Nếu sứ mệnh méo mó, quy trình quản trị lệch lạc, quan hệ công việc không trong sáng, thì lương có tăng 300%, bằng hay vượt cả khu vực công, nơi đó cũng không thể trở thành chỗ thu hút người tài.


 NHỮNG THỨ NGOÀI LƯƠNG

ĐỨC HOÀNG

Trên diễn đàn “r/USAJobs”, một diễn đàn dành cho người quan tâm hoặc đang làm việc cho chính quyền liên bang Mỹ, một thành viên đặt câu hỏi: “Lý do chính bạn muốn đi làm nhà nước là gì?”.

Việc tìm hiểu tâm lý “cán bộ” của một đất nước rất khác chúng ta về thể chế, về quy mô nền kinh tế và quan niệm về điều hành, có thể mang lại điều gì? Thực ra, con người ở đâu cũng có một số mong muốn cơ bản, và cách mưu cầu hạnh phúc của hai đầu đại dương có thể chẳng khác nhau bao nhiêu.

Các câu trả lời được bình chọn nhiều nhất, là “Sự ổn định”. Mức lương trong khu vực công sẽ không bằng khu vực tư nhân, nhưng “sự ổn định” là điều hấp dẫn nhất. Sự ổn định ở đây đầu tiên là về vị trí công việc. “Tôi biết rằng ngày mai sẽ không ai đuổi mình vì một lý do vớ vẩn, không có chút bảo vệ nào, như trong khu vực tư nhân”, một người viết. “Có một công việc không bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế thật là tuyệt”, người khác nói.

Nhưng sự ổn định còn đến theo một cách khác. Họ đồng ý với nhau rằng một ưu thế rất lớn của khu vực nhà nước là “gần như không có quản trị vi mô” (micromanagement). Trong doanh nghiệp tư nhân, cấp trên thường xuyên giám sát từng chút một trong công việc, điều hành vi mô từng đầu việc, nhúng tay vào tất cả – với lý do đơn giản là họ luôn phải phản ứng với các biến động của thị trường, của khách hàng. Rất căng thẳng. Ở khu vực công mọi thứ đã được thiết kế thành quy trình chuẩn trong cả nước. Có quy trình rồi, và rất ít khi thay đổi, cứ thế mà làm.

Những câu trả lời xếp thứ hai, là về phúc lợi ngoài thu nhập. Bảo hiểm đầy đủ, ngày nghỉ được tôn trọng.

Và nhóm câu trả lời thứ ba, sứ mệnh. Bạn biết mình đang phục vụ ai, vì điều gì. “Mục tiêu sống không phải là làm giàu cho một vài cổ đông”.

Cơ bản, nếu đọc hết các câu trả lời của người Mỹ, thì thấy rằng lý do của họ cũng… giống Việt Nam: sự ổn định; phúc lợi; sứ mệnh phụng sự. Và đó cũng là những lý do chính đáng để một thanh niên bước vào ngưỡng cửa cuộc đời, nghĩ về việc đi làm nhà nước.

Bạn sẽ bắt gặp tâm lý đó ở rất nhiều sinh viên ngành Y, Dược, Sư phạm, Khoa học nhân văn hay ngành Môi trường. Tôi mới dự lễ tốt nghiệp của một cô em họ tại Đại học Dược Hà Nội. Và khi gia đình cùng bàn bạc hay cho ý kiến về con đường tương lai, tôi thấy trong suy nghĩ của cô bé sáng ngời một mong ước: “được làm bệnh viện công”. Không ai định hướng, trong suy nghĩ của một thanh niên mới bước vào đời tự có nhu cầu đó. Tôi là người luôn thiên vị khu vực tư nhân (có lẽ do tính cách tham vọng), nhưng nếu bạn đối chiếu lại với mấy lý do kể trên, bạn sẽ thấy rằng mở mồm ra khuyên cô em về việc làm tư nhân là độc ác. Học ra để chữa bệnh cho nhân dân, hay là để đi làm giàu cho một ông chủ hãng dược nào đó? Học ra để có công việc cân bằng, thời gian sống vui vẻ, hay là vùi đầu trong phòng lab với đủ thứ áp lực doanh thu, sản phẩm từ cấp trên?

Khu vực nhà nước có nhiều lợi thế trong tuyển dụng ngoài lương. Khi chính sách tăng lương mới được áp dụng từ 1/7/2024, nhiều cơ quan thông tấn và nhà quản lý nhấn vào “mức tăng lương lịch sử”, đến 30% để bàn. Nhưng trong tư cách người quan sát, tôi tin rằng việc cho một cử nhân tốt nghiệp đại học mức lương hơn 5 triệu đồng/tháng chẳng “cao” lên bao nhiêu so với mức sống và tình trạng lạm phát hiện tại.

Cái chúng ta cần suy nghĩ, là làm sao giữ được những lợi thế ngoài lương, để thu hút nhân tài. Lương vốn chưa bao giờ là lý do chính người ta đi làm nhà nước.

Sự ổn định là lý do đầu tiên. Nhưng sự ổn định này tồn tại dưới dạng lý thuyết hay trong thực tiễn? Ở đây và ở kia, chúng ta vẫn đọc được những vụ nâng đỡ “không trong sáng”, và qua đó tất nhiên là tước mất cơ hội của người khác. Chúng ta vẫn đọc về những cán bộ nữ phải đi tiếp khách cho sếp, mặt đỏ bừng bên bàn rượu.

“Không có quản trị vi mô”, không có những cuộc điện thoại gọi dậy lúc 12 giờ đêm giải quyết vấn đề của khách hàng, nhưng vẫn tồn tại đầy những mối quan hệ xin-cho, những mắc mứu tình nghĩa, và đôi lúc quy trình quản trị tại một số cơ quan công, sau khi được thanh tra, hóa ra là quản trị kiểu… gia đình, tức là tùy tâm.

Sự ổn định sẽ chỉ có nếu chúng ta tôn trọng tuyệt đối các nguyên tắc công việc. Mà điều đó dường như vẫn xa xỉ ở nhiều cơ quan công.

Tương tự, “có sứ mệnh” là một lợi điểm của khu vực công. Nhưng chúng ta có giữ được sứ mệnh trên giấy tờ đó? Cuộc chiến chống tham nhũng vạch ra những đường dây ăn tiền nhiều tới mức, cảm giác rằng ăn tiền cho bản thân mới là sứ mệnh của họ. Và nếu so sánh, thì đi làm giàu cho một ông chủ có tầm nhìn ở khu vực tư nhân còn sướng hơn (là đi làm giàu cho một cán bộ cấp trên).

Quá nhiều ví dụ, để thấy rằng sự ổn định, sự chuẩn mực của khu vực công bị bóp méo ở nhiều nơi và nhiều tình huống. Và nếu xem xét kỹ, ta nhận ra rằng nếu sứ mệnh méo mó, quy trình quản trị lệch lạc, quan hệ công việc không trong sáng, thì lương có tăng 300%, bằng hay vượt cả khu vực công, nơi đó cũng không thể trở thành chỗ thu hút người tài.

Vì lúc đó, động cơ duy nhất để người ta đi làm cho nhà nước, chỉ còn nghĩa siêu hẹp của từ “ổn định”, tức là khó bị thất nghiệp. Một nhân sự mà quyết định của anh ta chỉ bị chi phối bởi nỗi sợ thất nghiệp, làm sao là một nhân sự tốt được.

 

Nguồn: An Ninh Thế Giới cuối tháng