Văn chương đang lép vế trước các loại hình giải trí
khác. Thế rồi có người nói: "Tiểu thuyết đã chết". Có người lại bảo:
"Thơ đang ngắc ngoải". Thời cách mạng công nghệ số, văn chương có cần
không?
VĂN CHƯƠNG CÓ ÍCH GÌ?
SƯƠNG NGUYỆT MINH
Văn chương không còn "thiêng" nữa. Văn
chương đang lép vế trước các loại hình giải trí khác. Thế rồi có người nói:
"Tiểu thuyết đã chết". Có người lại bảo: "Thơ đang ngắc ngoải".
Thời cách mạng công nghệ số, văn chương có cần không? Văn chương thì có ích gì?
Toàn là những câu hỏi khó, và những phủ định "sạch trơn". Nhưng, văn
học nhà trường vẫn bắt buộc học, sách văn học vẫn in đều đều, có quyển ra mắt rất
đình đám. Văn chương vẫn tồn tại thì phải có cái lý của nó, phải có ích lợi gì
chứ!
1.
Tôi nhớ mãi câu chuyện "Đại Lãn chờ sung"
trong sách giáo khoa bậc tiểu học thời cắp sách đến trường hơn 50 năm trước.
Tóm tắt là: Một gã lười tên là Đại Lãn. Một ngày kia, gã đi qua một cây sung
to, quả rụng lăn lóc dưới gốc. Thỉnh thoảng quả lại rơi bộp... bộp khiến cái bụng
gã đói meo gào réo gọi đòi ăn. Nhưng, lẽ ra nhặt quả rụng hay trèo lên cây bứt
quả chín để ăn, thì gã nằm ngửa ra, há miệng chờ... sung rụng.
"Há miệng chờ sung" chả tốn công sức, mà vẫn
nhàn thân có ăn. Ấy là gã Đại Lãn nghĩ thế, hành động thế, nhưng nằm cả buổi
đói lả, chẳng quả sung nào rơi trúng miệng gã.
Câu chuyện cứ ám ảnh theo tôi suốt đời, và mỗi khi làm
việc gì tôi luôn nghĩ phải chăm chỉ, quyết liệt, không được lười nhác và cầu
may. Tôi đem câu chuyện "Đại Lãn chờ sung" hỏi những người học cùng
thời, họ cũng nhớ và cùng nỗi niềm tâm sự. Có phải văn học khiến con người sống
tốt, sống tử tế... mà bạn bè tôi mỗi khi gặp nhau nói chuyện về gia đình thì cứ
chen những câu tục ngữ, thành ngữ, ca dao vào lời nói: "Thuận vợ thuận
chồng, tát biển Đông cũng cạn", hoặc: "Râu tôm nấu với ruột
bầu/ Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon", và: "Bầu ơi
thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn"... Không
quên! Bạn bè tôi được học từ thời phổ thông, vẫn nhớ. Văn học dân gian mang
hình ảnh người thân gần gũi, nhắc nhở phận sự làm một thành viên gia đình... in
vào trong đầu chúng tôi, cứ lấp lánh, vang vọng.
Ấy là chưa kể những kinh nghiệm sản xuất trong văn học
dân gian: "Nhất nước, nhì phân, tam cần tứ giống", "Sấm Mường Lạ,
để dạ mà ăn/ Sấm Mường Ngay, quăng bừa cày lên gá"...; hay ứng xử,
kinh nghiệm sống: "Hiểu đàn ông xem bờ ruộng/ Xét đàn bà nhìn gấu váy".
"Dao sắc gãy chuôi/ Người ngay dễ chết"... có ích rất nhiều trong đời
sống người dân thật thà, chất phác và quá trình hình thành lối sống nhân
ái.
Văn học còn bồi đắp, nuôi dưỡng lòng yêu thương những
thân phận bất hạnh, yết ớt trong cuộc đời bất công khốn khó. Tôi vẫn tin một điều:
bất cứ ai đã từng đọc tiểu thuyết "Tắt đèn" của Ngô Tất Tố sẽ buồn
thương và xót xa với số phận chị Dậu. Cháu tôi 7 tuổi cùng bốn năm đứa bạn xem
phim "Làng Vũ đại ngày ấy" đã chảy nước mắt khi đến đoạn chị Dậu bán
chó, bán con, cái Tí phải sang làm con ở nhà Nghị Quế. Có đứa buột miệng:
"Tại sao chị Dậu phải bán con?".Đứa bên cạnh bảo: "Vì chị ấy
nghèo".
Lại có đứa hỏi: "Vì sao chị ấy nghèo?" Câu hỏi
và trả lời của bọn trẻ con tưởng như không bao giờ dứt, và tôi cũng nhận ra một
điều giản dị: Văn học, nghệ thuật đã tác động vào tâm hồn trẻ thơ, mở ra cho
chúng chân trời mới bí ẩn kích thích khám phá, sáng tạo và nghĩ ngợi. Cái cách
phản ánh hiện thực xã hội, đánh thức ánh sáng lương tâm con người thì không có
chuyên ngành xã hội nhân văn nào làm tốt hơn văn học nghệ thuật? Ai đã từng đọc
"Anh Xẩm" của Nguyễn Công Hoan ngay từ mở đầu truyện:
"Từ chiều, lại bắt đầu trở rét.
Gió.
Mưa.
Não nùng.
Đường vắng ngắt. Chưa đến tám giờ mà đường đã vắng ngắt..."
cũng thấy nhói lòng buồn trước cảnh thê lương, hiu hắt. Ai cũng sẽ hình dung ra
anh Xẩm trong chiều tối ảm đạm, gió cuốn, "mưa như rây bột" nghêu
ngao gò ngực hát, há miệng hát, hòng kiếm những đồng tiền lẻ bố thí, nhưng cái
thau rách không một đồng chinh... khi mọi người cũng đang vội vã tìm về tổ ấm,
tìm nơi tránh rét mưa... Chắc chắn các hình ảnh nghệ thuật ấy sẽ khơi gợi, đánh
thức nỗi xót xa thân phận đồng loại, và thương yêu con người thiệt thòi, bất hạnh.
Cho nên tiểu thuyết gia người Mỹ Harry Sinclair Lewis đoạt giải thưởng Nobel
năm 1930 mới nói: "Người viết văn có sức mạnh hiếm hoi ít ai khác có:
Chúng ta có thể gây buồn chán cho người khác ngay cả lâu sau khi ta qua đời".
Bạn đã run rẩy hay xao xuyến, bâng khuâng trước một
thiên nhiên lộng lẫy được miêu tả trong thơ văn chưa? Tôi thì có rồi đấy.
"Cỏ non xanh tận chân trời/ Cành lê trắng điểm một vài bông
hoa", hoặc "Dưới trăng quyên đã gọi hè/ Đầu tường lửa lựu lập
lòe đơm bông"... những câu thơ ấy chỉ miêu tả thiên nhiên, con vật mà gợi
mở, kéo người đọc vào cảnh vật vừa gần gũi vừa xa xăm, đẩy trí tưởng tượng đến
mênh mông tận cùng, khiến cho cảnh sinh tình, làm cho chúng ta thêm yêu thiên
nhiên, biết thụ hưởng vẻ đẹp của tạo hóa.
Tôi cũng đã từng viết những câu: "Sương mù bay suốt
cả giêng hai. Đất trời làng quê vẫn trắng đục màu sữa. Lãng đãng. Bồng bềnh. Hư
ảo. Mái rạ, bụi ruối, vườn rau, luống cày đất ải... đều chìm trong màn sương...
Những hôm sương mù nặng, đi chợ sớm mới ra khỏi đầu làng đã ướt tóc mai, ướt
vai áo gụ. Người đi làm đồng, trâu bò, gồng gánh, cày bừa cũng chìm ngập trong
biển mù sương, ngỡ mình đang mơ lạc sang cõi khác. Chỉ nghe tiếng khao khao lúc
gần lúc xa mà đoán những người hàng xóm là ai đã đi đến đoạn đường
nào...". Bạn bè tôi ở thành phố cứ ước ao có dịp về làng tôi để được đi
trong sương mù như thế, để cảm nhận và trải nghiệm cái se se lạnh mùa giêng hai
nhà quê. Chỉ bằng đoạn tản văn tả cảnh vật thôi cũng đủ làm cho người đọc lay động,
bâng khuâng trước vẻ đẹp kì thú của thiên nhiên thì có niềm vui nào hơn nữa?
Văn học cũng chắp cánh cho ước mơ bay lên. Tôi tin rằng
học sinh phổ thông đã từng đọc "Hoàng tử bé" của Saint-Exupéry sẽ cảm
thấy mình phiêu lưu vào tiểu tinh cầu B612 có ba ngọn núi lửa và một bông hoa hồng.
Bạn đọc trẻ sẽ muốn được làm Hoàng tử bé để đi du ngoạn, khám phá phần còn lại
của vũ trụ và thả hồn, thao thức với không gian lạ xa, bí ẩn của thiên hà. Văn
học đã làm cho tâm hồn con người tươi xanh lãng mạn, tạm quên những chuyện mưu
sinh lầm lũi thường ngày để bay lên khỏi mặt đất như thế.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trong một lần giao lưu với
sinh viên, đã chia sẻ rằng: "Con đường sáng tạo văn chương không bao giờ
ra khỏi con đường chính là chủ nghĩa nhân văn cao cả. Văn chương biến sự kiện
trong đời sống, trên đường phố thành sự kiện bên trong tâm hồn, sự kiện mang
tính mỹ học, gieo vào hồn chúng ta bởi những cái đẹp".
2.
Người ta nói, nhà văn còn là... nhà tư tưởng. Nhà tư
tưởng trong nhà văn vô tình hay cố ý sẽ gửi gắm đến bạn đọc một tư tưởng nào
đó, hoặc ít ra cũng là một ý tưởng, một thông điệp nào đó. Bạn đọc tiếp nhận và
tỏ thái độ đồng tình đồng hành hay phản đối, có nghĩa là văn học đã tác động đến
tư duy, tư tưởng, tình cảm của con người. Hãy đọc "Chiến tranh và hòa
bình" của Lev Tolstoy để được "sống lại thời kì toàn thể nhân dân và
dân tộc gặp nhau trên chiến trường. Nhân dân là nhân vật trung tâm... và tính
chất nhân dân anh hùng quyết định vận mệnh lịch sử của dân tộc". Bạn đọc sẽ
hiểu "chúng sinh", hiểu vai trò của nhân dân mà chính mình là một
thành viên trong hằng hà sa số đó. Thay cho các bài tuyên truyền khô khan, người
đọc sẽ hiểu sức mạnh của nhân dân qua hình tượng văn học.
Nhà văn Nguyễn Minh Châu đã từng viết rằng: "Nhà
văn phải là một thứ côn trùng dùng cái râu của mình để thăm dò không khí thời đại".
Thực ra, ông muốn nói đến sự nhạy cảm và nắm bắt chính trị, xã hội và những
xung đột tiềm ẩn trong thời đại của nhà văn. Nhà văn không chỉ là "người
thư ký trung thành của thời đại", mà còn biết nhìn thấy những vấn đề xã hội
đang còn manh nha. Tính phát hiện, dự báo của nhà văn mà những người bình thường
không nhìn ra sẽ đi vào tác phẩm văn học và giúp cho các nhà lãnh đạo, hoạch định,
quản trị xã hội tốt hơn.
Năm 1984, trước Đổi mới, Lưu Quang Vũ đã viết vở kịch
"Tôi và chúng ta", ông phát hiện ra cơ chế quản lý kinh tế lỗi thời,
cũ mòn, quan liêu, kìm hãm sức sản xuất, ông phản biện bao cấp kinh tế, bao cấp
cả tinh thần tư tưởng và công khai bảo vệ cái mới đang manh nha để "giã từ
với quá khứ một cách vui vẻ" như cách nói của C.Marx.
Trước nữa là tiểu thuyết "Cù lao Tràm",
"Đứng trước biển" của Nguyễn Mạnh Tuấn, người đọc sẽ có ích khi tiếp
nhận các thông tin xã hội học, ông "biết cách từ những hiện tượng xã hội
khái quát thành vấn đề xã hội". Vấn đề cưỡng bức nông dân vào hợp tác xã,
hay phân biệt kì thị người có năng lực đã từng làm việc trong chính quyền cũ để
quản lý điều hành sản xuất…, bây giờ đã thành "rêu phong cổ tích",
nhưng hơn bốn chục năm trước người ta đang đầy nhiệt huyết say sưa làm thì ông
đã phát hiện ra và đưa vào tác phẩm để phê phán.
Văn chương không chỉ là thù tạc, lập chí, lập ngôn, lập
danh nữa, mà còn là "đất hứa" cho ai đó yêu mến và hành nghề - nghề
viết văn, dạy văn. Bởi còn con người thì còn cảm thụ và giải trí, còn gieo hạt
giống tâm hồn. Người sáng tác có thể hành nghề viết và có thu nhập, sống ổn định
hoặc sống tốt nhờ bán tác phẩm. Người viết văn, làm báo văn, dạy văn học sẽ được
trả công xứng đáng khi làm nghề tốt... Còn vô vàn tác phẩm văn học khác có tính
giáo dục, tính giải trí, tính xây dựng nhân cách, tâm hồn nhân ái con người nữa.
Không thể nói hết được cái sự ích lợi thú vị của văn chương!
Nguồn: An Ninh Thế Giới cuối tháng