Kỷ niệm một năm đôi uyên ương tài hoa Lâm Thị Mỹ Dạ - Hoàng Phủ Ngọc Tường cùng bay về miền mây trắng, hai người con gái của họ là Hoàng Dạ Thư và Hoàng Dạ Thi đã tuyển chọn những bài thơ cha mẹ mình từng viết tặng nhau, để in thành tập thơ “Trăm năm còn gió heo may”.


TRĂM NĂM CÒN GIÓ HEO MAY

LÊ THIẾU NHƠN

Sinh ngày 18/9/1949 tại Lệ Thủy- Quảng Bình, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ thành danh từ bài thơ “Khoảng trời hố bom” viết về sự hy sinh của nữ thanh niên xung phong trong cuộc kháng chiến chống Mỹ trên mảnh đất Bình Trị Thiên khói lửa. Lớn lên trong gia đình nghèo lại thiếu bóng dáng người cha, nhưng Lâm Thị Mỹ Dạ thời thanh xuân vẫn tự tin giữa vòng tay bạn bè nhờ nhan sắc xinh đẹp và tài năng thi ca.

Tuổi hai mươi, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ được rất nhiều chàng trai theo đuổi. Vậy mà, trái tim trong trẻo ấy bỗng loạn nhịp vì một người đàn ông lớn hơn 12 tuổi, đã từng trải trên con đường cách mạng lẫn con đường văn chương. Ngày hạnh ngộ nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, sự run rẩy tràn ra trang thơ Lâm Thị Mỹ Dạ: “Mẹ không có cửa nhà/ Em – đứa trẻ vắng cha/ Như mầm cây trên đá/ Biết khi nào nở hoa/ Ngày ấy anh đã có/ Một tuổi thơ êm đềm/ Suốt ngày được cười hát/ Trong gia đình ấm êm/ Anh chẳng biết nơi xa/ Một cuộc đời đã nở/ Anh chẳng biết có em/ Giữa khí trời đang thở”.

Bắt đầu hẹn hò từ năm 1972, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ thú nhận: “Những câu thơ hay nhất/ Về hạnh phúc tình yêu/ Lòng vui em nhẩm đọc/ Và ao ước một chiều/ Ngồi bên anh yêu dấu/ Đọc những lời thơ yêu/ Nhưng đến lúc gặp anh/ Em chẳng còn thuộc nữa/ Cái nhìn anh yêu thương/ Đốt lòng em ngọn lửa/ Và bỗng dưng em thấy/ Trong mắt anh đắm say/ Những câu thơ run rẩy/ Những câu thơ trốn chạy/ Những câu thơ cháy rồi”. Ngược lại, sự hồn nhiên của nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ cũng khiến nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường xao xuyến: “Nháy hoài trong cây khuya/ Một ngôi sao xanh biếc/ Là mắt em tinh nghịch/ Trốn tìm qua đời anh”.

Trước khi gặp gỡ mối duyên trăm năm của đời mình, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường có tập bút ký “Ngôi sao trên đỉnh Phu Văn Lâu” rất được tán thưởng, nhưng chưa ai thấy ông công bố bài thơ nào. Vậy mà, từ ngày sánh bước với nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, thì bên cạnh các trang văn giàu suy tưởng của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường lại xuất hiện nhiều vần điệu trữ tình.

Tháng 10/1973, sau lễ cưới với nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ tổ chức tại Hà Nội, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường viết bài thơ khá dài có tên gọi “Một thân cây, một tàng lá, một bông hoa” để tặng người vợ trẻ: “Chùm hoa sữa đầu mùa/ Tỏa một vùng hương ấm/ Xôn xao trong lòng anh/ Như mùa thu nhạy cảm/ Nghe hương bay từ xa/ Biết một chùm hoa nắng/ Những ngày sắp đi xa/ Hiểu lòng anh thầm lặng/ Cho ước mong mai sau/ Đời đơm hoa kết nụ/ Xõa làn tóc ban đầu/ Hương bay đầy mái phố”.

Tổ ấm của nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ và nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường trở nên rộn rã hơn với đứa con gái đầu lòng Hoàng Dạ Thư. Trong không gian hạnh phúc mới, thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ có nhiều chuyển biến mới, vừa có niềm bâng khuâng “Trời anh mênh mông/ Mây em bay lượn/ Gió anh bao la/ Cây em ve vuốt/ Đất anh thẳm sâu/ Lúa em cúi đầu” vừa có nỗi băn khoăn “Em sợ lời khen của anh/ Như sợ chiều về, hắt lối/ Nhiều khi ngồi buồn một mình/ Trách anh sao mà nông nổi/ Hãy chỉ cho em cái kém/ Để em làm người tốt lành/ Hãy chỉ cho em cái xấu/ Để em chăm chút đời anh”.

Non sông thống nhất, Lâm Thị Mỹ Dạ - Hoàng Phủ Ngọc Tường đưa nhau về Huế vun đắp gia đình. Bên dòng sông Hương vương vấn cổ tích, nhịp sống hòa bình với những bộn bề lại mang đến thử thách khác cho uyên ương mơ mộng. Nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường không chỉ làm thơ nhắn nhủ vợ: “Nhiều lần anh hỏi Dạ/ Em có được vui lòng/ Bên đời anh rất nhỏ/ Giữa cuộc đời riêng chung” mà ông còn làm thơ nhắc nhở mình: “Giữ hoài cho màu nước/ Sáng trong như lòng tin/ Đừng để thấy trong em/ Gương mặt tôi tan vỡ”.

Năm 1976, căn nhà nhỏ của Lâm Thị Mỹ Dạ - Hoàng Phủ Ngọc Tường đón thêm đứa con gái thứ hai Hoàng Dạ Thi. Cả vợ chồng đều biên chế ở Hội văn nghệ Bình Trị Thiên với đồng lương bao cấp, cái ăn cái mặc cũng thành sự mệt mỏi thường nhật. Áo cơm túng bấn lấn át lãng mạn, lắm lúc khiến họ thấy ngột ngạt. Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ an ủi chồng: “Chúng ta sống hòa vào nhau làm một/ Như đất kia cần có khí trời/ Như sông núi ruộng đồng chim lá/ Nếu anh sống vô tư cao cả/ Và vui tươi dũng cảm cần cù/ Sự già nua sẽ chẳng đến cùng ta/ Tâm hồn em mãi đẹp như buổi sớm”.

Dù nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ và nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường không phải người Huế gốc gác, nhưng họ chọn Huế làm quê hương và họ góp phần không nhỏ cho sự phong phú màu sắc văn hóa xứ Huế. Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ và bút ký Hoàng Phủ Ngọc Tường trở thành những nét chấm phá độc đáo của văn chương cố đô.

Tuy nhiên, thời gian gắn bó xứ Huế, cũng có hai giai đoạn vợ chồng họ chấp nhận sống xa nhau. Giai đoạn thứ nhất, kéo dài 4 năm, từ 1979 đến 1983, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ ra Hà Nội học Trường viết văn Nguyễn Du. Giai đoạn thứ hai, kéo dài 5 năm, từ 1989 đến năm 1994, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường ra Quảng Trị để sáng lập và làm Tổng Biên tập tạp chí Cửa Việt. Đó là năm tháng mà tài năng của mỗi người đều chín muồi trong sự nghiệp, nhưng tình cảm cũng có những xáo trộn riêng tư.

Nếu nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ có những giây phút ngổn ngang “Giá mà ta được là sông/ Biết ra tới biển là không còn mình/ Bất cần ngàn sóng coi khinh/ Mặn mòi đã thấu, tan mình sá chi”, thì nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường thảng thốt: “Buồn từ dạo ấy chưa nguôi/ Ngoài kia sương khói đã trời sang thu/ Ta còn một chút phù du/ Hóa thành một kiếp đền bù cho em” để lặn lội tìm lại “dạ khúc” nâng đỡ nàng thơ mong manh giữa ngược xuôi thị phi “Có buổi chiều nào như chiều xưa/ Anh về trên cát nóng/ Đường dài vành môi khát bỏng/ Em đến dịu dàng như một cơn mưa”.

Hai con người mang hai cá tính sáng tạo, thường không dễ sống chung. Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đằm thắm và mềm mại, còn nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường trầm tư và sâu sắc. Không phải đồng sàng dị mộng, nhưng hai con người quá hiểu nhau lại hiếm khi giải bày với nhau. Chính nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường bộc bạch “Vẽ tôi một đóa bông hồng/ Tàn phai từ bữa em cầm trên tay/ Vẽ tôi một nét môi cười/ Một dòng nước mắt, một đời phù du”, nên ông luôn loay hoay trong sự trống vắng “Những chiều Bến Ngự giăng mưa/ Chừng như ai đó mơ hồ gọi tôi/ Tôi ra mở cửa đón người/ Chỉ nghe tiếng gió thổi ngoài hành lang”.

Hai đứa con gái Hoàng Dạ Thư và Hoàng Dạ Thi dần dần lớn lên và lập nghiệp phương xa. Vợ chồng Lâm Thị Mỹ Dạ - Hoàng Phủ Ngọc Tường tiếp tục cuộc sống mỗi người một bàn viết, mỗi người một ngọn đèn, mỗi người một ước vọng, mỗi người một chân trời. Trong căn nhà ít tiếng nói tiếng cười ấy, hai tâm hồn cô độc lại học cách vỗ về nhau, bằng sự trân trọng dành cho nhau. Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ viết: “Em biết những lời yêu còn ở trong anh/ Như ốc đảo xanh nằm trong sa mạc/ Nhưng trước em, anh lặng im như cát/ Chính điều này làm em yêu anh”.

Tất nhiên, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng cảm nhận đầy đủ ân tình từ phía vợ. Ngoài những khoảnh khắc rối bời “Em gọi tên tôi khắp mọi nơi/ Gọi tôi vang động cả vòm trời/ Tôi ngồi im vắng như lau sậy/ Mờ mịt như màu sương khói thôi”, ông công khai những lời tri ân hiền thê: “Xin biết ơn, trên bàn tay và gương mặt em/ Mỗi ngày lo toan vất vả/ Đất nước vẫn còn thời buổi khó/ Làm sao anh đỡ đần/ Cũng đôi khi bạn bè gặp gỡ/ Em rót cho anh ly rượu đầy/ Em cho anh một chiều thong thả/ Chỉ nhắc chừng anh say/ Không đâu em, trong ly rượu này/ Anh vẫn nghe vị chát những rễ cây dại/ Của ngọn cỏ hoang nào anh không biết tên/ Bạn bè anh đã ăn qua những năm đói/ Bao năm qua anh uống nước suối trong rừng/ Em đừng băn khoăn/ Nếu anh vẫn mang đôi giày cũ/ Đôi bít tất đã sờn/ Chắc em chưa quên/ Anh đã về tìm em/ Bằng đôi dép mòn nhảy qua núi đá/ Ngày ấy em cười anh gầy như mũi tên”.



Năm 1998, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường bất ngờ bị tai biến. Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ bỏ hết mọi đam mê thi ca để chăm sóc chồng. Trước cú đánh choáng váng của số phận, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ trở nên cứng cỏi hơn: “Bàn tay nâng em thành bảo mẫu/ Nước mắt lặn vào trong cho anh thấy nụ cười/ Bệnh tật lo toan giấu vào đêm trắng/ Giữa tháng ngày trĩu nặng/ Em đứng thẳng người/ Cho anh tựa vào em”. Nghe ở đâu có thuốc hay thầy giỏi thì bà đều nỗ lực đưa ông đi chữa trị, lúc lên rẻo cao Tây Bắc, lúc xuống miệt vườn Nam bộ.

Nhờ sự nhẫn nại và sự tận tụy của vợ, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường thoát khỏi lưỡi hái tử thần, để gắng gượng ngồi viết trên chiếc xe lăn. Những trang văn sau cơn đột quỵ của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường lấp lánh lòng bao dung của nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, như cách bà buông bỏ hết mọi ràng buộc danh lợi để còn có ông bên cạnh: “Thả trăng cho rằm/ Thả mây cho gió/ Thả xanh cho cỏ/ Tôi về với tôi/ Thả người thục nữ/ Hồn nhiên nói cười/ Thả người tục lụy/ Danh vọng đua đòi/ Thả hết thả hết/ Tôi về với tôi…/ Đời bao phúc họa/ Gieo, gặt bất ngờ/ Mỏi không thể nghỉ/ Đau không thể kêu/ Người im như bóng/ Tôi về với tôi…/Thả chùm tóc bạc/ Trắng cả ngàn năm”.

Sau gần 20 năm lo lắng cho chồng, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ mắc bệnh Alzheimer. Trí nhớ suy giảm, bà lãng quên từng sự việc mỗi ngày, lãng quên cả những câu thơ khắc khoải “Mịt mù trong khoảng bể dâu/ Tuổi người một chấm biết đâu kiếm tìm/ Chỉ còn đây một trái tim/ Trẻ trung nồng ấm của mình cho ta”.

Những năm cuối đời, vợ chồng Lâm Thị Mỹ Dạ - Hoàng Phủ Ngọc Tường được con gái Hoàng Dạ Thư đưa vào TP.HCM cư ngụ, để thuận tiện phụng dưỡng. Hai nhân vật văn chương lừng lẫy một thời, lại như hai chiếc bóng âm thầm bên nhau, như câu thơ tha thiết ngày nào của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường: “Những hành tinh ngẫm rồi thấy lạ/ Bồng bềnh mà vẫn theo nhau/ Anh với em, ừ thì cũng lạ/ Bồng bềnh cho tới mai sau”.

Ngày 7/6/2023, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ vẫy tay chào từ biệt dương gian. Hơn một tháng sau, ngày 24/7/2023, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng khép lại đôi mắt trần thế, để bay về cõi hư vô với người vợ thi sĩ tài hoa, yếu đuối và nhọc nhằn.

Bây giờ, di cốt vợ chồng Lâm Thị Mỹ Dạ - Hoàng Phủ Ngọc Tường đã được an táng tại khu vực núi Chầm, phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ơn nghĩa tào khang nửa thế kỷ của họ còn ngọt ngào dư vị trong câu thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường vang vọng: “Dù năm dù tháng em ơi/ Tim anh chỉ đập một đời/ Nhưng trái tim mang vĩnh cửu/ Trong từng giọt máu đỏ tươi”./.