‘Chuyện làng Buông’ là tiểu thuyết đánh dấu sự trở lại văn đàn của tác giả Lưu Trọng Văn, sau gần 30 năm mải mê định vị một cây bút điêu luyện trong đời sống truyền thông.
“Chuyện làng Buông” dày hơn 300 trang, khổ 16x24 cm,
tính chi li khoảng 15 vạn chữ. Nếu 15 vạn chữ quy đổi thành 15 vạn viên gạch
hay 15 vạn gốc rạ, thì để hiểu làng Buông cũng đơn giản. Thế nhưng, 15 vạn chữ
không nói chuyện viên gạch hay chuyện gốc rạ, mà nói chuyện con người, chuyện
cuộc đời, nên làng Buông thực sự phức tạp để chia sẻ, để cảm thông.
Xưa nay, làng vốn lắm chuyện, vì là là nơi nguồn cội
sinh nở, là nơi ám ảnh nhớ thương, là nơi dặn vặt mong ngóng, là nơi lưu luyến
trở về. Tác giả Lưu Trọng Văn không xác lập làng Buông thuộc khu vực nào, đó là
dụng ý, vì làng nào cũng là làng Việt với ngổn ngang văn hóa Việt, dù làng miền
Bắc hay làng miền Nam. Tinh thần ấy kế thừa tiền nhân, như cách Nguyễn Quang
Diêu (1880-1936) ở Đồng Tháp đầu thế kỷ 20 viết trường ca song thất lục bát
“Chiêu hồn dân ruộng”, như cách Kim Lân (1920-2007) ở Bắc Ninh giữa thế kỷ 20
viết truyện ngắn “Làng”.
Cái tên “Chuyện làng Buông” đáng quan tâm ở chữ
“Buông”, có vẻ hợp mốt thời thượng “buông bỏ” của trào lưu “chữa lành” hiện
nay. Trong tiểu thuyết “Chuyện làng Buông”, khái niệm “buông” được phơi bày qua
nỗi lòng của nhân vật Vượt: “Nhiều đêm xa làng cơ cực kiếm miếng ăn, bươn chải
với nhiều loại người, cô từng ước mơ là nếu mình có phép màu, mình sẽ xóa tội hết
cho tất cả mọi người. Xóa bỏ hết hận thù. Tất cả cùng bắt đầu lại. Thương yêu
nhau. Buông, buông hết, không phải chỉ để mình thanh thản mà để được thương yêu
nhau. Buông! Buông! Buông! Thương! Thương! Thương!”.
Tác giả Lưu Trọng Văn là một trường hợp tương đối độc
đáo trong giới cầm bút. Là con trai của nhà thơ Lưu Trọng Lư và nghệ sĩ đàn
tranh Tôn Lệ Minh, nên Lưu Trọng Văn có sẵn gien nghệ thuật. Mất 6 năm từ 1968
đến 1974 cặm cụi bậc đại học chuyên ngành xây dựng ở Liên Xô, nhưng Lưu Trọng
Văn lại quay về nước để làm phóng viên Đài phát thanh Giải Phóng và gắn bó với
nghiệp viết lách.
Sau tập bút ký “Campuchia những bước chân thầm lặng”
in năm 1979, Lưu Trọng Văn tung hoành giữa kịch và thơ. Kịch Lưu Trọng Văn có
ưu điểm vượt trội ở lời thoại, qua các vở “Ngoài kia là biển”, “Chiến sĩ trẻ”,
“Người biết sợ”… Còn thơ Lưu Trọng Văn có một tập ra mắt năm 1997, với lối thơ
nảy chữ lắt léo và hồn nhiên như đồng dao.
Không được đào tạo báo chí, nhưng Lưu Trọng Văn tự
trau dồi kỹ năng để viết báo và làm báo rất cừ khôi. Vài năm gần đây, Lưu Trọng
Văn nhảy lên mạng xã hội, lấy thân phận “gã” để bày tỏ thái độ yêu ghét tung tẩy.
Kiểu tự xưng “gã” của Lưu Trọng Văn cũng quyến rũ khối người khác, kiến tạo xu
hướng và dẫn dắt xu hướng trên Faceboook.
Tác giả Lưu Trọng Văn mang đại từ nhân xưng “gã” vào
tiểu thuyết “Chuyện làng Buông” để kể chuyện ở ngôi thứ nhất, chứ không dùng
“tôi”, “hắn” hay “y”. (Năm 1989, Lưu Trọng Văn từng xuất bản tiểu thuyết “Nửa vầng
ngực cháy”, vai “gã” chưa đắc dụng). Gã tên Cát, sống ở làng Buông, vui buồn với
làng Buông, đi lính rồi thành nhà báo, cũng yêu đương run rẩy, cũng bị giam cầm
oan uổng vì bắt nhầm.
“Chuyện làng Buông” chia làm hai phần, đánh dấu hai chặng
đời của Cát. Một chặng đời từ 13 tuổi đến 17 tuổi, ngụp lặn giữa làng Buông. Một
chặng đời ở tuổi 23, trở lại làng Buông với nhiều thay đổi. Tác giả Lưu Trọng
Văn dùng câu ngắn để viết tiểu thuyết, nhịp điệu nhanh, văn phong hoạt. “Chuyện
làng Buông” chia làm nhiều chương ngắn, dễ đọc và lôi cuốn. Thậm chí, có chương
vỏn vẹn mấy chục chữ, như chương 21 ở phần một: “Bên sông, bãi cỏ. Những người
đàn ông, đàn bà quê mùa gào khóc. Thuyền đắm vì quá rách nát lại chở đông người.
7 người chết, 7 cái chiếu đắp. Mưa lất pha, lất phất. Gió lờn và lờn vờn. Bên
kia bờ chính là trại giam mà chú Gió bị giam. Mây ơi!”.
Dù không phải tiểu thuyết trào phúng, nhưng “Chuyện
làng Buông” được kể bằng giọng hài nhộn. Ngay các nhân vật cũng được đặt tên
khá hóm hỉnh, Cát là con của ông Sỏi, Vung là con của ông Nồi. Còn ông Gió có
hai con gái là Mây và Mưa, ông Làm cưới bà Tình có con là Sướng. Vì vậy, “Chuyện
làng Buông” hư hư thực thực, cười đấy mà khóc đấy, mỗi người loay hoay trong tập
tục cố hữu, trong giằng co ích kỷ, trong sấp ngửa thị phi, trong ham muốn tính
dục, trong mất mát riêng tư. Thế nhưng, tình làng và nghĩa làng đã xoa dịu và
níu kéo họ gần gũi nhau, tha thứ nhau, thức tỉnh nhau.
“Chuyện làng Buông” là những mảnh ghép kỷ niệm, nhiều
xô đẩy và nhiều rung lắc. Tác giả Lưu Trọng Văn sắp xếp những “chiếu nghỉ” cho
làng Buông bằng thi ca, dĩ nhiên là thơ đúng kiểu Lưu Trọng Văn. Ví dụ, thơ của
Mưa đọc cho Cát nghe: “Mái rạ nghiêng à ơi mẹ hát/ Trăng dưới giếng khua vành
nón chuối/ Mẹ bảo, con gái lớn rồi/ Đừng một mình tắm trăng/ Mẹ à ơi rồi mẹ vào
giấc ngủ/ Em len lén ra giếng một mình/ Em xõa tóc, em cởi yếm/ Ngực khẽ đụng
tàu chuối/ Trăng rớt đầy ngực em”.
Đọc tiểu thuyết “Chuyện làng Buông” của Lưu Trọng Văn,
độc giả không chỉ được ghé qua một không gian xao xác bao nhiêu hoài vọng và nuối
tiếc, mà còn được gợi mở suy ngẫm về nơi chôn nhau cắt rốn với ký ức đã gia giảm
những oán cừu, những ngậm ngùi, những xót xa.
Nhân vật Cát trong “Chuyện làng Buông” luôn tin vào sự
tử tế. Dẫu luôn bị khuất lấp và luôn bị đọa đày, thì sự tử tế nhỏ nhoi vẫn giúp
quan hệ giữa con người với con người bớt lạnh lẽo, bớt hoang vu. Cái tên Cát được
gửi gắm thông điệp cát tường? Có lẽ tác giả Lưu Trọng Văn tuổi 73 không quá cầu
kỳ mường tượng chữ “cát” trong tiếng Hán được ghép từ chữ “sĩ” và chữ “khẩu”.
Cái tên Cát dường như tình cờ rơi ra, từ tên khai sinh Lưu Trọng Cát Văn của gã
Lưu Trọng Văn chăng?
LÊ THIẾU NHƠN