Xuân Quỳnh là một nữ sĩ được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2017. Nếu những bài thơ hay nhất của Lưu Quang Vũ đã “ký tên Xuân Quỳnh và đưa vào các tập thơ riêng của Xuân Quỳnh”, thì giới phê bình văn học phải đánh giá lại thành tựu thơ Xuân Quỳnh.


 

Tôi giật mình, khi đọc bài “Tự do biến chất” trên Facebook Vương Trí Nhàn. Bàn về những thay đổi của giới trí thức sau ngày thống nhất đất nước, ông Vương Trí Nhàn viết:

“Một người như Lưu Quang Vũ chẳng hạn, trước 30.4, anh vẫn bị cái án mà một người bị tước bỏ quân tịch trở về gia đình phải chịu, bao gồm không có sổ gạo, không công việc, và tác phẩm với tên tuổi đã lừng danh không được xuất hiện trên mặt báo. Trước khi kết hôn với Xuân Quỳnh, anh đã phải làm thơ ký tên nhiều bạn bè khác, nhất là Nguyễn Lâm (có khi đùa cợt mà ký là Vũ Từ Lâm, Vũ Hành Lâm, Vũ Khao Lâm), và sau này những bài hay nhất thì ký tên Xuân Quỳnh và đưa vào các tập thơ riêng của Xuân Quỳnh. Nay từ sau 30.4, anh có thể cùng một ngày có thơ gửi vài tờ báo ở Sài Gòn, ký tên Lưu Quang Vũ đàng hoàng”.

Ông Vương Trí Nhàn là một nhà nghiên cứu vẫn được tiếng thẳng thắn. Một đoạn ngắn như trên, ông Vương Trí Nhàn bày tỏ sự trân trọng Lưu Quang Vũ (1948-1988), nhưng lại vô tình nhắc Nguyễn Lâm (1943-2005) và Xuân Quỳnh (1942-1988) một cách ít thiện chí.

Ông Vương Trí Nhàn cùng thế hệ với Lưu Quang Vũ, Nguyễn Lâm và Xuân Quỳnh. Chắc chắn, ông Vương Trí Nhàn biết được không ít câu chuyện hậu trường dích dắc nhau. Tuy nhiên, với những người đã khuất, cần thận trọng khi đưa ra những thông tin ảnh hưởng đến nhân cách và sự nghiệp của họ.



Về Nguyễn Lâm. Đây là người cưu mang Lưu Quang Vũ những năm gian khó, tại chính ngôi nhà của Nguyễn Lâm ở số 28 Triệu Việt Vương, Hà Nội. Lưu Quang Vũ có làm thơ và ký tên Nguyễn Lâm để in báo nào ở phía Bắc trước năm 1975 hay không, tôi không có điều kiện tìm hiểu thấu đáo.

Thế nhưng, sau khi Nguyễn Lâm qua đời, nhà văn Nguyễn Khắc Phục (1947-2016) và bạn bè gom nhặt bản thảo thơ Nguyễn Lâm để in tập “Kịch đời” do Nhà xuất bản Sân Khấu ấn hành cuối năm 2005. Trong tập “Kịch đời” là tập thơ duy nhất của Nguyễn Lâm được in ấn công khai, không có một bài thơ nào mang phong cách Lưu Quang Vũ.

Về Xuân Quỳnh. Sự khẳng định dấu ấn Lưu Quang Vũ mà theo ông Vương Trí Nhàn “sau này những bài hay nhất thì ký tên Xuân Quỳnh và đưa vào các tập thơ riêng của Xuân Quỳnh” là một ý kiến đáng băn khoăn. 

Xuân Quỳnh là một nữ sĩ được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2017. Nếu những bài thơ hay nhất của Lưu Quang Vũ đã “ký tên Xuân Quỳnh và đưa vào các tập thơ riêng của Xuân Quỳnh”, thì giới phê bình văn học phải đánh giá lại thành tựu thơ Xuân Quỳnh. 

Vì vậy, tôi rất mong ông Vương Trí Nhàn có thể cung cấp những chứng cứ hữu hiệu hơn, để công chúng được tỏ tường. 

                                                     LTN