Trần Lê Khánh có dáng người mảnh khảnh, trắng xanh, kiến
văn rộng và trải nghiệm dày. Nhưng, tôi vẫn ấn tượng nhất chính là ánh mắt “mịt
mờ nhân ảnh”. Tôi chẳng biết đặt tên ánh mắt ấy. Bởi nhìn vào đó, sẽ dễ bị cuốn
vào biên miên câu chuyện anh kể.
TRẦN LÊ KHÁNH chọn
ẩn trú tâm thức giữa cuộc trần
TỐNG PHƯỚC BẢO
1.
Đó là một chiều chớm hạ nắng hong vàng phố xá, tôi gặp
Trần Lê Khánh, lần đầu tiên, dẫu đã đọc, đã nghe về anh rất nhiều. Dĩ nhiên,
tâm thế lúc đó là một cảm giác đầy thắc mắc. Một phần bởi thơ anh, và có cả những
câu chuyện vây quanh anh. Nhưng, sau cuộc gặp ấy, khi bóng lưng anh khuất dần
vào hối hả thị thành này, tôi lại thấy mình hạnh ngộ được một sự bằng an từ trường
năng lượng của một nhà thơ.
Tôi vẫn hay nói cùng tiến sĩ Hà Thanh Vân rằng thơ của
Trần Lê Khánh không dành cho ai đọc vội. Bởi cái cách gieo và gặt đầy những ẩn
nghĩa, thậm chí đôi lúc mênh mang trong một suy niệm mà không dễ để liên tưởng
được vùng không gian, thời gian. Câu chữ có tính quyến dụ. Một khi đắm đuối vào
nó có nghĩa rằng ta mặc cả nhân gian để chìm vào một vùng xa lạ. Cứ thế trôi.
Cuộc thấu cảm và hạnh ngộ là một cuộc ruổi rong đầy kỳ bí. Khám phá cuộc viễn
du miền chữ luôn là hấp lực không thể cản nổi. Đó là cảm giác khi tôi khép tập
thơ “Đồng” của Trần Lê Khánh lại. Tập thơ đoạt giải thưởng năm 2024 của Hội nhà
văn Việt Nam. Một tập thơ náo động và gây ra phản ứng trái chiều. Và điều này,
khiến tôi tò mò để tìm đọc tác phẩm và tìm gặp tác giả.
Phút giây đầu tiên chạm ánh mắt anh, chạm vào câu chuyện
của thơ anh tôi lại thấy ở con người này có một trường năng lượng khá mạnh. Trần
Lê Khánh đã thiền rất lâu rồi. Với anh, thiền mỗi ngày là khoảng thời điểm để
anh tìm ra cho mình một bản thể mới. Bản thể này vượt thoát lên để tái tạo một
năng lượng sống và viết. Hay nói một cách khác, sự thanh lọc tâm hồn, nguồn
năng lượng mới cho nhà thơ những niệm lành sâu hoắm của câu chữ. Như chính anh
kể, trong tập thơ “Đồng” có những câu từ nó nhảy ra tâm thức một cách cuồn cuộn,
đến nỗi giữa đường từ miền Tây về lại Sài Gòn, anh phải tấp xe vào lề, và ghi vội.
Ghi hí hoáy như thể sợ chữ như mây, nếu chạm khắc giây không kịp níu lòng sẽ
bay ngay vào thinh không và tan loãng giữa trời lãng du.
2.
Trần Lê Khánh có dáng người mảnh khảnh, trắng xanh, kiến
văn rộng và trải nghiệm dày. Nhưng, tôi vẫn ấn tượng nhất chính là ánh mắt “mịt
mờ nhân ảnh”. Tôi chẳng biết đặt tên ánh mắt ấy. Bởi nhìn vào đó, sẽ dễ bị cuốn
vào biên miên câu chuyện anh kể. Đôi lần từ lời kể bằng âm giọng trầm đều, tôi
nhìn ánh mắt anh, thấy hồ như cả câu chuyện đang hiện diện nơi đấy mắt ấy.
Nhưng, sự hiện diễn ấy, không rõ ràng, mờ ảo và chập chờn. Đủ khiến mình phải lắng
nghe, và vừa vặn cho một nỗi chờ. Chờ câu chuyện anh hạ màn, chờ tiếng thở nhẹ
tênh sau một cao trào và thấy mình bắt đầu lắng lại để chiêm nghiệm. Tôi nghĩ
Trần Lê Khánh đã đem những thứ ấy vào thơ, để độc giả đọc anh, đều thở dài và
suy niệm sau mỗi dòng chữ của anh.
Anh bảo đã từng gặp tôi, cách đây vài năm, trong một tọa
đàm thơ. Anh nhắc kĩ càng về cuộc gặp ấy, khiến tôi ngỡ ngàng. Hóa ra anh lặng
lẽ nhưng không đứng ngoài cuộc văn chương. Anh đứng lùi xa, nhìn sự náo động. Rồi
lại chọn lưu lại trong mình những điều cần thiết về thơ, về bạn văn và cả những
chuyện trong làng. Biết để im. Thấy để ngẫm. Nghe để hiểu. Và chạm để xác thực.
Đó mới là tính cách thực của Trần Lê Khánh. Nhưng, tôi nghĩ rằng, nếu hữu duyên
ngồi cùng anh, sẽ thấy một Trần Lê Khánh dù ẩn hiện trong làng văn, thoắt chốc,
nhưng là một người quyết liệt với chuyện của làng. Bởi tư duy của anh chính là
tư duy hành động. Trong câu chuyện của buổi trưa hôm ấy, anh hăng say nói, trầm
tư nghĩ và luôn đưa ra những phương án đề giải quyết trực diện, thấu đáo rất
nhiều vấn đề văn chương trong thời đại mới và tình thế mới.
3.
Có lẽ nơi ẩn trú cuối cùng của con người là trong
chính mình. Nhưng “mình” chính là ai, đang ở đâu, ngoại hình thế nào thì luôn
là câu hỏi muôn thuở của chúng ta. Với Trần Lê Khánh, tập thơ “Đồng” khi anh viết
xuống, có lẽ không gì khác hơn là hành trình đi tìm khuôn mặt thật của “mình”,
nhận diện nó thông qua những tương tác của con chữ trong tâm thức. Nên nếu gọi đó
là một “trường ca” cho chính bản thân anh thì chắc cũng không sai.
Người ta nói, nơi ẩn trú bao giờ cũng phải là nơi an
toàn nhất. Nhưng nơi ẩn trú trong tâm thức, ngược lại, là nơi nguy hiểm nhất.
Thật sai lầm khi nghĩ về sự an toàn. Nếu an toàn, sẽ trở thành biến tướng của
cái “tôi” và bản ngã. Khi ở trong tâm thức, nó sẽ là phi logic, phi tuyến tính
và ở đó ta phải đánh mất chính ta, để tìm “chính mình “giữa “cuộc trần”. Khi
tôi đặt câu hỏi, Trần Lê Khánh đã tỏ ra thích thú với “tâm thức tôi” trong niệm
ý “cuộc trần” của tập thơ “Đồng”. Anh đã thẳng thắn trả lời: “Tôi thích cách đặt
câu hỏi có chữ “cuộc trần” này. Cuộc trần làm cho thơ có chỗ đứng cũng như giúp
cho thơ cao hơn hẳn mà không mất đi những niềm vui hoặc những ý nghĩa sâu xa
hơn mà thơ sẽ mang lại. Và cuộc trần, có nghĩa là mọi thứ rồi sẽ qua đi, tôi
đoán rằng chỉ còn mỗi “chất thơ” là còn ở lại.”
Cá nhân tôi khi đọc thơ Trần Lê Khánh, lại thoáng nghĩ
phải chăng câu chữ anh luôn khởi phát từ một sự vô định nào đó, không chủ đích,
nhưng khi hạ bút tự khắc thơ cất cao thanh âm của thế nhân giữa phù vân ải đời.
Trong cuộc gặp gỡ ngày hôm ấy, Trần Lê Khánh không có
ý so sánh, nhưng anh lấy ví dụ như một cây nở ra hoa, chắc là nó cũng chẳng định
hình nở ra sao, nghiêng về phía nào, từng cánh phải mở rộng đến mấy, và cũng
không màng tới việc mang đến nhân gian sự thưởng ngoạn. Thì văn chương cũng vậy.
Khi một tác giả viết ra, chẳng thể lường trước được đời sống của tác phẩm mình.
Trần Lên Khánh chẳng cố tình đưa vào các triết luận, mà mỗi khi viết, con chữ
thay đã quan sát mọi thứ xung quanh theo góc độ riêng biệt. Việc sáng tác của
anh mang tính nguyên thủy và tự nhiên. Tự mỗi bài thơ sẽ thay nhà thơ để tìm đến
những độc giả của chúng.
4.
Hôm đó, cuộc gặp của chúng tôi còn có nhà thơ Song Phạm,
một cây bút thơ mà tôi quen tên từ những năm mình mười tám đôi mươi. Dù đã tạm
rời xa trang thơ rất lâu, để tìm cảm hứng từ các bức tranh. Những tưởng hạ bút
cầm cọ là đã lạnh lòng với thơ. Nhưng, khi đọc tập thơ “Đồng” giữa buổi mọi người
đang luyên thuyên thì Song Phạm lại thốt lên chính mình tìm thấy một khát khao
quay về cùng thơ. Song Phạm không phải là người dễ đọc, lại càng không phải là
người dễ khen. Dẫu chỉ là lời thốt bất giác ấy, nhưng tôi tin một năng lượng dẫn
dắt và kết nối câu chữ của Trần Lê Khánh đã khiến ngọn lửa đam mê lại được nhen
lên trong lòng của Song Phạm.
Ngay cả nhà thơ Trần Lê Sơn Ý, một chuyên gia “ở ẩn”
trong các cuộc tụ bạ của văn giới TPHCM, ngày hôm đó cũng đến và ngồi lại tận
cùng để háo hức lắng nghe nhiều câu chuyện quanh nẻo về của niệm ý với văn
chương. Tôi đùa rằng, có lẽ giữa bủa vây thị phị thì chính sức mạnh của “đồn thổi”
đã khiến cả nhóm dù bận rộn vẫn chắt chiu, nhín chút thời gian để ngồi lại với
thơ, với Trần Lê Khánh, và với những ngỡ ngàng của quý trọng. Mà ngay cả tiến
sĩ Hà Thanh Vân cũng đầy háo hức khi biết cuộc gặp ngày hôm ấy, nhóm quyết tâm
“mổ xẻ” Trần Lê Khánh. Vừa xuống sân bay cho chuyến đi phượt ở xứ Nghệ là chị vội
vàng bắt xe đến ngay điểm hẹn để cùng nhau “chém gió” rôm rả.
Với bủa vây vào thơ và mình, Trần Lê Khánh lại an tĩnh
lạ kỳ. “Trong thời đại mạng xã hội nó có sức mạnh ghê gớm. Bạn không thể đương
đầu với nó nếu không trở về nơi “trú ẩn” trong tâm thức của mình, và bình thản.”.
Đó là câu trả lời khi tôi hỏi về cách anh nghe thấy những thị phi chỉa vào
mình. Nhưng, với Trần Lê Khánh, thị phi, ở một khía cạnh là đầy tính tích cực với
thơ. Ghét không hề đối nghịch với yêu.
Sự bàng quang mới là đối nghịch, nhất là trong thời đại
hiện nay. Thơ sợ nhất là sự bàng quang, thờ ơ. Có thị phi, có nghĩa là nhà thơ
có cơ hội tìm được những độc giả cho mình hơn trước. Người làm thơ, có những
người chọn số đông, họ sẽ dễ dàng chinh phục ở lớp bề mặt. Có những người họ
không quan tâm lắm, cánh cửa mở hay đóng trong ngôi nhà của họ thì không phải
là vấn đề. Chỉ cần ngọn đèn dầu và chiếc bóng nhẹ hều của ngọn lửa in trên bức
tường là đủ!
Và Trần Lê Khánh là thế, tựa câu thơ anh viết: “hỡi
người mang kiếp đa đoan/ đừng qua con phố đang mang bụng người”. Sống và viết bẫng
nhẹ, câu nệ chi khuôn thước.
Nguồn: Văn Nghệ Công An