Học đại học đã từ rất lâu rồi không phải là con đường
định hướng nghề nghiệp mà nó chỉ đơn thuần là một quá trình tích luỹ tri thức
cá nhân. Học một ngành, ra làm một ngành khác là việc quá phổ biến.
GIÁ TRỊ CỦA TRI THỨC
HÀ QUANG MINH
Những ngày cuối tháng 8, đầu tháng 9 này, một trong những
thông tin được chú ý nhất chính là điểm chuẩn của các trường đại học. Sức hút của
những công bố điểm chuẩn là rất lớn trong bối cảnh xã hội Việt Nam vẫn luôn rất
trọng khoa cử và đại học vẫn là một ngưỡng cửa mục tiêu mà nhiều bậc phụ huynh
đặt ra cho con mình. Trong các trường đã công bố điểm chuẩn, Học viện Báo chí
và Tuyên truyền (HVBCTT) là trường công bố sớm nhất, và sốc nhất với mức điểm
thấp nhất là 34,98 (ngành báo in) và cao nhất là 37,7 (ngành Quan hệ công
chúng).
Khi HVBCTT công bố điểm chuẩn, khá nhiều người đã đùa
rằng “đấy, cứ chê nhà báo là ba môn 9 điểm đi” với hàm ý nhấn mạnh chất lượng đầu
vào của ngành này. Nhưng với riêng cá nhân tôi, một người tạm gọi có thâm niên
làm báo, tôi chỉ tự đặt ra một câu hỏi “nếu các sĩ tử nộp đơn ứng thí cho
HVBCTT thử đi làm như một phóng viên ở 1 tòa soạn nào đó trong khoảng 1 tháng
thôi, liệu họ có thay đổi ngay ý định đầu quân cho ngành học nghe thì sang chảnh
nhưng chắc chắn ra đời sẽ lắm chông gai hay không?”.
Sự thay đổi chóng mặt của xã hội trong thời cách mạng
công nghiệp lần thứ tư này đã kéo theo sự chuyển mình của rất nhiều ngành nghề.
Báo chí là ngành chịu tác động lớn nhất, nhưng thực tế lại thay đổi chậm chạp
nhất. Vô số tòa soạn vẫn đang duy trì phương thức hoạt động của thế kỷ trước.
Làm báo chỉ đủ nuôi bản thân mình, sống trong tằn tiện. Nhược bằng không, sẽ lại
là một con đường dễ dẫn đến lao lý: dùng cái mác báo chí để “bóp cổ” doanh nghiệp.
Chấm hết. Vậy thì học giỏi và vào trường báo chí có phải là một con đường sáng
sủa hay không?
Vậy thì các cử nhân tốt nghiệp các ngành khác có thể
có một sự nghiệp sau đại học tốt hơn dân báo chí hay không? Cũng vậy thôi. Học
đại học đã từ rất lâu rồi không phải là con đường định hướng nghề nghiệp mà nó
chỉ đơn thuần là một quá trình tích luỹ tri thức cá nhân. Học một ngành, ra làm
một ngành khác là việc quá phổ biến. Nguyên nhân thì có rất nhiều. Từ việc thiếu
định hướng hướng nghiệp ngay từ khi còn ngồi ghế phổ thông của chính học sinh
cho tới chuyện cha mẹ áp đặt ngành nghề cho con cái; từ việc nhiều ngành học
trong giáo dục đại học đang giữ một khoảng cách khá xa so với thực tiễn cuộc sống…
tất cả cùng cộng hưởng để tạo nên những thế hệ cử nhân ra trường và loay hoay
không biết mình nên làm việc gì.
Và hơn hết, chúng ta đang sống và làm việc trong một
môi trường thực tế rất thiếu tôn trọng tri thức. Những nhà tuyển dụng chuộng
kinh nghiệm thực chiến đến mức độ sẵn sàng bỏ qua chiều sâu tri thức bởi bản
thân các dự án của họ cũng chỉ mang tính ngắn hạn, xu thời. Hệ thống lương bậc
ngạch tưởng như ưu đãi trình độ học vấn hơn nhưng cuối cùng cũng vẫn chưa hợp
lý, thậm chí tước bỏ toàn bộ quyền đàm phán của người lao động. Chính hai yếu tố
này đã khiến tấm bằng đại học không có giá trị tương xứng với đầu tư cho giáo dục
đại học.
Cách đây chưa lâu, khi còn giữ vai trò cố vấn cao cấp
cho một tập đoàn truyền thông, tôi đã từng góp ý cho sếp ở đó đại ý rằng “tập
đoàn của anh đang hoạt động dựa trên làn sóng mạng xã hội. Vậy mà nhân viên của
anh không một ai có hiểu biết tương xứng về xã hội học. Các anh quá chú trọng kỹ
năng cùng những mẹo vặt mà quên đi cái cốt lõi nhất, cơ bản nhất. Nếu không
thay đổi, các anh sẽ phải trả giá rất đắt”. Vị sếp sòng đó chỉ cười, và nhỏ
nhẹ: “Anh biết chứ. Nhưng anh chỉ cần dự án này phát triển tốt lên trong thời
gian ngắn, sau đó anh sẽ bán nó đi. Chuyện đó, để nhà đầu tư sau họ phải làm,
hơi đâu mình mất thời gian cho nó”.
Chỉ một câu trả lời ấy thôi, đủ để chúng ta hiểu rằng
giá trị của tri thức thực sự đang nằm ở đâu trong cách vận hành chung của xã hội
Việt Nam hiện nay. Và xét ở cương vị của một doanh nhân, ông sếp ấy đã đúng,
còn tôi đã sai. Chính cái đúng tạm thời đó lại càng củng cố hơn cho một tập
quán xấu: xem nhẹ tri thức.
Quay trở lại với môi trường nhà nước, chúng ta cũng sẽ
nhận ra giá trị thực sự của tri thức được định đoạt thế nào. Không ít người giỏi,
được các đơn vị quốc doanh mời về làm việc. Nhưng hành trình của cái sự mời ấy
sẽ diễn ra như thế nào? Sau khi đối tượng được mời bị thuyết phục bằng những hứa
hẹn, đối tượng ấy vẫn phải hoàn tất hồ sơ bằng một lá đơn xin việc. Kế đến là
lương, sẽ là bậc ngạch theo đúng quy định nhà nước, phần chênh lệch so với hứa
hẹn ban đầu sẽ được trả ngoài lương, bằng các thủ thuật bút toán kế toán.
Rõ ràng, đây là một thái độ không sòng phẳng, không
chuyên nghiệp. Người được mời vẫn phải làm đơn xin đã là phi lý thứ nhất rồi.
Và ngay cả thù lao xứng đáng được nhận của người được mời cũng không minh bạch.
Giả sử, ở một thời điểm nào đó trong tương lai, tổ chức kia thay đổi lãnh đạo,
và lãnh đạo mới không thích người được mời về kia thì sao nhỉ? Sẽ có một cuộc
chia tay chưa biết êm thấm hay không nhưng phúc lợi mà người lao động nhận được
hoàn toàn dựa trên cái hợp đồng lao động với mức thu nhập hàng tháng thấp hơn rất
nhiều so với thực tế lời cam kết ban đầu.
Với trường hợp có năng lực, có tài, có uy tín và được
mời về làm việc còn lắt léo thế, huống gì với những người chân ướt chân ráo mới
tốt nghiệp đại học, chưa có uy tín gì. Thi tuyển sòng phẳng và được tuyển dụng,
nhưng người lao động lại không được quyền đàm phán, mặc cả về lương thưởng của
mình đối với đơn vị tuyển dụng là cơ quan nhà nước. Cứ đúng lương bậc, ngạch
theo quy định mà nhận, cấm kiến nghị lằng nhằng. Nhưng lương bậc ngạch đó có
tương xứng với học phí đại học hay không? Học phí đại học thấp nhất hiện nay
cũng 35 - 40 triệu đồng/ năm, ngang mức lương bậc ngạch cho cử nhân mới tốt
nghiệp. Nói chung, đi học đại học dứt khoát không thể sinh lời về mặt tài
chính. Cái lợi thu được chỉ là tri thức, cho chính bản thân mình là chủ yếu vì
tri thức ấy nhiều khi cũng chỉ là chuyện viển vông đối với những nhà tuyển dụng
mà thôi.
Nhiều người bắt đầu thiên về quan điểm nên học nghề
hơn là học đại học, hoặc đi làm luôn sau khi tốt nghiệp phổ thông. Quan điểm đó
không sai. Một xã hội toàn thầy cả mà chẳng có mống thợ nào sẽ không thể phát
triển được. Nhưng khát vọng đại học vẫn luôn là khát vọng chính đáng nhất của mỗi
con người, mỗi gia đình mà không ai có quyền ngăn cản. Chỉ có điều, học xong đại
học rồi có dám làm thợ hay không hay vẫn ảo tưởng câu chuyện “tôi là thầy nên
không thể làm thợ”.
Cái bất tương xứng giữa đầu tư đại học và giá trị thực
tế nhận được khi cầm tấm bằng đại học trên tay vẫn là thứ đáng nói đến nhất,
đáng bàn nhất. Làm thầy hay làm thợ là lựa chọn cá nhân của mỗi người. Có nghị
lực sống thì làm gì cũng được, miễn là kiếm ra tiền một cách trong sạch. Nhưng
nếu một cá nhân xuất sắc, được tuyển dụng đúng nghĩa để “làm thầy”, phúc lợi
cho họ cần phải ở mức độ tương xứng, phải vượt xa phúc lợi của một người làm thợ
đúng nghĩa. Chỉ có mức phúc lợi lớn như thế mới cho thấy những vất vả đầu tư
cho mấy năm đằng đẵng trên giảng đường là xứng đáng, và nó cũng tạo ra cuộc cạnh
tranh khốc liệt để nhận thức xã hội phải thay đổi.
Những người “thắng”, được mời “làm thầy” là thắng xứng
đáng; những người “thua”, buộc phải chọn “làm thợ” dù có bằng đại học trong
tay, cũng thua tâm phục khẩu phục. Có như thế, số đông mới hiểu rằng học đại học
chỉ là bước trang bị tri thức cho chính mình và so với nhu cầu xã hội, nhu cầu
tuyển dụng, tri thức ấy không phải là đã đủ để có thể nhận một vị trí “làm thầy”
được trọng vọng bằng cả thái độ lẫn phúc lợi nhận về. Và khi ấy, tri thức đã được
đánh giá đúng giá trị của nó, được trân trọng đúng đắn trong môi trường của nó.
Chính vì tri thức chưa được trân trọng nên mới hình
thành hiện tượng đổ đồng như hôm nay. Cứ có bằng đại học là được ghi nhận ngang
nhau nên bởi vậy, càng ngày, tình trạng cử nhân thất nghiệp hoặc phải đi làm việc
trái ngành, đi làm với mức thu nhập không hơn gì (thậm chí còn kém) so với lao
động chân tay càng tăng. Nó tạo ra câu hỏi hồ nghi về hiệu quả của giáo dục đại
học trong khi đó đào tạo nghề chuyên nghiệp thì cứ yếu ớt, làng nhàng. Bối cảnh
nhân lực như thế, thử hỏi chúng ta sẽ phát triển kinh tế xã hội theo chiều hướng
nào.
Tôi muốn kết thúc câu chuyện bằng chính những gì mà
tôi trải qua. Tốt nghiệp đại học ngành kinh tế năm 1998 và sau đó tôi đi làm
báo. Học kinh tế là từ định hướng của cha mẹ trong khi tôi đã viết lách, cộng
tác cho các báo từ thời học phổ thông. Và sau hơn 20 năm làm báo, thực tế lương
của tôi vẫn thua lương… bảo vệ. Đơn giản, bảo vệ một cơ quan là một nhiệm vụ cụ
thể, có định lượng được, và cần kíp vì lý do an toàn. Thế nên bảo vệ có quyền
được mặc cả lương, dưới mức nào đó họ sẽ không nhận việc. Cũng như nghề giúp việc
vậy. Giữa thành phố lớn ồn ào và đắt đỏ, nếu trả dưới 10 triệu/tháng gồm nuôi
ăn ở, sẽ khó có thể kiếm được người giúp việc. Còn nhà báo như tôi, tạm cũng gọi
là có chút ít người biết đến, lương tháng chưa được 7,5 triệu sau đợt tăng
lương vừa rồi. Vậy thì đại học có gì vui, có tri thức có gì vui?
Nhiều khi tôi nghĩ, với khả năng nấu ăn khá ngon của
mình, hay là thôi, về mở gánh phở nho nhỏ đầu phố. Nhưng sĩ diện của cái gọi là
“trí thức” có cho phép tôi dũng cảm quyết định đi “làm thợ” sau hơn nửa đời người
đã “làm thầy”. Lỗi tại ai? Tôi cũng có một phần lỗi rất lớn trong đó thì phải?
Nguồn: An Ninh Thế Giới cuối tháng