Các nhà làm phim Việt Nam đôi khi bị bó buộc quá nhiều
vào nội dung gốc. Để có tác phẩm hay, các nhà làm phim cần sáng tạo trên cơ sở
tôn trọng sự thật lịch sử, đồng thời tin tưởng vào con đường sáng tạo của mình.
Có sự lúng túng khi làm phim đề tài lịch sử
MAI AN
Các ý kiến tại hội thảo "Phát triển sản xuất phim
khai thác đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học" diễn ra trong khuôn khổ Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội 2024, đã chỉ ra nhiều thách
thức và cơ hội trong việc phát triển điện ảnh lịch sử tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Tạ
Quang Đông nhấn mạnh, điện ảnh Việt Nam, như nhiều quốc gia khác, đã tận dụng
các tác phẩm văn học làm nguyên liệu phong phú cho những bộ phim chuyển thể.
Theo ông, mỗi năm có 1/3 số phim điện ảnh là chuyển thể từ văn học, và đây là mảnh
đất màu mỡ để điện ảnh khai thác. Tuy nhiên, điện ảnh Việt vẫn thiếu các tác phẩm
về đề tài lịch sử. Điều khiến nhiều khán giả, đặc biệt là giới trẻ, tìm đến
phim lịch sử của nước ngoài thay vì phim Việt.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt
Nam, tác giả của nhiều truyện ngắn được chuyển thể thành phim, chia sẻ, dòng
phim về lịch sử và chuyển thể rất đáng trân trọng, nhưng việc chuyển thể hoặc
làm phim lịch sử còn gặp nhiều thách thức. Các nhà làm phim Việt Nam đôi khi bị
bó buộc quá nhiều vào nội dung gốc hoặc lịch sử, dẫn đến sự thiếu sáng tạo. Để
có tác phẩm hay, các nhà làm phim cần sáng tạo trên cơ sở tôn trọng sự thật lịch
sử, đồng thời tin tưởng vào con đường sáng tạo của mình.
Đạo diễn Charlie Nguyễn cũng cùng quan điểm khi cho rằng,
phim lịch sử là dòng phim có giá trị cho sự phát triển nền điện ảnh, kết nối thời
đại trước với ngày nay. Ai trong ngành điện ảnh cũng ôm ấp dự định làm phim về
đề tài này, nhưng còn lo lắng, băn khoăn, bởi nhiều người đón nhận phim lịch sử
như một phim tài liệu, không chấp nhận sự sáng tạo… "Có sự bối rối, lúng
túng khi tiếp xúc với chủ đề này dù nhiều người ôm ấp dự án lịch sử vô cùng hấp
dẫn. Các nhà làm phim có nỗi sợ mơ hồ. Đó cũng là tâm tư của tôi nhiều năm qua.
Nhiều người đón nhận phim lịch sử như một phim tài liệu sẽ bó tay bó chân nhà
làm phim. Nếu điện ảnh là lịch sử thì hoàn toàn không có cảm xúc, là câu chuyện
khô khan" - đạo diễn Charlie Nguyễn chia sẻ thêm.
Nhà sản xuất Trinh Hoan chia sẻ, phim lịch sử rất tốn
kém về chi phí, từ bối cảnh, trang phục đến đạo cụ, và không dễ thu hút như
phim thương mại. Điều này khiến việc thuyết phục nhà đầu tư và khán giả gặp khó
khăn. Trong khi đó, đạo diễn Võ Thanh Hòa bày tỏ mong muốn Nhà nước cần có cơ
chế và chính sách ưu đãi để hỗ trợ các nhà làm phim lịch sử, như ưu đãi thuế,
vay vốn, và tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng.
PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn
hóa, Giáo dục, cho rằng, việc phát triển phim về đề tài lịch sử và chuyển thể từ
tác phẩm văn học là vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của văn hóa và nghệ
thuật Việt Nam. Theo ông, dòng phim này góp phần giáo dục, nâng cao lòng tự hào
dân tộc, và Nhà nước cần đầu tư mạnh mẽ hơn để hỗ trợ các nhà làm phim, nhà sản
xuất và khán giả.
Chia sẻ kinh nghiệm từ Trung Quốc, ông Tiền Trọng Viễn,
Giám đốc sản xuất As One Production (Trung Quốc), cho rằng, làm phim lịch sử
không chỉ tôn trọng sự kiện chính sử mà còn cần sáng tạo trong cách kể chuyện.
Trung Quốc đã có nhiều chính sách hỗ trợ các dự án phim lịch sử và chuyển thể,
từ tài chính đến địa điểm quay phim, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà làm
phim.
Nguồn: Sài Gòn Giải Phóng