Tại Moskva có những huyền thoại về cả một mạng lưới đường hầm tàu ​​điện bí mật kết nối các boongke, được gọi là “Đường metro - 2” có chiều dài lên tới gần 150 km. Đặc biệt, một trong những huyền thoại này kể về nhà ga ma “Sovetskaya” giữa hai ga “Tverskaya” và “Nhà hát trung tâm”


ĐƯỜNG METRO MOSKVA THỜI CHIẾN TRANH 1941-1945 CÓ PHẢI LÀ NHỮNG BOONGKE CHỐNG BOM KHÔNG? BOONGKE CỦA STALIN RA SAO?

Hầm dành cho chỉ huy quân sự, cho các quan chức cấp cao của nhà nước Xô Viết và cư dân bình thường bắt đầu được xây dựng tích cực vào những năm 1930. Sau khi bắt đầu Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, các boongke được xây dựng với tốc độ tăng gấp đôi gấp ba - nếu vào đầu cuộc chiến chỉ riêng ở Moscow đã có vài trăm chiếc, thì đến năm 1945 đã có hơn 7 nghìn chiếc (bao gồm cả “đào” tạm thời nơi trú ẩn và các ga tàu điện ngầm).

Thế nhưng trong khi mọi người thuộc lòng đường đến các hầm tránh bom thông thường, thì các hầm trú ẩn dành cho các quan chức cấp cao ngay lập tức được giữ bí mật nghiêm ngặt nhất. Hầu hết các căn hầm trú ẩn như thế chỉ được giải mật vào những năm 90 của thế kỷ XX trở đi.

Cho tận đến hôm nay nay, nhiều trong số những căn hầm ấy được bao phủ bởi những truyền thuyết và huyền thoại. Báo Sự thật Thanh Niên- Nga cùng với các chuyên gia đã tìm ra điều đã từng có quanh chuyện này...

“BONGKE CỦA STALIN” VÀ ĐƯỜNG HẦM CHO XE TĂNG: SÂN VẬN ĐỘNG ĐƯỢC NGỤY TRANG

Theo truyền thuyết, việc xây dựng một hầm trú ẩn khổng lồ ở quận Izmailovo tại Moscow bắt đầu từ những năm 1930. Nó được thiết kế cho 600 người và nằm ở độ sâu 37 mét. Để ngụy trang, họ đã công khai tuyên bố khởi công xây dựng Sân vận động Trung tâm khổng lồ cho 120 nghìn người (xưa tên là “Stalinets”, nay là sân vận động “Lokomotiv”). Sân vận động lúc đó chưa được hoàn chỉnh, nhưng hầm trú đã hoàn thành.

Theo truyền thuyết, văn phòng của Stalin, các phòng dành cho bộ chỉ huy cấp cao, các phòng tiện ích và kho lương thực đều được đặt tại đây. Và cũng theo truyền thuyết, hầm trú ẩn tuyệt mật được kết nối với trung tâm Mátxcơva bằng một con đường ngầm dành cho ô tô và đường sắt, dài 17 km, mà ngay cả một chiếc xe tăng cũng có thể chạy dọc theo đó. Người ta tin rằng chính tại đây Stalin đã chỉ đạo các trận chiến khốc liệt nhất gần Moscow vào mùa thu năm 1941.

CÓ ĐÚNG KHÔNG?

Cái gọi là “Boongke của Stalin” ở quận Izmailovo không gì khác hơn là một phần của một sân vận động chưa hoàn thiện, bắt đầu được xây dựng từ những năm trước chiến tranh, nhưng sau đó bị bỏ hoang và được triển khai ở quy mô nhỏ hơn dưới thời Khrushchev- nhà sử học đồng thời là tác giả nghiên cứu các công sự dưới lòng đất, người sáng lập bảo tàng “Boongke 703” - Dmitry Yurkov nói – Có tất cả tài liệu về căn hầm này còn được giữ gìn trong kho lưu trữ và chúng không liên quan gì đến cấu trúc bảo vệ. Những tin đồn phổ biến đã nhầm lẫn hành lang riêng dành cho khách VIP và báo chí là hầm trú ẩn. Không có một đặc điểm nào chứng minh đây là một boongker chống bom: độ sâu, bề dày của tường, “nệm” bê tông cốt thép,hệ thống thông gió tự động, hệ thống cấp nước, cửa thoát hiểm... Nhưng quả là có một đường hầm được ghi rõ trong các tài liệu.

Đúng vậy, nó không dài 17 km mà chỉ là 74 mét, và kết nối không phải giữa nơi trú ẩn bí mật với trung tâm Moskva mà là những lối vào của sân vận động cùng tiền sảnh. Và đương nhiên, Stalin không có việc gì phải làm ở đây.

Tương tự như vậy, “căn hầm số 42” tại ga metro “Taganka” cũng không liên quan gì đến Stalin. Đây là một trung tâm liên lạc an toàn dưới lòng đất thuộc sở hữu của Bộ Truyền thông, một trong ba trung tâm tương tự ở Moscow. Nó được xây dựng vào những năm 1950, sau Thế chiến 2

Tuy nhiên, cũng có những boongke chính hiệu ở Moskva dành cho Stalin. Chiếc đầu tiên trong số chúng được hình thành vào tháng 4 năm 1941. Theo sắc lệnh, Tổ hợp thiết kế đường metro phải xây dựng hai nơi trú ẩn đặc biệt có phòng làm việc ở Điện Kremlin trong vòng một năm. Một đường hầm dài 165 mét được cho là dẫn đến các boongke này từ trong lãnh địa Điện Kremlin, dẫn thẳng đến khu vực tàu điện ngầm đang được xây dựng dưới thời Vasilyevsky Spusk.

Tuy nhiên, do chiến tranh bùng nổ nên họ không có thời gian để hoàn thiện. Kết quả là, một hầm trú ẩn dành cho Stalin trên lãnh địa Điện Kremlin đã được xây dựng vào mùa thu năm 1941 trong tình trạng bí mật nghiêm ngặt nhất. Những đề cập đến căn hầm trú ẩn này được lưu giữ trong hồi ký của con gái Stalin, bà Svetlana Alliluyeva: “Đến tháng 9 năm 1941, chúng tôi trở lại Moscow. Trước nhà chúng tôi, họ đang gấp rút hoàn thành việc xây dựng hầm tránh bom cho chính phủ, ngay bên ngoài căn hộ của chúng tôi. Sau đó tôi đã đến đó vài lần với bố tôi”.

Tuy nhiên, hầm trú ẩn lớn của chính phủ theo kế hoạch ban đầu (công trình số 25) vẫn được hoàn thành - mặc dù muộn hơn, khi vụ ném bom Moscow đã dừng lại.

Ba hành lang dẫn đến lối ra trên mặt đất được đặt ngay dưới các bức tường của Điện Kremlin, bao gồm cả lối ra thông qua Tháp Báo động cổ. Xét bên ngoài, không có gì ảnh hưởng tới sự tồn tại của tháp này - Dmitry Yurkov nói - Hầm trú ẩn có đường thông sang hệ thống đường tàu điện ngầm dẫn đến các đường hầm đang được xây dựng giữa các ga “Quảng trường Nhà hát trung tâm” và "Novokuznetskaya". Các đường hầm từ Cửa hàng Bách hóa GUM đến sông Moscow sau này được gọi là "Khu vực đặc biệt của tàu điện ngầm" và trong các vụ máy bay Đức oanh tạc được dành làm nơi ẩn náu cho “cư dân” của Điện Kremlin.

Người ta cũng biết về hai hầm tránh bom ở các biệt thự của Stalin - cái "gần" ở Kuntsevo và cái "xa" ở Lipki. Hơn nữa, nếu Stalin thường xuyên làm việc ở Kuntsevo tại ngôi nhà gỗ và tổ chức các cuộc họp ở đó, thì hầm tránh bom khổng lồ ở Lipki chỉ được hoàn thành sau khi Moscow không còn bị oanh tạc. Và liệu cuối cùng Stalin có đến căn hầm này hay không thì vẫn chưa biết chắc chắn.

GA MA VÀ NHÀ TÙ BÍ MẬT

Bầu không khí bí mật nghiêm ngặt trong việc xây dựng các hầm bảo vệ được thực hiện chu đáo đã sản sinh ra nhiều chuyện đồn đoán và những thêu dệt thêm. Tại Moskva có những huyền thoại về cả một mạng lưới đường hầm tàu ​​điện bí mật kết nối các boongke, được gọi là “Đường metro - 2” có chiều dài lên tới gần 150 km. Đặc biệt, một trong những huyền thoại này kể về nhà ga ma “Sovetskaya” giữa hai ga “Tverskaya” và “Nhà hát trung tâm” đã được xây dựng, sau đó tách khỏi tuyến đường metro chính và được giữ bí mật hầu như không một ai được biết.

Một số người còn tin rằng có một nhà tù dưới lòng đất để tra tấn những người bị buộc tội hoạt động chống Liên Xô - được cho là ngay cả bây giờ ngồi trong những toa tầu lướt qua đây, nếu cố ý bạn có thể nhìn thấy cửa sổ của trong những một nhà tù bí mật ấy, và đôi khi có cả bóng người ẩn hiện…

CÓ ĐÚNG KHÔNG?

Dmitry Yurkov cho biết: “Việc xây dựng một công trình ngầm ở rìa Quảng trường Sovetskaya (nay là Tverskaya) đã được tiến hành. – Đấy chính là công trnh số 84 - hầm trú ẩn lớn dành cho giới lãnh đạo Moscow. Người ta thực sự đã cố gắng ngụy trang nó như một công trình tàu điện ngầm thông thường và sử dụng những lối đào còn sót lại từ giai đoạn hai của tàu điện ngầm. Ngoài ra cũng có lối thoát hiểm dẫn đến tàu điện ngầm. Nhưng căn hầm này chưa bao giờ là ga tàu điện ngầm; ban đầu nó được thiết kế riêng biệt.

Tuy nhiên, những huyền thoại về nhà ga bí mật đã đóng cửa của tàu điện ngầm Moscow đều trên thực tế có cơ sở. Chúng ta đang nói về nhà ga Kirovskaya. Theo nghĩa đen, đằng sau bức tường từ ga dân sự có một sở chỉ huy bí mật cho lực lượng phòng không thủ đô - công trình kiến ​​​​trúc duy nhất được hoàn thành trước khi bắt đầu chiến tranh. Công trình này được ngụy trang thành công trình xây dựng một trạm biến áp, có tên là T-20.

Một boongke lớn xây bằng bê tông cốt thép cao hai tầng được đặt ở độ sâu 35 mét song song với ga tàu điện ngầm hiện có. Từ đây có những lối đi riêng dẫn đến ga và đường hầm tàu ​​điện ngầm. Và tòa nhà trụ sở của Lực lượng Phòng không đã được dựng lên phía trên đường Myasnitskaya. Đó là lý do tại sao, khi các cuộc không kích lớn vào Moscow bắt đầu vào mùa hè năm 1941, ga tàu điện ngầm Kirovskaya tạm thời trở thành hầm trú ẩn chính của Moskva. Vào đêm 26 rạng ngày 27 tháng 6, ga metro này không tiếp nhận “hành khách”. Các đường hầm được rào lại bằng những bức tường gỗ dán, những đoàn tàu chạy lướt qua.

Và nhà ga được chia thành các phòng có vách ngăn. Bộ Tổng tư lệnh, Ủy ban Quốc phòng Nhà nước, các tín hiệu viên và đích thân Stalin làm việc tại đây. Hết giai đoạn ấy, các lối vào hầm phòng không nằm sau bức tường của ga tàu điện ngầm này đã được sử dụng. Boongke trong tàu điện ngầm hoạt động cho đến khi công trình ngầm ở Điện Kremlin hoàn thành.

Tổng hành dinh chiến lược của Stalin dưới đường hầm metro


HẦM TRÚ ẨN CỦA STALIN Ở SAMARA: LỐI ĐI NGẦM DƯỚI SÔNG VOLGA VÀ TIỆM CẮT TÓC BÍ MẬT

Một hầm ngầm dành cho Stalin bắt đầu được xây dựng ở Kuibyshev vào cuối năm 1941, ngay dưới tòa nhà của Ủy ban thành phố. Độ sâu rất lớn - 37 mét (giống như một tòa nhà 12 tầng). Việc xây dựng được thực hiện một cách bí mật bởi bốn nghìn công nhân của công trình xây dựng tàu điện ngầm Moscow, những người được đặc biệt đưa đến Kuibyshev cho mục đích này.

Đất được dỡ bỏ vào ban đêm, những người xây dựng sống ngay tại đó hoặc trong những khu ký túc xá an toàn gần đó. Họ làm việc ba ca, trong vòng chưa đầy một năm 25.000 mét khối đất đã được dỡ bỏ và lấp đầy bằng 5000m3 bê tông. Sâu dưới lòng đất có phòng họp rộng 72m2 và phòng làm việc của lãnh đạo rộng 36m. Hầm dành cho 35 người không nhằm mục đích sinh sống lâu dài - chỉ để chờ đợi một tình huống nguy hiểm. Đồng thời, dưới Quảng trường Kuibyshev gần đó, một “Hầm Kalinin” khác được xây dựng cho Bộ Tư lệnh Tối cao, có quy mô lớn hơn gấp ba lần. Việc xây dựng chỉ được hoàn thành vào cuối năm 1942.

Hầm trú ẩn của Stalin ở Kuibyshev đã được giải mật vào những năm 90, và nó ngay lập tức được bao quanh bởi những huyền thoại. Trái ngược với phiên bản chính thức rằng Stalin chưa bao giờ đến thăm “thủ đô dự bị” trong chiến tranh, có một số nhân chứng ở Samara đã nhìn thấy ông ở đó. Thợ làm tóc Olga Slesareva, lúc đó mới 17 tuổi, khai rằng cô đã cắt tóc và ria mép cho Stalin nhiều lần trong căn hầm dưới Nhà Công nghiệp. Cũng có bằng chứng về một người gác cổng được cho là đã nhìn thấy Joseph Stalin ở gần tòa nhà Ủy  ban thành phố.

Nhà sử học và nhà xã hội học Samara Leonid Ostretsov tự tin khẳng định rằng rằng không thể loại trừ khả năng Stalin ở lại Kuibyshev.

Nhà nghiên cứu cho biết: “Trong nhật ký về các chuyến thăm của Stalin, được lưu giữ rất cẩn thận, có khoảng cách 11 ngày, từ ngày 15 đến ngày 27 tháng 11 năm 1941, khi một tình hình đặc biệt khó khăn phát triển gần Moscow, Stalin vắng mặt ở thủ đô. Ngoài ra còn có hồi ký của những người làm phim tài liệu - do trục trặc kỹ thuật nên âm thanh không được ghi lại bài phát biểu của Stalin tại cuộc duyệt binh ngày 7 tháng 11. Nhưng họ chỉ có thể tiếp tục ghi âm vào ngày 27 tháng 11, sau những thành công đầu tiên trong việc bảo vệ Moscow. Có thể Stalin không có thời gian, có thể ông ấy bị ốm. Nhưng có lẽ ống ấy đã ở Kuibyshev? Suy cho cùng, chính phủ, gia đình và thậm chí cả đồ đạc cá nhân của Stalin, cho đến đôi ủng nỉ, đã rời khỏi đây từ trước.

Điều thú vị là nhà văn Alexander Solzhenitsyn cũng nói về thời gian Stalin ở Kuibyshev và chuyến thăm hầm trú ẩn của ông.

Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Lịch sử của Đại học Samara Peter Kabytov, nhớ lại: Solzhenitsyn đến Samara vào năm 1995, chúng tôi đưa ông ấy đi tham quan thành phố.Và khi họ đưa ông ta đến lối vào hầm, Solzhenitsyl đột nhiên nói: “Anh có biết Stalin thực sự đã ở đây không?” Nhưng làm sao Solzhenitsyn có thể biết chắc điều này? Suy cho cùng, trong chiến tranh, ông ta chỉ là một lính pháo binh đơn giản ở mặt trận! Nếu Stalin đến thăm quân đội tại Kuibyshev, có lẽ ông ta sẽ tổ chức một số cuộc họp, nhưng không có loại cuộc họp nào như vậy trong tài liệu cả. Và những chỗ trống trong nhật ký thăm viếng có thể là do bệnh tật hoặc những chuyến đi ra tiền tuyến.

Một truyền thuyết khác cũng kể rằng có một lối đi ngầm có đường sắt dẫn từ hầm trú ẩn của Stalin ở Kuibyshev tới phía bên kia sông Volga. Nó kết thúc với một thành phố được cho là dưới lòng đất ở dãy núi Zhiguli đối diện Samara.

Khi hầm trú ẩn của Stalin được giải mật vào những năm 90, mọi người đổ xô đi tìm lối đi ngầm này nhưng không bao giờ tìm thấy. Rất có thể, đây là một huyền thoại- nhà sử học và hướng dẫn viên du lịch Alexander Androsov cho biết.

Tuy nhiên, một số người nói rằng vẫn còn một lối đi ngầm từ đây - đến Vườn Strukovsky gần đó. Người ta cho rằng đất đã được dỡ bỏ qua lối đi này trong quá trình xây dựng hầm trú ẩn. Nếu không thì làm sao các công nhân có thể di chuyển 25 nghìn mét khối đất mà không ai biết. Nhưng sau đó lối đi này cũng bị bỏ quên.

“HANG GẤU”: THÀNH PHỐ BỔ XUNG TRONG RỪNG SMOLENSK

Tin đồn rằng tại làng Krasny Bor gần Smolensk, người Đức đã xây dựng cả một thành phố dưới lòng đất để Hitler ẩn náu bắt đầu lan truyền gần như ngay lập tức sau chiến tranh. Ngay lập tức, nơi này được các nhân viên của Viện “Ahnenerbe” lựa chọn. Thành phố ngầm này được đặt tên là "Berenhalle", "Bear Hall" hoặc "Bear's Den".Nó được xây dựng từ mùa thu năm 1941 và hoàn thành vào mùa hè năm 1942. Với độ sâu 27 mét, hàng trăm cây xanh đã được trồng để ngụy tranh cho nửa cây số đường hào và 42 khu nhà ở.

Truyền thuyết kể rằng dưới lòng đất có những khu sinh hoạt khổng lồ, nhà kho, căng tin, nhà máy điện..v.v., và những lối đi riêng dẫn đến một bến tàu bí mật trên bờ sông Dnieper đưa đến một sân bay dã chiến. Theo tin đồn, có hơn ba nghìn người đã xây dựng công trình dưới lòng đất này - cả thợ xây người Đức và công nhân dân sự Liên Xô. Hơn nữa, do cơ sở được đảm bảo tuyệt mật nên các đội thi công sau đó đã bị bắn không thương tiếc. Được biết, ngay gần khu vực xây dựng hầm trú ẩn, 25 ngôi mộ tập thể sau đó đã được phát hiện, trong đó thi thể của 22 nghìn người được tìm thấy.

Năm 1943, Đức Quốc xã rút lui khỏi Smolensk nhưng cơ sở siêu bí mật này không bị nổ tung. Theo truyền thuyết, vì những vật có giá trị bị cướp phá ở vùng Smolensk và khu vực xung quanh được cho là đã cất giữ tại công trình dưới lòng đất này. Sau khi Hồng quân giải phóng vùng Smolensk, các cửa sập bằng kim loại ở Berenhall được hàn kín, các lối vào được đổ bê tông và bản thân các căn hầm dưới lòng đất cũng bị ngập nước.

Năm 1989, một nhóm những người đam mê đã cố gắng đột nhập vào hầm trú ẩn, nhưng cuối cùng họ tuyên bố rằng các hầm ngục ngập nước đã được khai thác. Một cuộc thám hiểm khác được thực hiện dưới sự kiểm soát của chính quyền khu vực vào năm 2003. Trong sáu tháng, các nhà nghiên cứu với thiết bị đã tìm kiếm trên diện tích rộng trên 60 kilomet vuông. km. Tìm thấy nhiều đồ vật cơ sở hạ tầng - đường ống dẫn nước, nhà máy xử lý nước thải, các kết cấu bê tông cốt thép khác nhau. Nhưng thành phố ngầm không bao giờ tìm ra.

Điều duy nhất mà đoàn thám hiểm tìm thấy là sáu cửa hầm chứa đầy bê tông nhưng chúng không thể mở được. Một phiên bản khác ngay lập tức xuất hiện - được cho là có tồn tại một thành phố dưới lòng đất, nhưng ở một nơi hơi khác - dưới những ngôi mộ tập thể của các đội xây dựng. Nhưng hiện nay ở đó đã có khu dân cư phát triển nên không thể xác minh phiên bản này.

Trong thực tế, mọi thứ đơn giản hơn nhiều- Dmitry Yurkov khẳng định - Việc xây dựng công sự dưới lòng đất là điển hình cho khoa học công sự của Liên Xô. Người Đức- như một quy định - không đào quá sâu dưới lòng đất mà xây dựng các boongke giống như những “khối” bê tông có cửa đóng kín. Do đó, những phát hiện trong cuộc thám hiểm của địa phương là khá logic – những gì tìm thấy đã khẳng định rằng những kết cấu bê tông cốt thép đều nằm trên bề mặt và chỉ có cơ sở hạ tầng kỹ thuật thì nằm dưới lòng đất.

TÔ HOÀNG chuyển ngữ