Bằng cách giới thiệu những tác phẩm chưa từng được
công bố hoặc bị lãng quên, di cảo mở ra cơ hội để độc giả có thêm những cuốn
sách hay cho tủ sách của mình, bởi tầm đón nhận của các đối tượng độc giả luôn
rất đa dạng.
Muôn mặt xung quanh chuyện xuất bản di cảo
ĐỨC ANH
Trong thế giới văn học, di cảo là cánh cửa mở ra những
góc khuất của cuộc đời của một tác giả. Chúng gồm những tư liệu, tác phẩm hay
những ghi chép chưa từng được công bố, thường mang dáng vẻ của bí mật chưa được
tiết lộ. Nhưng xoay quanh chuyện di cảo, cũng có không ít điều đáng bàn.
Trong vài năm qua đã có nhiều di cảo của các nhà văn,
học giả lớn được xuất bản, phần nhiều đến từ sự hợp tác giữa gia đình của nhân
vật và đơn vị xuất bản. Phan Khôi di cảo (bản chưa đầy đủ) do các con
của học giả Phan Khôi chuẩn bị bản thảo: Phan Thị Mỹ Khanh, Phan Trản, Phan Nam
Sinh (soạn chú thích), Phan An Sa (sao lục và xử lý văn bản), sách do Nxb Tri
thức phát hành năm 2021.
Di cảo Nguyễn Huy Thiệp mang tên Anh hùng còn chi (Nhã
Nam & Nxb Hội Nhà văn phát hành năm 2023) là kết quả của nhiều thời gian
tìm kiếm, lựa chọn và giới thiệu những bài thơ chưa từng được biết đến, một số
truyện ngắn đã xuất bản nhưng bị lãng quên, các kịch bản phim, tiểu luận, những
ký họa trên gốm… của Nguyễn Huy Thiệp.
Gần đây, Nxb Hội Nhà văn phối hợp cùng gia đình cố nhà
thơ Chế Lan Viên ra mắt bạn đọc cuốn sách Chế Lan Viên di cảo thơ, được tập
hợp từ 3 lần xuất bản trước đó của Di cảo thơ Chế Lan Viên tập I, II,
III xuất bản lần lượt vào các năm 1992, 1994, 1996; hay Nxb Khoa học xã hội và
Công ty sách Thời đại cũng ra mắt cuốn Phan Huy Lê di cảo: Nhận thức lịch
sử Việt Nam công bố những bài tổng kết chưa được xuất bản chính thức của học
giả.
Việc xuất bản di cảo là rất cần thiết vì nhiều lý do.
Thứ nhất là giúp độc giả, giới nghiên cứu có thêm tư liệu để đào sâu nghiên cứu
tiểu sử, làm rõ thêm những tranh luận xoay quanh sự nghiệp của tác giả, đôi khi
có thể tìm ra những giá trị chưa từng được biết đến. Thứ hai, việc xuất bản di
cảo giúp tạo ra một cái nhìn toàn diện và sâu sắc về cuộc đời và sự nghiệp của
một nhà văn, học giả. Thông qua việc khám phá các bản di cảo, độc giả có cơ hội
đọc, so sánh giữa các giai đoạn sáng tác, hiểu rõ hơn về quá trình sáng tác, những
khó khăn và trăn trở mà tác giả đã trải qua. Bằng cách giới thiệu những tác phẩm
chưa từng được công bố hoặc bị lãng quên, di cảo mở ra cơ hội để độc giả có
thêm những cuốn sách hay cho tủ sách của mình, bởi tầm đón nhận của các đối tượng
độc giả luôn rất đa dạng.
Có nhiều hình thức di cảo. Nếu xét theo loại hình
thông tin, di cảo có thể ở dạng tác phẩm sáng tác hoặc tư liệu liên quan đến
công việc của tác giả khi còn sống. Tư liệu này có thể là những ghi chép, bản
nháp, những thư từ trao đổi hoặc hình ảnh lưu niệm của tác giả… dùng cho việc
nghiên cứu tiểu sử. Ở riêng khía cạnh sáng tác, thường di cảo có ba loại. Một
là tác phẩm còn dang dở hoặc chưa có ý định hoàn thành thì tác giả đã khuất
núi, ví dụ như Nước Mỹ của Kafka. Loại thứ hai là tác phẩm chưa kịp
xuất bản mặc dù đã có đầy đủ kế hoạch, ví dụ như bộ ba tiểu thuyết Millennium của
nhà văn trinh thám Stieg Larsson (từng có bản dịch Cô gái có hình xăm rồng lừng
danh). Loại thứ ba, đáng nói nhất, là tác phẩm mà tác giả không muốn xuất bản
hoặc cố ý trì hoãn việc xuất bản. Tiêu biểu có nhà văn kinh điển nước Anh là
E.M. Forster đã giấu kỹ tiểu thuyết Maurice của mình bởi lý do đề tài
đồng tính khi ấy còn là điều cấm kỵ.
Tuy nhiên, điều tối thiểu là di cảo phải có những ý
nghĩa và giá trị về mặt văn học hoặc mặt tư liệu. Trong thực tế, không hiếm trường
hợp xuất bản di cảo chỉ vì mục đích kinh tế hoặc để tôn vinh người đã khuất, mà
không chú ý đến việc di cảo đó có thực sự chất lượng hay không. Nếu di cảo xuất
bản không đáp ứng được yêu cầu về nội dung và hình thức, cuối cùng chúng chỉ trở
thành sản phẩm để… đem đi cất vào ngăn kéo, nghiêm trọng hơn là làm giảm
giá trị của tác giả. Do đó, hành trình biên soạn cần được thực hiện một cách cẩn
thận và có kế hoạch, từ việc thu thập và sắp xếp tư liệu đến việc lựa chọn nội
dung và biên tập văn bản.
Vấn đề thứ hai là về danh tính của những người thực việc
thực có liên quan, đặc biệt là khi di cảo có dạng thư từ, hồi ký, hoặc ghi
chép. Những thông tin cá nhân như tên tuổi, mối quan hệ, và các sự kiện cụ thể
có thể làm lộ ra những cảnh trạng hay quá khứ mà họ không mong muốn công khai.
Hơn nữa, vì những dạng di cảo ở loại ghi chép thường phản ánh quan điểm và trải
nghiệm cá nhân của tác giả, nó có thể không phản ánh một cách chính xác và
khách quan với đời thực. Điều này khá giống với hồi ký.
Việc xuất bản di cảo cũng cần chú ý đến quyền công bố.
Có những tác phẩm thực sự tác giả không muốn công bố. Theo tác giả Edwin
McDowell của tờ New York Times, E. Hemingway từng nói rằng ông không cho
phép ai in ấn thư từ cá nhân của mình hết. Ấy vậy mà sau này thư của Hemingway
được in hẳn thành một tuyển tập do Carlos Baker sưu tầm dưới sự cho phép của
phu nhân nhà văn - bà Mary Hemingway. Ví dụ này cho thấy, đôi khi việc biên soạn,
in ấn di cảo thực chất là làm trái với ý người đã khuất, kể cả khi đã được sự đồng
ý của gia đình. Trong khi đó, việc tổ chức biên soạn hay biên tập câu chữ của
tác giả quá cố cũng là một nan đề. Bởi nếu sai thì mất đi ý tứ tác giả; ngược lại
nếu không có những việc biên soạn, biên tập chỉn chu, chất lượng thì tác phẩm
di cảo có nguy cơ làm giảm giá trị nhà văn. Thà để tất cả trong bóng tối và giữ
lại những gì tốt đẹp nhất một cách tự nhiên.
Trên thế giới có nhiều trường hợp tác phẩm lớn là di cảo.
Max Brod - bạn thân thiết của Franz Kafka - đã làm trái lại ý muốn thiêu huỷ bản
thảo của Kafka và quyết định công bố các tác phẩm của đại văn hào, bao gồm Vụ
án (1925), Lâu đài (1926) và Nước Mỹ (1927). Những cuốn
sách này không chỉ giữ cho tên tuổi của Kafka sống mãi trong lòng độc giả mà
còn đưa luôn cả Max Brod vào lịch sử. Trường hợp khác, nhà thơ lừng danh
người Mỹ Sylvia Plath đã giành được giải Pulitzer cho bộ tinh tuyển của mình
vào năm 1982.
Trước đó vài chục năm, 1963, bà đã tự sát và có nhiều
bài thơ trong tập này thực sự là di cảo. Hay, những độc giả lão luyện ở châu Âu
cũng không thể nào có được trước tác triết học Ý chí vươn tới quyền lực của
F. Nietzsche nếu như không có bàn tay sắp xếp tài tình của chị gái
Elisabeth Förster-Nietzsche và người bạn tên Heinrich Köselitz. Bộ sách được
tái bản và bổ sung nhiều lần, đóng góp thêm một khái niệm trung tâm trong triết
học Nietzsche… Những ví dụ này nổi bật lên công sức của người sưu tầm, lưu giữ
và công bố, đặc biệt ở khía cạnh nhìn nhận được giá trị tác phẩm - ngay cả khi
chưa ai biết tới.
Trong môi trường xuất bản hiện đại ở Việt Nam, từng có
một số tác phẩm di cảo gây được tiếng vang lớn. Di cảo Nguyễn Huy Thiệp đã nói ở
trên cho thấy nhiều đặc điểm sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp giai đoạn đầu, đồng
thời làm thỏa mãn các độc giả yêu mến nhà văn bằng những bài viết, tiểu luận sắc
sảo chưa từng được in ấn chính thức; hay qua những truyện ngắn đã bị lãng quên,
ta thấy một Nguyễn Huy Thiệp thuở ban đầu với phong cách hiện đại khi viết về
các tầng lớp trong xã hội, cảm tưởng như một nhà văn Mỹ.
Di cảo Lưu Quang Vũ vốn được in nhiều lần trong thập kỷ
trước, do PGS. TS Lưu Khánh Thơ (em gái cố tác gia) tuyển chọn, lần in gần đây
đã bổ sung thêm những bài thơ mà nhiều trong số đó có giá trị thẩm mỹ rất cao.
Nhưng trường hợp thành công đáng kể nhất là Đêm núm sen của Trần Dần,
một bản thảo bị cất vào ngăn kéo từ năm 1961, được xuất bản lần đầu năm 2017
(Nhã Nam & Nxb Hội Nhà văn), đã trở thành cuốn tiểu thuyết nổi bật của thập
kỷ được độc giả đánh giá rất cao về chất lượng văn chương, như TS Mai Anh Tuấn
từng nhận xét “Cuốn sách làm cho ta ngỡ ngàng về tính hiện đại.”
Tựu trung, hành trình của một di cảo cũng phức tạp và
đòi hỏi sự đầu tư, dấn thân không kém việc sáng tác, công bố một tác phẩm. Bởi
lẽ xuất bản di cảo là một động tác đánh cược với lịch sử: phần thưởng đầy giá
trị nhưng đi kèm với rủi ro lớn cho không chỉ đội ngũ biên soạn mà còn cho một
sự nghiệp, một nền văn chương.
Nguồn: Văn Nghệ