Trẻ em nông thôn đang được quan tâm nhiều hơn khi đời sống vật chất ở mỗi miền quê dần cải thiện, trong đó có cả nhu cầu tiếp cận văn hóa đọc.


Trẻ em nông thôn vốn chịu nhiều thiệt thòi, so với trẻ em đô thị. Thế nhưng, khi giao thông đã được kết nối và điều kiện kinh tế đã thay đổi, trẻ em nông thôn không còn bị lãng quên. Vượt qua những núi đồi, vượt qua những nương rẫy, vượt qua những cánh đồng, nhiều giá trị tinh thần đang được nỗ lực đưa đến trẻ em nông thôn. Trong đó, sách là một món quà ý nghĩa mà nhiều cá nhân và tổ chức ưu ái gửi cho trẻ em nông thôn.

Có một thực tế, ngoài sách giáo khoa phải trang bị cho các lớp học, rất nhiều trẻ em nông thôn chưa từng được đọc sách và chưa từng có trong tay một cuốn sách nào như tài sản cá nhân. Vì vậy, từ năm 2021, Hội Nhà văn Việt Nam đã triển khai “Dự án sách miễn phí cho trẻ em miền núi và vùng sâu, vùng xa” với mong muốn trao tặng 300 nghìn bản sách thiếu nhi đến trẻ em nông thôn. “Dự án sách miễn phí cho trẻ em miền núi và vùng sâu, vùng xa” kéo dài 5 năm, mỗi năm chọn lọc và in ấn khoảng 6 vạn bản sách, gồm những danh tác trong nước và quốc tế được viết cho độc giả nhỏ tuổi. Tính đến giữa năm 2024, “Dự án sách miễn phí cho trẻ em miền núi và vùng sâu, vùng xa” đã về với trẻ em nông thôn tại Sơn La, Thái Nguyên, Đắk Lắk, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Hà Tĩnh...

Miệt mài vận động nguồn tài chính để duy trì “Dự án sách miễn phí cho trẻ em miền núi và vùng sâu, vùng xa”, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều bảy tỏ: “Chúng tôi làm điều này vì ở thành phố, chúng ta có thể dễ mua một cuốn sách cho con cháu mình. Còn ở vùng sâu vùng xa, có nhiều nơi việc mua một cuốn sách cho một đứa trẻ là vô cùng khó. Tất cả những cuốn sách chúng tôi chọn in đều hướng đến việc tạo dựng nền tảng nhân văn trong mỗi đứa trẻ. Chúng tôi tin, cứ bền bỉ hết ngày này qua tháng khác mang sách tới từng trẻ em nông thôn thì đến một lúc nào đó, vẻ đẹp và những điều tốt lành từ trang sách sẽ trở thành một phần trong tâm hồn các em. Nếu trẻ em nông thôn không đọc sách, không yêu thương con người và không ghi nhớ công lao tổ tiên trên đất đai quen thuộc, các em sẽ làm cho nông thôn biến mất”.

Cùng với “Dự án sách miễn phí cho trẻ em miền núi và vùng sâu, vùng xa”, trẻ em nông thôn cũng được xác định là đối tượng thụ hưởng quan trọng trong dự án “Đọc sách cùng Xích Lô” (do Bộ trưởng Bộ NN & PTNT Lê Minh Hoan sáng lập) đã chính thức đi vào hoạt động từ ngày 18/1/2024. Nhà báo Trung Nghĩa, thành viên Ban điều hành dự án “Đọc sách cùng Xích Lô” cho biết: “Từ quan niệm của người khởi xướng dự án “khơi dậy niềm đam mê đọc sách cho nông dân là một trong những cách góp phần nâng cao nhận thức, phát triển kỹ năng sáng tạo, khơi dậy ý chí, khát vọng đổi mới, xây dựng nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”, chúng tôi không chỉ quan tâm đến văn hóa đọc của người đang sản xuất, đang canh tác mà còn khuyến đọc với trẻ em nông thôn. Những tủ sách của dự án cũng xác định phải nhen nhóm thói quen đọc sách của trẻ em nông thôn ngay thời thơ ấu, để tạo dựng không gian văn hóa đọc ở mỗi miền quê”.

Từng thực hiện nhiều chuyến tặng sách cho trẻ em những khu vực còn hẻo lánh ở Tây Nguyên, Chủ tịch Hội văn nghệ Đắk Lắk Niê Thanh Mai ưu tư: “Đối với thiếu nhi Tây Nguyên, sách là như cầu thiết yếu. Tại các thư viện trường học, dù được trang bị nhưng vẫn khá ít ỏi, nên luôn trong tình trạng thiếu sách phục vụ độc giả nhỏ tuổi, nhất là trẻ em dân tộc thiểu số. Việc cung cấp cho từng em những cuốn sách có nội dung phù hợp lứa tuổi, là điều khó khả thi. Tuy nhiên, việc xây dựng những tủ sách với không gian mở tại khuôn viên trường tiểu học trong các buôn làng, là điều cộng đồng có thể chung tay”.

Bây giờ, đời sống nông thôn không còn xa lạ với những hội chợ hàng tiêu dùng khá rầm rộ. Vậy mà, vẫn chưa thấy hội sách nào được diễn ra ở vùng sâu vùng xa. Bài toán lợi nhuận từ những bộ óc khôn ngoan đang cản trở nhu cầu tiếp cận văn hóa đọc của trẻ em nông thôn. Cho nên, đã có nhiều giải pháp thân thiện để đưa sách đến trẻ em nông thôn, mà một điểm sáng đáng trân trọng là Thư viện Khai Trí ở thôn An Bình, xã Thanh An, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị.

Nhiều năm sinh sống và trải nghiệm ở TP.HCM, luật gia Nguyễn Linh Giang nhận ra thị trường sách Việt Nam có tình trạng “kẻ ăn không hết, người lần không ra”, nên ông kêu gọi bạn bè san sẻ những cuốn sách mà họ không còn ý định sở hữu lâu dài để mang về quê cũ Quảng Trị. Với 1000 đầu sách huy động được, luật gia Nguyễn Linh Giang mở cửa Thư viện Khai Trí vào ngày 15/10/2018, trên nền nhà từng lưu dấu tuổi thơ khó nhọc của mình. Tấm lòng của luật gia Nguyễn Linh Giang được nhiều người ủng hộ. Gần 6 năm hoạt động, Thư viện Khai Trí đã có hơn một vạn đầu sách, trở thành địa chỉ yêu thích của trẻ em huyện Cam Lộ.    

Làm sao giảm thiểu chênh lệch nhu cầu tiếp cận văn hóa đọc giữa trẻ em nông thôn và trẻ em đô thị? TP.HCM là địa phương tiên phong tổ chức hội sách, cũng như đã có hai đường sách rất nhộn nhịp tại trung tâm quận 1 và Thủ Đức. Thế nhưng, ngay cả khu vực ngoại ô và những địa bàn hơi khuất nẻo của đô thị lớn nhất phương Nam, thì trẻ em vẫn hiếm hoi cơ hội đọc sách.

Nhà văn Phương Huyền đảm nhận vai trò Đại sứ văn hóa đọc TP.HCM năm 2024, chia sẻ: Trên hành trình đi đến các tỉnh thành lan tỏa về việc đọc sách, chị nhận thấy các bạn nhỏ đều rất thích đọc sách và nghe kể chuyện. Khi chị giới thiệu một đoạn trích trong sách, hay kể một câu chuyện nào đó, các em đều rất say mê. Thậm chí các em còn hào hứng khi được đóng vai những nhân vật trong sách. Rõ ràng, các em chưa được tiếp cận nhiều với loại sách dành cho thiếu nhi. Theo chị, hiện nay hầu hết các trường học đều có thư viện, nhưng sách trong thư viện chưa thực sự hấp dẫn học sinh. Không cần đi đến các tỉnh vùng xa, mà những quận huyện ven TP.HCM khi hỏi về những cuốn sách các em đã đọc cũng chỉ lòng vòng vài cuốn sách tham khảo rất cũ rồi. Trẻ em chưa được khơi mở bằng nhiều tác phẩm văn học mơ mộng, nhiều cảm xúc và thú vị. Vì vậy, việc trẻ em ít hứng thú tiếp cận với sách là chuyện khó tránh khỏi.

Để trẻ em yêu thích đọc sách, nhất là trẻ em nông thôn, cần có những đầu sách hấp dẫn và những người truyền cảm hứng văn hóa đọc. Nhà văn Phương Huyền thổ lộ: “Chúng tôi có thể quyên góp thường xuyên cho thư viện trường học vùng sâu vùng xa, nhưng nhà trường cần cam kết hỗ trợ việc đọc cho các em. Ví dụ phải có tiết đọc sách, phải có những buổi chia sẻ về sách. Từ cô giáo thủ thư đến cô giáo chủ nhiệm, thầy giáo bộ môn cũng phải yêu thích đọc sách, mới lan tỏa được đến trẻ em. Nhưng, cách dễ đưa sách đến với trẻ hơn nữa chính là một không gian mở. Cần có những tủ sách cố định hay tủ sách di động trong sân trường, để trẻ em gần gũi hơn với sách. Xây dựng thói quen đọc sách cũng như việc chăm sóc một cái cây non. Phải chăm chỉ tưới nước, bón phân, nhổ cỏ, thậm chí trò chuyện cùng nó thì nó mới mạnh mẽ trưởng thành”.

                                                              TUY HÒA