Chúng ta sống trong thời của ân điển và thời của sự vô dụng, thời của tốc độ và thời của sự nhạt nhẽo. Cái cách mà chúng ta sống bây giờ không phải là thơ. Chúng ta sống văn xuôi, chúng ta thở văn xuôi, và, than ôi, chúng ta uống văn xuôi.
Thơ đang đi đâu?
Charles Simic (1938) là nhà thơ người Mỹ gốc Serbia.
Ông được trao giải Pulitzer cho thơ năm 1990, giải thơ Griffin quốc tế năm
2005, giải Wallace Stevens năm 2007, huân chương Robert Frost năm 2011, và giải
văn chương quốc tế Zbigniew Herbert năm 2014, và được bổ nhiệm làm Poet
Laureate của Hoa Kỳ nhiệm kì 2007-2008. Ông biên tập thơ cho tờ Paris Review từ
năm 2003 đến năm 2010 và là giáo sư hưu trí ngành văn học Anh tại Đại học New
Hampshire.
Thơ đang đi đâu? Đó là một câu hỏi mà các nhà thơ thường
được hỏi. Câu trả lời chóng vánh là chẳng đâu cả. Bạn sẽ nghĩ, làm sao mà như
thế được. Bạn đã đọc rất nhiều bài thơ về các nhà thơ đi dạo trong rừng, lăn lộn
trong cỏ khô và thậm chí làm một chuyến tham quan địa ngục. Đúng vậy. Tuy
nhiên, các nhà thơ, ngay cả khi đánh nhau trong một cuộc chiến, cũng hiếm khi
nào cởi đôi dép đi trong nhà. Chẳng phải việc Homer bị mù đã chứng minh luận điểm
của tôi đó sao? Tôi cá tất tật những câu chuyện tận- mắt- thấy kể người Hy Lạp
và người Troy tàn sát nhau, những chuyến phiêu lưu kì thú của Odysseus trên Địa
Trung Hải, đều là Homer mơ ra trong khi chờ vợ nấu bữa trưa.
Dĩ nhiên, nhiều nhà thơ sẽ phủ nhận điều này. Ở nước Mỹ
đây chúng ta nói chuyện với sự tôn kính kinh nghiệm đích thực. Chúng ta làm những
bài thơ kể chuyện bố chúng ta đưa chúng ta đi câu và làm trái tim chúng ta tan
nát khi bắt ném trả những con cá nhỏ xuống sông. Chúng ta thậm chí còn cho người
đọc biết loại xe chúng ta đang lái, đời xe và kiểu xe, để tạo ấn tượng tất cả đều
là sự thật. Đó là vì chúng ta tự coi mình là một kiểu nhà báo. Giống như họ,
chúng ta sẽ đi tới bất cứ đâu để kể một câu chuyện. Đừng tin một lời nào về nó.
Như bất kì nhà thơ nào cũng có thể nói cho bạn biết, khi nhắm mắt người ta thường
nhìn rõ hơn là khi mở to mắt.
Có lẽ bạn đang tự hỏi, tôi đang nói là hầu hết những
điều xảy ra trong thơ đều không phải sự thật? Không phải thế. Tất nhiên chúng
là sự thật. Chỉ là các nhà thơ phải giết rất nhiều thời gian để đi đến sự thật.
Lấy ví dụ của tôi. Một ngày nọ, bất thình lình, kí ức về người ông đã khuất từ
lâu lại hiện về trong tôi. Tôi ứa nước mắt khi thấy ông trong cái năm cuối đời
đi tập tễnh quanh sân với chiếc chân gỗ, vãi ngô cho đàn gà ăn. Tôi nhớ lại con
chó ông nuôi hồi ấy, và đưa nó vào một bài thơ. Thậm chí còn có một chiếc xe tải
cũ gỉ trong sân. Mặt trời lặn trong khi bà tôi tất bật dưới bếp và ông tôi ngồi
ở bàn bếp nghĩ về những trầm luân của cuộc đời mình, sự ngu ngốc của gã huấn
luyện viên đội bóng đá địa phương và mùi canh đậu trên bếp. Tôi thích những gì
tôi đã viết được xuống giấy và tối hôm ấy đi ngủ, tin mình có một bài thơ đang
thành hình.
Hôm sau tôi không chắc nữa. Cảnh hoàng hôn quá thơ mộng,
miêu tả ông bà tôi quá đa cảm, rất nhiều thứ phải cắt đi. Mấy tuần sau - vì
không thể thôi mó máy với bài thơ - tôi kết luận con chó già nằm giữa đàn gà mổ
thóc và con gà trống trong sân là cái tôi thích nhất. Mặt trời ở trên cao, một
cây anh đào đang ra hoa, và ông tôi biến mất khỏi bài thơ hoàn toàn.
Thường thì tôi không biết liệu có ra được một bài thơ
hay không. Có Chúa mới biết, và tôi cố không nhúng tay vào việc của ngài. Tôi
căng tai và nhìn chằm chằm vào trang giấy trắng cho đến khi một từ hoặc một
hình ảnh xuất hiện. Không thể bằng ý chí mà ra được cái gì chân thực trong một
bài thơ, tôi đã trầy trật học được điều đó. Nó khiến cho việc làm thơ trở thành
một công việc bất định và bức bối. Trong lúc đó, bạn chẳng có thể làm gì ngoài
đợi. Emily Dickinson nhìn nhà thờ bên kia đường qua cửa sổ trong khi chờ đợi;
tôi nhìn bóng tối sớm phủ lên những cánh đồng tuyết dày.
“Thơ ngụ trong một cõi utopia vĩnh hằng của riêng nó,”
William Hazlitt viết. Người ta hi vọng rằng một bài thơ cuối cùng sẽ vươn ra từ
tất cả những cái ngần ngừ ngần nghiếc kia, bước vào thế giới và thuyết phục một
người hoàn toàn xa lạ rằng cái mà nó mô tả đã thực sự xảy ra. Nếu anh ta may mắn,
bài thơ thậm chí có thể được lên giường với họ hoặc được đưa đi nghỉ ở một hòn
đảo nhiệt đới. Bài thơ như một cô gái trong bữa tiệc được hôn tất cả mọi người.
Không, mỗi bài thơ là một bí mật được chia sẻ bởi những người chưa bao giờ gặp
nhau. So với các nghệ thuật khác, các nhà thơ dành phần lớn thời gian vò đầu
trong bóng tối. Đó là lí do cái kiểu du lịch họ thích là vào bếp xem có chút
giăm bông nướng và bia lạnh nào còn sót trong tủ lạnh không.
Thơ ư? Ai cần đến nó?
William Logan (1950) là nhà thơ và nhà phê
bình văn học người Mỹ. Ông là giáo sư ngành văn học Anh tại Đại học Florida. Cuốn
sách gần đây nhất của ông là “Dickinson’s Nerves, Frost’s Woods”
Chúng ta sống trong thời của ân điển và thời của sự vô
dụng, thời của tốc độ và thời của sự nhạt nhẽo. Cái cách mà chúng ta sống bây
giờ không phải là thơ. Chúng ta sống văn xuôi, chúng ta thở văn xuôi, và, than
ôi, chúng ta uống văn xuôi. Có thứ văn xuôi không gây hại gì lớn cho chúng ta,
và thậm chí có thể, trong những liều nhỏ, tỏ ra có tác dụng chữa bệnh, cái cách
mà dầu rắn chữa được bách bệnh bằng cách chữa không gì. Nhưng sống trong tràng
giang đại hải thứ văn xuôi viết dở và nói dở là trở nên điếc trước những gì mà
ngôn ngữ có thể làm.
Bí mật hổ thẹn của thơ là nó được vài người yêu, nhiều
người ghét, và gần như chẳng ai mua. (Đây có phải là số đông im lặng? Chà, “số
đông im lặng” từng có nghĩa là người chết.) Chúng ta hiện có một tháng thơ, một
quế quan thi nhân (poet laureate), và thơ được phết lên xe buýt và tàu điện ngầm
như những biển quảng cáo. Nếu tàu điện ngầm không treo thì nhà thơ luôn luôn có
thể tweet nó, miễn là nó chỉ có 20 từ, tầm đó. Chúng ta có bao nhiêu là cách
ném thơ vào đám đông, nhưng đám đông không phải toàn là những người đặc biệt muốn
đọc thơ - hay những người, vốn đọc rất ít thơ, rất có thể sẽ mua ấn bản mới nhất
của Thiên đường đã mất.
Đây không phải thảm họa. Hầu hết mọi người cũng ít khi
nào tham dự một buổi ba lê, hay một buổi tối với một bản tứ tấu nhạc thính
phòng, hay triển lãm Georges de La Tour mới nhất. Thơ từ lâu đã là một môn nghệ
thuật lớn với một lượng độc giả nhỏ. Các nhà thơ luôn luôn thấy kiếm sống là
không dễ - nếu kiếm sống bằng thơ. Những ngoại lệ phát hiện ra một vài bài
sonnet có thể biến thành một cuộn tiền có lẽ kiếm không hơn đặt tiền lên Bong
bóng South Sea là mấy.
Nhưng vẫn còn có những kẻ lập dị, chắc chắn là những kẻ
bất an, và xa lánh xã hội, và những kẻ tra tấn mèo, yêu thơ. Đôi ba người họ đến
với những khúc độc thoại khó hiểu của Browning, hay những bài thơ bốn câu phủ
bóng của Emily Dickinson, hay những bài thơ đáng sợ nhưng hân hoan của
Elizabeth Bishop, tìm thấy điều gì đó không có trong tiểu thuyết hay nhạc pop.
Nhiều môn nghệ thuật đã nảy nở trong một giai đoạn, rồi
tìm thấy một cái ngách nhỏ hơn để sống sót hoàn toàn ổn trong đó. Một thế kỉ
trước, thơ không xuất hiện trên các tạp chí nhỏ dành riêng cho nó, mà trên các
trang báo và tạp chí phát hành rộng rãi. Các tạp chí lớn, thậm chí là các tờ
báo, bắt đầu suy giảm vào thời điểm họ dừng in thơ. (Tôi biết, tôi biết - tôi
đã đặt nguyên nhân sai vị trí.) Mặt khác, có lẽ Quốc hội đã bắt đầu xuống dốc
khi chức vụ quế quan thi nhân được lập ra. Thượng viện và Hạ viện vẫn ọc ạch được
rất ổn trong gần nửa thế kỉ khi chỉ có một Cố vấn về Thơ cho Thư viện Quốc hội
(Consultant in Poetry to the Library of Congress) - chức vụ mà, giá như Lầu Năm
Góc tư vấn, thì có thể đã được viết tắt thành C.I.P.L.O.C. thay vì đổi tên.
Thơ từ lâu đã bị gạt đi trong các trường học. Ở các
trường đại học ta thường dễ tìm thấy các lớp về chủng tộc hoặc giới hơn là về
văn học Augustus và văn học Lãng mạn. Ở các trường trung học và tiểu học, khi
thơ nếu có được dạy thì nó thường xuyên chỉ như một sự thể hiện bản thân thoáng
qua mà không có cố gắng nào để nhìn vào những cái khó và cái uy nghi của thơ và
những sự tinh tế của ý nghĩa, thứ biến thơ thành thơ. Chẳng trách bọn trẻ không
thích nó - nó trở thành một cách khác để gò ép chúng vào lòng “trắc ẩn” hay
“khoan dung,” một phần trong chương trình học khiến chúng trở thành những công
dân tốt nhưng là những độc giả tồi của thơ.
Đề xuất viển vông của tôi là hãy dạy bọn trẻ của nước
Mỹ học đọc bằng cách bắt chúng đọc thơ. Đến lớp năm là Shakespeare và Pope và
Milton; ở bậc trung học là Dante và Catullus bằng bản gốc. Đến lúc tốt nghiệp,
chúng sẽ nhớ nằm lòng Anne Carson và Derek Walcott. Một đứa trẻ được dạy cho
cách phân tích một câu của Dickinson sẽ chẳng gặp khó khăn gì trong việc hiểu
những cái biết biết và những cái không biết không biết của Donald H. Rumsfeld.
Chúng ta không sống trong một thế giới như thế, và có
lẽ ngay cả các nhà thơ còn sống hiện nay cũng không ước là chúng ta được sống
trong một thế giới như thế. Chương trình tiểu học lí tưởng của tôi thay vào đó
sẽ yêu cầu mọi đứa trẻ phải học: (1) bảng nhân lên đến, ví dụ, 25; (2) một ngoại
ngữ, khó hiểu thì tốt hơn; (3) địa lí của một vùng đất lạ, như New Jersey; (4)
cách dùng các dụng cụ cầm tay cơ bản và cách nấu một đĩa cassoulet; (5) cách
nuôi một con chim hay thằn lằn (nếu đứa trẻ ăn chay thì cách trồng một cây
khoai tây); (6) thuộc lòng thơ, độ một bài một tuần; (7) cách tìm đường về nhà
từ một thị trấn cách đó ít nhất mười dặm; (8) hát; (9) nhào lộn. Đến tuổi 12 mà
làm được tất cả những thứ ấy thì chẳng biết chúng sẽ còn làm được gì nữa. Tôi
có lấy đôi ba mục trong chương trình học trong mơ cho một trường đại học
cho các nhà thơ của W. H. Auden. Nếu các em học sinh tiểu học của tôi không bị
thơ làm cho chán ghét hoàn toàn thì một ngày nào đó chúng sẽ có thể đến học trường
đại học kia, được chuẩn bị kĩ càng.
*
Cái ý nghĩ rằng thơ thì phải phổ biến đơn giản là một
ý nghĩ sai lầm. Nhưng có người nào lại thấy trước được rằng Metropolitan Opera
và National Theatre ở London nay lại phát sóng đến tận các rạp chiếu phim địa
phương trên khắp nước Mỹ? Nhà tổ chức nào miệng nhai xì gà mà tìm được cách đặt
thơ trước mặt độc giả và khiến họ phải lòng nó sẽ làm được nhiều cho môn nghệ
thuật này hơn là cả một thế kỉ ngồi vặn vẹo tay. Hắn ta cũng có thể kiếm bộn.
Bạn có thể sống một cuộc đời trọn vẹn mà không biết đến
một mẩu thơ, cũng như sống một cuộc đời trọn vẹn mà chưa từng thấy một bức
Picasso hay xem vở Vườn anh đào. Hầu hết người ta đều bao quanh mình bằng
một loại nghệ thuật nào đó, dù đó là Amy Winehouse hay Richard Avedon. Ngay cả
nét tô vẽ trên tủ lạnh của người nghệ sĩ tí hon cũng có chỗ của nó. Ngôn ngữ được
sử dụng một cách hiệu quả cũng có chỗ của nó. Thơ sẽ không bao giờ có được khán
giả của “Game of Thrones” - đó là cái ti vi có thể làm. Thơ là cái mà riêng
ngôn ngữ có thể làm.
NGUYỄN
HUY HOÀNG biên dịch
Nguồn: Văn Nghệ