Các tác phẩm của Đặng Nhật Minh như một dòng chảy, mà nhìn thoáng qua tưởng như rất êm dịu, mềm mại, nhưng thực chất luôn tỏa nhiệt và lay động tâm tư con người. Đó là một dòng chảy không lẫn vào trong biển sóng.

Thân phận con người trong dòng chảy lịch sử dân tộc (trong phim của Đặng Nhật Minh)

                                                                ĐINH TRỌNG TUẤN

        Ngày 02/ 06 /1999 tại Tokyo (Nhật Bản), đạo diễn Đặng Nhật Minh bước lên bục danh dự nhận Giải thưởng lớn về Văn hóa cho những sáng tác điện ảnh của ông, do Tập đoàn báo chí Nihon Keizai Simbun (Nhật Bản) trao tặng. Với những lời lời lẽ trang trọng, ông Takuhita Tsuhuta – Chủ tịch tập đoàn đã tuyên dương đạo diễn Đặng Nhật Minh: “Có những thành tựu xuất sắc trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống ở Châu Á, thông qua những nỗ lực to lớn trong việc sáng tạo những tác phẩm điện ảnh nổi bật diễn tả được tâm hồn và tình cảm của người Châu Á ra với thế giới…”

        Năm 2008, Đài CNN đã bình chọn bộ phim Bao giờ cho đến tháng Mười là “1 trong 18 bộ phim châu Á xuất sắc nhất mọi thời đại”.

        Trong gần nửa thế kỷ qua, các tác phẩm điện ảnh của đạo diễn Đặng Nhật Minh luôn được khán giả trong nước và quốc tế yêu mến, chờ đợi.

Điều gì đã tạo nên sức hút kỳ diệu trong các tác phẩm của Đặng Nhật Minh? Đó là một câu hỏi luôn được giới sáng tác – phê bình điện ảnh quan tâm, phân tích, bình luận.

        Trong bản tham luận ngắn này, tôi muốn nêu 4 điểm nổi bật làm nên thành công của các tác phẩm điện ảnh của Đặng Nhật Minh

Những bộ phim thành công của Đặng Nhật Minh đều do ông tự viết kịch bản.

Trước khi có được thành công đầu tiên khá vang dội với bộ phim Thị xã trong tầm tay được trao giải Bông Sen Vàng trong LHPVN lần thứ VI (1983), Đặng Nhật Minh đã thực hiện một số phim truyện điện ảnh mà đến nay ít người nhớ tới.

Năm 1973, Đặng Nhật Minh đạo diễn phim Những ngôi sao biển (kịch bản Nguyễn Khắc Phục)

Năm 1976 đạo diễn phim Ngày mưa cuối năm (kịch bản Hồng Phi)

Đây là hai bộ phim mang tính minh họa thời sự, Đặng Nhật Minh làm đạo diễn theo kịch bản của người khác viết. Thời gian này ông rơi vào khủng hoảng, bắt đầu nghi ngờ con đường đi của mình, nghi ngờ ý nghĩa của cái nghề đạo diễn điện ảnh.

        Thật may mắn, Đặng Nhật Minh kể lại, một buổi chiều đang ngồi uống trà ở quán nước bên đường Hàn Thuyên, tình cờ ông gặp nhà nghiên cứu Hán Nôm Vũ Hoàng Địch – em trai của nhà thơ danh tiếng Vũ Hoàng Chương. Đặng Nhật Minh đem nỗi niềm riêng kể cho người bạn vong niên nghe. Vũ Hoàng Địch khuyên: Tại sao cậu không viết kịch bản? Cái truyện ngắn Thị xã trong tầm tay của cậu đăng trên báo Văn nghệ tớ có đọc, đó chính là Cine đấy! Lời khuyên vàng ngọc của Vũ Hoàng Địch chính là một bước ngoặt để Đặng Nhật Minh tìm thấy con đường đi của mình. Từ đây ông chỉ  làm phim về những vấn đề, những con người khiến ông quan tâm, xúc động, đau đớn…và ông tự viết kịch bản cho những bộ phim của mình.

Thị xã trong tầm tay là thành công đầu tiên, mở ra một thời kỳ thành công rực rỡ của Đặng Nhật Minh với: Bao giờ cho đến tháng Mười, Cô gái trên sông, Trở về, Thương nhớ đồng quê, Hà Nội mùa đông năm 1946, Mùa ổi, Đừng đốt…

Trong 8 bộ phim tôi vừa liệt kê thì phim Thương nhớ đồng quê và phim Đừng đốt có kịch bản do Đặng Nhật Minh chuyển thể từ tác phẩm văn học của Nguyễn Huy Thiệp và Đặng Thùy Trâm. Còn lại 6 bộ phim Thị xã trong tầm tay, Bao giờ cho đến tháng Mười, Cô gái trên sông, Trở về, Hà Nội mùa đông năm 1946, Mùa ổi đều là những sáng tác nguyên bản của Đặng Nhật Minh.

Tính lịch sử trong phim của Đặng Nhật Minh

Nếu xâu chuỗi các tác phẩm điện ảnh  của Đặng Nhật Minh lại theo mốc thời gian chúng ta sẽ thấy một dòng chảy lịch sử cách mạng Việt Nam.

Phim Hà Nội mùa đông năm 1946: giai đoạn lịch sử đất nước vừa mới giành độc lập, Hồ Chủ tịch cùng với Trung ương lãnh đạo nhân dân chống thù trong giặc ngoài và cuối cùng quyết định rút khỏi Hà Nội, lên Việt Bắc bắt đầu cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm.

Phim Mùa ổi: Miền Bắc được giải phóng, Hà Nội bước vào thời kỳ cải tạo tư sản, tư doanh.

Phim Đừng đốt: Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giai đoạn khốc liệt nhất.

Phim Cô gái trên sông: Dấu kết nối của chiến tranh và hòa bình. Những người lính cách mạng, những cô gái ăn sương – tàn dư của chế độ cũ cùng bước vào cuộc sống mới.        

Phim Bao giờ cho đến tháng Mười: Đất nước đã có hòa bình, nhưng những mất mát, đau thương từ chiến tranh vốn là nỗi ám ảnh dai dẳng tác động mạnh mẽ đến cuộc sống của người dân hôm nay.

Phim Thị xã trong tầm tay: Vừa ra khỏi một cuộc chiến tranh, đất nước lại phải đối đầu với một cuộc chiến tranh mới. Đó là năm 1979 không thể nào quên.

Và cuối cùng là hai bộ phim Trở về và Thương nhớ đồng quê: Đây là thời kỳ cả nước chuyển đổi cơ chế từ bao cấp sang thị trường. Những con người thuần túy, chân chất từ nông thôn đến thành thị đều bị tác động mạnh mẽ, buộc phải thay đổi, và những mặt trái của cơ chế thị trường xuất hiện.

Tôi nhấn mạnh tính lịch sử trong phim của Đặng Nhật Minh để thấy rằng sự quan tâm, suy nghĩ của ông về lịch sử đất nước, về xã hội và con người trong ngót một thế kỷ qua khá toàn diện và sâu sắc.

Nhưng nói đến một bộ phim là nói đến nội dung cốt truyện, là các nhân vật, là nghệ thuật thể hiện…Và phim của Đặng Nhật Minh thành công khi xây dựng, miêu tả những thân phận con người trong dòng chảy lịch sử thực sự đặc sắc, ấn tượng.

Thân phận con người gắn với lịch sử

Các nhân vật trong phim của Đặng Nhật Minh đều được đặt trong những hoàn cảnh ngặt nghèo, trong những thời khắc lịch sử đặc biệt mà ở đó họ bộc lộ tình cảm, tính cách rõ ràng nhất.

Nếu tính từ ngày Việt Nam độc lập 2-9-1945 đến hết thế kỷ 20 – khoảng thời gian, không gian mà những bộ phim của Đặng Nhật Minh đề cập tới, tổ quốc ta đã trải qua nhiều cơn binh lửa, đất nước bị chia cắt, luôn luôn ở tình trạng chiến tranh, hoặc nửa chiến tranh nửa hòa bình. Cuộc sống của con người thường xuyên bị thử thách trong những hoàn cảnh cam go, khốc liệt.

Có thể nói đạo diễn Đặng Nhật Minh đã xây dựng, khắc họa thành công một loạt nhân vật, đã miêu tả sống động từng thân phận con người gắn với từng giai đoạn lịch sử.

Đó là hình tượng Hồ Chí Minh trong phim Hà Nội mùa đông năm 1946; đó là nhân vật ông Hoà, cô Thủy trong phim Mùa ổi; đó là chị Đặng Thùy Trâm trong phim Đừng đốt; đó là cô Nguyệt, ông Thu trong phim Cô gái trên sông; đó là chị Duyên, thầy giáo Khang trong phim Bao giờ cho đến tháng Mười; đó là chị Ngữ, em Nhâm của phim Thương nhớ đồng quê; đó là nhà báo Vũ, cô giáo Thanh trong phim Thị xã trong tầm tay…

Mỗi nhân vật đều được diễn tả hết sức sinh động, đậm nét, sâu sắc. Họ như những chứng nhân lịch sử, như tấm gương phản chiếu xã hội. Xem phim chúng ta thấy được cuộc sống, xã hội thậm chí cả tâm hồn, tình cảm, suy nghĩ của con người gắn với từng thời kỳ lịch sử.

Có được những nhân vật để đời cho điện ảnh, bên cạnh con mắt tinh đời của đạo diễn Đặng Nhật Minh trong việc lựa chọn diễn viên chính xác cho từng nhân vật, còn phải ca ngợi tài năng tuyệt vời của các nghệ sỹ: Tiến Hợi trong vai Hồ Chủ tịch của Hà Nội mùa đông năm 1946; Bùi Bài Bình vai ông Hòa, Lan Hương vai Thủy của Mùa ổi; Minh Hương vai Đặng Thùy Trâm của Đừng đốt; Minh Châu vai Nguyệt, Nguyễn Anh Dũng vai ông Thu của Cô gái trên sông; Lê Vân vai Duyên, Nguyễn Hữu Mười vai thầy giáo Khang của Bao giờ cho đến tháng Mười; Thúy Hường vai Ngữ, Tạ Ngọc Bảo vai Nhâm của Thương nhớ đồng quê; Tất Bình vai nhà báo Vũ, Quế Hằng vai cô giáo Thanh của Thị xã trong tầm tay…

Tính phản biện trong phim của Đặng Nhật Minh

Có lần đạo diễn Đặng Nhật Minh tâm sự: “Khi cha tôi ra nước ngoài cũng như khi trở về nước (cha ông là Giáo sư – bác sĩ – Anh hùng lao động Đặng Văn Ngữ) hành trang chẳng có gì ngoài những công trình khoa học, những đóng góp để cứu chữa những vết thương, những căn bệnh mang lại sức khỏe cho con người và một tấm gương sáng, tận tụy của một người trí thức yêu nước. Gia tài ông để lại cho tôi là lòng yêu quê hương, sự gắn bó máu thịt với nhân dân mình, đất nước mình, là lòng yêu con người, sự cảm thông sâu sắc trước những nỗi khổ đau của con người…”

Có lẽ những lời tâm sự chân thành của Đặng Nhật Minh đã lý giải phần nào thiên hướng nghệ thuật của ông.

Trong các bộ phim của mình, Đặng Nhật Minh luôn trăn trở suy nghĩ về những con người bất hạnh, lao khổ, những con người có số phận trớ trêu bị vấp ngã, bị vùi dập xô đẩy vì thời cuộc, vì những chính sách bất cập mang tính lịch sử, vì những toan tính thấp hèn của con người. Cuộc đời họ bị đẩy tới bi kịch nhiều khi do hoàn cảnh gây nên.

Cuộc đời tàn tạ của ông Hòa trong phim Mùa ổi là mặt trái của chính sách cải tạo tư bản, tư doanh những năm đầu hòa bình lập lại ở Miền Bắc năm 1954.

Mối tình đẹp của nhà báo Vũ và cô giáo Thanh tan vỡ trong phim Thị xã trong tầm tay cũng có phần tác động mạnh, khắc nghiệt của chủ nghĩa lý lịch một thời.

Sự bội bạc của anh cán bộ Thu trong phim Cô gái trên sông đã manh nha báo hiệu sự thoái hóa, biến chất, cơ hội của các ông quan cách mạng.

Một làng quê buồn bã, tù túng với những con người đau khổ đang tan rã trong sự tác động của cơ chế thị trường chưa tìm ra lời giải trong phim Thương nhớ đồng quê…

Phim của Đặng Nhật Minh khai thác nội tâm sâu sắc, có nhiều độc thoại. Các nhân vật của ông trăn trở nhiều về lẽ sống, tình người. Các tác phẩm của Đặng Nhật Minh như một dòng chảy, mà nhìn thoáng qua tưởng như rất êm dịu, mềm mại, nhưng thực chất luôn tỏa nhiệt và lay động tâm tư con người. Đó là một dòng chảy không lẫn vào trong biển sóng.

Chính vì thế, phim của ông thu hút sự quan tâm của mọi tầng lớp trong xã hội, nhưng đồng thời nó cũng gây cho ông những khó khăn, hệ lụy trong cuộc đời sáng tác.

Các bộ phim Cô gái trên sông, Bao giờ cho đến tháng Mười, Thương nhớ đồng quê… đã nhận được nhiều ý kiến không mấy dễ chịu của các cấp lãnh đạo cao nhất. Nhưng cũng may, thời nào thì chúng ta vẫn có những nhà lãnh đạo am hiểu văn hóa, nghệ thuật để đồng cảm với những tác phẩm gai góc nhưng trong sáng, nhân văn của người nghệ sỹ.

Rõ ràng các tác phẩm thành công của Đặng Nhật Minh bên cạnh nghệ thuật thể hiện xuất sắc là tiếng nói phản biện dũng cảm, mạnh mẽ, chân thành của một người công dân yêu nước trong tư cách người nghệ sỹ.

Tôi cố gắng phác thảo những đặc điểm làm nên thành công của phim Đặng Nhật Minh. Nhưng để hiểu rõ, hiểu sâu về các tác phẩm của ông chắc phải có những công trình nghiên cứu kỹ lưỡng, toàn diện hơn nữa.