Tất cả các chức tước, danh hiệu, học hàm, học vị gì đó… suy cho cùng cũng chỉ là chứng chỉ nghề nghiệp, nó chỉ có giá trị cụ thể cho công việc mình đang đảm nhận, đang làm mà thôi!


CHIẾC ÁO TU HÀNH KHÔNG LÀM NÊN THẦY TU

QUANG NV

Gần đây có hiện tượng một số người khi in danh Thiếp, giới thiệu trang Facebook trên mạng xã hội, hay khi xuất bản tác phẩm thường đề rất hoành tráng, liệƯt kê dài cả trang về các chức tước, danh hiệu, nhà này nhà nọ, hội viên nọ, giảng viên kia, rồi tiến sĩ này, giáo sư kia! Đọc đến mệt!

Nhà thơ dân tộc Daghextan (Nga) Raxun Gamzatop có viết một câu mà tôi nhớ mãi: “Đỉnh cao của thiên tài là lòng tự trọng”. Câu này ngẫm ra mọi sự khoe khoang về chức tước, danh hiệu, đánh bóng “tài ba” của mình- trước hết chính là tự mình đã không biết tôn trọng mình! Chẳng khác gì hành động “tự sướng” mà các cháu tuổi teen hay làm trên Facebook.

Cái hình chụp kèm chính là nick Facebook của Tiến sĩ mỹ học Nguyễn Thế Hùng. Người này tôi có “hân hạnh” được học cùng trường đại học (trước tôi mấy khoá), nên khi anh ấy gửi kết bạn Facebook, nhìn ảnh đại diện là tôi ok ngay! Nhưng khi đọc trang giới thiệu (dưới ảnh đại diện) thì tôi choáng luôn!

Anh bạn vong niên này làm thơ, lấy bút danh là Thế Hùng. Tôi nhớ có lần tình cờ gặp nhau ở Học viện Báo chí, anh ấy khoe thường xuyên được mời đến giảng dạy cho học viên và nghiên cứu sinh về các chuyên đề mỹ học, chuyên đề báo chí gì đó. Rồi anh ấy tặng tôi tập thơ “Lá” được in và trình bày cực đẹp, giấy tốt.

Tôi nói: anh in tập thơ đẹp thế này chắc tốn kém lắm nhỉ? (Vì tôi biết những năm gần đây, hầu hết các nhà thơ khi xuất bản tác phẩm, họ đều phải bỏ tiền túi ra in thơ và tự nhận về phát hành). Anh ấy cười, “à, các trò là thạc sĩ, tiến sĩ của mình ở Học viện Báo chí, Hội mỹ thuật và Hội nhạc sĩ bỏ tiền ra tài trợ, in giúp ấy mà”.

Rồi anh ấy khoe đã in trên chục đầu sách, trong đó có 7 tập thơ, được xuất bản tại các nhà xuất bản có danh tiếng, có “thương hiệu” uy tín như “NXB Văn Học”, “NXB Hội Nhà văn”…

Về nhà, thú thật tôi có giở tập thơ ra đọc. Nhưng chỉ đọc được vài bài thì tôi cũng bỏ luôn! Rồi tôi ngẫm nghĩ, một người đã in đến 6-7 tập thơ dày cộp, mà tôi chẳng nhớ nổi lấy một câu thơ nào? Như vậy giá trị của văn chương đâu phải nằm ở uy tín của các nhà xuất bản có thương hiệu, đâu phải nằm ở số lượng bao nhiêu tập, tuyển tập thơ?

Tôi nghĩ, có lẽ thật đáng thương cho các nhà xuất bản có “thương hiệu” rất uy tín như anh ấy khẳng định! Thôi thì trong thời buổi kinh tế thị trường lên ngôi này, không ít nhà xuất bản cũng đã phải tự đánh rơi mất thương hiệu của mình! Hay là chính tác giả, một số nhà thơ đã làm tổn thương tới thương hiệu của các nhà xuất bản?

Tuy nhiên, nói đi rồi cũng phải nói lại, trước hết tác giả phải biết tôn trọng chính mình. Đâu phải cứ in nhiều tập thơ thì ắt sẽ thành nhà thơ nổi tiếng. Không ít nhà thơ cả đời chỉ làm một bài thôi, nhưng họ lại rất nổi tiếng, các tuyển thơ đều chọn in lại hàng chục, hàng trăm lần (như “Viếng Bạn” của Hoàng Lộc, “Hai sắc hoa ti-gôn” của TTKh..).

Đâu phải cứ “trưng lên” nhiều chức tước, danh hiệu, nhiều bằng đại học, rồi hội viên này, hội viên nọ, tiến sĩ này, giảng viên nọ… thì mới làm thiên hạ lác hết cả mắt, kính nể mình. Nên nhớ, tất cả các chức tước, danh hiệu, học hàm, học vị gì đó… suy cho cùng cũng chỉ là chứng chỉ nghề nghiệp, nó chỉ có giá trị cụ thể cho công việc mình đang đảm nhận, đang làm mà thôi!

Ví dụ như khi vào bệnh viện thấy đề BS Chuyên khoa 1, BS Chuyên khoa 2 là để khẳng định trình độ tay nghề và kinh nghiệm khám chữa bệnh của bác sĩ. Đây là việc làm cần thiết để bệnh nhân thấy yên tâm, tin tưởng khi khám và điều trị. Nhất là khi mổ, liên quan tới sinh mệnh mà gặp phải thằng sinh viên đang thực tập thì có mà toi đời luôn à?

Chiếc áo tu hành dù đẹp và sang trọng đến đâu cũng không làm nên thầy tu là vậy!

Có người kể cho tôi câu chuyện nhà văn Nguyễn Tuân khi in danh thiếp, cụ chỉ đề vẻn vẹn: “Nguyễn Tuân. Nghề nghiệp: viết văn. Địa chỉ nhà riêng…”. Chấm hết! Vì hồi đó chưa có điện thoại bàn ở nhà riêng và điện thoại di động nên cụ không ghi vào. Cụ nói: in danh thiếp là để người ta biết mình làm gì, ở đâu thuận tiện cho liên hệ công việc, chứ có phải để khoe khoang đâu?

Lại nhớ nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, từng viết: “Đêm nằm nghĩ mãi không ra/ Tại sao thằng ấy lại là nhà thơ”?

Nếu bài này của tui nghe có gì sai sai, rất mong được ai đó bị chạnh lòng thì thể tất cho nhé!

 

Nguồn: Facebook Quang NV