Từ kinh nghiệm làm việc với các sinh viên sinh ra sau chiến tranh, tôi cảm nhận, việc đọc sách cũng như việc xem phim dường như tách rời với việc suy nghĩ và liên hệ với cuộc sống đương đại.


Thế hệ trẻ đang cảm thụ văn học nghệ thuật ra sao?

ĐOÀN TUẤN

Vào những năm 2008-2013, tôi được mời giảng về điện ảnh tại Dự án Điện ảnh của trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội do quỹ Ford tài trợ. Học viên là những sinh viên đã tốt nghiệp khoa Văn của trường Nhân văn và trường Đại học Sư phạm, ngoài ra còn một số học viên của các trường khác có sở thích sáng tác văn học.Năm nào, trong khi giảng, tôi cũng hỏi học viên một câu: “Có những tiểu thuyết nào, câu chuyện nào hay nhân vật nào cả thế giới và Việt Nam làm cho các bạn thao thức, suy nghĩ về số phận của họ?” Nhưng thật đáng tiếc, sáu năm trôi qua, năm nào các học viên (mỗi năm khoảng 20-25 người), không một ai trả lời câu hỏi. Tất cả cùng ngồi im lặng. Nét mặt họ đều hồn nhiên. Mỗi người một laptop trước mặt. Dường như không ai nghĩ đến phương án trả lời. Tôi có cảm tưởng, hình như các học viên đều không cảm thấy câu hỏi đó liên quan đến họ và không liên quan đến cái gọi là nghề nghiệp mà họ đang hướng tới.

Trở lại với công việc của tôi. Trong khoảng 20 năm, tôi làm công việc giảng dạy các lớp biên kịch của trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội. Mỗi khóa 4 năm. Khóa nào, vào đầu năm học, tôi cũng hỏi: “Năm qua, các em đọc được những cuốn sách nào?” Các em có thể viết ra giấy. Nhưng rất tiếc, số em đọc sách văn học rất hiếm. Điều đó làm công việc của tôi gặp nhiều khó khăn. Bởi không có sự tương tác giữa thầy và trò. Chúng tôi không cùng đọc những tác phẩm kinh điển, những tài nguyên văn chương của thế giới và Việt Nam. Bởi một sự thật hiển nhiên, văn học là chiếc nôi của nghệ thuật điện ảnh.

Đối với những lớp đạo diễn, tôi cũng thử xem các em trang bị cho mình những kiến thức gì để có thể học một trong những ngành khó nhất của nghệ thuật điện ảnh. Có một lần sau khi kể câu chuyện Van Gogh cắt tai, tôi hỏi cả lớp các em biết Van Gogh là ai không. Cả lớp, chừng hơn chục em, tất cả đều ngẩn ngơ, đều trả lời là không biết! Vì vậy, câu chuyện đối với họ không có ý nghĩa gì. Họ cũng không mảy may xúc động.

Có năm, tôi thử kiểm tra khả năng cảm thụ văn học của các thí sinh thi vào trường. Tôi lấy hai câu thơ của nhà thơ Đoàn Văn Cừ: Chiếc ô đen lững lững tiến ra cầu/ Đến bên chiếc san màu bay phấp phới và hỏi các thí sinh, hãy hình dung đó là những hình ảnh gì. Hàng trăm thí sinh đều trả lời gần như giống nhau. Các em hình dung đó là cảnh đám tang. Chỉ có một em duy nhất trả lời đúng. Đó là cảnh đôi nam nữ hẹn họ nhau.

Từ những điều thực tế trên - tôi chỉ dẫn chứng vài ba thí dụ - để muốn nói một điều: sự khủng hoảng trong cách cảm thụ văn chương và nghệ thuật của thế hệ trẻ hiện nay, ngay cả đối với bạn trẻ đeo đuổi con đường nghệ thuật.

Trong lúc rỗi rãi, tôi thường trò chuyện với sinh viên. Một em nói: “Thế hệ ông em gắn bó với lịch sử đất nước bằng những năm kháng chiến chống Pháp. Thế hệ bố em, gắn bó với đất nước bằng thời kì chống Mỹ. Thế hệ chúng em, sinh vào những năm 1980, hầu như không gắn bó với đất nước bằng những sự kiện gì.”

Dù những năm tháng qua, nhất là thời kì đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tích kì diệu trên nhiều mặt, nhưng dường như, những hình ảnh kì vĩ đó chưa tác động đến thế hệ này. Bởi vì sao? Thế hệ cha ông các em, trải qua những tháng năm mất nước, làm nô lệ với bao tủi nhục, mới có thể cảm nhận được bầu trời xanh của một đất nước độc lập, mới có thể cảm nhận được tiếng hát của một người dân thoát khỏi cảnh lầm than. Hoặc thế hệ cha anh của các em, một thế hệ “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, mang trong lòng lí tưởng cao đẹp, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước phải mất bao gian lao, hi sinh để có ngày đất nước liền một dải mới cảm nhận được vẻ đẹp của non sông gấm vóc một dải, vẻ đẹp của những con người làm nên lịch sử.

Khả năng cảm thụ văn học, nghệ thuật của con người nói chung, thường gắn với những kí ức liên quan đến họ. Lịch sử văn học và nghệ thuật của nhiều nước có những điểm tương đồng. Trong một tuần seminar, tôi chiếu cho các sinh viên hai bộ phim Những người khốn khổ của Pháp và Làng Vũ Đại ngày ấy của Việt Nam, sau gợi ý nội dung thảo luận: “Phân tích, đánh giá những cái nghèo, cái đói ảnh hưởng đến phẩm giá con người qua cái nhìn của hai tác giả V. Huygo và Nam Cao”. Phần lớn các em đều viết rất đại khái, hời hợt. Có em được nửa trang. Có em chưa đến một trang.

Hỏi nguyên nhân, hầu hết đều trả lời, rằng các em không có kí ức về cái đói, hoặc cái nghèo. Các em lớn lên trong môi trường tương đối đầy đủ về đời sống vật chất. Những câu chuyện về những con người bé nhỏ, bị áp bức trong xã hội, dần trở nên xa lạ. Thay vào đó, các em than phiền về đời sống của mình. Em nào cũng có một xe máy riêng, nhưng các em vẫn mong có những loại khác, hiện đại hơn, như SH chẳng hạn. Em nào cũng có điện thoại thông minh, nhưng các em vẫn khát khao có những loại đời mới hơn, tốt hơn. Nhiều em còn muốn có ô tô riêng. Và các em tự so sánh mình với các nhân vật rằng Chí Phèo, Giăng Van-giăng còn có nhà cửa. Nhiều em còn phải đi thuê nhà. Giá nhà ngày một cao. Tiện nghi không đầy đủ. Xung quanh hàng xóm ồn ào. Trong khi đó, tiền lương lại thấp. Có em nhẩm tính, với số tiền lương của một công chức nhỏ, các em phải tiết kiệm trong suốt 60 năm, không ăn uống gì, may ra cuối đời mới mua được căn hộ riêng.

Những điều đó các em không ngần ngại nêu lên trong thảo luận. Và hỏi lại chính tôi. Bản thân tôi chưa thể tìm ra câu trả lời cho các em. Tôi chỉ nói, đây là giờ cảm thụ văn học nghệ thuật. Mong các em tập trung thảo luận chủ đề. Song có em vặn lại rằng văn học, nghệ thuật cần gắn với cuộc sống hiện thực. Trong khi bản thân các em đang gặp những vấn đề của cuộc sống, ai là người thông cảm và chia sẻ với các em? Tôi nói, câu trả lời nằm trong tầm hiểu biết của các em. Các em cần cất lên tiếng nói của chính thế hệ mình. Nhưng để có tiếng nói khách quan, trung thực, các em cần có kiến thức văn hóa về đề tài mình định viết hoặc làm phim.

Nhiều em muốn làm phim, muốn viết, nhưng không ai có ước mơ, cảm hứng kể những câu chuyện có sức nặng. Các em chỉ thích làm những phim nhỏ, gọi là phim ngắn, có độ dài chừng 10-15 phút. Nhưng những phim này, phần lớn là sự bắt chước của những phim khác, nhất là bắt chước phim nước ngoài. Các em không có khả năng nắm bắt những nét điển hình của cuộc sống. Vì vậy, khả năng dàn dựng, khả năng trình bày, thể hiện thường có nhiều khiếm khuyết. Hình như, ngay cả trong cuộ sống, các em cũng chưa thực sự nghiêm túc.

Cuộc sống và nghệ thuật, đối với các em, như là một cuộc chơi. Và quan niệm hoạt động văn học, nghệ thuật như một “sân chơi” cũng là quan điểm không nghiêm túc. Cuộc chơi - không thích thì bỏ. Sân chơi - không thích thì thôi. Quan điểm này, ngay từ điểm xuất phát, đã không thúc đẩy người tham gia có động cơ đúng đắn, có thái độ rèn luyện, cầu thị để vượt khó khăn, đặng đến đích cuối. Vì vậy, những thành tựu văn học, nghệ thuật mà thế hệ sinh ra sau chiến tranh đạt được, không rõ nét. Bởi chính họ, không tự cất lên tiếng nói, suy tư của thế hệ mình. Họ rất giỏi bắt chước, làm theo mô hình nước ngoài, nhưng chưa thể xây dựng cho mình những tác phẩm thực sự có hiệu quả.

Từ kinh nghiệm làm việc với các sinh viên sinh ra sau chiến tranh, tôi cảm nhận, việc đọc sách cũng như việc xem phim dường như tách rời với việc suy nghĩ và liên hệ với cuộc sống đương đại. Việc đọc sách diễn ra một cách hời hợt nên hiệu quả không cao. Vì đọc qua loa như vậy nên việc suy nghĩ về tác phẩm, về nhân vật cũng không hiệu quả. Dường như hai công việc này ít gắn bó, liên hệ với nhau. Chính vì cách đọc, cách cảm như vậy, nên đọc các cuốn sách, xem các bộ phim của thế hệ trẻ, người xem cảm thấy ở họ, cách nhìn cuộc sống áp đặt, cách lí giải không thuyết phục hoặc áp đặt. Đặc biệt, dấu ấn của những cuốn sách, những bộ phim nước ngoài thường lộ trong tác phẩm. Hiện tượng này, nhiều người nhận ra, họ gọi là “đội nhầm mũ của nhiều người”.

Khi đọc những tác phẩm của các bạn trẻ sinh ra sau chiến tranh, tôi cảm thấy, họ có những điểm yếu sau. Thứ nhất, cơ sở, kiến thức văn học không vững chắc. Thứ hai, họ không có định hướng rõ ràng trên con đường mình đi. Thứ ba, họ bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa hiện sinh và khuynh hướng hư vô lịch sử. Vấn đề thứ nhất đã rõ. Nhiều người nói. Vấn đề thứ hai cũng tương tự. Rất nhiều người bỏ cuộc dở dang. Do thiếu dũng cảm? Do sớm cạn năng khiếu? Do không chịu rèn luyện? Do sự cám dỗ của đời sống vật chất?... Ở đây, tôi muốn làm rõ vấn đề thứ ba. 

Tôi hướng dẫn nhiều khóa luận văn học của sinh viên sáng tác. Hầu như rất ít em viết về cuộc sống hiện tại. Các em thường hướng vào những đề tài mà mình chưa trải nghiệm. Rất nhiều em viết về chuyện ma quỷ, trong khi chưa em nào gặp ma quỷ bao giờ. Cũng có rất nhiều em viết về đề tài xuyên không - những câu chuyện vượt thời gian, xuyên về quá khứ hoặc ở thì tương lai. Nhưng các em chưa có khái niệm gì về quá khứ, cụ thể là quá khứ nào, ở đâu thì các em chưa  biết.  Cũng rất nhiều em viết những câu chuyện ngôn tình hoặc những chuyện chưa bao giờ xảy ra trong cuộc sống. Cũng có em viết về dân tộc thiểu số. Nhưng khi tôi hỏi, dân tộc thiểu số, cụ thể là dân tộc nào thì các em trả lời chung chung, không phân biệt được người Thái với người H’Mông... Tuy đề tài khác nhau, nhưng xét về mặt nghệ thuật thể hiện lại không khác nhau là bao. Những cách viết giống nhau. Phần lớn ở dạng kể chuyện dông dài, đối thoại nhạt nhẽo, cấu trúc vô lí. 

Các em viết nhưng không hiểu nguyên nhân, ngọn ngành của vấn đề. Chủ nghĩa hiện sinh cũng như khuynh hướng hư vô là sản phẩm của xã hội phương Tây trong quá trình đấu tranh giải phóng cá nhân. Những xu hướng này tồn tại ở xã hội hiện đại, kinh tế phát triển. Trong khi ở nước ta, các em phải đối mặt với cuộc sống ngày càng không hề dễ dãi, đơn giản như các em nghĩ. Và cái khuynh hướng hiện sinh hay hư vô về lịch sử đối với các em cũng hết sức mong manh. Bởi các em không nắm rõ bản chất, không là người trải nghiệm và việc viết những đề tài đó như những cảm xúc nhất thời, mang tính an ủi.

Trong cuộc sống hiện tại, điện thoại thông minh, những trò chơi game bất tận, cuộc sống công nghệ điện tử, AI... tràn vào mỗi người chúng ta. Lớp trẻ - vốn ngày càng xa rời hiện thực - ngày càng rơi vào cái bẫy không đáy của “sống ảo”. Đành rằng, như nhà bác học Anhxtanh nói, nhiều khi, trí tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức. Nhưng muốn có trí tưởng tượng, phải đọc nhiều, xem nhiều, đi nhiều, trải nghiệm nhiều. Trong khi đó, đối với những người sáng tác trẻ, những yêu cầu đó luôn thiếu thốn. Vì vậy, diễn ra thực trạng, sách và phim của các bạn trẻ làm ra rất nhiều nhưng rất ít tác phẩm hay rất ít tác phẩm tái bản, hoặc được xem lại.