Hồ Thế Hà xem thơ ca như một sự nghiệp khoa học, một
cách lập thân ở đời. Đó cũng lại là đam mê đầy “nghiệp chướng”, mang tính bất vụ
lợi của ông. Ông là người hiếm hoi trong thời đại ngày nay có sự quan sát bền bỉ
theo thời gian hơn nửa thế kỉ đối với thi ca Việt Nam.
HỒ THẾ HÀ VÀ DUYÊN NỢ THI CA
PHAN TUẤN ANH
“Nợ tình chưa trả cho ai
Khối tình mang
xuống tuyền đài chưa tan”
(Truyện Kiều)
Hồ Thế Hà gần như đã dành trọn vẹn cuộc đời mình cho
thi ca. Ban đầu, ông là một chàng sinh viên Ngữ văn yêu thơ ca, rồi sau đó, trở
thành một người lính và cuối cùng là một thầy giáo dạy văn chương tại Trường Đại
học Khoa học, Đại học Huế. Năm nay tròn 70 tuổi, có thể nói, thơ ca là phương
thức cứu rỗi thế giới tinh thần Hồ Thế Hà - một tâm hồn luôn đa cảm, nhạy cảm
và đầy trăn trở, ưu tư lẫn những vết thương hậu chiến. Có thể xem ông là thành
viên cơ hữu của đời sống thơ Việt Nam đương đại. Thơ ca chính là địa hạt đã
nuôi sống ông, làm nên danh tiếng cho ông, từ các học hàm, học vị như Nhà giáo
ưu tú, Phó giáo sư, Tiến sĩ, Giảng viên cao cấp đến các chức danh như Hội viên
Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế, Uỷ viên Hội đồng Lý luận phê
bình văn học nghệ thuật Trung ương, Uỷ viên Hội đồng Lý luận phê bình Hội nhà
văn Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật của Liên hiệp các Hội văn học nghệ
thuật Thừa Thiên Huế trong 4 nhiệm kỳ liền…
Hồ Thế Hà xem thơ ca như một sự nghiệp khoa học, một
cách lập thân ở đời. Đó cũng lại là đam mê đầy “nghiệp chướng”, mang tính bất vụ
lợi của ông. Ông là người hiếm hoi trong thời đại ngày nay có sự quan sát bền bỉ
theo thời gian hơn nửa thế kỉ đối với thi ca Việt Nam. Những công trình nổi bật
nhất trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học và phê bình thơ của Hồ Thế Hà có thể kể
đến như: Thơ Việt Nam hiện đại - Thi luận và Chân dung, Những khoảnh khắc đồng
hiện, Lý do của hy vọng, Khoảng lặng thơ, Đường biên thơ, Những tiêu điểm thẩm
mỹ thơ, Thế giới nghệ thuật thơ Chế Lan Viên…. Đa phần những công trình này đều
có chỗ đứng nhất định trong giới nghiên cứu văn học trường quy. Mảng sáng tạo
thơ của Hồ Thế Hà cũng sôi động và phong phú không kém, với những tác phẩm được
xuất bản khá đều đặn như: Khoảnh khắc (1993), Nghìn trùng (1994), Xác thu
(1997), Thuyền trăng (2014), Tơ sương (2017), Xem mơ (2018) và Nến tình (2021).
Vừa thực hành sáng tạo, vừa thực hành nghiên cứu phê bình, lại đam mê giảng dạy
thơ ca ở độ tuổi “xưa nay hiếm”, có thể nói Hồ Thế Hà đã gần như dâng hiến trọn
đời mình cho mối duyên nợ thi ca.
Bẵng đi một thời gian, sau khi sức khỏe giảm sút bởi
tuổi tác và những cơn bạo bệnh, nỗi cô đơn tuổi già, Hồ Thế Hà lại cho công bố tác
phẩm phê bình thơ mới với tựa đề Giao diện thơ. Sau những công trình nghiên cứu
về lý luận thể loại thơ và phê bình chân dung thơ tâm huyết, với Giao diện thơ,
Hồ Thế Hà quay trở lại với địa hạt ông cảm hứng và đam mê để qua đó, ông tiếp tục
xác lập sở trường của mình, đó là phê bình văn bản thơ ca. Ở đấy, đối tượng của
mỗi bài phê bình chính là một bài thơ rời để ông đi sâu diễn giải đồng sáng tạo
từ tính chỉnh thể tự trị của mỗi thi phẩm.
Tôi từng có may mắn qua lại, học tập và chia sẻ với
ông gần 20 năm thăng trầm, đầy những buồn vui trong cuộc đời bé mọn thường nhật
của mình. Điều làm tôi ngạc nhiên nhất không phải là kiến thức, những công
trình khoa học dày dặn của ông về thi ca, mà chính sự đam mê, những xúc cảm
dâng tràn không bao giờ cạn kiệt của ông với thơ hiện đại và đương đại. Hiếm có
ai thuộc thơ nhiều như Hồ Thế Hà; ông có thể ngồi đọc thơ suốt đêm, liên tục
vài trăm bài trong những cuộc vui bất tận. Những khi say nhất, cao trào nhất, Hồ
Thế Hà lại càng đọc thơ càng nghẹn ngào, xúc động. Nhiều lần, tôi chứng kiến
ông thổn thức, rơi lệ khi đang sống đắm mình trong thế giới thi ca. Hồ Thế Hà
là một case đặc biệt trong làng văn Việt Nam, một kỳ nhân vừa thuộc rất nhiều
thơ chính mình lẫn thơ của những tác giả khác. Tôi cũng có mối quan tâm và đam
mê với thi ca như Hồ Thế Hà, song tôi quả không thể thuộc nhiều thơ, thơ của
chính mình thì lại càng không thể thuộc.
“Giao diện thơ” là một công trình phê bình thơ của những
tác giả, những chân dung thơ Việt Nam nổi bật thuộc nhiều thế hệ mà ông yêu
thích, muốn khẳng định và dự cảm về tiềm năng thi ca của họ trong tương lai. Và
ông cũng chỉ chọn mỗi người một thi phẩm mà mình yêu thích để bình luận và phân
tích, chỉ ra sự đa dạng về thi pháp của từng cá tính sáng tạo. Đó có thể xem là
chiến lược viết của Hồ Thế Hà. Ông không đi vào cuộc đời của nhà thơ, không phê
bình đời thơ hay tập thơ như các công trình trước đây đã công bố. Ở công trình
này, ông chỉ nhìn thơ Việt Nam đương đại từ những lát cắt/ mảnh rời. Mảnh nhưng
có khả năng cứa sâu vào bên trong thế giới tinh thần thông qua ngôn từ, hình tượng.
Chỉ trên bề mặt của văn bản thơ như thế, Hồ Thế Hà mới cảm nhận được sự tự do
tuyệt đối của phóng thể tinh thần. Căn tính bên trong của ông - là một nghệ sĩ
thuần túy đầy nhạy cảm, đa đoan cùng những ám ảnh hiện sinh.
Do vậy, phê bình thơ của Hồ Thế Hà trong “Giao diện
thơ” thực chất là một cuộc phiêu lưu thế giới tinh thần của chính mình thông
qua văn bản thơ của người khác. Tôi muốn nói thêm, lựa chọn chỉ một bài thơ duy
nhất của một tác gia thơ nổi bật cần được xem như là một chiến lược khôn ngoan
đầy dụng ý của Hồ Thế Hà. Với cách viết và khoanh vùng hạn hẹp như thế, ông
không cần quan tâm hay bàn luận nhiều về tiểu sử tác giả, phong cách cá nhân,
trào lưu, hiện thực đời sống hay tư tưởng của nhà thơ, cái Hồ Thế Hà quan tâm
duy nhất, cũng là nơi ông sở trường khi viết, đó là thế giới nghệ thuật của văn
bản thi ca. Vì vậy, hình thức/ thủ pháp nghệ thuật lẫn tư tưởng thơ chính là điều
Hồ Thế Hà quan tâm thường trực trong “Giao diện thơ” để tạo sinh nghĩa cho từng
thi phẩm.
Sự cảm tính, xu hướng đồng sáng tạo, lối viết phê bình
ấn tượng nhưng đầy luận lý nghệ thuật có thể dễ dàng nhận ra như những nét ưu
trội của công trình “Giao diện thơ”. Đó đồng thời cũng là những thế mạnh căn bản
trong lối viết của Hồ Thế Hà.
Chọn 38 bài thơ của 38 tác giả thuộc nhiều thế hệ nối
tiếp nằm trong chủ ý của Hồ Thế Hà là muốn qua đó, phần nào nhận diện sự vận động
và phát triển thể loại thơ Việt trên hành trình hiện đại, cũng có nghĩa là, muốn
chỉ ra những cạnh khía thi pháp của mỗi hệ hình thơ từ hiện đại đến hậu hiện đại
ở mỗi thế hệ cầm bút. Do vậy, những mức độ bao quát, khảo sát của “Giao diện
thơ” có thể nói là khá rộng, kéo dài xuyên suốt hai thế kỷ thơ ca hiện đại - hậu hiện đại ở Việt Nam.
Từ những cây đại thụ lừng danh của phong trào Thơ mới đầu thế kỷ XX như Xuân Diệu,
Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính, Huy Cận... kéo dài qua thế hệ những nhà thơ chống Mỹ
cuối thế kỷ XX như Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Trọng Tạo, Hà Khánh Linh, Thu Bồn,
Lệ Thu, Phạm Ngọc Cảnh, Phạm Công Trứ, Trịnh Công Lộc… và kết lại ở thế hệ nhà
thơ trẻ đương đại đầu thế kỷ XXI như Mai Thìn, Lê Thiếu Nhơn, Hoàng Thuỵ Anh,
Nhuỵ Nguyên, Đào An Duyên, Hồ Đăng Thanh Ngọc, Lê Tấn Quỳnh, Trương Trọng
Nghĩa, Hải Trung, Triều La Vỹ, Phạm Nguyên Tường, Bạch Diệp… đều nằm trong mạch
ý hướng chỉ ra sự nối tiếp thi pháp sáng tạo thơ Việt của Hồ Thế Hà.
Để có thể bao quát hai thế kỷ thơ ca như vậy, với cả
hai hệ hình là hiện đại, hậu hiện đại, với nhiều giai đoạn thi ca khác nhau
(1930-1945, 1945-1975, 1986-2000, 2000 đến nay….), đòi hỏi một sức đọc đáng nể,
tư duy bao quát lẫn năng lực nắm bắt lý thuyết các tư trào thơ khác nhau. Hồ Thế
Hà rõ ràng đã không hụt hơi, không lạc thời giữa một cuộc marathon thơ ca trường
kỳ gần 120 năm thơ ca Việt Nam, với biết bao thi nhân thành danh, thi phẩm nổi
tiếng, tư trào, nhóm phái, lý thuyết và hệ hình văn học. Dù với bài thơ nào,
tác gia nào, giai đoạn nào, ông cũng tìm thấy cho mình mã nghệ thuật để đi vào
tác phẩm. Như vậy, Giao diện thơ thể hiện rõ chiến lược viết của Hồ Thế Hà, đó
là đi tìm “con mắt thơ” của từng tác giả.
Đọc “Giao diện thơ”, dù ông không tuyên bố, nhưng tinh
ý, chúng ta có thể thấy Hồ Thế Hà đã chọn cho công trình của mình hướng tiếp cận
nền tảng và các phương pháp nghiên cứu lý thuyết đa dạng. Theo đó, Thi pháp học
là hướng tiếp cận chính để thao tác giải mã thi phẩm từ hình thức đến nội dung
dựa trên sự thống kê, đối lập các yếu tố tham gia cấu thành chỉnh thể bài thơ;
còn phương pháp lý thuyết vận dụng bổ sung thì tuỳ từng bài thơ cụ thể mà có
cách tiếp cận tương thích. Đa phần, ông dựa vào phương pháp phê bình ngôn ngữ học
(chất liệu ngôn từ), dựa trên cấu trúc ngôn ngữ và đặc trưng của từng thể thơ
(vần luật, ngữ điệu, nhạc tính, các biện pháp tu từ), dựa vào nội dung từng bài
thơ (chủ đề, đề tài, nhân vật trữ tình) để lựa chọn phương pháp tương thích. Có
bài thơ vận dụng phương pháp phê bình lịch sử - văn hoá, địa - văn hoá, sinh
thái, lối viết nữ…, có bài thơ dựa vào phương pháp phê bình phân tâm học (cổ mẫu),
hiện sinh (các phạm trù cơ bản), ký hiệu học (biểu tượng, biểu trưng), có bàì
thơ dựa vào phê bình ấn tượng, trực giác kết hợp kinh nghiệm sống trải cá nhân
mình để bình luận, phân tích…
Nghĩa là Hồ Thế Hà rất linh hoạt trong việc phê bình từng
thi phẩm cụ thể, chứ không rập khuôn cứng nhắc một phương pháp hoặc thủ pháp cố
định nào. Cuối cùng là để tạo sinh nghĩa từ những mã ẩn ngữ, mã thẩm mỹ - tư tưởng
trong các thi phẩm một cách hiệu quả, bất ngờ. Điều này không có gì lạ bởi ông
là một nhà phê bình chuyên nghiệp, gần như dành cả đời để nghiên cứu lý thuyết
văn chương lẫn thực hành phê bình thơ ca.
Điều cần ghi nhận là tính hợp lý và hiệu quả trong sự
vận dụng lý thuyết của Hồ Thế Hà. Ví dụ, khi nhận định về thi phẩm “Mùa xuân
chín”, lý thuyết thi pháp đã được áp dụng hiệu quả, để nhận ra không - thời
gian đặc trưng của thơ Hàn Mặc Tử: “Bằng cái nhìn từ cận cảnh đến viễn cảnh,
Hàn Mặc Tử đã kiến trúc bài thơ với sự mở rộng trục không gian theo chiều cao
và chiều rộng… Chất thơ Hàn Mặc Tử chính là bắt nguồn từ sự sự tương hợp giữa
hương thơm, màu sắc và âm thanh riêng, khác và lạ” . Với Nguyệt cầm của Xuân Diệu,
đó là “Bài thơ độc đáo ở cách kiến trúc hình thức: từ ngôn ngữ, hình tượng đến
các biện pháp tu từ nghệ thuật; từ cách dụng điển đến cách tạo nhạc thơ, (nhịp
điệu và vần điệu); từ cách tạo dựng không gian nghệ thuật đến thời gian nghệ
thuật; từ cảm hứng lãng mạn đến nghệ thuật tượng trưng, siêu thực; từ tương hợp
về hương thơm, màu sắc, âm thanh đến tương hợp về tâm cảnh và ngoại cảnh… Tất cả
đã tạo thành một chỉnh thể thi ca âm vang, lộng lẫy mang phong cách hiện đại
phương Tây nhưng cũng thấm đẫm chất huyền bí phương Đông”.
Với “Trường huyện” của Nguyễn Bính, với nhận định dựa
vào yếu tố lịch sử - văn hoá: “Nguyễn Bính đã dựa vào nền tảng có ý nghĩa và đặc
trưng bằng khung cảnh học đường của làng, huyện Việt Nam thời thuộc Pháp. Qua
đó, nhà thơ muốn nói lên tình cảnh và hoài niệm của mình về tuổi học trò mông
mơ, e ấp nhưng sâu nặng với những duyên cớ tình cờ, nhưng hữu ý và hữu tình khiến
cho lòng có cở để gắn bó, yêu thương”.
Còn với “Đi giữa đường thơm” của Huy Cận, thì dùng ấn
tượng, trực giác để đánh giá: “Đi giữa đường thơm là bài thơ hay, làm lay động
bao tâm hồn thơ trẻ tuổi vào yêu nơi thôn quê thời trước, nhưng nó có khả năng
đánh thức trong mỗi chúng ta tuổi vào yêu đầu đời thơ dại, nhưng nhiều rung động.
Bài thơ không cấu trúc theo khung cảnh hiện đại mà chọn trục không gian - thời
gian (chronotopes) gần gũi, quen thuộc của làng quê thời trước để Huy Cận kiến
trúc nên nhịp tâm hồn của đôi lứa yêu nhau nên thơ và quyến rũ, vừa thơ dại vừa
da diết, đam luyến, nhưng cũng có lúc ngập ngừng, thoáng sợ…. Nhưng rồi, hai
trái tim yêu không bao giờ tĩnh tại, bởi vì cảnh vật còn đó, ước nguyền còn đó
thì là sao hết yêu cho được. Nên trạng thái dùng dằng, níu giữ là có thật: “Chân
đang bước bỗng e dè dừng lại/ - Ở giữa đường làng, mùi rơm, hoa dại”. Con đường
làng và mùi rơm, hoa dại sẽ níu giữ hộ tình yêu đôi lứa! Cảm quan lãng mạn chi
phối toàn bài thơ, thể hiện trạng thái tình e ấp và màu yêu lên phơi phới”.
Những nhận định đa dạng như vậy đối với các nhà thơ
thuộc Phong trào Thơ mới cho thấy khả năng linh hoạt trong từng trang phê bình
của Hồ Thế Hà.
Với các nhà thơ các thế hệ sau, đặc biệt là các nhà
thơ trẻ, Hồ Thế Hà có cái nhìn khác. Với Văn Cao qua bài “Quy Nhơn III”, nhận định
sau theo tôi là rất mới: “Cái nhìn nhân văn thường trực trong tư tưởng của Văn
Cao, giúp ông hình dung và nhận ra chân lý của vấn đề, đặt trong tương quan với
các quan hệ bản chất của vùng đất, thông qua cảnh vật, sinh thái thiên nhiên và
sinh thái tinh thần - xã hội để đúc kết thành những triết lý mới mẻ, sâu sắc.
Vì vậy mà đọc xong bài thơ Quy Nhơn III, chúng ta nhận ra Quy Nhơn vừa tượng
trưng, huyền thoại vừa hiện thực đầy sáng tạo của Văn Cao”.
Với thi phẩm Nguyễn Khoa Điềm, Hồ Thế Hà nhận xét: “Khúc
hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ thật sự là bài thơ hay, có tứ thơ độc
đáo, xuất phát từ tình cảm và ước mơ có thật của Nguyễn Khoa Điềm. Hình tượng
người mẹ và em cu Tai có sức sống nội cảm trong người đọc cho đến hôm nay. Cấu
trúc sóng đôi và đẳng lập thông qua những đoạn thơ mang điệp khúc lời ru, một của
tác giả và một của người mẹ đã làm cái riêng gắn với cái chung, hiện thực gắn với
lý tưởng, cụ thể gắn với khái quát một cách hài hòa, sinh động... Qua bài thơ,
thêm một lần nữa, người đọc cảm nhận được tình mẫu tử thiêng liêng. Nó không chỉ
được biểu hiện ra bằng những quan hệ gần gũi, cụ thể, mà cao hơn, có ý nghĩa
hơn là nó được biểu hiện trong mối quan hệ với tình yêu quê hương, đất nước
trong những năm kháng chiến gian khổ nhất của dân tộc ta. Hình tượng bà mẹ và
em bé miền núi vô danh đã trở thành biểu tượng chung cho mọi bà mẹ và em bé yêu
nước miền núi khác của Tổ quốc Việt Nam”.
Còn với bài thơ “Mặc cảm” của Nguyễn Khắc Thạch, lại
có nhận định mang tính phát hiện, tạo nghiã mới từ tư duy thơ mới mẻ của nhà
thơ: “Nguyễn Khắc Thạch là nhà thơ ưu tiên sáng tạo thơ theo khuynh hướng suy
tưởng và triết lý trên cơ sở kiến trúc diễn ngôn kiệm lời đến tối đa theo trục
lựa chọn/ trục chất lượng (theo lý thuyết của R. Jakobson) để tạo thành những
tín hiệu thẩm mỹ - nghệ thuật mang tính cá nhân độc đáo. Tiết kiệm ngôn từ
trong giới hạn có thể chấp nhận được để nghĩa hàm ngôn, nghĩa khái niệm hiện
lên, tạo sinh ý tượng và tư tưởng một cách bất ngờ, khi ấy văn bản thơ sẽ tạo
ra những khoảng trống trong tiếp nhận đồng sáng tạo của người đọc. Và vì vậy,
nghĩa ẩn chìm và nghĩa phái sinh của thi phẩm sẽ hiện lên sâu sắc. Thơ Nguyễn
Khắc Thạch luôn nỗ lực sáng tạo theo hướng này để thơ luôn hiện đại mà vẫn
không hề xa lạ với truyền thống thơ phương Đông trầm tư, uyên bác”.
Với các nhà thơ trẻ, Hồ Thế Hà cũng quan tâm chỉ ra những
khám phá và thể nghiệm mới mẻ của họ. Với Lê Thiếu Nhơn, Hồ Thế Hà lựa chọn phê
bình sinh thái lẫn phê bình hiện sinh chủ nghĩa để giải mã: “Lê Thiếu Nhơn quá
hiểu những những trạng thái của thiên nhiên và tình trạng bất ổn, dửng dưng,
tha hoá của người đời nên tốt nhất là im lặng trong tĩnh lặng lúc giao mùa. Mỗi
chủ thể hiện sinh tự chịu trách nhiệm trước sự lựa chọn hành vi đạo đức của
mình”.
Với Hoàng Thuỵ Anh, một nhà thơ trẻ nữ, Hồ Thế Hà chỉ
ra sự năng động về ngôn từ nghệ thuật trong bài thơ Cái bóng: “Hoàng Thụy Anh
kiến trúc bài thơ theo thể tự do, kiệm lời đến tối đa mà sức bật của ngôn từ,
ngữ nghĩa thì ngân vang, kích thích tiếp nhận, suy ngẫm đồng sáng tạo cho người
đọc. Phiên bản - Cái bóng hiểu theo nghĩa đó sẽ là cổ mẫu cần được lập lại như
phiên bản tốt đẹp cho mỗi người soi vào để hoàn thiện nhân cách và nhân vị... Suy
cho cùng, cái bóng dù thế nào cũng chỉ là cái bóng. Nó không thật, nhưng nó là
phiên bản của mỗi con người thật khi được ánh sáng soi chiếu. Và mỗi chúng ta,
ai cũng muốn cái bóng - phiên bản của mình chân thật và tốt đẹp, tròn đầy,
không dài hơn và rộng hơn hoặc méo hơn để mãi mãi “những cái bóng hệt đứa trẻ/
đòi lớn lên” trong ý thức và khát vọng cao đẹp giữa cõi người nhân hậụ”.
Còn nhiều, rất
nhiều những nhận định có tính phát hiện mới trong từng thi phẩm của mỗi nhà thơ
trẻ mà tôi không thể và cũng không nhất thiết phải trích dẫn. Bạn đọc sẽ tự thức
nhận và đồng cảm khi tiếp nhận “Giao diện thơ” của Hồ Thế Hà.
***
Có thể nói, qua “Giao diện thơ”, Hồ Thế Hà đa tạo cho
mình lối phê bình đa lý thuyết, đa hệ thống, nhìn qua tưởng “vô chiêu” mà lại
đòi hỏi “hữu chiêu” trong nền tảng thi học của mình. Song, thành công của Giao
diện thơ không nằm ở chỗ nhiều lý thuyết hay nhiều kiến thức hàn lâm, tôi xin
nhấn mạnh điều này. Thành công và ấn tượng của tập phê bình này còn chính là ở
duyên nợ thi ca và khả năng cảm thụ, đồng cảm, sức diễn giải đồng hiện/ đồng
sáng tạo, giàu cảm xúc - suy lý nghệ thuật tinh tế. Đó là một năng lực đặc biệt,
cố hữu trong lối phê bình chuyên nghiệp của tác giả công trình. Và ở điểm này,
chỉ có sự đọc của độc giả mới có thể cảm nhận được được sự tiếp nhận thơ theo ý
thức về Cái Mới và Cái Khác của Hồ Thế Hà với tư cách hai trong một: Nhà thơ và
nhà phê bình.
Trường An, 3-2024