‘Giao hưởng Điện Biên’ là trường ca của nhà thơ Hữu Thỉnh, ra mắt kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, có nhiều hình ảnh văn nghệ sĩ tham gia cách mạng.

“Giao hưởng Điện Biên” được xuất bản khi nhà thơ Hữu Thỉnh đã ở tuổi 82. Đã từng viết nhiều trường ca nổi tiếng trong suốt 60 năm cầm bút như “Đường tới thành phố”, “Trường ca biển”, “Sức bền của đất”, “Trăng Tân Trào”, nhà thơ Hữu Thỉnh chứng tỏ vẫn còn năng lượng sáng tạo dồi dào qua trường ca “Giao hưởng Điện Biên” dày hơn 330 trang.

Trường ca “Giao hưởng Điện Biên” chia làm 21 chương, khẳng định giá trị lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ: “cả đất trời đang cất tiếng nói/ ý nghĩa thiêng liêng của một kiếp người/ hãy nhẹ bước lắng nghe từng viên sỏi/ nói với ta lời của muôn đời/ Ðiện Biên Phủ từng giờ từng phút/ đang gửi đi thông điệp khắp hành tinh/ những lời hịch của Tự Do, Ðộc Lập/ những khát khao cháy bỏng hòa bình”.

Nhà thơ Hữu Thỉnh khái quát con đường đến ngày vĩ đại 7/5/1954 ở nhiều góc độ khác nhau. Khi thì day dứt “Điện Biên Phủ đã trở nên quá tải/ những thứ giết người của công nghiệp chiến tranh/ mọi thứ lính đổ xuống nhiều thêm mãi/ trên quê hương Tây Bắc yên lành”, khi thì ngổn ngang “cả cứ điểm đã lọt vào vòng ngắm/ những đại đoàn đã vây chặt khắp nơi/ chúng nó xua quân đi lùng sục/ đi tới đâu cũng bị quật tơi bời”, khi thì bâng khuâng “Mường Phăng chẳng có gì khác biệt/ rừng già cổ thụ tiếng chim xa/ núi đứng xây thành, mây lãng đãng/ thấp thoáng sau cây mấy nếp nhà”.

Trường ca “Giao hưởng Điện Biên” được nhà thơ Hữu Thỉnh ghi rõ ở lời đề từ “Kính tặng hương hồn Đại tướng Võ Nguyên Giáp và thế hệ đã làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ”. Tuy nhiên, ông cũng dành nhiều trắc ẩn để nhắc đến đội ngũ văn nghệ sĩ tham gia cách mạng.

Nhà thơ Hữu Thỉnh tâm sự: “Rất nhiều những nhà thơ nhà văn như Hữu Mai, Nguyễn Đình Thi, Tố Hữu... từng viết rất nhiều về chiến dịch Điện Biên Phủ, nhưng chính các ông ấy lại không được nhắc tên trong các sáng tác về Điện Biên Phủ. Vậy nên tôi muốn nhắc về "binh chủng tinh thần" những văn nghệ sĩ với chiến dịch Điện Biên Phủ như những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, văn nghệ”.

Trong trường ca “Giao hưởng Điện Biên”, chân dung nhà thơ Nguyễn Đình Thi được nhà thơ Hữu Thỉnh miêu tả khá tỉ mỉ: “Luật cải cách Quốc hội bàn sôi nổi/ Nguyễn Đình Thi/ vừa tan họp/ lên đường/ dép lốp mải đuổi theo đơn vị/ mũ sờn bay nắng táp trên nương/ bao thôn xóm nức mùa gặt hái/ nón ai gieo những nấm trắng ven đường/ qua đèo Khế/ Tuyên Quang trước mặt/ bến Bình Ca chen bước xuống phà/ nhớ mãi những đồi chè Phú Thọ/ cùng anh thơm chát đất Sơn La/ tới Nghĩa Lộ bám nhờ xe chở đạn/ mấy anh cán bộ hỏi làm quen/ đường còn khét những trận bom vừa dứt/ xe lấn đường đi chẳng bật đèn”.

Trên con đường vào chiến dịch Điện Biên Phủ, nhà thơ Nguyễn Đình Thi hội ngộ nhiều văn nghệ sĩ khác, như “Tô Ngọc Vân bom nổ cây đè/ những ký hoạ Điện Biên dang dở/ gửi về nhà trong một ống tre/ những nghệ sĩ, những tâm hồn thương nước/ “mỗi bước đường mỗi bước hy sinh”/ gửi lại đời sau cả những gì im lặng/ cây lại xanh như không biết tên mình”

Theo mường tượng của nhà thơ Hữu Thỉnh, thì những bước chân hướng về Điện Biên Phủ đã giúp nhà thơ Nguyễn Đình Thi có được những trải nghiệm khó quên. Nhà thơ Nguyễn Đình Thi bồi hồi với nhà thơ Chính Hữu: “Từ sông Đà anh tìm đến Thuận Châu/ gặp Chính Hữu ôm mừng muốn khóc/ Trung đoàn Thủ Đô - Trung đoàn thép/ địch nghe tin xiết nỗi kinh hoàng/ tình đồng đội có gì sánh được/ anh thở, anh cười, anh ngân nga/ bao bốt đồn đã thành tro bụi/ bao xóm thôn đã ấm tình nhà”.

Còn nhà thơ Nguyễn Đình Thi với họa sĩ Nguyễn Sáng cũng ấm tình đồng chí: “Điện Biên Phủ, lên đường, đêm tối/ đèo Pha Đin bom nổ chậm rình người/ ngổn ngang đất kéo nhau bước tới/ Hồng Cúm đây rồi. Ta tới nơi/ gặp Nguyễn Sáng cồng kềnh giá vẽ/ anh lên đường hơn một tháng nay/ hai mái đầu chụm nhau hút thuốc/ thuốc chi mà chưa hút đã say”.

 Đặc biệt, trong trường ca “Giao hưởng Điện Biên”, nhà thơ Hữu Thỉnh tái hiện cuộc gặp nhiều xúc động giữa đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhà thơ Nguyễn Đình Thi ở sở chỉ huy tiền phương: “Đại tướng dẫn anh vào hội nghị/ nói với anh bằng giọng thật hiền/ Anh hát đi! Hát về người Hà Nội/ những ngày đầu nghe Bác gọi vùng lên/ và anh hát. Cả hội trường lặng phắc/ tiếng thiết tha rạo rực lòng người/ anh vừa dứt, cả đoàn cố vấn/ xúc động nhìn lên mặt rất tươi

Đại tướng tiễn anh, tay siết chặt/ Cám ơn anh làm hội nghị nở cười/ thay cách đánh theo lời Bác dặn/ một khó khăn lớn nhất đời tôi

Nguyễn Đình Thi không trở về đơn vị/ Đại tướng bảo anh theo bộ đội mở đường/ anh làm giãn những nếp nhăn hội nghị/ lòng tưng bừng những vạt nắng trên nương”

Trường ca “Giao hưởng Điện Biên” được Nhà xuất bản Quân Đội Nhân Dân phát hành đúng dịp kỷ niệm 70 chiến thắng Điện Biên Phủ. Nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết ông tiếp tục chỉnh sửa và viết thêm về những văn nghệ sĩ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ xứng đáng được ghi công như nhà văn Nguyễn Trần Thiết, nhà văn Nguyễn Chu Phác, nhà văn Hồ Phương... cho lần tái bản tiếp theo.

                                                     NNVN