Nhà thơ Hà Phương sau mấy chục năm lặng lẽ đứng sau người chồng nổi tiếng nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn, vừa tái ngộ công chúng bằng tập thơ ‘Tình yêu mạnh như nước’.
Nhà thơ Hà Phương tên thật Đỗ Thị Thanh, sinh năm 1950
tại Nam Định. Sau khi tốt nghiệp khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội
khóa 1967-1971, nhà thơ Hà Phương vượt Trường Sơn chi viện cho chiến trường miền
Nam, và công tác ở Hội Văn nghệ Giải phóng. Sau năm 1975, nhà thơ Hà Phương hoạt
động báo chí và văn chương tại TP.HCM.
Có thể coi bài thơ “Tôi không đồng ca” của Hà Phương,
là một tuyên ngôn Thơ. Hơn thế, một tuyên ngôn sống, một lựa chọn quả quyết: “Thơ
không thể đứng trong dàn đồng ca/ Cao hứng buồn vui theo nhịp tay nhạc trưởng/ Một
chỗ riêng/ Mỉm cười khi vui sướng/ Nếu khổ đau cũng chẳng thở than/ Nếu không sống
thật đúng mình/ Dù cười hay khóc cũng thành đồng ca/ Tôi không thể giống nhiều
người/ Suốt đời chỉ biết những lời đồng ca”.
Bằng vào nhận xét trên, có thể coi “Tình yêu mạnh như
nước” của Hà Phương là cuốn nhật ký bằng thơ, ghi nhận một chặng đường dài của
cuộc đời chị.
Bắt đầu là những năm của tuổi đôi mươi, khi chị rời
mái trường đại học để bước vào cuộc sống gian khổ, đầy thử thách của một người
lính trong cuộc chiến tranh. Theo nhà thơ Hoài Vũ từng lãnh đạo Hội Văn nghệ Giải
phóng: Hà Phương thời gian đó là cây bút chủ lực, luôn cùng đồng nghiệp có mặt ở
những điểm nóng nhất của cuộc chiến tại các tỉnh Đông và Tây Nam Bộ. Thơ và bài
viết của Hà Phương nhiều nhất là chiến trường Củ Chi, nên cô được sự ái mộ của
bà con và du kích đất thép.
Lúc này, thơ Hà Phương là “những trận sốt dài/ người lạnh,
đầu nóng, mắt hoa/ nằm mê mệt/ quên ngày đêm giữa rừng binh trạm”, là vùng đất:
“không thể nhớ bao trận càn xe địch ủi/ mồ mả cha ông pháo bom cày xới/ bầy
chim ri không chỗ nương mình/ không tiếng gà nên chẳng có bình minh”, là “những
chuyện giản đơn đều là xương máu”
Lúc này, thơ Hà Phương dành cho những cánh rừng săng lẻ
tả tơi vì bom đạn, những đường hầm Củ Chi nằm sâu trong lòng đất, những em bé
Bình Long can đảm, những cô du kích trẻ ngoan cường, những bà mẹ sống trong chờ
đợi…
Nhà thơ Hà Phương đã dành một phần ba tập thơ của mình
cho những năm tháng chiến tranh, nơi chị đã để lại tuổi trẻ của mình. Phần thơ
còn lại được dành trọn vẹn cho một chặng đường khác, dài hơn, nhiều cung bậc
hơn và không dễ dàng của cuộc sống trong thời bình.
Bài thơ “Với rừng” tựa như một dấu nối giữa hai quãng
sống của tác giả. Cô gái trẻ năm xưa đã rời khỏi cánh rừng “Tóc đen vẫn rụng âm
thầm/ Gai người những lúc mưa dầm, sốt lên/ Rừng hành ta nước da vàng/ Màu môi
tái nhợt, đôi quầng mắt thâm” mà “Về Sài Gòn trận cuối cùng/ Nghẹn ngào ngoảnh
lại vùng rừng nuôi ta/ Sài Gòn rồi sẽ phồn hoa/ Nhưng rừng vẫn mãi bao la tình
rừng”.
Và “Tình yêu mạnh như nước”, bài thơ viết cho bộ phim
truyền hình “Thái sư Trần Thủ Độ” đã “gói ghém” trong nó tất cả những tình cảm,
những suy nghĩ của nhà thơ Hà Phương về tình yêu, về lẽ sống, về nỗi đau, về hy
vọng, sau bao nhiêu từng trải, sau bao nhiêu chiêm nghiệm: “Tình yêu/ Mạnh như
nước/ Mềm như nước/ Chặt không đứt/ Chém không rời…/ Cái giá phải trả cho cuộc
biến thiên/ Bao giờ cũng vô cùng đắt…/ Bao đế chế vinh quang rồi cũng lụi tàn/ Bao
vương triều hưng thịnh vẫn suy vong…/ Người thì tôn vinh ta đại công thần/ Kẻ
khác nguyền rủa ta siêu gian tặc/ Miệng lưỡi nhân gian trái ngược là chuyện
muôn đời…/ Ta chỉ cần tình yêu đôi ta/ Như sông Hồng/ Và biển Đông Dù lũ cuồng,
bão dữ/ Vẫn trước sau như một…
Bài thơ đã góp một phần không nhỏ cho sự thành công của
bộ phim truyền hình dài 35 tập về một nhân vật lịch sử đặc biệt, không ngừng
gây tranh cãi về công, tội, được, mất, thiện, ác.
Với tập thơ mới “Tình yêu mạnh như nước”, đã đến lúc Hà Phương tìm ra được một lời giải thích khả dĩ cho thơ: “Như tình yêu/ Không thể nào định nghĩa/ Thơ chợt đến, chợt đi/ Và một hôm nào/ Lại chợt tắt/ Vụt xa niềm vui/ Vụt xa nỗi buồn/ Vụt xa tuổi trẻ/ Vụt xa hy vọng/ Thơ đột nhiên bừng tỉnh/ Vụt nhớ/ Vụt say”.