Với mình, đọc còn quan trọng, rất quan trọng ở một điểm khác: để biết mình đang ở đâu, đang ở chỗ nào trên con dốc dựng đứng của ngọn núi văn chương chót vót, để cố gắng mà nhích lên tiếp (nếu còn sức), và để bớt ngộ nhận, bớt nói phét, bớt hoang tưởng, mơ tưởng hão huyền…


SỐNG, ĐỌC VÀ VIẾT

TRẦN ĐỨC TIẾN

1.

Vốn sống, như mình hiểu, là những gì có được sau những trải nghiệm trong đời sống. Trải nghiệm thực tế của chính mình; và những trải nghiệm thông qua người khác (sách báo, phim ảnh, hay câu chuyện, kinh nghiệm… của họ).

Thu hoạch sau thứ trải nghiệm thứ nhất quan trọng hơn nhiều. Đơn giản vì phải trả giá bằng mồ hôi, nước mắt, tâm trí, sức lực, thậm chí cả máu, mới có được nó. Nó là của mình. Nó là chính mình. Còn thu hoạch sau thứ trải nghiệm thứ hai, cũng quý, nhưng nó của người khác, nó là người khác. Cái gì của họ hợp với mình thì hữu ích, có thể dùng được, không hợp thì không dùng được.

Đã từng được đọc, được nghe rất nhiều những kinh nghiệm hay ho của những nhà văn nổi tiếng. Mỗi người một vẻ, về đủ mọi thứ liên quan đến chuyện viết lách. Giống nhau và khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Tự biết mình chỉ ở cái tầm thấp như vịt so với họ, nên chủ yếu là đọc, nghe và… kính các cụ! Tin các cụ cũng rất thành thực và tâm huyết, nhưng kinh nghiệm của một thằng học trò như mình cho thấy: chỉ khi nào sống chết vì sự trung thực qua những trang viết, thì mới có thể tìm được lối đi riêng, cách đi riêng, mới có thể “nói” được bằng cái giọng của mình.

2.

Nhiều nhà văn có tài biến báo. Họ có thể viết, thậm chí viết hay, bằng trải nghiệm, vốn sống… của người khác. Còn mình, tài mọn, thiếu trí tưởng tượng, nên thật lòng chỉ thấy yên tâm khi viết ra những gì đã trải qua, thu hoạch được trong thực tế. Động đến những vấn đề khác lạ là run sợ. Chẳng hạn, mình lớn lên trong khi cả nước có chiến tranh, nhưng không trực tiếp tham gia cuộc chiến, luôn cảm thấy chỉ là kẻ bên lề cuộc chiến, nên tuyệt đối không dám viết một dòng về chiến tranh, về lính tráng, bom đạn và những hy sinh xương máu ngoài chiến trường…

Ai đó than phiền cuộc sống của bản thân bình lặng quá, nhạt quá, không có những thăng trầm biến động đáng kể…, nên khó viết cho hay được. Nhầm. Biến động có cái hấp dẫn của biến động. Nhạt có cái “vị” của nhạt. Thượng Đế không bố trí sẵn sự thăng trầm, biến động cho những kẻ cầm bút.

Phép màu chỉ đến với những ai biết bình tâm sống hết "cỡ", sống trọn vẹn cái kiếp của Người ban. Phải đắm mình trong một đời sống nhạt nhẽo, Tsekhop mới có những truyện ngắn-siêu phẩm về sự tẻ nhạt, về những con người có đời sống tẻ nhạt.

3.

Có không ít ý kiến chê các nhà văn ta lười đọc. Đọc ngoài nước, đọc trong nước, đọc bạn bè thân quen… Cái này nói ra không có bằng chứng, số liệu thống kê xác đáng, dễ bị ăn đòn. Nên chẳng dám khẳng định. Chỉ xin nói một ý nhỏ: đọc để làm gì?

Đọc, để học hỏi những cái hay, cái tài của người khác – đương nhiên. Tư tưởng, văn phong, cách thức tổ chức tác phẩm, xây dựng nhân vật, tạo không khí… Từ đó, góp phần hình thành quan niệm về văn chương, nghệ thuật cho mình. Quan niệm ấy có thể khác với các nhà văn khác - chuyện thường - nhưng là cái mà khi viết, phải trung thành và luôn hướng theo.

Với mình, đọc còn quan trọng, rất quan trọng ở một điểm khác: để biết mình đang ở đâu, đang ở chỗ nào trên con dốc dựng đứng của ngọn núi văn chương chót vót, để cố gắng mà nhích lên tiếp (nếu còn sức), và để bớt ngộ nhận, bớt nói phét, bớt hoang tưởng, mơ tưởng hão huyền…

Đọc, cũng không phải chỉ để thu lượm, làm giàu kho kiến thức, góp phần “soi sáng thực tế”... Mình đọc như một bạn đọc bình thường: đọc sách văn học (đương nhiên), và đọc cả những loại sách khác nếu thấy thích. Thực tế thì có những cuốn sách về các lĩnh vực khác hấp dẫn hơn khối cuốn tiểu thuyết, tập truyện, tập thơ.

Sách là “món ăn tinh thần” như nhiều người vẫn nói, mình đọc sách cũng luôn đọc với tâm thế của kẻ thưởng thức món ăn. Trước hết là thưởng thức. Thả lỏng hoàn toàn để tận hưởng niềm vui được nhìn ngắm, chiêm ngưỡng tâm hồn người khác. Không đọc với tâm thế đầu bếp, vừa đọc vừa xăm soi tỉ lệ mắm muối gia vị, xem ngon dở chỗ nào, vì sao lại ngon dở… Gấp sách lại, mới là lúc ngẫm nghĩ về cái cách họ trình diễn tâm hồn họ, để đến lượt mình, liều liệu mà lựa cách cho phù hợp.

Mình không tin những nhà văn lười đọc mà lại viết hay.