Hồn thơ Thai Sắc ươm mầm bởi lời ca tiếng hát trên quê hương: “Hò khoan Lệ Thủy tuyệt vời/ Tôi mang theo trọn quãng đời phiêu du/ Mỗi lần đẫm bụi mịt mù/ Nghe điệu quê để được ru lắng hồn”.


 Nhà thơ Thai Sắc: “Ta chiêu tuyết trái tim ta”

VƯƠNG TÂM

Gần đây, tôi mới gặp nhà thơ Thai Sắc (Cái Văn Thái - 1953) tại trại sáng tác ở Nha Trang. Lại được nghe giọng nói đặc sệt Quảng Bình của anh làm tôi nhớ tới cố thi sĩ Hàn Mặc Tử (sinh ra bên sông Lệ Kỳ - Đồng Hới). Thật bất ngờ ở vùng thượng nguồn Mai Thủy (Lệ Thủy) xa xôi ấy, có một giọng thơ khác lạ Thai Sắc làm tôi say mê: “Ta về trên ngọn cô đơn/ Buồn như nước đổ từng cơn khuyết đời/ Áo xiêm em khuất cuối trời/ Gió chưng cất bão từ nơi chia lìa” (Kinh lành).

Những chiều không thời gian

Tôi yêu cái nhịp khắc khoải trong thơ Thai Sắc với nét ngang tàng trong hình ảnh và câu chữ. Luôn có những nốt lặng và nhịp đảo phách trong nhạc điệu tâm cảm thơ Thai Sắc. Những câu thơ đậm tính cách của người chiến sĩ Cái Văn Thái đã từng cầm súng chiến đấu tại quê hương trong những năm chiến tranh chống Mỹ khốc liệt cho đến ngày toàn thắng.

Hồn thơ Thai Sắc ươm mầm bởi lời ca tiếng hát trên quê hương: “Hò khoan Lệ Thủy tuyệt vời/ Tôi mang theo trọn quãng đời phiêu du/ Mỗi lần đẫm bụi mịt mù/ Nghe điệu quê để được ru lắng hồn” (Hò khoan Lệ Thủy). Phải chăng đó là những bước chuẩn bị cho những ngày chợt đến của tâm hồn thi sĩ trong anh với hình ảnh “Mùa xuân cựa mình trong tà áo chật” (Thai Sắc).

Rồi thơ chắp cánh cho Cái Văn Thái khi bước chân vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I (niên khóa 1978 - 1982) với chùm thơ đầu tiên in trên Văn nghệ Bình Trị Thiên (1980). Bút danh mới độc đáo Thai Sắc đã ra đời khi Cái Văn Thái về Đồng Tháp dạy học, rồi làm Trưởng khoa (tại Trường Cao đẳng Sư phạm Đồng Tháp, sau là Đại học Đồng Tháp).

Đó là sự bắt đầu với cuộc “Đối thoại với trái tim” - Hội VHNT Đồng Tháp -1991. Tập thơ đầu tiên sau tám năm ấp ủ với những nỗi niềm thơ trên miền đất mới quê hương thứ hai của Thai Sắc. Rồi sau đó là “Miệt vườn” (Hội VHNT Đồng Tháp - 1993) và “Độc ẩm” (NXB Thanh Niên - 1996). Bất ngờ cái tên Thai Sắc nổi bật với giải nhất trong cuộc thi thơ tình lục bát do Báo Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh tổ chức (1997 - 1998). Từ đó, bạn đọc nhớ đến Thai Sắc qua những câu thơ trong “Chiều em xa ngái”, hay “Dòng thời gian ngập lũ”, hoặc “Kinh lành”…

Hồn thơ anh sống động cùng thi ảnh nổi bật qua biểu cảm của nghệ thuật tượng trưng: “Dòng thời gian ngập lũ/ Em chênh vênh chuyển xuồng cập bến thời gian/ Ta níu chiếc kim đồng hồ như níu mái dầm quá vãng/ Nghe tiếng quẫy từ đáy tim mình/ Những vầng sóng đỏ ngầu vỗ cánh/ Dâng lên” (Dòng thời gian ngập lũ).

Dường như thơ Thai Sắc dần dần dịch chuyển và đổi mới theo thời gian. Nhất là khi anh rời Trường Đại học Đồng Tháp sang làm chuyên viên Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Tháp (1993). Trong vòng 17 năm đó đây khắp nơi, thơ Thai Sắc đậm dấu ấn triết lý và suy tư sâu lắng qua những tập thơ mới. Đó là “Những chiều không thời gian” (Hội VHNT Đồng Tháp - 2001); “Ngày chợt đến” (Hội VHNT Đồng Tháp - 2003); “Lục bát những ngày rơi” (NXB Hội nhà văn - 2009).

Những hình ảnh gây ấn tượng của Thai Sắc đã neo tâm trí người đọc từ đây. Ắt hẳn nhiều người bị thu hút theo dòng cảm xúc trong lá bùa siêu thực của tình yêu anh: “Chiều không em thời gian thấm mệt/ Nắng khuất màu giờ phút tinh khôi/ Ta nhỏ bé như mùa thu rớt/ Xin được yêu như lá ngang trời” (Chiều em xa ngái).

Bước qua bậc cửa

Nhưng phải chăng thơ Thai Sắc được pha trộn tính tượng trưng với ánh xạ nghệ thuật siêu thực rõ nét hơn cả khi anh chuyển công tác sang Hội Liên hiệp VHNT Đồng Tháp (từ năm 2009). Từ khu biệt “Trầm tích” (NXB Hội Nhà văn - 2013) với bút pháp tượng trưng, anh đã dần chuyển sang tính nồng ấm của triết lý, suy tưởng với những thi ảnh trừu tượng rõ nét. Đó chính là bước đệm của “Phía dòng sông thao thức” (NXB Hội Nhà văn - 2021) và Thai Sắc đột biến với thi phẩm “Bước qua bậc cửa” (NXB Hội Nhà văn - 2022).

Nhà thơ Thai Sắc còn viết truyện ngắn và đã cho ra đời những tập văn xuôi và nghiên cứu biên khảo từ mươi năm trước. Tất cả tính trọn tới 18 tác phẩm cùng nhiều giải thưởng văn học của anh đã để lại những giá trị nhất định. Nhà thơ Thai Sắc còn làm Trưởng ban Lý luận phê bình văn học trong mấy khóa liền, khi tham gia Ban Chấp hành Hội Liên hiệp VHNT Đồng Tháp.

Về nghệ thuật thi ca, Thai Sắc có sự đổi mới đáng kể về tư tưởng và thi pháp trong giai đoạn này. Cái thời “Áo xưa trắng đến vô cùng/ Tóc xưa giờ đã điệp trùng màu mây” của Thai Sắc không còn nữa. Nay khi đã “Bước qua bậc cửa”, anh chính thức lên tiếng mời độc giả bước vào nhân gian xa rộng và thế giới nghệ thuật lung linh. Nhà thơ quan niệm rõ biểu cảm về chính mình khi vượt thoát mọi cám dỗ bụi đường để trở về nhà: “Bước qua bậc cửa/ Đích thực về nhà mình/ Áo mão cân đai rũ sạch theo khói bụi/ Giờ làm người thứ thiệt” (Bước qua bậc cửa). Người thứ thiệt mà anh đề cập tới đó chính là “thơ thứ thiệt” - sự biến pháp đổi hình mới lạ đã xuất hiện.

Chính vì thế mà “Bước qua bậc cửa”, Thai Sắc khẳng định và quyết đoán về cõi thơ của chính mình. Tập thơ gồm 81 bài với cấu trúc mới như sự đúc kết súc tích qua chặng đường thơ hơn 40 năm qua. “Bước qua bậc cửa” không phủ định những điều mà anh đã trăn trở qua những tháng năm bươn chải. Đó chính là sự tiếp nối nhưng đổi mới với tiết tấu cùng điệu thức kỳ ảo hơn. Đó là những điều anh đã chiêm nghiệm với sự chuyển động: “Ta đặc xá chính ta/ Thoát tư duy một chiều/ Vũng bùn đọng thối” (Đặc xá). Điểm mấu chốt cuối cùng anh vẫn giữ lại cõi tâm linh cuộc đời rằng: “Nhưng/ Chẳng thể nào đặc xá/ Nỗi đau hoang”. Nỗi ám ảnh về cái chết và nỗi đau con người qua cơn đại dịch trở thành điểm huyệt trong thơ Thai Sắc về tư duy và hồn cốt tứ thơ.

Sự hòa quyện trong triết lý về lẽ sống và chết cùng với tính công dân sâu sắc trong thơ của Thai Sắc gây bất ngờ cho bạn đọc. Vì thế, tôi rất say với những tứ thơ mới lạ của anh như “Tiền mãn thu”. “Mai phục”, “Huyền lực”; hoặc “Giọt vui”, “Bước qua bậc cửa”, “Mặt trời rụng”; hay “Chiêu tuyết”. “Rơi vào cỏ”…

Và, khó có thể quên những câu thơ hay của anh: “Ta chiêu tuyết hết nụ cười/ Để nghe giọt khóc nghiêng trời phiêu linh” (Chiêu tuyết). Hay còn đó với hình ảnh: “Mặt trời rụng xuống Ta Bà/ Gầy nhom tia nắng bườn xa cõi người” (Mặt trời rụng). Rồi nữa với hoa (thực ra đó là con người) vào thời khắc tàn thu, anh đã chia sẻ: “Hoa hết thời môi son/ Nở như rặn đẻ/ Tiếng những chiếc giày thèm đi/ Khò khè thở” (Tiền mãn thu). Phải nói thơ anh dày đặc những liên tưởng sâu sắc về lẽ sống và thân phận. Đó là những ẩn dụ hàm chứa triết lý lắng đọng, gợi cảm qua hình tượng dung dị: “Nằm giữa chính mình/ Chiếc võng định mệnh/ Hai đầu trĩu xuống/ Cõi chìm” (Võng).

Ánh xạ thiền thi

Nhà thơ Thai Sắc có tài thi vị hóa hình ảnh đời sống thực tiễn và cấy vào đó những mầm suy tưởng xanh tươi: “Khe cửa dắt ta đi/ Tìm màu đen sự thật/ Lách vào tăm tối nhất/ May gặp lại mình” (Khe cửa). Phải chăng đó là sự đi tìm mình (tu thân) là triết lý Phật giáo sâu sắc luôn kề cận với những hình tượng thi ca của Thai Sắc. Bởi lẽ thơ anh luôn vọng lên ánh sáng của thiền thi Phật pháp làm người đọc không thể quên: “Rọi về chót vót góc đời/ Mùa nay chật luống hoa phơi úa màu” (Mặt trời rụng). Đặc biệt những bài thơ nói về thân phận con người nhà thơ luôn thể hiện nỗi niềm hướng Phật từ bi. Đó là những tứ thơ luôn vỗ về cuộc sống còn bao những khốn khó gian nan: “Thơ sinh ra từ nước mắt/ Trong veo những giọt đau” (Quái thú).

Cùng với đó là chánh niệm soi lại mình khi tác giả viết: “Rơi vào cỏ/ Niềm vui tở mở/ Những cọng khô ủ lại làm phân/ Ta cúi đầu thấy đất” (Rơi vào cỏ). Mình là ai? Sự soi tỏ ấy luôn lấp lánh trong những trang viết của anh: “Một lần quỳ dưới cao xanh/ Tự mình sám hối trước mình mà đau” (Chiêu tuyết). Với bố cục chặt chẽ qua hình ảnh “Kiềng ba chân” với ba khổ thơ mỗi bài không ít thi phẩm của Thai Sắc nghiêng về cấu trúc thi kệ với những triết lý sống: “Nhọc nhằn hun hút nhân sinh/ Xin thôi thù hận u minh rác đời” (Chiêu tuyết). Vì thế thơ anh luôn có tính thời đại qua những câu thơ sâu sắc về nhân sinh quan và nổi bật trong tính cách công dân trước những chuyển động của cuộc sống. Và đó chính là sự thành công của thơ Thai Sắc trong những năm gần đây.

 

Nguồn: Văn Nghệ Công An