Có những nhà văn muốn lưu lại cho đời sau nhiều tích,
nhiều chuyện, nhiều liên tưởng xa, gần nên đã phóng bút viết ra những cuốn tiểu
thuyết 600- 700 trang, đặt lên bàn cân nặng tới cả ký. Bán thì khó tìm được
khách hàng…
ĐỜI SỐNG VĂN HÓA SỚM NGỘ RA, MAY CÒN KỊP
TÔ HOÀNG
1-Báo giấy bây giờ ít ai đọc
nên số ấn phẩm thấp, báo luôn luôn lo bị lỗ. Từ đó đồng nhuận bút thấp. Nhuận
bút thấp thì ít ai viết, bài gửi về tòa soạn khan hiếm, mà bài khan hiếm đã thì
sự tuyển chọn cũng dễ dàng thôi. Vì vậy đừng lấy một bài báo được đăng báo để
hù dọa bạn bè đấy nghe!
2-Trước kia truyền hình
phân cho đều cho các tỉnh thì đâu đó có khoảng trên dưới 70 chương trình phát
sóng. Bây giờ Thông tấn xã, Báo Nhân dân, Quốc hội, Quân đội… đều có kênh phát
sóng riêng. Có đầu đơn vị tới 2,3 kênh. Thành thử ước tính cả nước có tới xấp xỉ
200 chương trình. Và “nhà đài” nào cũng gắng gỏi phủ sóng kín 24/24h mỗi ngày.
Làm ra một phút để phát sóng tính đâu chi phí cả chục triệu trở lên. Vì vậy tốt
nhất là mua phim rẻ của Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan… mà “lấp” chương trình.Và
còn chiếu đi chiếu lại phim, chương trình của nhau nữa. Đó là cung cách lấp
sóng …tiện nhất, rẻ nhất.
Thành thử khi “nhà đài” vớ được một bộ phim tài liệu
hoặc một bộ phim truyện dài vài chục tập,
đặc biệt phim về đề tài “cúng cụ” chỉ ngợi ca, chỉ “nói từ đúng trở lên”, lập tức
bộ phim sẽ trở thành “vật tế thần”. Mỗi tối trợ giúp cho việc lấp sóng khoảng
40 phút. Mà cũng rất an toàn, vì chẳng ai thèm xem nên không ai khen, chê về
ngón nghề, về trình độ nghệ thuật, về chỗ kia đúng, chỗ này sai. Có điều, yác
giả (đạo diễn, biên kịch…) đừng thấy phim của mình “lang thang” hết từ đài này
qua đài khác, “hết ngày dài lại đêm thâu” mà vênh váo tự hào phim mình là kiệt
tác, đã trở thành tài sản quốc gia, tối
tối cả nước phải ngước mắt nhìn (!?)
3- Cũng đã cách nay vài chục
năm, Tổng Biên tập một tờ báo rất “ăn khách” ở TP.HCM đã dặn nhỏ đám phóng viên: Cần khéo
léo và tế vi… từ chối bài viết của các cụ về hưu, các cựu chiến binh. Các vị ấy
bây giờ không những là tỷ phú về thời gian, lại còn là tỷ phú của những kỷ niệm,
những ký ức. Dặn kỹ đây, kỷ niệm, ký ức là những “hạt mảy vàng” rất đáng nâng
niu, trân trọng. Nhưng các vị kia thường viết trường giang đại hải, lại viết về
những gì đã quá xưa cũ, người khác đã kể, đã nói mãi rồi. Bây giờ là thời buổi
điện tử, trí tuệ nhân tạo. Có cái remode trong tay, ngồi trước bàn vi tính, thử
hỏi có niềm quan tâm nào, thú tiêu dao mà người đọc, người xem không tìm thấy? Ấy vậy mà người già thường thích vân vi, tỉ mỉ,
kể cho dài, nói cho thật hết. Đăng bài của các vị ấy, báo sẽ tụt số lượng phát
hành liền...
4- Tiện thể nói luôn, có
những nhà văn muốn lưu lại cho đời sau nhiều tích, nhiều chuyện, nhiều liên tưởng
xa, gần nên đã phóng bút viết ra những cuốn tiểu thuyết 600- 700 trang, đặt lên
bàn cân nặng tới cả ký. Bán thì khó tìm được khách hàng. Tặng free cho chiến hữu
và cháu con. Đám trẻ đưa tay nhận sách mà tủm tỉm cười: đâu kiếm ra thời gian
và sự thảnh thơi để “tiêu hóa” được từng ấy trang đây, các cụ Khốt ơi? Đồng
nghiệp, đồng đội, đồng niên nhận sách mà không dám nói thẳng ra: Ông bạn quên rằng,
mắt tôi sắp lòa, cái lưng tôi đã nhức mỏi, kể cả khi đứng lẫn khi ngồi rồi sao?
5- Tra mãi trên Google mà
không tìm ra cái truyện ngắn của Macxim Gorky. Truyện kể rằng chú rắn nước nọ nằm
dưới đáy một giếng cạn ẩm ướt. Chú rắn tranh luận với chim đại bàng và khư khư
khẳng định rằng, bầu trời chỉ là khoảng không gian hạn hẹp bó cứng trên miệng
giếng…
Trộm nghĩ, trong giới văn chương mình khối người cứ thắc thỏm vì sao văn học xứ ta chưa có tác phẩm nào đoạt giải Nobel? Ngoại ngữ vốn đã có phần…tậm tịt. Thế giới đang xẩy ra xung đột, đấu đá, tranh cãi nhau điều gì, đang vận hành ra sao, còn tồn tại hay đang ngấp nghé đứng trước cơn đại hồng thủy... đều không hay biết. Không tường thiên hạ lo gì, sợ gì, trông mong ở điều gì mà cứ ngong ngóng Nobel được ư? Cứ cậm cạch, nghiền ngẫm mãi hết chuyện sai lầm CCRĐ, rồi tới chuyện Bắc- Nam huynh đệ tương tàn, sau chuyển qua kể khổ về thời gạo tem, dầu phiếu… Mà quên phắt rằng những tích chuyện như vậy hình như đã có sẵn “cái cốt lõi ”cần thông báo cho con người tỉnh ngộ đã có ngay từ trong trường ca Ilyat, Odisse, Thần thoại Hy La, Thủy hử, Tam quốc … từ những cuốn tiểu thuyết được trao giải Nobel ở thế kỷ 19, 20. Còn vào năm 1990 Nga- Liên Xô đã bán cả hồ sơ mật của KGB cho Mỹ; văn chương Trung Quốc đã có “Ngày đêm ở Thượng Hải”, “Nửa đàn ông là đàn bà” … từ hơn nửa thế kỷ trước. Khẩu vị “ hằn học”, “sám hối”, “suy ngẫm để rút ra”… vốn được coi là “đặc sản” của một thời, nay như cũng đã là chuyện xưa rồi, Diễm ơi.