Với bạn bè Trung Quốc, Lê Quý Đôn có cảm tình đặc biệt
với ông Tra Kiệm Đường, Thái thú phủ Thái Bình, người đích thân đưa thuyền đón
sứ đoàn ta với thái độ nồng hậu, chân tình. Nhà thơ có nhiều thư từ trao đổi,
thù tạc và thơ riêng ca ngợi tài năng cốt cách hào phóng của ông.
THƠ ĐI SỨ CỦA LÊ QUÝ ĐÔN
NGUYỄN THANH TÚ
Theo nghĩa tích cực, thời nào cũng vậy, vai trò sứ giả
rất quan trọng trong việc gắn nối, gắn kết các quốc gia để làm vững chắc hơn mối
quan hệ hữu nghị, hòa bình. Ngày xưa, ngoài vốn hiểu biết sâu rộng, giỏi đối
đáp, các sứ giả còn thường là nhà thơ… Có đầy đủ những tiêu chí ấy, dễ hiểu Lê
Quý Đôn được cử đi làm nhiệm vụ này. Trong quãng thời gian đi sứ bên Trung Quốc,
ông viết khoảng gần 300 bài thơ. Xin được giới thiệu tiếng thơ đối thoại ấy về
hai đối tượng: với tiền nhân và bạn bè.
Đối thoại với tiền nhân - Khát vọng hòa
bình, giàu có, thịnh trị
Mọi nền chính sự phải vì dân. Bài “Kinh Trảo Trực đường
chí Hoa Sơn” (Qua Trảo Trực đến Hoa Sơn) có hai câu cuối: “Thổ tình suy yết
Hoàng Sào khởi/ Ưng nghiệm đương niên triệu chiến trường” (Tinh hoa đất đai suy
kiệt, Hoàng Sào nổi dậy/ Nên chiêm nghiệm về điều binh lửa ấy). Hoàng Sào nổi
tiếng học giỏi tài cao nhưng không ra làm quan, về sau lãnh đạo nông dân khởi
nghĩa chống lại nhà Đường (875-884). Vì sao vậy? Mệnh đề phía trước là câu trả
lời: “Thổ tình suy yết”, vì bị bóc lột quá, vì nhân tài không được trọng dụng...
Bài thơ bật ra một ý nghĩa mang tính phổ quát: Cố mà tránh chiến tranh, phải biết
chăm lo dân, biết trọng hiền tài. Đó là nền tảng “tinh hoa” để xây dựng ngôi
nhà hòa bình, phát triển.
Đạo học và nhân tài là cơ sở cho sự thịnh vượng. Bài
“Trú Ngô Châu” (Dừng ở Ngô Châu) ca ngợi cảnh đẹp, trù phú, giàu có của miền
quê thanh bình: “Họa đống chu liêm mãn thị lâu” (Cột vẽ, rèm đỏ, tràn ngập các
tòa lầu). Ngẫm cảnh nước bạn, ngẫm về quê mình, ngẫm về xa xưa, hai câu cuối mở
ra một trường liên tưởng: “Kiều tưởng anh hiền chung dục địa/ Uyên uyên viễn
xứ xí tiền tu” (Ngẫm xa về mảnh đất sinh ra bậc anh tài/ Nguồn đạo học xa xưa,
ngưỡng mộ người xưa xây dựng).
Ngô Châu thuộc Quảng Tây, ngược mấy nghìn năm trước vốn
thuộc Bách Việt (thời Triệu Vũ Đế). Mà nay… Câu thơ thoáng một chút tiếc nuối
ngậm ngùi kín đáo. Đất Ngô Châu cũng sinh ra Sĩ Nhiếp (Thứ sử Giao Châu), người
có công truyền bá chữ Hán vào Nam Việt (được tôn xưng “Nam Giao học tổ”). Một ý
nghĩa toát ra: muốn giàu có phải có sự học hành. Đạo học và nhân tài là cơ sở
cho sự thịnh vượng.
Muốn có tài năng phải có nhiều sách. Trong tập “Tiêu
Tương bách vịnh” (Trăm bài về sông Tiêu Tương) nhà thơ tìm đến các bậc tiết
tháo đời xưa. Với Giả Nghị: “Bình sinh tôi thích đọc Tân thư/ Không a dua theo
thói đời/ Gần đây cầm cờ đi sứ/ Lan man tìm đến nơi cũ Thái phó Giả Nghị”. Giả
Nghị (200 - 168 TCN) học giỏi tài cao. Năm 22 tuổi có tác phẩm nổi tiếng “Trị
an thư” đề xuất cải cách chính trị theo đường lối an dân tiến bộ. Rất tiếc, Hán
Văn đế không trọng dụng. Đến Hoài Vương biết đến, cũng chẳng được bao lâu.
Giả Nghị chết sớm (năm 33 tuổi) để lại bộ “Tân thư”
(10 quyển) giá trị mà Lê Quý Đôn đã nói (Bình sinh tôi thích đọc Tân thư). Quý
Đôn nhắc nhiều đến Giả Nghị, ngoài sự kính trọng, còn là một sự thấu hiểu, thấu
cảm, đồng cảm. Như bổ sung cho quan niệm về một nền chính trị tiến bộ phải biết
coi trọng nhân tài, mà muốn có nhân tài phải có sách.
Trong bài số 74 trong “Tiêu Tương bách vịnh”, nhà thơ
ca ngợi: “Hồ Nam hưu thị danh thư viện/ Bí khởi nhân văn ngưỡng cổ hiền” (Hồ
Nam có thư viện danh tiếng/ Làm cho văn nhân có lòng ngưỡng mộ tiền nhân). Thư
viện Nhạc Lộc nổi tiếng ở Hồ Nam (một trong bốn thư viện lớn nhất Trung Quốc thời
xưa), như trong bài, Quý Đôn ca ngợi là “Dương dương huyền tụng thế tranh truyền”
(Vang tiếng giảng sách, tiếng đàn, người đời tranh nhau truyền tụng). Nhà thơ
đã gián tiếp nêu ra một quy luật phát triển: sách vở (văn hóa đọc) là cơ sở đầu
tiên để có nhân tài!
Đối thoại với bạn bè - Khiêm cung cởi mở,
tôn trọng, bản sắc
Với bạn bè Trung Quốc, Lê Quý Đôn có cảm tình đặc biệt
với ông Tra Kiệm Đường, Thái thú phủ Thái Bình, người đích thân đưa thuyền đón
sứ đoàn ta với thái độ nồng hậu, chân tình. Nhà thơ có nhiều thư từ trao đổi,
thù tạc và thơ riêng ca ngợi tài năng cốt cách hào phóng của ông.
Ở đây xin giới thiệu bài tiêu biểu nói về bạn bè văn
nhân làm quan người Trung Quốc nhưng nổi rõ phong cách, ý tứ, quan niệm của Lê
Quý Đôn, bài “Thứ vận đáp Liễu Châu Kinh lược Cốc Khê” (Họa vần đáp Kinh lược
Liễu Châu Cốc Khê): “Gặp nhau cùng chén rượu vàng/ Phóng khoáng tấm lòng nói
chuyện mười châu/ Về văn học, thẹn chỉ vẽ được con phượng trắng/ Với đạo, ông
nhẹ bước theo trâu xanh/ Yến đường, cảnh tiên tươi thắm như tranh vẽ/ Núi non
Việt Điện xanh biếc bồng bềnh trên sông/ Dọc đường, cuộc du ngoạn thấy nhiều cảnh
đẹp/ Người chí khí ngang dọc trời thu”. Nội dung bài cho biết vị quan Kinh lược
Liễu Châu hiệu là Cốc Khê rất quý bạn (cùng nhau uống rượu vàng), có tặng Quý
Đôn bài thơ “phần nhiều phóng khoáng”.
Lê Quý Đôn có thơ đáp lại, tự nhận mình văn chương tầm
thường, còn Cốc Khê thì thoát tục “nhẹ bước theo trâu xanh” tức nhẹ nhàng theo
Lão Tử. Tại sao lại có cảnh “Núi non Việt Điện xanh biếc bồng bềnh”? Việt Điện
chỉ hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây vốn thuộc Bách Việt xưa. Một thoáng tự hào.
Một chút suy tư. Một sự ngậm ngùi về quá khứ. Bao nhiêu ẩn ý trong hai chữ “Việt
Điện” ấy! Nhưng kết bài thì bừng lên một khí thế mạnh mẽ trong hiện tại: “Hành
nhân ý khí chính hoành thu” (Người chí khí ngang dọc trời thu). Ba thanh trắc
trong bản phiên âm (ý khí chính) giữa câu nổi lên như ngọn núi cao vậy. Một chủ
thể trữ tình Quý Đôn hiện lên mạnh mẽ, tự tin.
Lê Quý Đôn còn chuyện trò trực tiếp hoặc theo lối “bút
đàm” với sứ thần nhiều nước khác, nhưng để lại ấn tượng sâu đậm là với các bạn
bè Triều Tiên trong mối quan hệ chân tình, bình đẳng, quý trọng. Xin giới thiệu
bài “Giản Triều Tiên quốc sứ Hồng Khải Hy, Phó sứ Triệu Vinh Tiến, Lý Huy
Trung” (Viết gửi Chánh sứ Triều Tiên Hồng Khải Hy, Phó sứ Triệu Vinh Tiến, Lý
Huy Trung).
Lời đề từ bài thơ rất dài, theo lối bang giao khiêm
cung, xin trích một đoạn (dịch): “Tôi kiến thức hẹp hòi, được sung làm bồi thần
mang ngọc chương đến cung khuyết. Sứ quân từ xa đến, tôi may được gặp trong cuộc
lễ tân. Vừa mới tiếp kiến trong cuộc đàm luận đã thành đôi bạn thân thiết… Tình
bạn hữu không chỉ là vâng nghe, bèn gửi bài thơ luật vụng về, mong ở nơi đất
khách được đón bằng đôi mắt xanh, để không còn cảm giác cách xa Tề Sở…”.
Bài thơ như sau: “Doanh hải đông nhai các nhất
phương/ Tề xu Bắc địa tác quan quang/ Tản Viên khải tự Tùng Sơn tú/ Áp Lục ưng
đồng Nhị Thủy trường/ Lục tịch dĩ lai đa học vấn/ Cửu trù nhi hậu cánh văn
chương/ Lữ hoài tịch diệp như hoa phiến/ Tân hướng xuân phong vị triển dương”
(Bờ đông biển cả mỗi nước một phương/ Cùng đến xem phong cảnh đất phương Bắc/
Núi Tản Viên đẹp như núi Tùng Sơn/ Sông Áp Lục có lẽ dài như sông Nhị/ Từ khi
có Lục kinh có nhiều tài năng học vấn/ Từ Cửu trù về sau càng nổi văn chương/
Tình lữ khách xếp chồng như nếp quạt hoa gấp lại/ Hướng về gió xuân được mở
tung).
Theo các ghi chép, nhân sứ bộ Triều Tiên mời tiệc sứ bộ
An Nam (tại Yên Kinh) và tặng các quà quý như thuốc, quạt giấy (đặc sản văn hóa
Triều Tiên), Lê Quý Đôn làm thơ cảm ơn. Dễ thấy tinh thần của bài là mong mỏi sự
gắn bó gần gũi giữa hai quốc gia, tuy nước phía Đông, nước phía Nam nhưng “đồng
văn, đồng chủng” (cùng văn hóa Nho giáo, dùng chữ Hán). Còn toát lên tinh thần
tự chủ: mỗi nước một phương cùng đến tham quan đất phương Bắc.
Triều Tiên và An Nam đều có cảnh đẹp núi rộng sông
dài, hùng vĩ, nên thơ: “Núi Tản Viên đẹp như núi Tùng Sơn/ Sông Áp Lục có lẽ
dài như sông Nhị”. Hai nước lại chung “Lục kinh” (sách kinh điển Nho gia: Thi,
Thư, Lễ, Dịch, Thu, Nhạc); “Cửu trù” (chín điều cơ bản cai trị thiên hạ trong
“Kinh Thư”). Hai câu cuối rất tinh tế, mượn hình ảnh cái quạt gấp lại, hướng về
gió xuân thì nở tung (như hoa) ca ngợi tình bạn giao hảo hai nước vui vẻ như
đón gió xuân hòa bình, hữu nghị, thân thiện nồng ấm!
Qua trước tác, cho thấy Quý Đôn gặp gỡ nhiều sứ thần, nhiều văn nhân, trí thức nổi tiếng, cùng nhau bàn luận nhiều vấn đề sử học, triết học, văn học, nông học... Ông phải đọc thật nhiều các sách Trung Quốc nói về Triều Tiên, Ấn Độ, Nam Dương, Ba Tư… Đọc các sách Trung Quốc nói về phương Tây hoặc dịch từ sách phương Tây. Kiến thức tích lũy thành học vấn làm nền tảng “bất biến” để ứng với cuộc sống muôn nẻo “vạn biến”. Cuộc đời và sự nghiệp đồ sộ, lớn lao của nhà “bách khoa toàn thư” Lê Quý Đôn thật xứng đáng vinh danh Danh nhân văn hóa thế giới.
Nguồn: Văn Nghệ Công An