhưng hai ông đó không đá nhau. Thậm chí còn… hỗ trợ nhau nữa. Ông
"báo thị trường" giúp tôi tỉnh táo, biết deadline, biết độc giả không
rảnh để đọc những câu thơ dài 3 trang chưa xuống hàng. Còn ông "lãng tử
làm thơ" thì cứu tôi khỏi việc trở thành một cái máy biết viết nhưng không
còn biết cảm.
Người làm
báo trong tôi dạy tôi cách nói ít mà trúng. Còn người làm thơ dạy tôi… giữ lại
phần chưa kịp nói - để mai còn sống.
@ Với
vai trò Trưởng Ban Truyền thông của Hội Nhà văn Việt Nam, anh từng nói muốn
khôi phục lại không khí thơ ca ngày xưa. Bao giờ cho đến ngày xưa có khó lắm
không, và cần bắt đầu từ đâu, thưa anh?
- Thật ra,
nếu hỏi có khó không thì tôi xin trả lời ngay: Khó ngang với việc tổ chức đêm
thơ trong khi mọi người đang bận chạy KPI và gỡ đơn hàng trên sàn thương mại điện
tử.
Nhưng mà
có làm được không? Tôi tin là có. Với vai trò hội viên, Trưởng Ban truyền thông
của Hội Nhà văn Việt Nam, tôi không mơ biến thơ thành "hiện tượng mạng".
Tôi chỉ muốn giúp thơ tìm lại đường về với những người từng lặng lẽ yêu nó
nhưng quên mất đường quay lại.
@ Cuộc
đời, ngẫm lại, anh có nghĩ là đều được số phận sắp đặt không? Mọi điều trong cuộc
sống của ta đều do những cơ duyên tạo thành?
- Vâng.
Nhưng số phận có vẻ không giỏi lên kế hoạch và cơ duyên thì rất thích đến trễ.
Có những
điều trong đời tôi xảy ra theo kiểu: Tôi chuẩn bị rất kỹ một kế hoạch - rồi nó
trượt khỏi đường ray như thể… đời đang dùng một file kịch bản khác. Có khi tôi
chỉ vô tình rẽ ngang, mà lại mở ra cả một hành trình dài hơn mọi dự định.
Nên tôi
không biết gọi đó là "số phận", "duyên" hay "may rủi".
Tôi chỉ biết rằng có những thứ mình không thể tính, mà nó vẫn xảy ra và có những
điều mình tính rất kỹ, mà nó vẫn không đến. Tôi không hoàn toàn tin rằng mọi thứ
đã được lập trình trước. Nhưng tôi tin có những lúc cuộc sống sắp đặt các mảnh
vỡ rất khéo, để khi mình quay đầu nhìn lại, mới thấy: À, hóa ra mình đã được đẩy
đến đúng chỗ - bằng cả những lần lạc đường.
YẾN
ANH
Nguồn: Người Lao Động