Người lính già là cách nhà thơ Nguyễn Văn Hiếu tự nhận ở tuổi 80, khi ông giới thiệu tuyển thơ chắt chiu đời mình với bạn đọc, vào sáng 27/9 tại TP.HCM.
Người lính già
Nguyễn Văn Hiếu mang quân hàm đại tá, nghỉ hưu đã lâu. Ông sinh ra và lớn lên ở
vùng bán sơn địa Yên Định, Thanh Hóa. Năm 1965, ông tạm biệt chốn chôn nhau cắt
rốn nghèo khó Định Tân để nhập ngũ lúc vừa tròn 20 tuổi “Đường xa ngàn dặm con
đi mãi/ Mái rạ làng quê giục bước chân”.
Khói lửa Trường
Sơn không làm Nguyễn Văn Hiếu sợ hãi, mà bồi đắp thêm tâm hồn đa cảm của ông. Khi
dân tộc có được hòa bình, ký ức thời bom đạn đã thôi thúc ông làm thơ, như một
cách đáp đền nghĩa tình đồng đội, như một cách tri ân may rủi số phận: “Nhớ bạn
bè cùng lứa/ Áo lính rợp rừng xa/ Giờ nơi đâu ai biết/ Có về quê thăm nhà?”.
Ngoảnh lại thời trận
mạc, nhà thơ Nguyễn Văn Hiếu có hai câu thơ ấn tượng: “Những người lính gặp
nhau/ Như rừng gom thêm lá”. Những chàng trai năm ấy đã hội tụ trong tiếng gọi
non sông, hồn nhiên và lặng lẽ dâng hiến thanh xuân cho Tổ quốc. Vì vậy, nhà
thơ Nguyễn Văn Hiếu dành một phần không nhỏ gia tài thi ca của mình để bái vọng
đồng đội: “Sương đằm bia mộ đăm đăm/ Khói nhang khắc khoải tháng năm tìm về”.
Trong thơ người
lính già, có phút giây im lìm day dứt “Bia trắng dòng tên nhức mắt/ Lòng thành
dâng nén tâm hương/ Đất sâu mấy tầng hài cốt/ Chết còn lưu lạc quê hương” và có
cả giây phút nôn nao ngậm ngùi “Uống từ trăng mọc sườn non/ Đến khi trăng lặn khuyết
mòn đêm thâu/ Chén này nước mắt chan nhau/ Uống cho đứa ở rừng sâu không về”.
Ở tuổi 80, nhà thơ
Nguyễn Văn Hiếu tự lựa chọn hơn 200 bài thơ chất chứa vui buồn suốt nửa thế kỷ
đam mê thi ca, để in thành một tuyển tập, giúp công chúng và đồng nghiệp có được
cái nhìn tổng quan về hành trình sáng tạo của ông. Bên cạnh tâm tư người lính già
đã ra khỏi chiến tranh với những ám ảnh khôn nguôi, thơ Nguyễn Văn Hiếu có hai
mảng lớn, thứ nhất là miền quê thơ ấu, thứ hai là duyên nợ mong manh.
Dù đã định cư và
thành đạt ở đô thị phương Nam, đại tá – nhà thơ Nguyễn Văn Hiếu vẫn tự thú “Ngồi
buồn chợt nhớ làng quê/ Lại như ăn phải bùa mê phố phường”. Chốn cũ không xa về
khoảng cách đã được giải quyết bằng phương tiện giao thông hiện đại, nhưng chốn
cũ ngày càng xa phía kỷ niệm. Sự khắc nghiệt của thời gian chìm khuất trong sự
phôi phai ân tình “Bởi sông cách trở đôi bờ/ Cho côi cút núi, cho vờ vật lau/
Lang thang một đám mây nhàu/ Thuyền người để bạc nỗi đau gác chèo”, khiến ông
thảng thốt “Người xưa xa lắc nơi đâu/ Để trầu vàng lá, để cau rụng đầy/ Chiều
đang nhuộm xuống sông gầy/ Lại vài chiếc lá vèo bay xa dần”.
Con sông ôm ấp cố
hương Yên Định từng được truyền tụng “Cầu Chày chó lội đứt đuôi” đã chảy vào
thơ Nguyễn Văn Hiếu những dòng hồi tưởng miên man “Vẫn dòng sông lặng lẽ trôi/
Giấu gì thăm thẳm một thời mộng mơ/ Bên sông một thoáng hẹn hò/ Tháng năm hóa
thạch bài thơ đợi chờ”. Ông đi lùi vào dĩ vãng bình yên mà vẫn thấy mong ngóng bất
tận “Ký ức bập bùng kỷ niệm/ Buồn vui thấp thoáng sao mờ/ Dấu xưa ủ vào gương mặt/
Cỏ gà ran ríu ước mơ”.
Thơ Nguyễn Văn Hiếu
chú trọng vần điệu và luôn khởi sự suy tư từ những xao xuyến mà ông không thể
nào quên lãng. Chất trữ tình xuất hiện trong thơ ông như những thước phim âm bản,
mà kẻ ở người đi cứ ngổn ngang “Cung đường tôi gặp lại em/ Mùi hương bồ kết
xanh đầy tóc em/ Em mang màu áo màu cây/ Sớm mai dòng suối xanh đầy bóng em”, cứ
bịn rịn “Anh đứng mơ hồ cho chiều xuống/ Chiều cũng mơ hồ ngơ ngẩn em”, cứ bâng
khuâng “Tiếng đa đa mỏi một vùng đồi trọc/ Em chờ anh con nước cũng hao mùa”.
Hình ảnh tình nhân
chấp chới giữa thực và hư “Ta đỡ vầng trăng rơi mà ngỡ mắt em nhìn” làm ông thỉnh
thoảng ngơ ngác “Tất bật vì một bông hoa lại không nhận ra em trước mặt” và dằng
dặc hối tiếc “Tôi lầm lỗi để em thành cổ tích/ Em hóa rằm vằng vặc một miền tôi”.
Cho nên, thơ tình Nguyễn Văn Hiếu cảm thông những dang dở “Hai người một chiếc
ô nghiêng/ Chưa xong câu hát mà em đã về/ Dường như đã lỡ câu thề/ Chồn chân vó
ngựa bộn bề thung xa” và an ủi những hụt hẫng “Ghế khuya trống một chỗ ngồi/
Con thuyền mắc cạn đơn côi với mình/ Sao thì tít tắp vòm xanh/ Em thì xa mãi
mong manh phận người”.
Vẻ đẹp thơ tình
Nguyễn Văn Hiếu không có chỗ cho trách móc hay oán hận. Ông dùng sự độ lượng để
khép lại sự chia biệt “Anh về mong gặp em thương nhớ/ Em xa. Em mãi mãi xa rồi/
Mình anh tìm đến cây đa cũ/ Chiều xuống buông đầy xác lá rơi”. Và ông dùng sự
khoan dung để chấp nhận sự bẽ bàng “Có áo người ngày trước/ Dùng dằng bao nhớ
nhung/ Có mắt người ngày trước/ Còn xôn xao lạ lùng/ Chén rượu lòng thấy chát/
Mềm môi còn thấy cay/ Có bao nhiêu chén rượu/ Mà cuộc tình chưa say”.
Đọc thơ Nguyễn Văn
Hiếu, không khó để nhận ra chân dung một con người chân thành và nhạy cảm “Một
cơn mưa ập tới/ Lụt lội miền tâm tư”. Vì vậy, ông có cách riêng để tha thứ cho
những trớ trêu hoặc những phản trắc mà bản thân đã nếm chịu: “Có một bông hồng
nở/ Đỏ như môi ai chờ/ Có một người rất lạ/ Cứ gặp hoài trong mơ/ Trở gió mặt hồ
thu/ Ngọn đèn khuya lay lắt/ Giọt sương nào chạm môi/ Nỗi buồn nào chóng mặt/
Ta sợ đêm đi mất/ Cầm trăng mà đợi chờ”.
Người lính già chỉ
bất an với những xáo trộn đe dọa môi trường sống trong lành và bền vững của cộng
đồng lương thiện. Ông xót thương trước sự thay đổi khó lường thịnh suy của xóm
thôn chộn rộn bài toán kinh tế ích kỷ “Sân gôn mở rộng ra sườn núi/ Cánh đồng hẹp
lại bớt màu xanh/ Trồng cỏ nhiều tiền hơn cấy lúa/ Thợ cày xe máy chạy vòng
quanh” và ông xao xác trước sự bấp bênh của những con người thấp cổ bé họng phải
gánh lấy thiệt thòi giữa sục sôi danh lợi “Sông hẹp núi mòn hồ nước cạn/ Ruộng
vườn thu lại phố nhà cao/ Không gian cắt xẻ đồng thưa vắng/ Trăng quê cửu vạn ở
nơi nào”.
Trải qua con đường
dài đồng hành đất nước từ gian lao đến no ấm, đại tá- nhà thơ Nguyễn Văn Hiếu
ung dung tự tại “Ta đi cuối đất cùng trời/ Bây giờ đi lạc vào nơi xế chiều” và ông
càng thêm trân trọng cuộc đời trìu mến “Vừa thoảng qua song cửa/ Gió vội bỏ đi
rồi/ Mới chuyện trò với tôi/ Người đã về cõi khác/ Mây buồn trôi ngơ ngác/ Nước
mắt nhòe mưa rơi”./.
LÊ THIẾU NHƠN