Nguyễn Huy
Thiệp là người tiên phong trong việc làm khác, làm lạ truyện ngắn, từ đó dẫn đến
một kiểu đọc khác đã từng chi phối tầm tiếp nhận văn chương, và đó cũng là lí
do dẫn đến những “lận đận thăng trầm” của một lối viết đã gây ra những cuộc bút
chiến một thời.
NGUYỄN HUY
THIỆP - NGƯỜI KỂ CHUYỆN ĐA PHONG CÁCH
LÊ THỊ HƯỜNG
Trong hệ
thống các thể loại, như mặc định, tiểu thuyết được xem như “con sư tử của văn
chương”. Quan niệm đó cũng đồng nghĩa với những hoài nghi về truyện ngắn: là thể
loại thấp, là “dưới trướng của tiểu thuyết”, là bước thực tập ngòi bút của nhà
văn. Các giải thưởng lớn (trên thế giới và ở Việt Nam) đa phần dành cho tiểu
thuyết.
Tuy vậy, lịch
sử văn học đương đại ghi nhận có những thời đoạn tiểu thuyết chững lại, và truyện
ngắn đáp ứng kịp thời những yêu cầu mới của thời đại, của người đọc. Đó là thời
điểm những năm 80, 90 của thế kỉ XX với những tên tuổi “mở đường tài năng và
tinh anh” như Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng, Nguyễn Huy Thiệp, v.v.
Con đường
đi của truyện ngắn Việt Nam từ sau 1986 gắn liền với sự chuyển đổi của thời đại
và tầm đón của độc giả. Dấu hiệu của sự đổi mới thể loại rõ nhất là ở Nguyễn
Huy Thiệp, khởi đầu và lan tỏa với cách tiếp cận hiện thực, lịch sử - hiện đại,
huyền thoại cổ tích - thế sự, sử thi - giải thiêng, tính dục hiện sinh.
Sau cột mốc
“Tướng về hưu” (1987), tài văn của Nguyễn Huy Thiệp được khẳng định và thăng trầm
lận đận cũng từ đây. Nguyễn Huy Thiệp mở màn đột phá và bản lĩnh bao nhiêu thì
khép lại đời văn “lặng lẽ” bấy nhiêu. Tên tuổi Nguyễn Huy Thiệp lấp lánh vọng động
từ những truyện ngắn thuộc mọi đề tài, những giễu nhại cổ tích, những cuộc giải
phẫu lịch sử, những phân tâm ngóc ngách tâm hồn.
Đối với những
con người tài hoa, dường như trong cả một đời văn tinh hoa chỉ phát tiết một lần;
với Nguyễn Huy Thiệp nó dồn tụ ở truyện ngắn, không phải tất cả mà một số truyện
đủ để làm nên tên tuổi trong lịch sử văn chương Việt và âm vọng sang văn học thế
giới. Dẫu cuối đời, trước khi mất, Nguyễn Huy Thiệp mới được đề nghị xét tặng
Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật với truyện ngắn “Tướng về hưu” và tập
“Những ngọn gió Hua Tát”.
Nguyễn Huy
Thiệp là người tiên phong trong việc làm khác, làm lạ truyện ngắn, từ đó dẫn đến
một kiểu đọc khác đã từng chi phối tầm tiếp nhận văn chương, và đó cũng là lí
do dẫn đến những “lận đận thăng trầm” của một lối viết đã gây ra những cuộc bút
chiến một thời chưa xa lắm.
Bước đột
phá quan trọng của Nguyễn Huy Thiệp là đưa ra những nhận định “khác” về văn
chương. Nguyễn Huy Thiệp không nói một chiều, không tự đứng hẳn ở khuynh hướng
này hoặc “chiến tuyến” kia như người đọc vẫn thường thấy trong các cuộc bút chiến
về văn chương. Với Nguyễn Huy Thiệp không có gì là nhất phiến. Văn chương là đời,
mà đời thì không đơn giản. Đời khúc xạ trong văn chương khi thì ở khía cạnh
này, lúc ở ngóc ngách khác.
Trong quan
niệm của Nguyễn Huy Thiệp, “văn chương có nhiều thứ lắm. Có thứ văn chương hành
nghề kiếm sống, có thứ văn chương sửa mình, có thứ văn chương trốn đời, trốn việc.
Lại có thứ văn chương làm loạn” (Giọt máu). Có lúc nhà văn nghiêng hẳn về một
góc đời khi cho rằng “văn chương là thứ bỉ ổi nhất” (Chút thoáng Xuân Hương),
hoặc góc kia “văn chương có cái gì từa tựa lẽ phải”; hoặc “văn học hẳn chứa ẩn
sự lương thiện hoặc một cái gì đó cao nhã, không phàm tục, có khả năng nâng đỡ
con người”, nhưng “văn học cũng là sự cùng quẫn, cũng đầy dối trá và ngụy tạo”
(Bài học tiếng Việt). “Văn chương phải bất chấp hết. Ngập trong bùn, sục tung
lên, thoát thành bướm và hoa, đấy là chí thánh” (Giọt máu). Từ những quan niệm
đa chiều đó, với Nguyễn Huy Thiệp, văn chương không còn là một thứ hình mẫu để
rập khuôn một kiểu đọc.
Văn chương
từ bản chất vốn mang tính đối thoại. Tuy vậy, sau 1986 người ta mới bắt đầu luận
về đặc tính này của văn chương. Có thể xem lối viết khơi nguồn cho những luận
bàn về tính đối thoại chính là Nguyễn Huy Thiệp.
“Những ngọn
gió Hua Tát” là tập truyện bắt đầu in dấu ấn tên tuổi Nguyễn Huy Thiệp và báo
hiệu một tài danh. Với “Những ngọn gió Hua Tát” có thể xem Nguyễn Huy Thiệp là
người tiên phong đối thoại với cổ tích dân gian. Cái tôi kể chuyện xen vào đầy
bản lĩnh, gài vào suy nghĩ, cảm xúc của nhân vật cổ mẫu với những triết lí sâu
xa. Vẫn trong thế giới của cổ tích, nhưng người đọc lạ lẫm với sự xuất hiện một
cái tôi quyền uy đối thoại với nhân vật cổ tích; với độc giả quen đọc cổ tích,
nó khác với tính độc thoại của cổ tích truyền thống. Nó biến câu chuyện cổ tích
thành hiện thực đa chiều của đời sống thời hiện đại. Nó tạo ra “tính quyền lực”
cho diễn ngôn (Michel Foucault). Nguyễn Huy Thiệp rất có ý thức thể hiện cái
tôi chủ thể sáng tạo mà không quá nương tựa vào biểu tượng hoặc ẩn giấu sau những
diễn ngôn ám chỉ. Đây là những truyện ngắn đầu tiên của Nguyễn Huy Thiệp với một
tư duy mới làm thay đổi hẳn một “kiểu đọc” và lan tỏa, khơi gợi một “kiểu viết”
về sau.
Khi Nguyễn
Huy Thiệp viết Trương Chi, cùng lúc/sau đó cũng xuất hiện một vài truyện ngắn
“viết lại cổ tích” này. Tuy vậy, lối kể, lối viết, lối nhìn của Nguyễn Huy Thiệp
vẫn theo một hướng độc, lạ. Thô tục hóa câu chuyện tình lãng mạn (cứt, văng tục)
Nguyễn Huy Thiệp đã phá bỏ huyền thoại, hóa giải cổ tích. Trong nội hàm không đổi
của một cốt truyện xưa, Nguyễn Huy Thiệp đã nhại lại truyện truyền thống bằng một
kết thúc lửng lơ: “Tôi - người viết truyện ngắn này - căm ghét sâu sắc cái kết
thúc truyền thống ấy (...) Tôi có cách kết thúc khác. Đấy là bí mật của riêng
tôi”. Nhà văn đã đối thoại với bạn đọc, đối thoại với truyền thống bằng “mặt nạ
tác giả”( I. P. Ilin). Sự xuất hiện trở lại mặt nạ tác giả trong văn học Việt
Nam sau một quãng thời gian dài, có lẽ lần đầu tiên ở Nguyễn Huy Thiệp. Bằng
cách ấy, tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp đã mở rộng khả năng giao tiếp, mở thêm
hướng cho người đọc đi vào tác phẩm.
“Mặt nạ
tác giả, với tư cách là một nguyên tắc tạo cấu trúc quan trọng trong nghệ thuật
kể chuyện của chủ nghĩa hậu hiện đại” đã thẩm thấu vào phong cách của tác giả
này, tạo nên nét mới đáng kể trong lối viết, trong cách tiếp cận cổ tích dân
gian. “Những ngọn gió Hua Tát” mới chỉ là khơi nguồn cho một lối viết độc đáo của
Nguyễn Huy Thiệp. Nhưng từ bước khởi đầu, nhà văn đã ghi dấu vân tay trên những
trang văn vừa huyền ảo, mơ mộng vừa khắc khoải nỗi đau trần thế. Cổ tích mà hiện
đại. Những câu chuyện núi rừng, cái đẹp nguyên thủy hoang sơ đan xen với những
xô bồ hiện đại; đối thoại giữa văn hóa cổ xưa và văn minh hiện đại, giữa thiên
nhiên hoang sơ và đạo đức sinh thái.
Cũng có thể
nói, Nguyễn Huy Thiệp là người đầu tiên đặt ra vấn đề đạo đức sinh thái mà “Những
ngọn gió Hua Tát” là bước khởi đầu đầy sức gợi. Những trang văn đẹp và nhân văn
của Nguyễn Huy Thiệp luôn nói về sự hài hòa giữa con người và tự nhiên, con người
tìm được sự thanh thản tâm hồn từ mĩ cảm sinh thái. Ở đó, con người đắm mình
vào, nghe được tiếng gọi của thiên nhiên. Từ những câu chuyện lấp lánh, pha trộn
chất huyền thoại của Nguyễn Huy Thiệp, nỗi buồn sinh thái ám trên những trang
văn mang theo nỗi bất an của con người thời hiện đại.
Nguyễn Huy
Thiệp cũng khơi nguồn cho một mảng văn học về đề tài lịch sử ngày càng phát triển
và có nhiều thành tựu mới. Nguyễn Huy Thiệp không làm giả lịch sử. Ông giải phẫu
lịch sử với tâm thức đối thoại. Khai thác đề tài lịch sử, nhưng nhà văn “mượn
những yếu tố lịch sử” để bộc lộ thái độ đối với hiện tại. Ông xóa bỏ những sơn
son thếp vàng lộng lẫy vương triều, đi vào khuất lấp hậu cung, khuất lấp nội
tâm. Nhà văn phân tâm nhân vật lịch sử bằng lưỡi dao sắc bén, nhân vật lịch sử
đều bị soi thấu từ phía bên trong, phía của những chấn thương và dục vọng. Ông
là nhà văn đầu tiên khơi sâu vào bản năng gốc của con người lịch sử và bản lĩnh
của ông là chọn những tượng đài lịch sử để đời thường hóa, thậm chí tầm thường
hóa, như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Quang Trung,…
Tính phản
biện cao trong truyện lịch sử của Nguyễn Huy Thiệp. Trong “Vàng lửa”, Nguyễn Du
được soi chiếu từ nhiều điểm nhìn, là “khối nguyên liệu vô giá, những bảo vật
quốc gia”; “…nhân cách ấy thì có giá trị gì khi cuộc đời thực của ông xúi xó,
túng kiết”. Sau những luận bàn, đối thoại, nhà văn đã vạch ra nhiều con đường để
độc giả tự đi vào văn bản. “Tôi hiến bạn đọc ba đoạn kết cho câu chuyện này để
bạn đọc tùy ý lựa chọn”. Câu chuyện lịch sử bỗng trở thành “giả” với những thao
tác giả của nhà văn. Cấu trúc trần thuật đa trị này sẽ khơi gợi cảm hứng đồng
sáng tạo, khơi dậy nhu cầu đối thoại với lịch sử, với người đọc.
Ở truyện
ngắn “Nguyễn Thị Lộ”, Nguyễn Huy Thiệp không kể lại câu chuyện lịch sử thương
tâm về cuộc đời của Nguyễn Trãi. Nhà văn diễn ngôn tâm trạng Nguyễn Trãi qua vẻ
đẹp hội tụ tinh hoa lẫn niềm thống khổ của con người nơi Thị Lộ. Qua Thị Lộ,
Nguyễn Huy Thiệp đã khám phá một giá trị khác của Ức Trai ẩn sau những trang sử
vinh quang và cay đắng. Tình yêu trong trẻo, liên tài khiến Nguyễn Trãi tái
sinh vĩ đại hơn. “Trong giây khắc, trái tim ông ngừng đập. Con người cũ trong
ông chết đi. Giây khắc sau ông sống lại, bắt đầu chuyển thành con người khác”.
Điểm khác, mới trong truyện lịch sử của Nguyễn Huy Thiệp là có sự xuất hiện người
trần thuật xưng tôi. Ông là nhà văn tiên phong trong việc lựa chọn phương thức
trần thuật ngôi thứ nhất trong truyện kể lịch sử. Chủ thể trần thuật xưng tôi
này chính là tác giả. Sự xuất hiện chủ thể trần thuật ở ngôi thứ nhất đã rút ngắn
khoảng cách thời gian, tạo nét nhòe giữa quá khứ và hiện tại. Vai trò của người
kể chuyện xưng tôi khiến cho nhân vật lịch sử trở thành những mảnh đời hôm nay.
Nguyễn Huy
Thiệp là nhà văn không tự cho mình đứng cao hơn bạn đọc. Trong quy trình tiếp
nhận, mối quan hệ giữa nhà văn - tác phẩm - người đọc là một cuộc đối thoại dân
chủ. Tác giả giữ vai trò tổ chức rồi trao quyền cho nhân vật nói năng, đối đáp.
Chính vì vậy, truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp gần với kịch, nhiều xung đột, đầy
mâu thuẫn. Nhiều truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp chủ yếu xây dựng trên các mẩu
đối thoại giữa các nhân vật. Qua ngòi bút sắc lạnh, với văn phong độc đáo đến
duy nhất, Nguyễn Huy Thiệp đã dồn nhân vật của mình lên sàn diễn, đối đáp, va
chạm nhau, soi bóng vào nhau với những lời nói không hòa lẫn được.
Truyện ngắn
“Sang sông” chỉ gói gọn trong mấy trang mà là cả xã hội thu nhỏ, là “một cõi
nhân gian bé tí” đầy đủ các hạng người: nhà giáo, nhà sư, nhà thơ, sinh viên,
buôn lậu, tướng cướp, em bé, thiếu phụ, cô gái, thanh niên; đầy đủ muôn mặt cuộc
đời: thiện ác, chính tà, đức hạnh và khát vọng, ý thức và bản năng, tình yêu, sức
mạnh, anh hùng và kẻ cướp; lịch sử, khoa học, tôn giáo, thi ca nghệ thuật... Tất
cả được nhà văn dồn lên một chuyến đò ngang. Không gian hẹp (một khoang thuyền),
thời gian ngắn (một chuyến sang sông). Sự dồn nén đến mức tối đa không - thời
gian ấy là một cách xử lí nghệ thuật độc đáo để nhà văn làm bật nổi lên những
tính cách, những con người. Tình huống bất ngờ: em bé đút tay vào cái bình cổ hẹp
đáng giá ngàn vàng của hai tay buôn lậu. Hai thanh niên hùng hổ đòi chặt tay em
bé để cứu chiếc bình cổ. Chàng trai tự nguyện hiến chiếc nhẫn của mình để làm
nghĩa cử cao đẹp. Nhà tu hành nhắm mắt trước nỗi khổ của chúng nhân. Đám trí thức
cao đàm khoát luận bỗng trở thành hèn yếu. Và kẻ cướp thành anh hùng, thành thiện
nhân, dám đập vỡ cái bình đắt giá để cứu em thơ. Lộ hết, chân tướng phơi bày hết.
Chân thật và giả dối, quỷ dữ và thánh nhân, lí thuyết và hành động. Người kể
chuyện bình thản, lạnh lùng, vừa kể vừa hạn chế lời kể đến mức tối đa, nhân vật
lạnh lùng đối thoại và cũng hạn chế lời thoại.
Trong những
truyện ngắn khác, Nguyễn Huy Thiệp lại tiên phong với những trang viết phân tâm
con người (Tướng về hưu, Muối của rừng, Huyền thoại phố phường, Những người thợ
xẻ, Không có vua, v.v.). Là một trong những nhà văn đầu tiên đưa tính dục vào
văn chương (sau khoảng cách 30 năm chiến tranh), Nguyễn Huy Thiệp không úp mở
mà viết bằng sự khoái cảm đan xen giễu nhại và triết lí. Ở mảng truyện này ông
là người giải phẫu tâm hồn. Ông là người tiên phong nói lên mối liên hệ giữa
cái ác và văn học; là “người kể chuyện ác khẩu” với lối diễn ngôn sắc lạnh, giễu
cợt và triết lí. Từ quan niệm đa chiều về văn chương, Nguyễn Huy Thiệp đã kiến
tạo một cõi nhân gian hỗn độn, phì đại và bất tín, một thế giới ghép mảng,
không theo một chiều hướng nào.
Nguyễn Huy
Thiệp khởi nguồn cho sự chuyển đổi đa dạng của truyện ngắn theo những đặc trưng
hậu hiện đại. Mối tương tác giữa nhiều thể loại khiến những đặc trưng thẩm mĩ của
truyện ngắn ít nhiều bị phá vỡ. Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp phản ánh kịp thời
cuộc sống đa chiều kích, thời của hiện thực thậm phồn, của sự va đập các dạng
thức diễn ngôn, thời của tiểu tự sự và phi tâm. Nó chấp nhận sự hỗn độn, mảnh vỡ,
lát cắt, ghép mảng, kể cả những cái ngoại biên. Truyện ngắn có những vùng lặng,
những khoảng trắng mang tính đối thoại, tính phản biện. Các tiêu chí thể loại
dường như không còn quan trọng. Có những truyện ngắn là bài thơ văn xuôi (Con
gái thủy thần). Có truyện ngắn giàu chất phóng sự, văn xuôi tư liệu (Huyền thoại
phố phường). Cũng có truyện ngắn như vở kịch một màn (Sang sông). Có truyện ngắn
chỉ là những mảng lắp ghép của hồi ức, tâm trạng (Mưa). Có truyện như một cuốn
tiểu thuyết thu nhỏ (Giọt máu).
Con đường đi của truyện ngắn Việt Nam đương đại gắn liền với sự chuyển đổi tư duy nghệ thuật thời đại và tầm đón của độc giả. Và gắn với tên tuổi của một nhà văn - người kể chuyện đa phong cách Nguyễn Huy Thiệp. Qua những gập ghềnh, Nguyễn Huy Thiệp vẫn đoạt vị trí mở đầu, khơi chảy cho một thể loại vốn đã có thành tựu trước đó nhưng chậm lại vì nhiều lí do./.