Khi trái bóng bắt đầu lăn trên các sân cỏ quốc tế, nhiều
thi sĩ Việt Nam cũng ngả nghiêng vần điệu đong đưa cùng những đường chuyền, lắc
lư với những quả phạt góc, rộn ràng như trái tim sắp rớt bịch xuống chấm phạt đền.
Giải vô địch bóng đá châu Âu đang sôi động ở nước Đức
xa xôi, nhưng những tín đồ túc cầu giáo nước ta vẫn hồi hộp dõi theo từng trận
đấu. Giới văn chương cũng không ngoại lệ. Dù không ai tin các tác giả mạnh miệng
yếu chân có khả năng chạy đủ một vòng sân vận động cấp huyện, song tình yêu bộ
môn thể thao vua của họ thì không thể nghi ngờ. Có điều hơi oái oăm là họ bày tỏ
tình yêu ấy có chút đặc biệt.
Có dịp đi giao lưu văn chương ở Mỹ vào mùa hè năm
1994, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã cùng nhà văn Tô Nhuận Vỹ, nhà thơ Phạm Tiến Duật
và nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tranh thủ mua vé xem World Cup ở thành phố Boston.
Sau khi trải nghiệm, nhà thơ Trần Đăng Khoa tường thuật: “Sân vận động Foxboro
chỉ là cái nong tằm nhộn nhạo. Vâng, nó đúng là một cái nong tằm. Có điều tằm
nhiều mà dâu ít. Lúc nhúc có đến hơn hai chục con tằm hung hãn mà chỉ có mỗi một
lá dâu non, là cái quả bóng mỏng dinh dính và bé như cái mắt muỗi. Thế nên cứ
nháo nhào nhào. Làm sao tôi biết được con tằm nào là Maradona kia chứ”.
Khác hẳn nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà thơ Anh Ngọc rất
am tường bóng đá. Nhà thơ Anh Ngọc thường được mời bình luận bóng đá, mức độ ăn
khách không thua kém nhà thơ Thanh Thảo, nhà thơ Bùi Chí Vinh hay nhà thơ Đoàn
Ngọc Thu. Từng có hai cuốn sách lấy cảm hứng từ bóng đá là “Trời xanh trên cỏ
xanh” và “Ba cuộc đời một trái bóng”, nhà thơ Anh Ngọc có những câu thơ lả lướt
bay theo trái bóng thật xao xuyến: “Ơi tiếng hát như một niềm thúc dục/ Và lại
như tiếc nuối một điều gì/ Nơi trái bóng, tình yêu và tuổi trẻ/ Ba mươi ngày hạnh
phúc đến rồi đi/ Em đã hát như một thời thơ dại/ Giọng khàn đi vì tiếng khóc
câu cười/ Ru giấc mơ của những nhà vô địch/ Ru nỗi buồn, ru cả những niềm vui”.
Không chỉ ủng hộ đội tuyển bóng đá nước nhà một cách
cuồng nhiệt, khi trái bóng bắt đầu lăn trên các sân cỏ quốc tế, nhiều thi sĩ Việt
Nam cũng ngả nghiêng vần điệu đong đưa cùng những đường chuyền, lắc lư với những
quả phạt góc, rộn ràng như trái tim sắp rớt bịch xuống chấm phạt đền. Nếu chịu
khó chọn lọc, có thể in được một tuyển thơ chủ đề bóng đá tương đối thú vị. Xin
được nêu ba ví dụ. Nhà thơ Nguyễn Duy ca ngợi: “Quả bóng buồn tênh qua chân các
anh/ Bay lên mà thành nghệ thuật/ Và cú đá người đời không ưa/ Các anh biến hóa
ra cái đẹp”. Nhà thơ Trương Nam Hương phát hiện: Sân cỏ làm dịu cơn đối đầu
chính khách/ Để chuyển thành đối trọng những bàn chân”. Còn nhà thơ Nguyễn Vũ
Tiềm chiêm nghiệm: “Con vừa mới xỏ giầy vào hiệp nhất/ Trận đấu đời cha đã cuối
hiệp nhì/ Chiếc đồng hồ, người trọng tài nghiêm khắc/ Phút rời sân không thể
níu thêm giờ”.
Xét về tính sinh động, văn chương và bóng đá như mặt
trăng đặt cạnh mặt trời, tưởng gần gũi mà cách ngăn ngàn trùng. Vì vậy, tác phẩm
chữ nghĩa viết về môn thể thao vua luôn là thách thức nan giải đối với các tác
giả vốn dài lưng tốn vải bất kể đêm ngày đều ái ngại hoạt động gân cốt. Nước
Anh có nền bóng đá lâu đời nhất, nên mảng văn chương liên quan đến bóng đá của
họ cũng có sự phong phú và đa dạng đáng kể. Nhà viết kịch Tom Stoppard từ năm
1977 đã đưa lên sân khấu vở diễn “Lỗi nhà nghề” được coi như một vở
kinh điển trong giới kịch nghệ. Đến năm 1990, công chúng Anh còn có thêm một vở
kịch lấy nguyên mẫu một thần tượng bóng đá của họ là “Một buổi chiều với
Gary Lineker”. Thế nhưng, lừng lẫy nhất phải nhắc đến tiểu thuyết Fever
Pitch (tạm dịch Cơn sốt sân cỏ) của Nick Hornby nói về tình yêu bóng
đá cháy bỏng đam mê.
Tuy nhiên, lịch sử bóng đá Anh chưa ghi nhận cầu thủ
nào ra mắt tập thơ. Riêng Việt Nam, đã có tập thơ “Cứa lòng” của danh thủ Ba Đẻn
– Nguyễn Thế Anh, do Nhà xuất bản Dân Trí ấn hành. Năm nay 75 tuổi, danh thủ Ba
Đẻn vẫn đắm say cuộc đời và bóng đá: “Lòng trào dâng khi cất lên tiếng
hát/ Về một người con gái đã đi xa/ Về một dòng sông cứ êm chảy hiền
hòa/ Về trái bóng tròn của ngày xưa vời vợi”.
Danh thủ Ba Đẻn lấy tên tập thơ “Cứa lòng” không phải
không có liên quan đến sự nghiệp sân cỏ của ông. Bởi lẽ, cứa lòng là kỹ thuật
sút để đưa trái bóng đi theo đường cong hoặc đường chéo. Đồng thời, cứa lòng là
cách sút bóng xoáy, kỹ thuật vòng cung, cứa lòng thường được sử dụng trong các
tình huống đá phạt, dứt điểm ở ngoài vòng cấm hay căng ngang vào khung thành đối
phương. Đọc tập thơ “Cứa lòng”, người hâm mộ càng thêm thấu hiểu và càng thêm
quý trọng danh thủ Ba Đẻn. Bởi lẽ, ông đã hiện diện đầy đủ hơn trước mắt công
chúng, bằng một hình ảnh đa tài và đa cảm: “Gió thổi mạnh như trăm nghìn mũi nhọn/ Đâm
thủng da và xuyên thấu cả tim/ Anh bình thản như tâm hồn hóa đá/ Chỉ
đôi mắt buồn thương nhớ một cánh chim”.
TUY HÒA