Như nhà văn, triết gia Thomas Carlyle (1795-1881) từng
nói: “Giá trị của sáng tạo không phải là sự mới mẻ, đó là sự thành thật”, chỉ
có sự thành thật với bản thân, không bị tác động từ áp lực nào, khi đó thành
công mới tìm đến chúng ta.
Từ giải thưởng Nobel của nhà văn Han Kang,
nghĩ về sáng tạo
KIẾN VĂN
Giải Nobel văn chương năm 2024 đã gọi tên nữ văn sĩ
Han Kang của xứ sở kim chi. Niềm tự hào đó không chỉ của người dân Hàn Quốc mà
khiến nhiều người yêu văn chương của châu Á cảm thấy phấn khích. Người phụ nữ đại
diện cho thế hệ Gen X (Generation X) không chỉ nói lên cảm quan của thế hệ mình
mà đã và đang tác động mạnh mẽ đến đời sống giải trí ở một quốc gia mà nền công
nghiệp văn hóa đóng góp rất lớn trong tổng thu nhập quốc dân.
Ca khúc "How Can I Love the Heartbreak, You're
the One I Love" của AKMU mà Han Kang đã nghe khi viết tiểu thuyết được “hồi
sinh”; hai bộ phim được xây dựng dựa trên tiểu thuyết của bà là "The
Vegetarian" và "Scars" được chiếu lại sau 15 năm. Những điều ấy
nói với chúng ra rằng: Han Kang (và có thể còn cả nhiều nhà văn khác trên thế
giới) đã âm thầm sáng tạo từ nhiều đêm trước và được tỏa sáng trong buổi sớm
vinh danh. Không nghi ngờ gì nữa, chính một Han Kang miệt mài, quả quyết, tin ở
con đường mà mình chọn đã tạo nên một Han Kang danh tiếng của hôm nay.
Chia vui với nữ văn sĩ người Hàn Quốc, người viết cho
rằng đó là bài học cho tất cả chúng ta trên con đường thiên lý có tên “Cuộc đời”.
Giữa một thị trường giải trí sôi nổi đầy biến động, người sáng tạo vẫn giữ được
chính kiến của mình và cũng không bó hẹp ý tưởng trong bốn bức tường. Hơn nữa,
người sáng tạo còn là người dẫn dắt, khởi xướng những xu thế cảm xúc của cộng đồng.
Vậy nên, bản thân anh phải hết sức minh triết và bản lĩnh.
Nói đến đây, chúng ta có một sự so sánh thú vị khi đặt
những ý tưởng sáng tạo về tinh thần của nghệ sĩ bên cạnh những dự định của tỉ
phú Elon Musk như: Định cư ở sao Hỏa; xe chạy bằng điện; di chuyển 700 dặm một
giờ dưới lòng đất; gia tăng năng lượng; tăng áp động cơ cho não bộ... Tương
đương với nó là những công ty mà ông tạo ra như: dịch vụ vũ trụ SpaceX, xe điện
Tesla, năng lượng SolarCity, tàu siêu tốc Hyperloop, công nghệ kết nối máy tính
vào não bộ Neuralink, The Boring Company...
Từ hai lĩnh vực tưởng như xa lạ, giữa các nhân vật tưởng
như không mấy liên quan trong xã hội ngày này, người viết bỗng nhận ra một điều:
Mọi bước tiến công nghệ, mọi sự trợ giúp của khoa học đều hướng đến việc giúp
con người rảnh tay hơn nhưng lại phải nghĩ nhiều hơn. Có vẻ như cuộc thám hiểm
trong chính nội tâm con người còn là cái đích xa xôi hơn ý tưởng định cư trên
sao Hỏa của tỉ phú Elon Musk.
Dù thế nào chăng nữa, con người vẫn sẽ tiếp tục viết
nên những chương kì diệu của cuộc sống trước những thách thức, khó khăn. Có những
người dù phải sống trong một hoàn cảnh khó khăn hơn những vẫn giữ được lòng tự
trọng, sự nỗ lực để đạt đến những giá trị. Một cậu bé có tên Vũ Hồng Quân (Trường
THPT Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ), bị mất cả hai cánh tay một cách đáng tiếc nhưng
hằng ngày em vẫn đến lớp và chép bài chưa từng thiếu một dòng. Em nói: “Biết là
sẽ khó khăn hơn, nhưng con sẽ cố gắng. Con hy vọng sau này con có cơ hội được
xét vào học đại học" (theo: Đinh Thùy Hương, Báo Thanh niên).
Câu nói của Quân vang lên từ sâu thẳm nội tâm của một
người khuyết tật về thể hình nhưng chưa bao giờ tự làm mình yếu đi bởi sự thất
vọng, chán nản. Tinh thần con người chứa đựng phép màu kì diệu. Chúng ta có thể
vượt qua những định kiến, những trói buộc của thực tại để vươn tới tương lai. Ở
vào tuổi 95, nhà văn, đạo diễn Xuân Phượng vẫn khuyên những người viết trẻ bằng
câu nói xanh tươi, lạc quan: “Khi giữ một trái tim thanh xuân, tôi tin rằng
không có gì hạn chế chúng ta trong vấn đề sáng tác văn học hay tiếp xúc với cuộc
đời này”.
“Một trái tim thanh xuân” mà bà nhắc đến là thứ mà tiền
bạc, tham vọng không thể đánh đổi được mà chỉ có tình yêu cuộc sống mới mang lại
cho chúng ta. Tìm ra động lực sống giúp con người vừa vượt qua những thử thách
cuộc sống và kiếm tìm bí ẩn của cuộc đời. Dù là người khuyết tật, người cao
niên hay đang chịu một sự đau khổ, chúng ta cũng đừng quên sứ mệnh nhích từng
bước chân về phía trước. Bước thêm một bước, nơi đó ta sẽ gặp những điều tốt đẹp
và đang có không ít người chờ ta mang niềm vui đến.
Như nhà văn, triết gia Thomas Carlyle (1795-1881) từng
nói: “Giá trị của sáng tạo không phải là sự mới mẻ, đó là sự thành thật”, chỉ
có sự thành thật với bản thân, không bị tác động từ áp lực nào, khi đó thành
công mới tìm đến chúng ta.
Gác lại cậu chuyện này, người viết chợt nhớ đến một điều
đang đặt ra hằng ngày: Chúng ta đang sống trong kỉ nguyên của AI (trí tuệ nhân
tạo) và những lo ngại về những tác động trực tiếp của nó đến đời sống con người.
Đặc biệt, các giá trị nhân văn liệu có chỗ đứng hay không trong tương lai hay
công nghệ sẽ lấn át đạo đức, văn hóa, triết học... Thật may mắn, người viết đã
tìm thấy một kiến giải thuyết phục trong bài "Sự thiết yếu của triết học
trong thời đại AI" (Tạp chí Tia sáng, Đặng Hà dịch): “Trở lại với tuyên bố
của OpenAI, khi được hỏi về vai trò của triết học trong thời đại AI, Chat GPT
đã trả lời chúng tôi rằng (trong số rất nhiều mục đích khác) triết học “giúp đảm
bảo rằng sự phát triển và sử dụng AI phù hợp với các giá trị của con người”.
Theo tinh thần này, có lẽ chúng ta hoàn toàn có thể có
ý kiến đề xuất rằng, nếu sự gắn kết AI với những giá trị nhân văn thực sự là một
vấn đề trọng yếu như OpenAI tin tưởng, đây chắc chắn sẽ không chỉ là vấn đề kỹ
thuật cần tới sự chung tay của các kỹ sư hay công ty công nghệ, mà còn là một vấn
đề xã hội. Nghĩa là, sẽ cần đến sự tham gia của các nhà triết học, các nhà khoa
học xã hội, các luật sư, các nhà hoạt động chính sách, cả chính những công dân
sử dụng công nghệ và các thành phần xã hội khác”.
Các giá trị bền vững, cốt lõi sẽ luôn đồng hành cùng
con người như với 3 lần xuất hiện cách mạng công nghiệp trước đây. Hay, nói cụ
thể hơn, song hành với bước tiến của trí tuệ nhân tạo, mỗi người chúng ta đang
đứng trước thời cơ và thách thức mà trước hết là việc sáng tạo các nội dung số
như thế nào. Một xã hội văn minh, tiến bộ luôn cần đến các nội dung số có giá
trị cao, tương đương với bước phát triển của công nghệ số thay vì đem những thứ
rác rưởi, hủ lậu gắn lên nền tảng hiện đại này.
Công bằng mà nói, chưa bao giờ con người đứng trước một
cơ hội được sống với đam mê, sáng tạo như lúc này. Công nghệ đã xóa nhòa khoảng
cách địa lý, giảm thiểu sự chênh lệch về sự phát triển hạ tầng giữa các vùng miền
nhưng nhiều người lại dễ mắc phải những hệ lụy như: cổ xúy cho những trò độc, dị,
“bóc phốt”, “ném đá”, xúc phạm nhân phẩm của người khác. Họ quên mất rằng, văn
hóa truyền thống với các giá trị nhân văn mới là tinh thần của mọi thời đại, là
bí quyết trong ứng xử, giao tiếp, là đặc trưng, bản sắc để chúng ta đến với
nhân loại trong xu thế hội nhập. Bởi, khi anh đã không còn dày dặn, sâu sắc, tự
chủ, anh sẽ nhạt trước những ứng chiếu.
“Sáng tạo cần lòng can đảm” (Henri Matisse,
1869-1954), sự can đảm ấy sẽ giúp chúng ta vững bước trên đôi chân của sự tự
tin và chân thật...
Nguồn: Văn Nghệ Công An