Hiện nay có tới 70-80% sản phẩm điện ảnh nội địa tung ra thị trường là do tư nhân xuất vốn bỏ vốn. Mà làm phim về chiến tranh, ngoài nhiều yêu cầu phức tạp khác, thì đồng vốn bỏ ra là rất lớn. Chơi canh bạc không cầm chắc lỗ lãi, thắng thua trong tay này là điều hầu như các nhà làm phim tư nhân đều né tránh.
LÀM PHIM VỀ ĐỀ TÀI CHIẾN TRANH LÀ TRÁCH NHIỆM CỦA NHÀ
NƯỚC
(Tham luận tại Hội thảo phim về đề tài chiến tranh, LHP
Châu Á Thái BÌnh Dương 7/2025)
TÔ HOÀNG
Hình như cũng đã lâu lâu rồi, bước qua hai năm 2024 - 2025,
mạch nguồn phim về đề tài chiến tranh mới lại có dịp khơi thông trong đời sống
màn ảnh của nước ta.
Năm 2024 có phim “Đào, Phở, Piano” của đạo diễn Phi Tiến
Sơn. Bước qua năm 2025 có phim “Địa đạo- Mặt trời trong bóng tối” của đạo diễn
Bùi Thạc Chuyên. Và nghe nói, vào khoảng tháng chín tới sẽ có bộ phim “Mưa đỏ”
của nữ đạo diễn Đặng Thái Huyền.
Cũng nên nói ngay, ba bộ phim này đều ra đời trên cái
nền của những dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn của dân tộc: 70 năm giải phóng Thủ
đô, 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 70 năm chiến thắng Điện
Biên Phủ, 80 năm thành lập QĐNDVN, 50 Chiến dịch Thành cổ Quảng Trị, 80 năm
thành lập nước.
Có được ngần ấy bộ phim màn ảnh lớn, với sự đầu tư tiền
bạc, công sức và chất xám cho xứng với tiêu chuẩn của phim điện ảnh, xứng với
những tiêu chí của loại phim nghệ thuật là một điều rất đáng mừng.
Nói nay, vô tình tôi bỗng nhớ tới một thuở chưa xa…
Tôi muốn trở về với một thời kỳ hoàng kim của Điện ảnh
Việt Nam – giai đoạn từ những năm 1986, 1987 (sau Đại hội Đảng lần VI) đến những
năm 2000, phim truyện điện ảnh bị phim truyền hình và phim thương mại “ăn tươi
nuốt sống”
Trên cái nền bung nở chung của giai đoạn này, theo ý
riêng tôi, dòng phim về đề tài chiến tranh đã gặt hái được những thành công như
chưa bao giờ từng có.
Hãy nhớ tới những bộ phim như “Ngã ba Đồng Lộc”, “Hà Nội
mùa đông năm 1946”, “Mùi cỏ cháy”, “Người đàn bà trên chuyến tầu tốc hành”, “Đời
cát”, “Bến không chồng”, “Những người viết huyền thoại”, “Đừng đốt”..
Ngần ấy bộ phim màn ảnh lớn dành riêng cho mảnh đề tài
chiến tranh trong vòng trên dưới một chục năm – con số ấy phải coi là một kỷ lục, một chiến
công, trên nền bức tranh chung sự tồn tại và phát triển của nền Điện ảnh dân tộc.
Nếu phim về chiến tranh ra đời trong những năm kháng
chiến chống Mỹ cứu nước (1964-1975) hầu như chỉ nhắm đích đến là cổ súy cho
lòng yêu nước, đề cao chủ nghĩa anh hùng; con người- nhân vật như bị bết dính
vào nhau trong những tập thể khó tách bạch và vì thế phim mắc phải những căn bệnh
công thức, giáo điều, sơ cứng cũng là điều dễ hiểu.
Phim về đề tài chiến tranh trong thời điểm sau Đổi mới
– có thể nói là LẦN ĐẦU TIÊN thể hiện được cả cái BI lẫn cái TRÁNG, cả CHIẾN
CÔNG lẫn NHỮNG MẤT MÁT HY SINH. Điểm càng đáng nói hơn là Con người trong những
bộ phim này được bóc tách khỏi những ĐÁM ĐÔNG, trở thành những CÁ NHÂN, những
THÂN PHẬN CỤ THỂ, vừa là NGƯỜI HÙNG của chiến trận vừa là NHỮNG SINH LINH hứng
chịu mọi khổ đau, mất mát do chiến tranh đổ ụp xuống đầu, để vượt lên những nghịch
cảnh, những thách đố.
Phim truyện màn ảnh lớn của chúng ta trong “kỷ nguyên
vàng” ấy- cả phim về đề tài xã hội nói chung, phim về đề tài chiến tranh nói
riêng- đã thực sự chín muồi, đã đi đúng quỹ đạo nghệ thuật; không thua kém gì
các phim truyện trong khu vực như Indonesia, Thái Lan, Malaysia… Có những bộ
phim về chiến tranh đã đụng chạm tới những yêu cầu nhân văn nhân bản mang tầm cỡ
nhân loại như “Đời cát”, “Đừng đốt” để được ghi nhận tại các LHP khu vực và thế
giới..
Tại sao điện ảnh chúng ta nói chung, phim truyện về đề
tài chiến tranh nói riêng đạt tới KỶ NGUYÊN VÀNG NHƯ THẾ?
Theo chúng tôi có hai nguyên nhân cơ bản:
1/ Đó trước tiên là có làn gió DÂN CHỦ, CỞI MỞ TRONG CÔNG
CUỘC ĐỔI MỚI được bắt đầu từ Đại hội Đảng lần thứ 6, năm 1986. Dám nhìn thẳng
vào sự thật, tránh bệnh công thức giáo điều- tinh thần này khiến lĩnh vực duyệt
kịch bản, duyệt phim; nhìn nhận, đánh giá phim vượt qua nhiều căn bệnh trước
đây. Sinh hoạt văn học đi tiên phong bằng những đổi mới trên tờ báo “Văn Nghệ”
với những bài ký như “Cái đêm hôm ấy đêm gì”, “Vua lốp”, truyện ngắn của Nguyễn
Huy Thiệp, tiếp tới là những vở kịch của Lưu Quang Vũ, là giải thưởng tăng cho
các cuốn tiểu thuyết như “Nỗi buồn chiến tranh”, “Bến không chồng”, “Mảnh đất lắm
người nhiều ma”… không thể không ảnh hưởng
tới không khí sáng tác của các nhà biên kịch, các đạo diễn.
Cũng không kém phần quan trọng là trong thời kỳ này
phim Mỹ, Pháp cùng phim của các nước châu Âu, phim Hồng Kong, Đài loan, Nhật bản…được
thoải mái, không bị cắt xén chiếu trên các màn ảnh, tivi nước ta.
Còn một nguyên nhân cũng rất cơ bản khác- rất quan trọng,
đó là việc Nhà nước tiếp tục đầu tư vốn liếng cho việc làm phim. Tất cả những bộ
phim về đề tài chiến tranh thuở ấy được nuôi dưỡng bằng bầu sữa bao cấp. Người
nghệ sỹ được dành toàn tâm toàn ý cho công việc sáng tạo nghệ thuật; không hề
phải lo tới việc lỗ lãi, có khách hay không. Nói điều này bây giờ xem ra có vẻ
nghịch nhĩ. Nhưng nếu suy nghĩ theo hướng này: Phim về đề tài chiến tranh chủ yếu
nhắm cái đích tuyên truyền, giáo dục, làm rạng rỡ cho non sông đất nước, tô thắm
các trang sử dân tộc thì việc Nhà nước bao cấp cho dòng phim ấy lại là điều hợp
lý và tự nhiên.
Bước qua cơ chế thị trường, khi đồng tiền và phép tính
lỗ lãi hoành hành trên lĩnh vực làm phim, dòng phim chiến tranh –nói trên đại
thể - đã bị tắc mạch.
Vì những nguyên do gì đây?
-Làn gió dân chủ vẫn còn đó, không những thế ngày cành
trở thành một nếp sống, nếp suy nghĩ, phương hướng, xu thế hành động của toàn
xã hội, trước yêu cầu hòa nhập với cộng đồng thế giới. Hầu như, trong lĩnh vực
phim ảnh, mọi khai phá, mọi thể hiện mới mẻ, sâu sắc về phương diện phác họa
nên diện mạo và gương mặt tinh thần của con người trong quá khứ chiến tranh,
trong đời sống hôm nay không còn bị xét nét, cấm đoán, cắt chỗ này, loại bỏ chỗ
kia. Thật là một lợi thế đối với giới sáng tạo.
Vấn đề nổi lên là ở những phương diện khác:
-Phim chiến tranh không cuốn hút được khán giả, đặc biệt
là khán giả trẻ tới rạp, sẽ thất thu ư? Thành công hút khách tới rạp và doanh
thu của “Đào, phở và piano” và “Địa đạo- mặt trời trong lòng đất” đã khẳng định
một điều: Nếu chúng ta làm ra những bộ phim về đề tài chiến tranh mà hay, mà hấp
dẫn, mà đi đúng quỹ đạo nghệ thuật, người xem không hề quay lưng.
Việc thông thụt chỗ tắc nghẽn nằm ở một phương diện
khác. Chúng ta đều biết, hiện nay có tới 70-80% sản phẩm
điện ảnh nội địa tung ra thị trường là do tư nhân xuất vốn bỏ vốn. Mà làm phim
về chiến tranh, ngoài nhiều yêu cầu phức tạp khác, thì ĐỒNG VỐN BỎ RA LÀ RẤT LỚN.
Chơi canh bạc không cầm chắc lỗ lãi, thắng thua trong tay này là điều hầu như các
nhà làm phim tư nhân đều né tránh.
Từ đây, hiển hiện rành rõ một kiến nghị: Nhà nước phải
chất lên vai mình TRÁCH NHIỆM và NGHĨA VỤ ấy. Tức phải mở rộng hầu bao, đầu tư
thích đáng cho những phim về chiến tranh . Đồng thời nếu những dự án làm phim
chiến tranh của những hãng phim tư nhân mà đạt những yêu cầu cần thiết, Nhà nước
cần chung lưng, phụ trợ về vốn liếng, theo tinh thần “thành công thì chia sẻ, rủi
ro thì cùng chịu”
Là một người lính, đã trải qua 10 năm chiến tranh ở 2
mặt trận Bắc Đường Chín- Khe Sanh và Tây Nguyên- 2 chiến trường khá tiêu biểu
cho sự ác liệt về mặt bom đạn và đói rét, đói ăn-bằng những gì đã sống trải-tôi
tin rằng, cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước vẫn còn là một mỏ
vàng, nhiều tầng, nhiều vỉa mà phim ảnh của chúng ta chưa đụng chạm tới được
bao nhiêu.
Ví dụ, bạn trẻ biết không, trên khắp dọc ngang tuyến
đường Trường Sơn thuở ấy, tuyệt nhiên không có một câu cầu nào cho xe chạy, cho
quân đi được bắc bằng sắt thép. Bộ đội thường chọn những thân cây to, đốn ngã
sao cho gốc ở bờ bên này, ngọn gác sang bờ bên kia làm thanh giầm chủ yếu cho
cây cầu.
Ví như, ai có thể ngờ rằng chúng ta đã bắc được cả một
hệ thống đường dẫn dầu từ ngoài Bắc, vượt qua sông sâu, núi cao vào tận tới chiến
trường miền đông Nam Bộ.
Ví như, sau năm 1969, khi bom đạn Mỹ-Ngụy đánh phá quyết
liệt tuến đường vận tải chiến lược 559 ngăn cản nguồn gạo từ hậu phương lớn chi
viện cho tiền tiến, ở hai chiến trường B3 và B5, bộ đội đã phát nương chỉa lúa,
trồng sắn để tự túc 6 tháng lương thực,
không nhận của miền Bắc.
Ví dụ, lính tráng toàn tuổi đôi mươi. Sao ở mặt trận
không hề có chuyện hiếp đáp, không có dịch vụ “cung cấp gái” cho lính…Mà lính
tráng vẫn sống hồn nhiên, khỏe khoắn.Tôi đã nghe một số Việt Kiều giải thích rằng
do “phía bên các ông cho lính uống thuốc diệt dục”. Oan uổng thế đấy!
…
Đương nhiên những sự việc như thế đã là “chuyện nhỏ”,
chuyện của quá khứ
Thập niên những năm 2020 cũng sắp qua được một phần tư.
Cái ước ao của cụ Hemingway “giã từ vũ khí” hay của một nhà điêu khắc Xô Viết tạc
nên bức tượng “Phá kiếm đúc lưỡi cày” để ông Nhikita Khrutsov tặng Liên Hiệp quốc…ý
tưởng đó hôm nay trở nên xa vời, hầu như viễn tưởng.
Khi chiến tranh lấp ló ở ngay trươc ngưỡng của, nhân
loại rât cần bấu víu vào lòng yêu nước, tinh thần dám xả thân, chủ nghĩa anh
hùng, những điều đã trở thành chân lý như “ lấy ít thắng nhiều”, “con người quyết
định tất cả chứ không phải là vũ khí”…thì những “chuyện nhỏ” như trên vẫn sống
động, đầy sức thuyết phục, vẫn ánh lên tinh thần quật cường, của những dân tộc
nhỏ bé không chịu khuất phục trước các siêu cường.
Từ đây có thể khẳng định: Phim về đề tài chiến tranh khi vượt ra khỏi biên giới nước ta- tin rằng vẫn có thể tìm lược tiếng đồng vọng, sự nghênh tiếp trên màn ảnh thế giới…