Ngày càng nhiều tác phẩm của cây bút Việt có mặt trên kệ sách quốc tế. Không đơn thuần chỉ quảng bá văn hóa, nét đẹp con người, đất nước Việt Nam, hành trình ra biển lớn này còn giới thiệu những cá tính văn chương thú vị, góc nhìn đa diện trong xu thế toàn cầu. Các đơn vị làm sách - “bà đỡ” của cây bút Việt, ghi dấu ấn rất lớn trong nỗ lực “giong buồm ra khơi”.
Xuất khẩu sách Việt: Những cánh cửa hé mở
MAI QUỲNH NGA
Lễ ký kết bản quyền Tủ sách Văn hóa Việt giữa công ty
Cổ phần văn hóa Chi (Chibooks) với NXB Khoa học Kỹ thuật Quảng Tây (Trung Quốc)
vừa diễn ra mới đây tại TP Hồ Chí Minh là mốc son nổi bật của ngành xuất bản Việt
Nam trong hành trình đưa sách Việt vươn ra thế giới. Theo đó, hai tựa sách đầu
tiên trong Tủ sách Văn hóa Việt đã dịch sang tiếng Trung là “Vắt qua những ngàn
mây” (tác giả Ðỗ Quang Tuấn Hoàng) và “Người Hà Nội, chuyện ăn chuyện uống một
thời” (tác giả Vũ Thế Long) đã được NXB Khoa học Kỹ thuật Quảng Tây mua bản quyền
và phát hành tại thị trường Trung Quốc trong các năm tới.
Tủ sách Văn hóa Việt quy tụ các tác phẩm mang đậm dấu ấn
văn hóa - lịch sử vùng miền. Ngoài hai tác phẩm trên, nổi bật có thể kể đến
“Cơm nhà xứ Quảng” (Lưu Bình), “Bên sông Ô Lâu” (Phi Tân), “Một thời mạ Huế”
(Nguyễn Khoa Diệu Hà), “Vị Huế xưa” (Lê Thị Ngọc Hà), “Sài Gòn ruổi rong nỗi nhớ”
(Đào Thị Thanh Tuyền), “Những hạt bùn vạn dặm” (Lê Quang Trạng), “Tình đất mặn”
(Nguyễn Chí Ngoan)… Những đầu sách này sẽ lần lượt được chuyển ngữ sang tiếng
Trung để sớm có mặt ở xứ sở tỉ dân.
Lâu nay, dấu ấn sách Việt trên thị trường thế giới vẫn
là một vệt mờ nhạt. Nhắc đến văn chương Việt Nam, hầu hết độc giả ngoại quốc chỉ
nhớ tới các tác phẩm khai thác về đề tài chiến tranh như "Nỗi buồn chiến
tranh" của Bảo Ninh, "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" hay các tác phẩm
kinh điển như "Truyện Kiều" của Nguyễn Du, “Nhật ký trong tù” của Hồ
Chí Minh, một số truyện ngắn của Nam Cao, “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng... Các tác
phẩm văn học đương đại hay mảng sách kỹ năng, văn hóa, xã hội… vẫn còn thiếu vắng.
Từ năm 2007, các đơn vị làm sách trong nước bắt đầu
tham dự hội sách quốc tế ở Ðức, Nga, Trung Quốc, Mỹ... Tuy nhiên, theo đánh giá
của bà Claudia Kaiser, Phó chủ tịch Hội sách Frankfurt (Đức), số lượng đầu sách
đặc sắc của Việt Nam còn rất khiêm tốn so với các nước Đông Nam Á như Thái Lan,
Malaysia, Indonesia... Đa phần đơn vị xuất bản Việt Nam đến hội sách để mua bản
quyền những đầu sách nước ngoài bán chạy chứ ít để tâm chào mời “sách nhà” đến
đối tác nước ngoài. Sách Việt trưng bày vì thế đa phần toàn ấn bản tiếng Việt,
chỉ có đôi ba dòng giới thiệu sơ lược về tác phẩm bằng tiếng Anh hoặc tiếng
Trung. Độc giả ngoại quốc muốn tìm hiểu sâu tác phẩm cũng đành chịu nếu không
biết tiếng Việt.
Vấn đề ở chỗ: không phải chúng ta thiếu tác phẩm hay
mà vì chúng ta vừa ít được dịch, vừa thiếu bản dịch tốt. Thiếu “hàng” thì không
thể nào mời chào được. Bởi không khó để kiếm người dịch tiếng nước ngoài sang
tiếng Việt nhưng để tìm dịch giả hoạt động theo hướng ngược lại thì phải “đỏ
con mắt”. Dịch giả không chỉ giỏi ngoại ngữ mà còn phải giỏi tiếng Việt, am hiểu
văn hóa các nước. Bởi có giỏi tiếng Việt họ mới nắm được tinh thần tác phẩm, ý
đồ tác giả gửi gắm trong từng câu chữ để truyền tải nội dung chính xác, trung
thành với bản gốc khi chuyển ngữ. Việc am hiểu văn hóa các nước giúp dịch giả
chọn được tác phẩm phù hợp với văn hóa nước đó, tránh cú sốc văn hóa cho độc giả.
Tuy vậy đội ngũ này còn mỏng và yếu.
Trong những năm gần đây, thị trường xuất bản Việt Nam
đã có những bước phát triển vượt bậc. Theo đà phát triển đó, nhất là sự kiện Hội
đồng Văn học dịch của Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh ra đời năm 2022 nhằm hỗ trợ cộng
đồng dịch giả, công cuộc xuất khẩu sách Việt của một số tổ chức, cá nhân diễn
ra sôi động hơn trước. Bà Phan Thị Thu Hà, Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ cho biết bắt
đầu từ năm 2018, Nhà xuất bản Trẻ được thị trường Âu - Mỹ, Thái Lan… biết tới
nhiều hơn với đầu sách văn học đương đại như "Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ"
của nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần, "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" của
Nguyễn Nhật Ánh, "Nhắm mắt thấy Paris”, "Oxford thương yêu" của
Dương Thụy… Công ty Phanbooks cũng giới thiệu nhiều đầu sách của nhà văn Nguyễn
Ngọc Tư tại châu Âu. Cơn sốt của “Dế mèn phiêu lưu ký” (Tô Hoài) tại thị trường
Trung Quốc cũng là tín hiệu đáng vui mừng.
Các đơn vị làm sách năng nổ, xông xáo hơn trong việc
giao dịch bản quyền, triển lãm, tổ chức văn nghệ, giao lưu tác giả… tại các hội
sách quốc tế chứ không còn “cưỡi ngựa xem hoa” như trước. Ngoài dịch giả trong
nước, họ còn tìm kiếm dịch giả nước ngoài cho cùng một bản dịch để bản dịch đạt
hiệu quả tốt nhất. Thay vì cố gắng đưa những tác phẩm văn học, nghiên cứu có nội
dung phức tạp ra nước ngoài, các đơn vị trong nước thử nghiệm bằng các loại
sách dành cho trẻ em, thanh thiếu niên; dòng sách kỹ năng; văn hóa nghệ thuật,
phong tục vùng miền ... Đây là những dòng sách mà độc giả trên thế giới ưa chuộng
và muốn tìm hiểu.
Dịch giả Nguyễn Lệ Chi thừa nhận không ít người cho rằng
việc xuất khẩu sách Việt sang nước ngoài là quá khó khăn, là điều viển vông, tốn
thời gian và tiền bạc, đặc biệt không mang lại hiệu quả kinh tế đối với những
công ty sách tư nhân. Theo giới chuyên môn, lâu nay, thành quả của kiểu xuất khẩu
"tự lực cánh sinh" này khá khiêm tốn vì chi phí đầu tư cao trong khi
cơ hội bán được bản quyền lại may rủi. Nếu bán được thì khả năng thu hồi vốn
không cao vì tên tuổi các tác giả trong nước vốn không được độc giả nước ngoài
biết đến.
Lẽ ra, sách phải được giới thiệu thông qua mạng lưới
các đơn vị, những nhà đại diện giao dịch bản quyền chuyên nghiệp. Kinh nghiệm
lâu năm, uy tín và có kênh giới thiệu quy mô toàn cầu là điều kiện thuận lợi để
đội ngũ này chia sẻ các đầu sách hiệu quả đến các nhà xuất bản. Nhà đại diện
giao dịch bản quyền chuyên nghiệp cũng có thể định hướng từng tác phẩm để nó
phù hợp với từng thị trường, thị hiếu bạn đọc cũng như văn hóa sở tại. Từ đó tạo
điều kiện thuận lợi để chào bán.
Từng là người làm xuất bản lâu năm và cũng là một người
sáng tác lâu năm, nhà văn Trịnh Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh
rất thấu hiểu những nhọc nhằn của việc đưa sách Việt ra thế giới. “Tuy nhiên việc
sách Việt đặc biệt là sách văn hóa, sách văn học, được xuất bản sang các ngôn
ngữ khác, luôn là một niềm vui lớn, thậm chí là một ước mơ lớn của những người
làm xuất bản nói chung, cũng như của các tác giả, các nhà văn nói riêng. Việc
xuất bản sách Việt sang các nước khác là một minh chứng cho việc kết nối các
tâm hồn dù cách xa về địa lý, là sự giao lưu văn hóa sâu sắc và bền vững nhất”
- bà nhấn mạnh.
Dù vấp phải nhiều rào cản nhưng cơ hội để sách Việt ra
thế giới luôn rộng mở. Dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng khẳng định: “Ở phương Tây có
không ít nhà xuất bản săn tìm bản thảo ở các nước Đông Nam Á. Bởi họ biết rằng ở
những nước này có rất nhiều tác phẩm hay chưa hề được dịch. Nếu chúng ta gõ
đúng cửa nhà xuất bản đó với một bản dịch tốt, kết hợp với công tác truyền
thông bài bản thì cánh cửa cho sách Việt Nam ra thế giới dần hé mở”.
Chưa bàn đến lợi ích kinh tế, trước mắt xuất khẩu sách
là cơ hội hữu hiệu để quảng bá văn hóa, hình ảnh đất nước, nâng tầm vị thế quốc
gia trong mắt bạn bè năm châu. Hành trình này không chỉ mãi đến từ sự nỗ lực
đơn lẻ của các đơn vị, cá nhân mà cần có sự sát cánh, đồng hành của Nhà nước với
một chiến lược bài bản, lâu dài. Nhìn sang nước bạn Thái Lan hay Indonesia…, việc
mạnh tay chi hàng triệu đô la để ngành xuất bản nước họ được chú ý tại các hội
sách quốc tế không chỉ giúp ngành sách mà ngành du lịch, văn hóa cũng hưởng lợi,
tăng trưởng gấp nhiều lần.
Nguồn: Văn Nghệ Công An