Dương Quốc Hải rất giỏi đẩy câu chuyện đi tới tận cùng của đạo lý, đạo đức trong con mắt thần thánh văn chương. Truyện khiến người đọc phải sợ hãi và ám ảnh. Câu chuyện như không có thật ở chốn dương gian. Không khí đầy hiện thực mà hết sức liêu trai.
NHÀ VĂN DƯƠNG QUỐC HẢI RIÊNG GÌ “ĐẠO LÝ XÀ VƯƠNG”
PHÙNG VĂN KHAI
Nhà văn Dương Quốc Hải
là lớp trưởng Viết văn Nguyễn Du khóa 6 (1998-2002) đồng thời cũng là người anh
cả trong lớp chúng tôi. Thấm thoắt giờ đây, nhà văn Dương Quốc Hải đã bước sang
tuổi sáu mươi hai. Tôi không dám nghĩ thời gian trôi nhanh đến vậy. Mới hôm nào
anh cưới vợ khi đang học năm thứ hai thì phải, tôi khi đó là phóng viên Truyền
hình Quân đội nhân dân đang theo học K6 đã sốt sắng thu xếp một chiếc xe đơn vị
chở các anh chị em lên thị xã Bắc Cạn dự đám cưới anh. Đường xa mịt mùng, ổ gà ổ
voi lổn nhổn khiến tất cả mọi người đều say xe lử lả, nước mắt nước mũi giàn giụa,
có người mật xanh mật vàng trong đám cưới đầy kỷ niệm của anh.
Dương Quốc Hải là người
rất trọn nghĩa vẹn tình. Lần tôi xây nhà năm 2000 chính là lấy tuổi của anh,
cũng là anh cuốc nhát cuốc đầu tiên hình thành móng nhà. Đến bây giờ, căn nhà ấy
mẹ tôi vẫn ở. Cụ đã ở tuổi tám mươi tư vẫn khỏe mạnh cũng là có phần tâm đức của
anh luôn nghĩ điều tốt lành với mọi người.
Dương Quốc Hải đến với
văn chương từ những truyện ngắn đầu tiên đã ám ảnh người đọc. Tôi vẫn còn nhớ
truyện ngắn Con thú của anh in dự thi trên Văn nghệ trẻ năm 1997 và sau đó đoạt
giải thưởng. Truyện đọc khiến chúng ta giật mình trước những dự báo sát sườn về
sự tha hóa của nhân tính khi đối diện cơ chế thị trường ngang ngửa cũng là
thông điệp để con người nhìn vào đó điều chỉnh mình. Tên nhân vật anh đặt cũng
rất giỏi. Đó là Nhân, là Nghĩa mà tuyệt không nhân nghĩa chút nào. Nhân nghĩa
đã mất đi đâu? Ai là người chịu trách nghiệm khi để mất những đạo lý hàng đầu
như vậy? Chuyện mở ra một tầm tư tưởng rất sâu. Đó là cách Dương Quốc Hải phản
biện xã hội bằng văn học.
Dương Quốc Hải truyện
nào cũng sâu sắc, dư ba với không khí truyện đậm đặc, quyết liệt từ câu đầu
tiên đến chữ cuối cùng. Ấn tượng nhất với tôi là truyện ngắn Lưỡi dao viết về sự
ám ảnh, về nỗi sợ khi con người do hoàn cảnh đã phản bội lẫn nhau để từ đó
không thể nào gột rửa được khiến cái chết không rõ nguyên nhân mà pháp y mổ tử
thi đã phải kinh hoàng khi in trong tim một vệt bầm đen hình lưỡi dao đúng như
những ám ảnh được miêu tả từ đầu truyện càng khiến chúng ta phải ngẫm ngợi.
Dương Quốc Hải rất giỏi
tổ chức không khí truyện. Khi đọc các tác phẩm để xét đầu vào trường Viết văn
Nguyễn Du, nhà văn Lê Lựu đã từng thốt lên: “Viết truyện ngắn phải như bạn
Dương Quốc Hải. Truyện nào cũng cỡ Ma Văn Kháng trở nên. Không như cậu Phùng
Văn Khai viết dở bỏ mẹ. May mà không đến nỗi vứt đi. Cứ đà này sẽ toi đời văn
nhà cậu”. Tôi đem chuyện này kể với Dương Quốc Hải, anh cười khùng khục bảo: “Thầy
Lựu lừa ông đấy. Thầy lừa cả tôi. Thầy khen thế là để cho tôi chết mà ông sống
đấy. Rồi ông xem”.
Tôi không đến nỗi đần
độn để không hiểu cao ý của Lê Lựu và Dương Quốc Hải. Viết văn mà không hiểu nổi
mình thì bẻ bút quách cho xong. Tôi và anh đều hiểu mình viết vì mình chứ vì
quái gì thiên hạ. Và cứ thế, hai anh em tự thi với chính mình.
Truyện ngắn “Đạo lý xà
vương” của anh lại ở một tư thế cầm bút khác. Dương Quốc
Hải rất giỏi đẩy câu chuyện đi tới tận cùng của đạo lý, đạo đức trong con mắt
thần thánh văn chương. Truyện khiến người đọc phải sợ hãi và ám ảnh. Câu chuyện
như không có thật ở chốn dương gian. Không khí đầy hiện thực mà hết sức liêu
trai. Tôi đã phải rón rén đọc đi đọc lại trong nỗi đam mê và kinh sợ tột
cùng. Tôi càng hiểu được rằng, về khu vực truyện ngắn, tôi còn lâu mới bằng được
Dương Quốc Hải. Tôi né tránh truyện ngắn xông vào tiểu thuyết lịch sử một phần
cũng là do Dương Quốc Hải mà ra.
Tôi đã từng in một tập
truyện ngắn của anh khi làm Nhà sách Như Quỳnh. Nhà sách ngày ấy kể cũng lạ
lùng. Tôi đã mạnh mẽ in các tập truyện ngắn của Dương Quốc Hải, Đào Bá Đoàn, Phạm
Thị Duyên… một cách rất đam mê. Đối với tôi, được phục vụ bạn hữu, nhất là cánh
văn chương cũng là niềm hạnh phúc. Không hiểu sao tôi thấy văn chương của các
chị các anh luôn hơn đứt tôi mà tôi lại vào Hội Nhà văn trước các anh các chị.
Câu chuyện vào Hội Nhà văn từ trước đến nay luôn là một chủ đề “hot” không
riêng gì của cánh văn chương báo chí. Đã từng có người thốt lên rằng: “Hà Nội
có năm mùa bởi ngoài bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, còn có thêm “mùa vào Hội Nhà
văn”. Chuyện này với anh Dương Quốc Hải hẳn là rất thấm thía. Tôi cũng lực bất
tòng tâm.
Dương Quốc Hải không
chỉ là người anh trong đời sống mà còn là bậc đàn anh trong văn chương với cá
nhân tôi. Mỗi khi tôi đạt một thành tựu nào đó trong văn chương, các anh chị
Dương Quốc Hải, Đào Bá Đoàn, Nguyễn Vinh Huỳnh, Vũ Thảo Ngọc... đều mừng như
chính mình thành tựu. Các kỳ cuộc tổ chức ra mắt sách của tôi đều là do các
anh, các chị, các bạn xúm tay vào lo liệu. Tôi lại rất hay ra mắt sách, thành
ra các anh chị suốt ngày lo toan kể cũng mệt mà không hiểu sao Dương Quốc Hải
không kêu mệt bao giờ? Anh thường đến sớm, chăm chút từ lẵng hoa chúc mừng, sắp
xếp chỗ ngồi cho mọi người, kiểm tra các phát biểu và căn dặn tôi phải kính
thưa thầy cô chu đáo. Tính tôi lại hay quên, nhiều lúc bốc đồng ăn nói bạt mạng
coi trời bằng vung khiến anh đã phải khéo léo đứng ra chèo chống, thậm chí phải
xin lỗi một số người. Thế mà lần sau tôi vẫn chứng nào tật nấy và anh vẫn như vậy,
lại phải căn dặn tôi như chăm bẵm em bé ở nhà.
Nhà văn Dương Quốc Hải
đối với toàn thể anh chị em Viết văn Nguyễn Du khóa 6 đều chăm chút như vậy chứ
không riêng gì tôi. Đây vừa là đạo lý vừa là lẽ sống của Dương Quốc Hải. Anh từ
lâu đã nhận lãnh trách nhiệm chăm sóc lứa nhà văn đàn em chúng tôi. Anh không
bao giờ chê mọi viết lách của mọi người. Anh khen chúng tôi cũng hết sức chân
thành mặc dù chúng tôi luôn hiểu văn chương của mình còn lâu mới tương ứng với
những lời anh khen. Tôi hoàn toàn ngược lại với anh. Đã từng dám chê văn các
anh các chị cũng là ăn gan hùm mật gấu lúc bốc đồng chứ thực tâm chắc gì đã như
vậy. Nhiều khi để tự nổi mình lên đã phán xét bừa mong các chị các anh, nhất là
anh Dương Quốc Hải hãy thể tất cho tôi.
Trong các cuộc đàm luận
văn chương, nhà phê bình Đỗ Lai Thúy - một người thầy của chúng tôi luôn rất
khen Dương Quốc Hải. Thầy cho rằng Dương Quốc Hải có giọng văn riêng, nhất là
khung khổ truyện ngắn của anh luôn sâu rộng nhiều tầng. Dương Quốc Hải viết chắc
chắn, kì công nhưng vô cùng thanh thoát, dư ba. Truyện ngắn Dương Quốc Hải là mẫu
số chung của thể tài truyện ngắn cổ điển kết hợp với hiện đại một cách nhuần
nhuyễn, tự nhiên, tạo cảm giác dẫn dắt người đọc đi theo cảm xúc của mình theo
một nhịp độ tăng tốc dần đều. Điều này là cực khó đối với người viết truyện ngắn.
Nhà văn Dương Quốc Hải
hiện đang rất say viết và đã có trong tay một gia tài truyện ngắn đáng kể. Đó
là: Con thú; Lưỡi dao; Thắp đèn; Đạo lý xà vương;… đã cho thấy sức vóc, nhất là
chiều sâu sáng tác của anh. Đối với văn chương, nhất là ở thể tài truyện ngắn,
viết được dăm truyện gây tiếng vang đã là mơ ước của mỗi đời văn. Bền bỉ hơn 30
năm cầm bút như Dương Quốc Hải với nhiều truyện ngắn gây ấn tượng với bạn đọc
quả thực là rất hiếm. Anh lại rất lặng thầm càng khiến chúng tôi thêm soi vào
đó mà tự răn mình trong văn chương cũng như trong đời sống.
Mỗi khi nghĩ tới Dương Quốc Hải, tôi luôn tự tin và tự đặt ra các trách nhiệm trong văn chương với chính mình. Nhiều lúc tôi rất muốn gặp anh trò chuyện văn chương và đời sống. Tôi có thể tâm sự tất tật với anh, kể cả những chuyện đàn ông với nhau, cơ mà mỗi lúc gặp anh đều vội vội vàng vàng cũng chả hiểu tại sao. Nhưng đọc văn chương, nhất là các truyện ngắn của Dương Quốc Hải, từ xưa đến nay, tôi đều hết sức cẩn thận đọc kỹ lưỡng nhiều lần, từng câu, từng chữ, và cả đằng sau mỗi con chữ của anh.