Học giả Nguyễn Đình Đầu vừa qua đời vào trưa 20/9 tại TP.HCM ở tuổi 104, khép lại hành trình trăm năm của một nhà nghiên cứu uy tín bậc nhất Việt Nam.
Học giả Nguyễn Đình Đầu sinh năm 1920 tại phố Hàng Giấy,
Hà Nội. Học giả Nguyễn Đình Đầu từng làm nghề dạy học trước khi chuyển sang
biên soạn những công trình khoa học về lịch sử và địa lý. Tác phẩm đầu tiên của
ông gây chú ý cho giới học thuật là cuốn “Chế độ công điền công thổ trong lịch
sử khẩn hoang lập ấp ở Nam kỳ lục tỉnh”.
Định cư tại Sài Gòn từ năm 1955, học giả Nguyễn Đình Đầu
trở thành một nhân chứng với những thăng trầm của đô thị phương Nam và cũng trở
thành một nhà nghiên cứu uy tín bậc nhất Việt Nam. Người dân nhiều địa phương đều
trông cậy vào tác phẩm địa bạ của học giả Nguyễn Đình Đầu để hiểu hơn về mảnh đất
họ đang sống như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa
Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Vĩnh
Long, An Giang...
Không cần bất kỳ học hàm hoặc học vị gì mà vẫn có được
những công trình nghiên cứu có giá trị lâu dài với xã hội, học giả Nguyễn Đình
Đầu từng thổ lộ con đường dấn thân của ông: “Buổi ban đầu, tôi đâu biết nhiều vấn
đề, đâu có nhiều tài liệu. Bản đồ một vài cái chứng minh. Đồ cổ để biết thời
xưa ăn uống thế nào. Lịch sử cũng chỉ là đọc qua những quyển sách bình thường
ai cũng có. Sau vì ham mê, nên tôi đi tìm kiếm tư liệu khắp trong nước, chợ trời.
Số đồ gốm, bản đồ tăng lên. Chi tiêu cho cuộc sống phải tiết kiệm, giản dị,
dành phần cho tư liệu và nghiên cứu. Dần dần mới thành nhà nghiên cứu lúc nào
không biết”.
Có ba tác phẩm mà học giả Nguyễn Đình Đầu dành trọn tâm
huyết vì ý thức gìn giữ bản sắc và lãnh thổ dân tộc là “Việt Nam quốc hiệu và
cương vực Hoàng Sa - Trường Sa”, “Địa bạ Việt Nam thời nhà Nguyễn”, “Con đường
gốm sứ và tơ lụa Việt Nam trên Biển Đông”. Không chỉ viết sách, ông dùng hai tầng
của ngôi nhà của mình ở quận 1, TP.HCM để chứa khoảng ba ngàn bản đồ cổ kim của
Việt Nam và nước ngoài mô tả đất nước Việt Nam từ thế kỷ thứ 10. Đây là tài sản
vô giá với nền khoa học sử địa Việt Nam.
Ngoài “Quỹ văn hóa sử địa Nguyễn Đình Đầu” được xây dựng
bằng tác quyền của mình, học giả Nguyễn Đình Đầu còn có nguyện vọng sau khi ông
qua đời sẽ lấy một phần ngôi nhà để trưng bày những bản đồ, những tài liệu về
chủ quyền quốc gia và hàng trăm món đồ cổ đánh dấu các giai đoạn phát triển của
đất nước Việt Nam mà ông sưu tầm được.
Suốt đời miệt mài nghiên cứu những vấn đề hữu ích cho
cộng đồng, học giả Nguyễn Đình Đầu tâm niệm: “Tình yêu quê hương, lòng tự tôn
dân tộc luôn giúp người Việt Nam hành động thuận theo lẽ phải, theo đại nghĩa
và vượt qua những thử thách hiểm nghèo nhất. Vậy nên, mỗi người Việt Nam cần phải
coi trọng việc hòa hợp dân tộc là một trách nhiệm lịch sử tự nguyện”.
NNVN