Di sản văn hóa Nguyễn Đình Thi được khẳng định giá trị một lần nữa, tại hội thảo khoa học toàn quốc, nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của ông.
Di sản văn hóa
Nguyễn Đình Thi được thể hiện ở nhiều lĩnh vực, từ văn học, triết học đến sân
khấu, âm nhạc. Vì vậy, nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Nguyễn Đình Thi, hội thảo
khoa học toàn quốc “Di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi cho hôm nay”
được Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, Thành ủy Hà Nội
và báo Nhân Dân phối hợp tổ chức khá long trọng vào chiều 12/12 tại mảnh đất mà
Nguyễn Đình Thi từng ngợi ca “Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây. Đây lắng hồn núi
sông ngàn năm. Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội, Hà Nội mến yêu”.
Sinh ngày
20/12/1924, Nguyễn Đình Thi thành danh khi còn rất trẻ. Ông nghiên cứu triết học,
viết lý luận phê bình từ năm 20 tuổi. Là đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên, Nguyễn
Đình Thi từng đảm nhận nhiều cương vị lãnh đạo như Tổng thư ký Hội Văn hóa cứu
quốc, Tổng thư ký Hội Văn nghệ, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban
Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.
Tuy nhiên, mọi chức
tước rồi cũng trôi qua và cũng mờ xa “người ra đi đầu không ngoảnh lại, sau
lưng thềm nắng gió rơi đầy”, di sản văn hóa Nguyễn Đình Thi chính là tác phẩm của
ông. Trong bài thơ “Những câu hỏi lớn”, Nguyễn Đình Thi viết: “Cúc vàng ơi có
phải/ Công bằng đầu tiên là bát cơm mỗi nhà/ Giải phóng đầu tiên là khỏi đói
rét ngu tối/ Phẩm giá đầu tiên là có việc làm/ Tự do đầu tiên là được lựa chọn/
Bình đẳng đầu tiên là ngang nhau nam nữ/ Nhân nghĩa đầu tiên là coi trọng mạng
sống con người/ Hy vọng đầu tiên là ở trong suy nghĩ/ Hạnh phúc đầu tiên là yêu
và thương”.
Vì vậy, khi phát
biểu tại hội thảo khoa học toàn quốc “Di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình
Thi cho hôm nay”, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa bày tỏ: “Từ
cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Đình Thi, có thể rút ra bài học lớn đối với hoạt
động sáng tạo nghệ thuật, đó là: Chỉ khi nào nghệ sĩ gắn bó máu thịt với quê
hương, đất nước; sáng tạo dưới ánh sáng của lý tưởng cao đẹp; hướng tới mục
tiêu cao cả là phục vụ nhân dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng đất nước ngày càng
phồn vinh, hạnh phúc thì tác phẩm của họ mới thực sự có giá trị cao, có sức lan
tỏa sâu rộng và bền vững trong lòng công chúng”.
Bên cạnh hai ca
khúc lừng lẫy “Diệt phát xít” viết năm 1945 và “Người Hà Nội” viết năm 1946, di
sản văn hóa Nguyễn Đình Thi còn để lại cho sân khấu nhiều kịch bản xuất sắc như
“Rừng trúc”, “Con nai đen”, “Nguyễn Trãi ở Đông Quan”...
Với văn chương,
Nguyễn Đình Thi có các tiểu thuyết “Xung kích”, “Vỡ bờ”, “Mặt trận trên cao”,
“Vào lửa”... Cho nên, không có gì quá lời, khi những trí thức kế cận như giáo
sư Phong Lê, giáo sư Mã Giang Lân, nhà thơ Vũ Quần Phương đều khẳng định Nguyễn
Đình Thi là một nghệ sĩ lớn, một nhà văn hóa lớn trên nhiều phương diện và di sản
của ông có vị trí đặc biệt trong đời sống tinh thần người Việt Nam hôm nay và
mai sau.
Tuy nhiên, lĩnh vực
Nguyễn Đình Thi tâm huyết nhất và dành nhiều thời gian sáng tạo nhất là thi ca.
Không chỉ có những vần điệu tài hoa “Ôi những cánh đồng quê chảy máu/ Dây thép
gai đâm nát trời chiều/ Những đêm dài hành quân nung nấu/ Bỗng bồn chồn nhớ mắt
người yêu”, Nguyễn Đình Thi còn có nhiều câu thơ chất chứa suy tư: “Vì yêu nên
có gan dạ/ Vì biết nên không nói gì”.
Trong thơ Nguyễn
Đình Thi, vừa thấy gần gũi ân cần “Cỏ mềm thơm mãi dấu chân em”, vừa thấy xa
xôi day dứt “Những nỗi vất vả thành niềm an ủi/ Giọt nước mắt thành giọt mặt trời”.
Cuộc đời 79 năm của Nguyễn Đình Thi cũng lắm lúc bâng khuâng và cồn cào: “Anh
mang nỗi nhớ em/ Đi qua cuộc đời như con thú bị săn đuổi/ Ngày ngày các vết
thương/ Nhỏ những giọt im lặng trên đường”.
Nhận định về thế
giới thơ Nguyễn Đình Thi, nhà thơ Hữu Thỉnh cho rằng Nguyễn Đình Thi rất khổ
công để tạo ra những hợp âm, đa thanh, đa tầng. Và khi đã tạo ra được cái trục
lớn của thi tứ thì ông như một phù thủy ngôn từ, tung hứng rất nhiều phù phép,
tạo ra cho người đọc cái tâm thế đứng trước những lối rẽ, những nẻo ngoặt, luôn
luôn xuất hiện yếu tố bất ngờ. Với cái trục thi tứ lớn đó, ông đẩy cảm hứng
tung hoành, không bị vướng vào những vần điệu cũ, lướt qua cái êm ái quen thuộc
để hiển hiện như luống đất vỡ hoang.
Giữa nhạc và vần, ông
chọn nhạc. Giữa cái tinh khôi và cái đầy đủ, ông chọn cái tinh khôi. Giữa hướng
ngoại và hướng nội, ông chọn hướng nội. Ông không thể hạ bút nếu không xuất hiện
một tư tưởng. Ông giải quyết khá sớm. Ông thuộc kiểu nhà thơ có thể tạo ra thói
quen mới cho người đọc. Ông không ngại đưa các tố chất văn xuôi vào thơ, cả những
lời thoại, có lúc rất khách quan, nhà thơ như đứng lùi xa để cho sự sống lên tiếng.
Có lúc đột ngột rút ruột những tâm sự, những nỗi đau riêng.
NNVN