Giới văn chương châu Á hội ngộ ở một tuyển tập truyện ngắn chọn lọc có tên ‘Tuyệt duyên’, trong đó đại diện Việt Nam là nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.


 Giới văn chương châu Á bao gồm 9 nhà văn tiêu biểu đã góp mặt trong tuyển tập truyện ngắn “Tuyệt duyên” được ấn hành song song tại nhà xuất bản Shogakukan- Nhật Bản và nhà xuất bản Munhak Dongne- Hàn Quốc. “Tuyệt duyên” được chuyển nhượng bản quyền để Nhà xuất bản Trẻ ấn hành tại Việt Nam.

Lần đầu tiên có một cuộc gặp gỡ giới văn chương châu Á, với Sayaka Murata (Nhật Bản) Alfian Sa’at (Singapore) Hác Cảnh Phương (Trung Quốc) Wiwat Lertwiwatwongsa (Thái Lan) Hàn Lệ Châu (Hồng Kong) Lhacham Gyal (Tây Tạng) Nguyễn Ngọc Tư (Việt Nam) Liên Minh Vệ (Đài Loan) và Chung Serang (Hàn Quốc). Mỗi tác giả một truyện ngắn tâm đắc do họ tự chọn.

“Tuyệt duyên”, nghĩa là đoạn tuyệt, cắt đứt mối nhân duyên, mối quan hệ với một người, nhiều người, một vùng đất, hay thậm chí với cả thế gian này. “Tuyệt duyên” ở đây vừa là tựa, vừa là từ khóa mang tinh thần chủ đạo xuyên suốt tác phẩm. Trong thời đại ngày nay, việc kết nối – ly biệt đã trở thành chuyện thường tình giữa người với người. Chúng ta kết nối vội vã, rời xa cũng chóng vánh. Chính khái niệm quê hương cũng trở nên nhòa nhạt khi mà con người hiện đại liên tục dịch chuyển theo những luồng di cư. Có những lần tuyệt duyên dứt khoát không mảy may vướng bận, nhưng cũng không ít lần tuyệt duyên mang đến cho ta bao thống khổ, lưu lại vị đắng suốt đời khó quên.

Chín câu chuyện của giới văn chương châu Á mang đến chín góc nhìn văn hóa từ các vùng miền khác nhau, mỗi tác phẩm lại có kiến giải riêng về hai chữ “tuyệt duyên”. Từ những đứa trẻ ngây ngô ngập ngừng ngưỡng cửa dậy thì, những thanh niên bức xúc thời cuộc, những người mẹ, người vợ nặng mang nỗi niềm sâu kín... cho đến những vết hằn trong tâm trí, xung đột thế hệ, bất công trong xã hội, định kiến về chủng tộc, loạn ly vì chiến tranh.. Tất cả là tác nhân cho những “tuyệt duyên”, cũng như bao cảm xúc bạo liệt bộc phát.

Đặt trong từng bối cảnh đa dạng, xứ nắng xứ mưa, xứ mơ xứ thực, xứ yên xứ loạn, mỗi câu chuyện là một bức tranh dữ dội có, dịu êm cũng có, thẳng thừng giãi bày mọi khổ đau, giằng xé, uất nghẹn trong thẳm sâu tâm hồn. Tất thảy nhập nhằng vần xoay, tâm lý con người như chưa bao giờ được lột tả trần trụi đến thế.

Giới văn chương châu Á đã cất lên một tiếng nói đồng lòng, về cách mà con người đối diện với quá khứ, hiện tại, tương lai, với bước ngoặt của số phận. Cái xấu phải bóc trần đến tận cùng, nhưng cái “thiện căn ở tại lòng ta” vẫn được tôn vinh muôn thuở. Có ly biệt ắt có kết nối. Có tuyệt vọng ắt có hy vọng. Tin rằng qua ngần ấy chân dung nhân vật, độc giả sẽ tìm thấy chính mình trong những trang văn, bắc nhịp cầu giữa bản thân với nhân vật, để tự vấn, phản tư và suy xét chính mình của hiện tại.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư góp mặt trong tuyển tập này với truyện ngắn “Trốn thoát”. Câu chuyện là những băn khoăn và hồi ức của một linh hồn người mẹ sắp lìa khỏi xác trần. Bệnh nặng, ngã xuống sàn nhà tắm mà cả chồng lẫn con đều không hay biết, trong khoảnh khắc cuối cùng của kiếp người, bà ngẫm lại cuộc đời bạc bẽo, lam lũ đến ngày trút hơi thở cuối cùng để hy sinh cho đứa con. Mối duyên giữa mẹ con chừng như bền chặt mãi mãi, “nước mắt chảy xuôi”, nhưng trong lòng những người mẹ cảm thấy gì khi cứ phải mãi mãi cho đi? Liệu mối duyên-nợ sâu sắc đó cũng có thể một ngày dứt tuyệt?

Để độc giả ở các nền văn hóa khác nhau dễ cảm hiểu được nội dung “Tuyệt duyên”, đi kèm với mỗi truyện ngắn là phần giới thiệu về tác giả, chia sẻ cuối truyện của tác giả hoặc chú giải của dịch giả về những hình ảnh mang tính biểu trưng văn hóa trong tác phẩm, hoặc bối cảnh ra đời của tác phẩm, thậm chí chia sẻ cách hiểu của dịch giả đối với những tình tiết trong tác phẩm. Như vậy độc giả có thể chọn cách đọc thưởng thức các truyện ngắn trước, sau đó đọc phần chú giải của dịch giả như một cuộc đối thoại thú vị giữa hai góc độ cảm - hiểu khác nhau.


                          Bản tiếng Hàn và tiếng Nhật của "Tuyệt duyên".

“Tuyệt duyên” là một minh chứng rằng những cảm xúc chân thật sẽ tạo được sự đồng cảm và kết nối, cho dù độc giả ở nền văn hóa nào: Đó là những chủ đề về khoảng cách giữa các thế hệ, cảm xúc của người làm cha mẹ với con cái và ngược lại, nỗi tách biệt và cô độc của người nhập cư, dù lâu đời, ở một vùng đất khác, sự cô đơn trong xã hội, mặt nạ hạnh phúc ta buộc phải mang vì nhịp sống vội vã không kịp dừng lại chờ những ai suy sụp và buồn phiền…

Tác giả Chung Serang (Hàn Quốc) nhận xét về tập sách: “Mỗi cá thể trong thời đại này buộc phải liên tục đưa ra những quyết định liên quan đến giá trị quan trong một thế giới thay đổi như vũ bão, và sau mỗi quyết định có khi sẽ là một lần chia ly. Mỗi cá nhân sẽ có tiêu chuẩn khác nhau để xác định được đâu là mức độ đấu tranh nội tâm lành mạnh, đâu là mức độ dẫn đến những rạn nứt không thể hàn gắn, vì vậy hình thái của mỗi cuộc chia ly cũng rất khác biệt. Có lúc sẽ là những cuộc cãi vã kịch liệt, có lúc chỉ diễn ra một cách kín đáo trong nội tâm của mỗi người. Tôi rất hào hứng với vì từ khóa “tuyệt duyên”, mỗi tác giả sẽ có sự thẩm thấu khác nhau, và sẽ có cách diễn đạt đa dạng.”

Những câu chuyện trong “Tuyệt duyên” thách thức những quan niệm đã ăn sâu bén rễ vào cộng đồng châu Á. Trước hết là thách thức về giềng mối gia đình. Mối duyên giữa cha mẹ và con cái trong kỷ nguyên tỉ lệ sinh giảm dần ở nhiều quốc gia; khi những đứa con đặt câu hỏi về việc được sinh ra; những người mẹ truyền thống sụp đổ dưới gánh nặng trách nhiệm truyền thống và quá kiệt quệ để cảm nhận niềm vui từ tình mẫu tử.

Cha mẹ và con cái, kết nối tưởng chừng sâu sắc nhất, liệu có còn là chỗ dựa cho nhau, một khi sự giao tiếp, thương yêu đã cạn, chỉ còn trách nhiệm và kỳ vọng lẫn  nhau. Cha mẹ liệu còn có thể mong đợi con cái sẽ chăm nom cho mình khi về già như họ đã từng chăm ông bà? Con cái có xem cha mẹ chỉ như một chỗ dựa để thỏa mãn nhu cầu, thay vì những người thân cận hiểu và yêu thương mình nhất? Người vợ cả chấp nhận phải chồng có vợ hai theo truyền thống văn hóa của mình, trong lòng cô đã thực sự nghĩ gì?

Tiếp đến là thách thức con người lạc lối giữa một xã hội đa kết nối, vừa bị kiểm soát mà cũng vừa gia tăng nỗi cô đơn. Thuật toán có thể dựa trên thông tin bạn để lại để biết bạn cần hay muốn mua gì, quan tâm đến ý kiến nào, nhưng không thể biết khi nào bạn cần  sẻ chia và bầu bạn. Làm sao để thực sự tạo được mối dây gắn kết giữa người và người, làm sao để bày tỏ nỗi lòng và cảm xúc chân thực? Những người tiếp cận ta có ý đồ gì? Người bạn ta thường xuyên liên lạc kia, tưởng chừng thân thiết, nhưng một khi họ biến mất trên mạng, thì ta có thể tìm được họ hay không?

“Tuyệt duyên” cũng khắc họa những hoang mang của người trẻ thời nay. Họ hoang mang giữa những trào lưu phong cách sống liên tục thay đổi, họ thấy cuộc sống bị ảnh hưởng bởi những biến động chính trị xã hội nhưng chưa biết phản ứng ra sao, họ nỗ lực để làm việc trong một thế giới ngày càng cạnh tranh, họ cố giữ niềm hy vọng để sống tiếp, dù đôi khi muốn “log out” ra khỏi thế giới mà thông qua tin tức hàng ngày, dường như chỉ toàn hỗn loạn và những điều tiêu cực.

                                                         NNVN