Tiến sĩ Lý Quí Trung ra mắt cuốn sách truyền cảm hứng kinh doanh thứ 10 của mình, có tên gọi ‘Khác biệt để thành công’, vào sáng 6/10 tại TP.HCM.
Tiến sĩ Lý Quí Trung bắt đầu nổi tiếng với việc sáng lập và chuyển nhượng thương hiệu Phở 24. Không chỉ trực tiếp kinh doanh, tiến sĩ Lý Quí Trung còn tâm huyết với sự nghiệp đào tạo thế hệ doanh nhân thời hội nhập. Hiện tại, tiến sĩ Lý Quí Trung giữ vị trí Chủ tịch Viện Doanh nhân đương đại LQT và làm giáo sư kiêm nhiệm của Đại học Western Sydney, Úc.
Ngoài việc đứng lớp trực tiếp giảng dạy, tiến sĩ Lý
Quí Trung có một phương pháp khác để truyền cảm hứng tri thức là viết sách. Những
cuốn sách của ông từng xuất bản, vẫn bán rất chạy trên thị trường như “Bầu trời
không chỉ có màu xanh”, “Chỉ có niềm đam mê” hoặc “Start-up trong thời kỳ bình
thường mới”. Dù đề cập đến lĩnh vực kinh doanh ngỡ chừng khô khan, nhưng tiến
sĩ Lý Quí Trung có cách diễn đạt rất mạch lạc và lôi cuốn.
Con đường trở thành một doanh nhân viết sách của tiến
sĩ Lý Quí Trung xuất phát từ cái nôi gia đình. Cha của ông là nhà báo lừng danh
Chánh Trinh (1940-2005) còn mẹ của ông là doanh nhân Nguyễn Thị Quỳnh Nga. Ở tuổi
58, tiến sĩ Lý Quí Trung nảy ra ý định viết cuốn sách “Khác biệt để kinh doanh”
với dòng phụ chú “độc chiêu kinh doanh của các doanh nhân Việt Nam”, cũng từ
câu chuyện liên quan đến người mẹ từng có hệ thống nhà hàng Thanh Niên tại
TP.HCM.
Dịp tình cờ, tiến sĩ Lý Quí Trung gặp một bếp trưởng
nhà hàng, là nhân viên cũ của bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga. Bếp trưởng nhà hàng cho
biết, khi 17 tuổi đã đi phụ bếp cho nhà hàng Thanh Niên. Một hôm được bà chủ gọi
lên văn phòng khen ngợi và cho phép chọn một trong mấy món trang sức đã chuẩn bị
trước, xem như quà tăng khích lệ. Rất bất ngờ, cô phụ bếp chọn một sợi dây chuyền
và mang nó đến tận bây giờ.
Tiến sĩ Lý Quí Trung cho rằng: “Cách mẹ tôi khen thưởng
nhân viên cách đây mấy chục năm, đã đi ra ngoài lằn ranh của những ứng xử bình
thường. Tôi thích gọi những suy nghĩ hay những cách làm có phần bất quy tắc này
là “độc chiêu”, trong một chừng mực nào đó, là bí quyết góp phần tạo nên sự
khác biệt để thành công”.
Cuốn sách “Khác biệt để thành công” dày hơn 300 trang,
chia làm 5 chương. Thông qua 60 câu chuyện mắt thấy tai nghe, tiến sĩ Lý Quí
Trung đề cao những biểu hiện không cứng nhắc theo lý thuyết kinh doanh, mà mang
lại hiệu quả bất ngờ. Ví dụ, ông nói về cách quảng cáo bằng âm thanh của những
người mưu sinh nhọc nhằn: “Ở Sài Gòn trong hàng trăm năm nay, những người bán
hàng rong đã biết sử dụng tiếng rao của mình để quảng cáo. Họ còn chế biến vần
điệu, tiết tấu sao cho đặc biệt để gây thêm sự chú ý. Và nếu không rao bằng miệng
thì họ rao bằng âm thanh được phát ra từ các dụng cụ tự chế, mà điển hình là tiếng
cóc cóc của mấy xe mì gõ thời xưa, hay tiếng xúc xắc của những người đấm bóp dạo
len giữa những con hẻm đêm khuya”.
Theo tiến sĩ Lý Quí Trung, kỹ năng đáng quý của một
lãnh đạo doanh nghiệp là biết tự hào và khen ngợi nhân viên, nhất là trước mặt
mọi người. Ông bày tỏ: “Đáng tiếc, không ít người đã làm ngược lại, vì ngộ nhận
rằng việc khen ngợi nhân viên như vậy dễ làm họ ỷ lại, tự mãn, dẫn đến chất lượng
công việc sa sút. Những lãnh đạo theo trường phái này cũng sẽ tin rằng việc nhắc
nhở, khắt khe hơn với nhân viên sẽ làm cho họ chú tâm phấn đấu, cải thiện chất
lượng công việc liên tục. Quản trị bằng cách đánh vào yếu tố răn đe, áp lực là
một suy nghĩ sai lầm”.
Ngược lại, những người kinh doanh biết cách “ngửi ra
mùi cơ hội”, được tiến sĩ Lý Quí Trung nhận định: “Theo tôi, đó là một khả năng
đã có sẵn trong người, nhưng một khi nó được lặp đi lặp lại nhiều lần trong quá
trình kinh doanh, thì khả năng này đã được trui rèn, chuyển thành một kỹ năng,
một độc chiêu”.
Tâm huyết với sự trưởng thành của đội ngũ doanh nhân
Việt Nam ở thế kỷ 21, tác giả cuốn sách “Khác biệt để thành công” bày tỏ:
“Trong bối cảnh nền kinh tế và môi trường kinh doanh của Việt Nam và thế giới
có quá nhiều biến động, tôi tin rằng các doanh nghiệp cần phải hết sức tỉnh táo
chọn cho mình một hướng đi đúng đắn, nhưng phải dám sáng tạo và đi khỏi những lằn
ranh truyền thống, mới có thể tồn tại và phát triển.
Tôi sẽ không ngạc nhiên khi một số doanh nghiệp thành
đạt của ngày hôm nay, sẽ không còn hiện diện nữa trong những năm sắp tới, nếu vẫn
giữ nguyên cách làm và suy nghĩ cũ. Và tôi cũng không ngạc nhiên khi thấy các
doanh nghiệp tuy hôm nay còn rất nhỏ, nhưng sau này lại trở thành người dẫn đầu
trong các lĩnh vực, nhờ một tầm nhìn khác biệt. Khác biệt về chiến lược xây dựng
và đối xử với con người, về cách đặt trọng tâm vào trải nghiệm khách hàng xuất
sắc, về chiến lược marketing với tư tưởng đổi mới, và về tư duy kinh doanh đi
trước thời đại.
Tôi cũng tin rằng, tất cả đều phải bắt đầu từ người
lãnh đạo cao nhất của một tổ chức, vì chỉ có họ mới có đủ sức truyền cảm hứng
và lôi kéo cả một guồng máy đi tìm sự khác biệt”.
NNVN