Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến chia sẻ: “Thú thật, là một
người làm thơ, nhưng tôi rất ngại đọc những bài thơ tình nhạt nhẽo, đọc thấy
nhang nhác giống nhau về nỗi niềm, tình ý với những hình ảnh xưa cũ hoặc làm
duyên câu chữ…”.
Lý giải sao đây khi thơ mỗi ngày một ít người đọc?
NGUYỄN VIỆT CHIẾN
Cho đến những thập niên đầu của thế kỷ 21, có nhiều ý
kiến cho rằng, dường như một thế kỷ “vàng son” của thi ca Việt Nam đã đi qua,
và rằng thời đại của thi ca đã dần tắt trước sự “xâm lăng” của các loại hình
văn hóa mới trước thời đại văn minh hội nhập toàn cầu của công nghệ thông tin
và các phương tiện nghe - nhìnCó lý lắm, khi cộng đồng văn hóa Việt hôm nay
không mấy người chú ý đến thơ đương đại và sự phát triển lặng lẽ của nó trong
dòng chảy chung của văn học Việt Nam trong ba thập kỷ gần đây.
Vậy phải chăng tình yêu thơ ca không còn đất sống
trong tâm hồn con người hiện đại, khi “cơn lốc” của đời sống công nghiệp, đời sống
đô thị và cái gọi là lối “sống gấp” đang nghiền thời - gian - sống của chúng ta
thành từng mảnh vụn? Đã có lúc tôi tự hỏi: “Thơ cần cho ai - cần cho mọi người
hay chỉ cần cho riêng ta?”. Nếu nói thơ cần cho mọi người thì đấy là một điều
không thực tế, vì số đông hôm nay không đọc thơ (cũng không phải vì không đọc
thơ mà đời sống tinh thần của họ nghèo nàn). Trong cộng đồng văn hóa Việt hôm
nay chỉ có một thiểu số còn đọc thơ (đa phần là học sinh, sinh viên và người
làm thơ đọc thơ của nhau). Vậy thơ sống thế nào trong thời đại “kỹ thuật số”,
trong thời “điện tử hóa” đang rút dần đất sống của thơ?
Đã nhiều đêm tôi băn khoăn tự hỏi mình: phải lý giải
sao đây khi thơ hiện đại mỗi ngày một ít độc giả? Phải chăng tiếng nói của nhà
thơ không phải là tiếng nói của số đông trí thức? (chưa nói đến quảng đại nhân
dân). Phải chăng tiếng nói của nhà thơ chưa rung động, chưa lôi cuốn được mọi
người? Phải chăng các nhà thơ đã khép chặt cõi thơ riêng của mình, không để cho
những âm vang nhọc nhằn, bức bối của đời thường có cơ hội lên tiếng? Phải chăng
nhà thơ chưa tìm ra con đường đưa cái đẹp thi ca đến với trái tim con người hiện
đại? Chúng ta cùng đi tìm lời giải.
Có hay không việc “thời đại thi ca” đang dần tắt?
Theo tôi, thơ đương đại đang tồn tại 2 dòng chảy
chính. Có thể tạm gọi dòng chảy thứ nhất là dòng thơ không chuyên nghiệp với sự
có mặt đông đảo của những người yêu thơ, những người làm thơ bình dân đang sinh
hoạt ở rất nhiều câu lạc bộ thơ ở nhiều thôn, xóm, phường, xã, quận, huyện… tại
các địa phương trên địa bàn cả nước. Về dòng chảy này, tôi chợt nhớ tới một câu
thơ của nhà thơ Lê Văn Ngăn “Chúng tôi vô danh nhưng chúng tôi nhiều hơn những
người nổi tiếng”. Có thể nói chưa có thời kỳ văn học nào của đất nước ta lại có
một nền thơ bình dân rộng rãi và sôi động đến như hiện nay, sự bùng nổ ấy chính
là nhờ công nghệ in ấn và xuất bản rất phát triển hiện nay khi ai cũng có thể bỏ
tiền túi để công bố những sáng tác thơ của mình (rẻ nhất cũng là bằng cách đánh
máy vi tính và photocopy).
Tôi nghĩ đây cũng là chuyện bình thường, là sự phát
triển tất yếu của một xã hội ngày càng cởi mở, nhất là khi dân tộc chúng ta là
một dân tộc yêu thơ và ở nhiều giai đoạn đã coi việc làm thơ như một hành động
yêu nước như ông chủ Báo Nam Phong ngày xưa đã từng nói: “Truyện Kiều còn, tiếng
ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn”. Đấy tạm gọi là dòng chảy thứ nhất.
Dòng chảy thứ hai là dòng thơ chuyên nghiệp với sự hiện
diện của những người viết chuyên nghiệp, những nhà thơ đã thành danh. Đây là
dòng thơ chủ lưu làm nên diện mạo của thơ ca Việt Nam đương đại với những tinh
hoa và tài năng thơ thật sự. Nhưng có một thực tế nghiệt ngã, những người nổi
tiếng như họ, những năm qua lại đang “chìm nghỉm” trong một biển người làm thơ
vô danh hiện nay. Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật này khi các nhà thơ
chuyên nghiệp phải từ 4 - 5 năm (có người cả chục năm) mới xuất bản được một cuốn
thơ, mỗi cuốn in khoảng chừng 500 bản, lại để biếu nhau là chính vì thơ bán được
rất ít hoặc không bán được.
Vậy thì lớp độc giả nào sẽ đọc thơ của chúng ta với
500 bản in như vậy nếu không phải chỉ có chính những người làm thơ đọc của
nhau? Và lời giải đáp cho vấn đề “Làm thế nào để tăng cường mối liên hệ giữa bạn
đọc và tác giả thơ” thì theo tôi phải chăng, chính là việc Hội Nhà văn Việt Nam
phải tìm cách nào đó để cái biển người yêu thơ, làm thơ vô danh kia trở thành độc
giả của thơ chúng ta, hay nói cách khác dòng thơ chuyên nghiệp phải làm thế nào
đó để tìm tòi, đổi mới và nâng cao chất lượng thơ lên để có thể hướng đạo, để nối
cầu với dòng thơ không chuyên nghiệp. Nhưng có một thực tế khắc nghiệt khác là
nếu thơ chúng ta không hay (thứ thơ chuyên nghiệp mà cứ làng nhàng như hiện
nay) thì cái biển người làm thơ vô danh kia cũng sẽ quay lưng, không thèm đọc
chúng ta đâu. Lúc ấy, họ quay ra đọc thơ của nhau và nền thơ bình dân có nguy
cơ trở thành dòng chủ lưu chính của nền văn học đương đại (?).
Không ít bài thơ vui rất giả, rồi buồn cũng rất giả?
Theo tôi, chúng ta chỉ có hai mươi bốn chữ cái - hai
mươi bốn con đường mở ra hai mươi bốn dòng sông ngôn ngữ. Vào cái thời ma lực của
chữ viết, với máy in, mực in và giấy in, khiến nhiều người mộng mơ và đa cảm đều
muốn trở thành thi sĩ. Không ai có quyền cấm họ trở thành các nhà thơ với cách
thức gieo trồng cảm xúc để cho ra đời một thứ sản phẩm gần giống với thơ, và
nhiều khi dứt khoát không cần phải là thơ, cũng chẳng sao! Nhưng sau mọi xúc động
duy mỹ - thơ là sự kết cấu của ngôn từ để tư tưởng bay lên, và bởi khát vọng của
yêu thương, đau đớn và mất mát của chúng ta nhiều khi không cần tới thứ cảm xúc
trữ tình cũ kỹ và nghèo nàn ý tưởng, vì chúng ta chỉ có hai mươi bốn chữ cái -
hai mươi bốn dòng sông mở ra hai mươi bốn con đường ngôn ngữ.
Có một thực tế thơ ca mà chúng ta nhận thấy trong những
thập niên cuối của thế kỷ 20 vừa qua, người đọc đã quá quen tai với những vần
điệu du dương mòn mỏi của cảm xúc trong thơ. Sự lạm phát đến “quá tải”, đến bão
hòa của thơ tình (xin nhấn mạnh là loại thơ tình không hay) đã gây cảm giác
nhàm chán, làm người đọc thất vọng và làm công chúng quay lưng lại với thơ. Giờ
thì tất cả mọi người đều có thể bỏ tiền túi để công bố những tâm sự “nỉ non lai
láng” của mình, hoặc những “triết lý vặt” theo kiểu “đánh đố” bằng thơ.
Theo tôi, thơ hay không cần phải giải thích, lĩnh hội
nhiều, cứ đọc lên là ta thấm ngay được cái phần tâm linh hồn xác của câu chữ.
Thú thật, là một người làm thơ, nhưng tôi rất ngại đọc những bài thơ tình nhạt
nhẽo, đọc thấy nhang nhác giống nhau về nỗi niềm, tình ý với những hình ảnh xưa
cũ hoặc làm duyên câu chữ với các loại thơ tình vật vã, thơ tình trái ngang,
thơ tình cô liêu, thơ tình u uất, thơ tình phá phách đề cao dục vọng thân xác…
đua nhau lạm phát các kiểu “tình tang muôn thuở”. Thứ thơ dễ dãi “đong đưa” này
dường như không có sức sống cùng thời gian.
Hành trình khắc nghiệt của thơ ca sẽ loại bỏ những thứ
thơ đó. Thời gian là thước đo sòng phẳng nhất đối với mọi giá trị sáng tạo tinh
thần của con người. Trong thơ Việt thời gian qua, không ít những bài thơ vui rất
giả, rồi buồn cũng rất giả. Ngôn ngữ thơ ấy như một thứ hàng “giả” làm người đọc
khó chịu. Phải chăng độc giả của thơ ngày một ít đi cũng bởi lẽ ấy (?).
Theo một số nhà nghiên cứu thì: “Bắt đầu từ thế hệ Tiền
chiến, thơ Việt Nam đã dùng cảm xúc và âm điệu để thoát khỏi những quy tắc cứng
nhắc của thơ cổ điển. Thơ đã kéo người đọc ra khỏi đời sống và chính người làm
thơ cũng lánh xa đời sống. Thơ trở nên bí ẩn và nhà thơ cũng giống như nhà soạn
nhạc, viết ký âm bằng chữ. Sau đó, một số nhà thơ thuộc thế hệ chống Pháp, chống
Mỹ và thế hệ sau 75 đã tìm cách thoát khỏi ảnh hưởng của thơ tiền chiến bằng
cách đưa đời thường vào thơ (thay thế thi pháp cảm tính bằng thi pháp đời thường),
bằng cách làm mới ngôn ngữ thơ và ngôn ngữ cảm xúc, nhưng phải chăng hình như
cho đến nay không ít nhà thơ chúng ta vẫn chưa thoát ra khỏi vùng ảnh hưởng
đó…” (?).
Tôi nghĩ “đổi mới thơ” không có nghĩa là tiến đến một thứ thơ không mang lại gì cho chúng ta ngoài sự mù mờ, rắc rối đến nỗi không cắt nghĩa nổi một cảm xúc, không khắc họa được một hình ảnh để từ đó xây dựng nên một cách sáng rõ và nhân bản hơn những hiện tượng nằm trong phạm trù ý thức và vô thức của mỗi cá thể sống. Thơ ca là phương tiện để hiểu biết và chung sống giữa những con người thuộc các thế hệ khác nhau. Thơ ca không bao giờ hành trình đơn phương giữa những con người, mặc dù nó luôn phải tự dấn thân cô đơn trong sáng tạo.
Nguồn: Văn Nghệ Công An