Lòng tốt và sự tử tế là điều con người luôn phải hướng tới để tự hoàn thiện nếu như không muốn sự nghiệp của mình đổ vỡ. Sống tử tế cho đến chết là một điều khó. Nhưng, tôi lại nghĩ nhận biết được điều này để điều chỉnh, thay đổi cũng đã là một sự tử tế rồi.


Nhà văn Nguyễn Trí Huân: Văn và người

LÊ HỮU TỈNH

Nhà văn Nguyễn Trí Huân - một cuộc đời, một sự nghiệp, một văn nghiệp, một con người... có bao điều đáng nói. Tròn mười năm lăn lộn chiến trường, lại chủ yếu chiến trường Khu 5 khốc liệt, con người luôn đối mặt với lẽ tử sinh. Ở Khu 5, ông là phóng viên, biên tập viên Tạp chí Văn nghệ giải phóng Trung Trung Bộ. Ông là nhà báo, nhà văn chiến trận, là “thành viên" của Sư đoàn 3 Sao Vàng anh hùng. Ngoài cây bút và cuốn sổ tay ghi chép, có tình huống ông còn trực tiếp cầm súng chiến đấu như một người lính. Sau 1975, ông tiếp tục công việc của một người lính trên mặt trận văn hóa văn nghệ.

Sau khi tốt nghiệp Trường Viết văn Nguyễn Du khóa 1, năm 1982, ông được điều về Tạp chí Văn nghệ quân đội. Từ một biên tập viên, Trưởng Ban Biên tập, Phó Tổng Biên tập, năm 1993, ông được bổ nhiệm Tổng Biên tập Tạp chí. Sự nghiệp “quan chức văn nghệ" của ông mở ra từ đây. Như một sự “đưa đẩy" của phận người, từ đó, suốt 27 năm liền, ông giữ cương vị Tổng Biên tập của những tờ báo tên tuổi: Văn nghệ quân đội (1993-2007), Văn nghệ (2007-2014), Nhà văn và Tác phẩm (2014-2020). Chưa hết, 25 năm ông có ''chân'' trong Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam (1995-2020). 4 nhiệm kì, ông làm Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Có nhiệm kì làm Phó Chủ tịch Thường trực.

Như thế, có thể gọi ông là một Tổng Biên tập chuyên nghiệp, một Tổng Biên tập “có nghề", một nhà quản lí văn nghệ dạn dày kinh nghiệm.

Về văn nghiệp, nhà văn Nguyễn Trí Huân được biết đến với những tác phẩm chính: "Mặt cát" (tập truyện ngắn, 1977), "Năm 1975 họ đã sống như thế" (tiểu thuyết, 1979), "Dòng sông của Xô-nét" (tiểu thuyết, 1980), "Chim én bay" (tiểu thuyết, 1988), "Dấu thời gian" (ký, 2004) và... bẵng đi một thời gian dài, gần đây là "Bất chợt mai vàng" (truyện, 2023) - một tác phẩm nhỏ xinh, dễ đọc, hấp dẫn vừa... “bất chợt" ra đời trong sự đón đợi của nhiều độc giả.

Nhà văn Nguyễn Trí Huân đã được nhận Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam (năm 1989), Giải thưởng Văn học của Bộ Quốc phòng (1989), Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (2007).

Gần đây, trên trang Facebook của Trần Đăng Khoa, nhà thơ chia sẻ mấy dòng về tình hình sức khỏe của một số nhà văn quen thuộc, khiến nhiều người thấy thảng thốt, cảm thương. Nhà thơ Trần Đăng Khoa viết:

“Nhà văn Nguyễn Khắc Trường không đi lại được, phải có người dìu và xe lăn mới nhích được mấy bước từ giường đến ghế ngồi ở trong phòng. Nhưng, ông vẫn rất tỉnh táo. Ông hỏi thăm anh em nhà văn ở văn phòng Hội, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Báo Văn nghệ, đặc biệt là đồng đội ở Văn nghệ quân đội. Tôi thông báo với ông: nhà văn Hồ Phương mới mất, nhà văn Nguyễn Trí Huân cũng đang chống chọi với căn bệnh ung thư đại tràng. Nhắc đến Nguyễn Trí Huân, ông khóc òa lên: Huân nó tốt lắm! Nhà văn Nguyễn Chu Nhạc bảo anh Tô Hoàng ở thành phố Hồ Chí Minh điện ra cũng bảo: “Nguyễn Trí Huân chỉ có một nhược điểm là chẳng có nhược điểm gì”.

"Ừ. Huân tốt lắm! Tốt lắm! Rồi ông lại khóc. Đời người chẳng biết thế nào...”.

Còn nhà văn Trung Trung Đỉnh trong bài “Thật thà như Nguyễn Trí Huân” thì viết: “Huân tốt từ trong ý nghĩ tốt ra. Ai mà nói xấu Huân, lập tức biến thành kẻ xấu trong cái nhìn của chúng tôi. Nhưng, Huân đôi khi tốt với cả kẻ xấu. Kẻ xấu lợi dụng lòng tốt của Huân, Huân cũng chả kêu ca”.

Ở thời buổi “nước đục bụi trong” này, lòng tốt thật đáng quý, đáng trọng. Lòng tốt là biểu hiện rực rỡ của thiện lương, của thiện căn, là sự thăng hoa, là phần tốt đẹp của con người. Lòng tốt thể hiện qua việc làm, thái độ, lời nói và những biểu hiện vi tế không dễ gọi tên. Một ánh nhìn, một cái chớp mắt rưng rưng, một khoảnh khắc lặng người... Những biểu hiện cụ thể thường thấy của lòng tốt là: đồng cảm và thấu hiểu, quan tâm và lắng nghe, tôn trọng và công bằng, hỗ trợ và động viên, tha thứ và khoan dung, chia sẻ và hợp tác, vị tha, không vụ lợi... Lòng tốt luôn xuất phát từ sự chân thành và mong muốn mang lại điều tốt đẹp cho người khác, tạo ra môi trường tích cực và hòa đồng trong xã hội...

Ở con người nhà văn Nguyễn Trí Huân dường như có đầy đủ những biểu hiện sinh động và đa dạng của lòng tốt. Như đã nói ở trên, phần lớn thời gian công tác của nhà văn Nguyễn Trí Huân là làm quản lí, lãnh đạo ở một số tờ báo tên tuổi và ở cơ quan Hội Nhà văn, nên có vấn đề thú vị nảy ra. Đó là quan hệ giữa lòng tốt và công việc quản lí, lãnh đạo ở một tờ báo, lại là tờ báo gồm các nhà văn giàu cá tính, giàu tài năng và không kém phần góc cạnh...



Tôi mang những ý nghĩ này đến gặp và trò chuyện với nhà văn Nguyễn Trí Huân. Anh em chuyện trò thân tình, cởi mở như người trong nhà.

- Thưa nhà văn Nguyễn Trí Huân. Thông thường, lòng tốt giúp xây dựng và duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa lãnh đạo và nhân viên. Khi lãnh đạo đối xử tử tế và tôn trọng nhân viên, nhân viên cảm thấy được trân trọng và tin cậy hơn. Điều này tạo môi trường làm việc tích cực. Mọi người gắn bó hơn với công việc, sẵn sàng đóng góp hết mình. Lòng tốt còn giúp lãnh đạo giải quyết xung đột một cách hiệu quả hơn. Lãnh đạo dễ dàng lắng nghe, thấu hiểu quan điểm của các bên liên quan, từ đó tìm ra giải pháp hòa giải và công bằng. Điều này giúp giảm căng thẳng và duy trì sự hòa hợp trong đơn vị. Lãnh đạo có lòng tốt thường làm gương cho người khác. Họ thể hiện các giá trị đạo đức, sự tôn trọng và công bằng trong mọi hành động. Điều này khuyến khích nhân viên noi theo... Với nhà văn Nguyễn Trí Huân, mọi việc có diễn ra đúng như vậy không nhỉ?

+ Tôi không được như các anh ấy nhận xét đâu. Họ đang động viên một người bệnh. Thực ra, ở một cơ quan mang tính đặc thù như Tạp chí Văn nghệ quân đội, có hai mối quan hệ cần được tôn trọng. Một là mối quan hệ giữa người chỉ huy và người bị chỉ huy theo điều lệnh quân đội. Hai là mối quan hệ đồng đội, đồng nghiệp. Mười bốn năm làm Tổng Biên tập Tạp chí, tôi đã xử lý ổn thỏa hai mối quan hệ này, đôi khi còn coi trọng mối quan hệ đồng đội, đồng nghiệp hơn. Có thể, chính vì thế mà hầu như tôi không cần quản lý, chỉ huy gì cả. Trước đây, các anh Vũ Cao, Từ Bích Hoàng, sau là các anh Dũng Hà, Hồ Phương, Xuân Thiều đều ứng xử như vậy. Tôi đã học được công tác quản lý từ các anh ấy.

- Có người nhận xét có lí rằng: Một sự nghiệp bền vững và thành công thường được xây dựng trên nền tảng của lòng tốt và sự tử tế. Anh có đồng tình với ý kiến này không?

+ Lòng tốt và sự tử tế là điều con người luôn phải hướng tới để tự hoàn thiện nếu như không muốn sự nghiệp của mình đổ vỡ. Sống tử tế cho đến chết là một điều khó. Nhưng, tôi lại nghĩ nhận biết được điều này để điều chỉnh, thay đổi cũng đã là một sự tử tế rồi.

- Lòng tốt có cản trở công việc lãnh đạo không? Về vấn đề này, tôi thấy lòng tốt đôi khi có thể khiến lãnh đạo trở nên quá mềm mỏng và thiếu quyết đoán trong việc ra quyết định. Cạnh đó, lãnh đạo tốt bụng có thể bị lợi dụng bởi những người không chân thành hoặc không có thiện ý, dẫn đến việc lạm dụng sự tử tế và làm giảm hiệu quả công việc. Thêm nữa, do lãnh đạo cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người nên người ta có thể ỷ lại. Vì những lẽ trên, cần có sự cân bằng giữa lòng tốt và sự quyết đoán, cũng như đặt giới hạn cho sự tử tế của mình. Có như vậy mới tạo môi trường làm việc tích cực và đạt được thành công bền vững...

+ Trong những năm làm nhiệm vụ quản lý ở một số cơ quan báo chí văn học, tôi không tránh khỏi những va vấp, sai sót. Nhưng, tôi luôn nghĩ đó là những sai sót của sự chân thành. Thêm nữa, khi anh tốt với người này, có nghĩa là anh đang làm tổn thương đến người khác. Tôi đã sai khi luôn nghĩ, mọi việc đều có thể giải quyết bằng cái tình, bằng sự chân thành mà không lường trước được, cái lý một khi đã bị bỏ quên sẽ dẫn đến những hậu quả tai hại.

- Cuối cùng, trước khi khép lại mục này, xin được hỏi nhà văn mấy câu thú vị nữa: Theo nhà văn, tài năng hay lòng tốt quan trọng hơn? Lòng tốt thường được khen nhưng có bị chê bai không? Lòng tốt của con người là bẩm sinh hay do rèn luyện mà có? Lòng tốt liên quan thế nào tới các sáng tác văn chương?...

+ Người đời vẫn nói cây nào, quả ấy. Nhưng, vẫn có những nghịch lý xảy ra. Có những nhà văn không thật tốt trong ứng xử hằng ngày, với gia đình, đồng nghiệp... nhưng vẫn sáng tạo được những tác phẩm tốt, bởi khi ngồi trước trang giấy họ đều trở nên thánh thiện. Khi đó, lương tri và tài năng nhà văn được đánh thức ở mức độ cao nhất. Hơn nữa, người xấu không phải lúc nào cũng xấu. Không ai nói lòng tốt đẻ ra tài năng nhưng lòng tốt luôn là môi trường để tài năng thui chột hoặc phát triển. Trước đây, trong chiến tranh, anh Nguyễn Chí Trung luôn căn dặn chúng tôi: Hãy làm một người tốt trước khi làm một nhà văn tốt.

Vâng, ai tiếp xúc cũng dễ nhận thấy nhà văn Nguyễn Trí Huân là người tử tế, tốt bụng. Và, ai tìm hiểu một chút, cũng biết nhà văn Nguyễn Trí Huân có thời gian dài làm lãnh đạo của một số tờ báo và cơ quan Hội. Vậy, một cuộc đàm luận đa chiều xoay quanh vấn đề lòng tốt và lãnh đạo (ở đây là lãnh đạo văn nghệ) chẳng thú vị lắm sao?

Trở lại câu chuyện về văn nghiệp của nhà văn Nguyễn Trí Huân. Có người bảo Nguyễn Trí Huân viết ít. Đúng vậy. Nhưng, thành tựu văn chương đâu có phụ thuộc vào số lượng ít nhiều. Chỉ chủ yếu với tiểu thuyết "Năm 1975 họ đã sống như thế" (1979), nhất là tiểu thuyết "Chim én bay" (1988), qua độ lùi thời gian, Nguyễn Trí Huân đã tạo được một cách nhìn nhận mới mẻ, nhiều chiều về cuộc chiến tranh vừa qua (manh nha, mầm mống ở "Năm 1975 họ đã sống như thế" và rõ nét, sâu đậm ở "Chim én bay"). Đó là cái nhìn đầy tính nhân bản về số phận dân tộc, số phận con người trong chiến tranh và sau chiến tranh. Nhà văn bày tỏ, thể hiện sự day dứt, niềm cảm thông với thân phận, số phận của con người sau cuộc chiến khốc liệt đã qua, do vậy đã tạo được những trang văn thấm đẫm tinh thần nhân văn. Đó là hồn vía, là “tạng văn”, là giá trị nổi bật, là thành tựu quý giá cần được khẳng định trong các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Trí Huân.

Viết đến đây, bất giác nhớ câu nói sâu sắc của văn hào Lev Tolstoy: “Nếu bạn cảm thấy đau, bạn đang sống. Nhưng, nếu bạn cảm thấy cái đau của người khác, bạn là con người”. Nhiều trang văn của nhà văn Nguyễn Trí Huân thể hiện rõ nét, sâu đậm điều này. Nỗi đau, cái đau của con người sau cuộc chiến hiện lên nhức nhối, sâu thẳm... Gần đây, trong một lần trả lời phỏng vấn của bạn văn Nguyễn Thanh Tú, trước câu hỏi: “Trong thời buổi hội nhập toàn cầu này, lĩnh vực nào nhà văn nên đi sâu sáng tác?”. Nhà văn Nguyễn Trí Huân chia sẻ: “Mẫu số chung của văn học nhân loại là bênh vực, thương yêu, kính trọng con người. Do vậy, nhà văn phải thật sự vì con người, mục đích để con người tốt hơn, nhân văn hơn. Tác phẩm sâu sắc tinh thần nhân văn và đậm đà nét dân tộc... sẽ có chỗ đứng”.

Đó là tâm niệm, là lời tự nhủ, là quan điểm sáng tạo của nhà văn Nguyễn Trí Huân mà ở một chừng mực nào đó, nhà văn đã thực hiện được trong các sáng tác của mình.

Trong một lần trả lời phỏng vấn khác, vào năm 2021, trước câu hỏi về dự định sáng tác, nhà văn Nguyễn Trí Huân bộc bạch: “Vẫn có những cuốn sách tôi nung nấu mấy chục năm nay, không lúc nào nguôi nghĩ về nó”. Trong khi độc giả yêu mến văn chương Nguyễn Trí Huân tò mò chẳng rõ khi nào cuốn sách được nung nấu kĩ như vậy khai sinh..., thì thình lình, "Bất chợt mai vàng" (truyện, NXB Văn học, 2023) ra đời. Phải chăng, "Bất chợt mai vàng" là cuốn sách được ấp ủ trong gần hai thập niên mà tác giả nói tới ở trên?

"Bất chợt mai vàng" vẫn xoay quanh đề tài chiến tranh, nói đúng hơn là hiện tại và quá khứ đan xen, qua dòng hồi tưởng đồng hiện - một cách viết sở trường, quen thuộc của tác giả. Với độ lùi thời gian sâu hơn, dài hơn, tác giả thể hiện một cái nhìn, một góc nhìn mới về cuộc chiến, về những hậu quả dai dẳng mà chiến tranh để lại. Trong “Lời vào truyện”, nhà văn Nguyễn Trí Huân viết: “...một cuộc chiến tàn khốc đã lùi xa gần 50 năm và cũng đã đến lúc nó cần được khép lại. Khép lại để những con người tham gia cuộc chiến ấy ở cả hai phía có thể sống trong sự tĩnh lặng của đời thường và cũng bởi cuộc đời như một tấm áo họ đang may dở, hãy để cho họ đơm nốt những chiếc khuy áo cuối cùng” (trang 5). Và, ở một chỗ khác: “...ông Xuân với một chậu mai vàng nằm phủ phục trước đài tưởng niệm hàng giờ, trong cái nắng và gió đầy khoan dung của thành phố biển” (trang 86).

Trong "Bất chợt mai vàng", vẫn những số phận, thân phận nổi chìm, đầy vơi... sau cuộc chiến, sau những biến thiên dữ dội của một thời. Vẫn một cái nhìn đầy chia sẻ, cảm thông của tác giả trước những phận người bị cuộc sống, cuộc đời xô đẩy, xô dạt về khắp mọi ngõ nẻo nhân sinh. Và, vẫn là những trang viết tinh tế, sinh động, thấm đẫm tinh thần nhân văn. Nhưng, tất cả dường như đằm thắm hơn, sâu xa hơn, bản chất hơn, có sức thuyết phục hơn...

Đổi mới cách viết để đến được với độc giả thời nay, bằng cách viết ngắn, “dội” vào trực quan, tạo ấn tượng mạnh... Đó là mong muốn, là lời tự nhắc mình của tác giả và phần nào tác giả đã thực hiện được điều đó trong "Bất chợt mai vàng".

Không thể không nói tới điều thú vị này. Trong "Bất chợt mai vàng" có những trang văn đẹp, có nhiều câu văn đẹp, tinh tế, lấp lánh sắc màu. Cây mai vàng chợt nở hoa, con họa mi lông xù vừa bay vừa hót... là những ẩn dụ đẹp, giàu ý nghĩa, giàu sức gợi.

"Bất chợt mai vàng" của nhà văn Nguyễn Trí Huân - cuốn sách nhỏ xinh, hấp dẫn - bông hoa nở muộn nhưng vẫn rực rỡ sắc màu, tỏa ngát hương thơm.

 

Nguồn: Văn Nghệ Công An