Lễ hội sen Hà Nội 2024 diễn ra 5 ngày, từ 12/7 đến 16/7, tại Không gian văn hóa sáng tạo Tây Hồ. Như một sự trùng hợp thú vị, khi lễ hội sen Hà Nội khai mạc, thì cuốn sách “Thơ sen” do nhà thơ Hà Nội nổi tiếng Đặng Huy Giang tuyển chọn, cũng được ra mắt công chúng.


“Thơ sen” là một tập hợp công phu, bao gồm 68 tác giả viết về sen, từ các danh nhân lịch sử Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Cao Bá Quát đến những gương mặt hôm nay như Lê Quý Dương, Nguyễn Vĩnh Bảo, Phạm Trung Tín…

Trong “Thơ sen” dễ dàng bắt gặp những bài thơ viết trực diện về sen Tây Hồ. Nếu nhà thơ Phạm Công Trứ có “Tây Hồ một thuở” hoài vọng: “Làng hoa này chỉ còn tên/ Sâm cầm cánh đỗ trắng miền ngày xưa/ Hỏi sen, sen đã gió đưa/ Hỏi hồ, hồ bảo cũng thừa ngàn năm/ Hỏi trăng, trăng hẹn đến rằm/ Hỏi sương, sương bận đến thăm Nhà Thuyền/ Hỏi nhiều thành kẻ vô duyên/ Thì vào Trấn Quốc tham thiền cùng cây”, thì nhà thơ Vũ Quần Phương có “Chè sen” trầm tư: “Tôi nâng chén chè sen ngạt ngào hương mùa hạ/ Tôi uống chè hay sen, không biết/ Chỉ biết rằng hoa thác, thì chè thành hương bay”.

Thậm chí, nhà thơ Trần Ninh Hồ trong bài thơ “Với rượu sen Tây Hồ” còn khẳng định sen nơi đây có thể ướp thành loại rượu độc đáo: “Rượu cốt ủ nghìn hộc/ Hương thơm lừng muôn nơi/ Chén gốm Bát Tràng dốc/ Nước Tây Hồ có vơi”.

Hoa sen trong tâm thức đại đa số người Việt đã được xem như quốc hoa. Cho nên, những điều thiêng liêng và đẹp đẽ thường được ví von với hoa sen. Nhà thơ Thi Hoàng trong bài “Ngưỡng mộ hoa sen” đã liên tưởng gắn kết giữa hoa sen và người mẹ: “Hoa sen không định thơm/ Không định thơm thì mới thơm như thế/ Rất tự nhiên là ta nhớ mẹ/ Mẹ quá xa rồi/ Để ta thành con cái của làn hương”.

Hoa sen đi vào tục ngữ, ca dao, dân ca như một biểu tượng thanh cao. Cho nên, hầu hết các nhà thơ lấy cảm hứng hoa sen để sáng tác đều kế thừa nền tảng thẩm mỹ của tổ tiên. Nhà thơ Nguyễn Phan Hách phác họa một bức tranh quyến rũ: “Em gái nhỏ thơ ngây/ Xuống đầm hoa sen tắm/ Trắng muốt trong nước xanh/ Giữa rừng hoa sen trắng”.

Nếu nhà thơ Trương Nam Chi xem việc ngắm hoa sen cũng là liệu pháp “chữa lành” hiệu quả “Mất còn hay những được thua/ Rốn thiêng vũ trụ bốn mùa vây quanh/ Chúng sinh gieo giấc thiện lành/ Nụ hoa giác ngộ hóa thành tòa sen”, thì nhà thơ Trần Hòa Bình qua “Bài hát ru hoa sen” lại nghĩ hoa sen có khả năng đại diện cho quan hệ phu thê thánh thiện: “Ngủ đi những đóa hoa vợ chồng/ Ta ru hoa một đêm dài đơn độc/ Và em nữa, đã bao giờ em khóc/ Trước hồn sen trong vắt một ước nguyền/ Trước những cánh sen quay trong gió như thuyền/ Ngủ đi, nhưng đừng vào lãng quên/ Những đóa hoa sen ta hái về chậm trễ/ Ta yêu em mà không sao thưa được/ Sen ngủ trong bình, em thức trong ta”.

Cũng giống những loài hoa khác, hoa sen khi tàn lụi bỗng để lại một sự nuối tiếc và sự hụt hẫng không nguôi cho người tôn thờ hoa sen. Nhà thơ Yến Lan thảng thốt: “Thỏn mỏn lòng ao tắt điểm hồng/ Ngó tàn, tơ rã lẫn theo rong/ Trách chi thu sớm sang mùa sớm/ Để trống hương sen một cõi lòng”.

Tuyển chọn “Thơ sen” là một nỗ lực đáng ghi nhận khi minh định quan hệ hoa sen và thi ca. Chắc chắn hình ảnh hoa sen còn tiếp tục len lỏi vào mỗi giấc mơ của người Việt, tiếp tục ẩn hiện trên mỗi câu thơ của người Việt. Bởi lẽ, hoa sen không chỉ bật lên một vẻ đẹp, còn xung quanh hoa sen còn gợi mở bao nhiêu triết lý nhân sinh. Ví dụ, nhà thơ Chế Lan Viên suy tư: “Anh có cho tôi làm hoa sen không, tôi trong lý lịch có bùn/ Thân phận người mà, ai chả có bùn đen/ Giết chết một mùi hương, dễ thôi, cứ quậy bùn lên để giết/ Nhưng vượt lên bùn, sen cứ ngát hương sen”.

                                                 TUY HÒA