Đêm 14/8 tại Nhà hát TP.HCM đã diễn ra chương trình “Phan Huỳnh Điểu tình yêu ở lại” kỷ niệm 100 năm ngày sinh của tác giả các ca khúc lừng lẫy “Cuộc đời vẫn đẹp sao”, “Những ánh sao đêm”, “Thuyền và biển”, “Tình trong lá thiếp”…


Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu sinh ngày 11/11/1924 trong một gia đình tiểu thương tại Đà Nẵng. Sau khi tốt nghiệp trung học, ông tham gia hướng đạo sinh. Mối tình đầu của ông là cô hàng xóm Mộng Tân. Ông thường làm thơ và vẽ tranh để tặng Mộng Tân. Cuối năm 1944, Phan Huỳnh Điểu có dịp xem vở kịch “Tục lụy” của Thế Lữ với phần âm nhạc của Lưu Hữu Phước công diễn ở Hội An, khiến ông xúc động muốn viết nhạc.

Lấy sự tích dân gian, Phan Huỳnh Điểu sáng tác ca khúc đầu tay “Trầu cau” và đem hát cho Mộng Tân nghe, thay lời tỏ tình. Thấy Mộng Tân không nói gì, Phan Huỳnh Điểu không biết nàng chê người hay chê nhạc, nên lặng lẽ rút lui.

Năm 1945, Phan Huỳnh Điểu chỉnh sửa lại ca khúc “Trầu cau” rồi viết thêm hai ca khúc “Đoàn vệ quốc quân” và “Tuyên truyền xung phong”. Chính nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu tự biểu diễn các ca khúc khởi nghiệp của mình trong phong trào hưởng ứng cách mạng tháng Tám ở Đà Nẵng.

Thật bất ngờ, ca khúc “Đoàn vệ quốc quân” được Nhà xuất bản Tinh Hoa ở Huế mua bản quyền để phát hành, và trả thù lao cho nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu số tiền 200 đồng, tương đương 5 chỉ vàng lúc đó. Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu tự thưởng mình một cây đàn ghita giá 80 đồng, còn 120 đồng mang về nhà biếu mẹ ruột.

Cuối năm 1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu tạm biệt Mộng Tân để lên đường tham gia cách mạng. Hai người ngồi bên nhau im lặng. Trong hoàn cảnh khói lửa khó lường, chẳng ai dám hứa hẹn với ai điều gì. Chỉ đến lúc tiễn Phan Huỳnh Điểu ra ngõ, Mộng Tân mới khe khẽ dặn dò: “Anh bảo trọng. Khi nào vẫn nghe được ca khúc mới của Phan Huỳnh Điểu thì em biết anh còn sống”. Đêm ấy, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu viết ca khúc “Mùa đông binh sĩ” chính thức gia nhập đội ngũ văn nghệ tiên phong: “Nào ai đang ấm no, thấy chăng ngoài chốn xa/ Một đoàn hùng binh trấn biên cương/ Lạnh lùng với xa nhà/ Nhìn thấy gương xả thân lòng đau xót/ Thương người chốn xa”.

Năm 1947, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu được phân công về Quảng Ngãi dạy học ở trường Lê Khiết. Trong các học trò của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu có nữ sinh Phạm Thị Vân rất xinh đẹp và rất quan tâm đến thầy giáo. Ngược lại, thầy giáo Phan Huỳnh Điểu cũng có cảm giác đặc biệt với nữ sinh Phạm Thị Vân nhỏ hơn mình 8 tuổi. Quan hệ thầy trò cải thiện dần dần thành quan hệ tình nhân.

Tháng 9/1949, đám cưới của Phan Huỳnh Điểu và Phạm Thị Vân được tổ chức đơn sơ và ấm áp tại thị trấn Sông Vệ, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Hạnh phúc của họ được đánh đấu bằng bốn đứa con lần lượt ra đời, đặt tên theo thứ tự Phan Hồng Phong, Phan Hồng Việt, Phan Hồng Hà và Phan Hồng Minh.

Năm 1955, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đưa gia đình tập kết ra Bắc. Tại Hà Nội, ông tham gia thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam, và viết một loạt ca khúc thể hiện khát vọng thống nhất non sông, mà nổi bật nhất là ca khúc “Những ánh sao đêm”.

Cuối năm 1964, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu nhận lệnh chi viện cho chiến trường khu 5. Trở lại mảnh đất mà mình từng tha thiết “Nhìn về liên khu 5 ta nhớ, bát ngát mênh mông đồng lúa Phú Yên, Tam Quan bóng mát xanh tươi hàng dừa, trùng trùng rừng núi Tây Nguyên cao cao”, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu vô cùng háo hức, nhưng ông lại xót thương người vợ Phạm Thị Vân phải một mình ở lại Hà Nội nuôi nấng bốn đứa con.

Trang đầu tiên của cuốn nhật ký “Vào Nam”, ngày 24/12/1964, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu viết: “Đêm Noel, xuất phát. Khoảng 4 giờ đến cầu Long Biên, lòng bâng khuâng nhớ nhiều kỷ niệm. Hôm nay, chắc Vân được nghỉ, ở nhà làm bánh cho các con. Qua vườn hoa Bảy Mẫu, nhìn lần cuối, đẹp, mơ mộng, có nhiều đổi thay. Dậy sớm, bị mất ngủ nên nhức đầu. Khoảng 5 giờ chiều tàu đến ga Văn Trai. Nhớ hôm đi nghỉ hè với Vân ở Bạch Lạng, đùa nghịch kéo chân Vân và vui đùa cùng các con. Hoàng hôn, sương hơi mờ nhưng phía đông vẫn sáng. Đẹp, nhưng buồn, vì nhớ Vân và các con, nhớ Hà Nội”.

Nhạc sĩ Phan Hồng Hà, con trai của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, cho rằng những năm xa cách thực sự có ý nghĩa thử thách tình yêu mà bố mẹ mình dành cho nhau. Khoảng thời gian ấy không chỉ giúp tình yêu thêm bền chặt mà còn tạo chất xúc tác để nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu viết được nhiều ca khúc sau này.

Nhạc sĩ Phan Hồng Hà chia sẻ: “Hôn nhân của ba má tôi có 6 năm thử thách, từ 1964 đến 1970. Đó là khi ba tôi vào chiến trường khu 5 còn má tôi một mình ở lại Hà Nội làm lụng nuôi nấng các con. Cứ mỗi tuần má tôi lại nhận được mấy lá thư do ba tôi gửi ra từ chiến trường. Hầu như ngày nào ba tôi cũng viết thư cho má tôi, rồi chuyển về Hà Nội qua đường giao liên. Ba tôi không viết riêng cho má tôi một ca khúc nào, nhưng hầu hết các bản tình ca của ba tôi đều thấp thoáng bóng dáng của má tôi. Tình cảm giữa ba tôi và má tôi rất cao đẹp và thiêng liêng”.

Đầu năm 1971, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu ra Hà Nội. Bà Phạm Thị Vân mừng mừng tủi tủi gặp lại người chồng đã gầy đi rất nhiều vì gian lao bom đạn. Những ngày điều dưỡng, nhìn người vợ tất bật chăm sóc mình, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu dùng một đoạn trong “Bài thơ tình yêu” của Dương Hương Ly để viết thành ca khúc “Cuộc đời vẫn đẹp sao” an ủi hiền thê.

Đất nước hòa bình, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và gia đình định cư TP.HCM. Ông chuyên tâm vào việc phổ thơ thành ca khúc. Bên cạnh ca khúc “Bóng cây Kơ Nia” phổ thơ Ngọc Anh vào tháng 8/1971, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu áp sát sự rung động của mình vào thơ của Hoài Vũ, Xuân Quỳnh, Thúy Bắc, Trần Hoài Thu, Bùi Công Minh... mà có được nhiều ca khúc rung động công chúng như “Thơ tình cuối mùa thu”, “Ở hai đầu nỗi nhớ”, “Hành khúc ngày và đêm”, “Anh ở đầu sông, em cuối sông” hoặc “Sợi nhớ, sợi thương”.

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu quan niệm: “Tôi cho rằng thơ phổ nhạc đạt đến mức độ cộng hưởng tâm hồn của nhạc sĩ và thi sĩ. Tìm thấy một bài thơ phù hợp, nhạc sĩ phổ nhạc và gửi gắm tâm trạng mình. Xét đến cùng, chất thơ trong ca từ của một nhạc sĩ thuần túy không thể bằng được chất thơ trong ca từ vốn là bài thơ của một nhà thơ. Nhà thơ chắt chiu từng con chữ, nhạc sĩ chăm chút từng nốt nhạc sẽ cho ra một tác phẩm toàn vẹn và đầy đặn. Bởi vậy, tôi hết sức thích phổ nhạc cho thơ. Thơ và nhạc như cặp anh chị em song sinh, thơ một cánh, nhạc một cánh cho tác phẩm bay lên”.

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu tài hoa, trong sáng và dí dỏm nên rất được mọi người yêu mến. Ngôi nhà của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu trên đường Thất Sơn, quận 10, TP.HCM luôn rộn rã tiếng nói, tiếng cười. Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu thường nửa đùa nửa thật với bạn bè: “Ban đầu viết ca khúc, tôi không biết gì về luật âm nhạc. Tôi viết theo luật trái tim, lấy giai điệu từ trái tim mình kết nối trái tim người khác. Khi đã trau dồi thành thạo kỹ thuật âm nhạc, thì tôi lấy sự cảm nhận của vợ tôi để đo lường hiệu quả sáng tác. Ca khúc nào viết xong, tôi đều hát cho vợ tôi nghe trước tiên. Ca khúc được vợ tôi khen hay, thì chắc chắn sẽ phổ biến rộng rãi”.

Ngày 29/6/2015, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 91. Tròn 100 ngày sau khi ông mất, bà Phạm Thị Vân cũng rời khỏi dương gian ở tuổi 83. Thế nhưng, tình yêu của họ vẫn ở lại cùng những ca khúc được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu dâng tặng cuộc đời.

                                                                  LÊ THIẾU NHƠN