Cổ nhân từng dạy: “Trong văn chương nói chung và thi ca nói riêng, nếu thật thà quá thì thành thô lậu, nếu khéo léo quá thì thành điêu toa”. Người làm văn chương, đặc biệt là người làm thơ, phải luôn ở “khoảng giữa”, tức là không quá thật thà và cũng không quá khéo léo. Với “Dấu thời gian”, Nguyễn Văn Mạnh đứng được ở “khoảng giữa” theo cách của anh một cách tự nhiên.


LỢI DANH THÀNH KHÓI HƯ KHÔNG...

(Đọc “Dấu thời gian” của Nguyễn Văn Mạnh, NXB Hội Nhà văn 2023)

ĐẶNG HUY GIANG

 

Về cơ bản, thơ Nguyễn Văn Mạnh mang một vẻ đẹp giản dị, thuần khuyết, lại có tình, có ý. Nhiều bài thơ của anh có nhiều câu đáng nhớ ngay từ khi đọc và để lại ấn tượng tức thì. Người làm thơ mà có những phẩm chất ấy và những ưu thế ấy thì thật đáng quý và đáng trân trọng. Bên cạnh đó, Nguyễn Văn Mạnh lại không điệu đàng, không làm dáng...- đó là “bệnh” của không ít người, nhất là những người làm thơ trẻ hiện nay.

Xa xưa, cổ nhân từng dạy: “Trong văn chương nói chung và thi ca nói riêng, nếu thật thà quá thì thành thô lậu, nếu khéo léo quá thì thành điêu toa”. Người làm văn chương, đặc biệt là người làm thơ, phải luôn ở “khoảng giữa”, tức là không quá thật thà và cũng không quá khéo léo. Với “Dấu thời gian”, Nguyễn Văn Mạnh đứng được ở “khoảng giữa” theo cách của anh một cách tự nhiên.

Nguyễn Văn Mạnh có sở trường làm thơ lục bát. Dường như anh đã vượt qua sự thách đố của một thể thơ khó tính này. Anh không chạy theo vần mà để mất ý, không bị vần điệu dẫn dắt.  Anh chỉ mượn hình thức như là phương tiện để hướng tới mục đích, đạt được mục đích. Có thể kể tên những bài thơ lục bát đáng nhớ trong “Dấu thời gian”: “Về quê”, “Ao làng mùa hạn”, “Chiều nghĩa địa làng”, “Về Huế”, “Lỡ hẹn”, “Qua bến Tầm Dương”...

Trong đó, có những câu hoặc những cặp trên sáu dưới tám thật đáng chú ý: Lợi danh thành khói hư không/ Thả hồn theo cánh gió đồng bao la (“Về quê”); Ao tù lòng héo như dưa/ Trời ơi trời đổ cơn mưa đi trời (“Ao làng mùa hạn”); Mỗi vuông đất một phận người/ Đã thành cát bụi bời bời chân mây/ Một đời vật vã vần xoay/ Ngửa bàn tay, trắng bàn tay một đời/ Vẫn nguyên kiếp cỏ dưới trời...(“Chiều nghĩa địa làng”); Em ngồi trong rét nàng Bân/ Lòng yêu đan áo âm thầm chờ ai/ Bóng trăng nhạt giữa sơm mai/ Thoảng nghe tiếng gió thở dài qua đêm (“Lục tổng tháng ba”); Ngóng em hết đứng lại ngồi/ Ngóng em lòng dạ rối bời cả lên/ Nhìn theo cái nón chung chiêng/ Trách chi lòng vững chân kiềng làm chi (“Lỡ hẹn); Tái tê một mảnh trăng ngà/ Câu thơ họ Bạch thẳm xa vọng về (“Qua bến Tầm Dương”); Núi mây, mây núi xa xôi/ Lặn vào vành nón thành lời sông Hương (“Về Huế”)...Riêng hai câu: “Ao tù lòng héo như dưa/ Trời ơi trời đổ cơn mưa đi trời”, theo tôi, là một cặp lục bát, cũng rất đáng chú ý.

Những cây thơ đẹp và đầy tình ý như thế này, được trích dẫn ở dưới đây, cũng không thiếu:

Vầng trăng trồi lên khỏi sóng

Hoá thành một chiếc thuyền vàng

Trời xanh chìm trong bể biếc

Mây trắng êm trôi lang thang

                  (“Đêm Cát Bà”)

Yêu nhau cởi áo trao nhau

Lúng liếng thả bùa giăng không gian vương vấn

Chiều thành thơ trong hương trầu cánh phượng...

                   (Chiều Chi Lăng em hát”)

Nơi ở đó có mắt người lúng liếng

Lũ con trai lặng lẽ thở dài

Bao cặp mắt dán theo tà áo trắng

Theo gió trời tan hoá áng mây trôi

                   (“Mái trường”)

“Gặt thơ ở Đông Nam Bộ” là một bài thơ chân thật, rất hạp với Nam Bộ ở cách nói, cách nghĩ. Điểm nhấn của bài thơ này nằm ở ba câu: Tôi thả tôi vào nồng nàn/ Tôi gửi tôi vào đôn hậu/ Đông Nam Bộ rộng vòng tay đón khách. Tương tự, “Tháng mười về Đền Trạng”, điểm nhấn nằm ở năm câu kết: Vườn xưa giờ cây cao lá biếc/ Tiếng chim cu vọng gió tháng mười/ Người như đứng bên hiên phe phẩy quạt/ Nhìn mảnh sân đền.../ Con đổ thóc ra phơi. Chỉ bằng ít chữ ấy thôi, Nguyễn Văn Mạnh đã đọc ra “chất” Nam Bộ và đọc ra “chất” Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ấy là một Nguyễn Bỉnh Khiêm rất hiểu chữ thời, chữ biết và chữ nhàn. 

Một trong những tứ thơ hay, chính là “Nghĩ trước cổng chùa”. Tác giả phát hiện ra: Mái chùa không còn cong như cũ/ Phật đánh môi son/ Áo quần thếp vàng và đá quý và cái tâm trạng của người đi chùa, bây giờ cũng khác: Dù tiếng chuông vẫn còn ngân nức nở/ Giữa ồn ã tiếng nói cười/ Khách rời chùa sao như tan hội?. Khách rời chùa sao như tan hội, không chỉ là một câu hỏi thuần tuý mà còn là một lời than, một lời cảnh báo, cảnh tỉnh. Chưa hết. Bốn câu kết đã góp phần nâng vực tứ thơ lên một tầng nấc mới:

Ngàn năm xưa về đâu

Cổng chùa trơ trơ chó đá

Hình như Phật bỏ về trời

Ở đây toàn sư gõ mõ

Bốn câu thơ này đã chỉ ra bản chất chùa và bản chất người tu hành lẫn người đi chùa thời nay một cách sâu sắc và có phần tài tình. Bốn câu thơ này cũng chỉ ra chùa và những gì liên quan đến chùa, phần lớn chỉ còn là hình thức.

Về mặt hình thức, “Nghĩ trước cổng chùa” là một bài thơ có tứ, có ý tưởng rõ ràng, có kết cấu chặt chẽ, trong khi về mặt nội dung ít nhiều lại đạt đến độ lắng đọng và có giá trị lan toả, phổ quát. Qua bài thơ này, ta càng thấy nhà thơ lớn nửa đầu thế kỷ 20 người Đức B. Brecht thật chí lý khi ông quan niệm: “Những bài thơ hay là những bài thơ giản dị, khó làm”. Thoả mãi cùng lúc hai đòi hỏi vừa giản dị, vừa khó làm, nhìn chung không phải là chuyện dễ dàng gì. Gọi sự vật với đúng tên gọi của nó, biến mọi điều phức tạp thành giản dị, dễ hiểu và sâu sắc...cũng chẳng dễ dàng gì và đó là khả năng của người viết.