Trong “Tây du ký” có hình tượng cây quạt ba tiêu thần
thánh có công năng kỳ diệu biến to thu nhỏ, quạt một cái thì lửa tắt, quạt hai
cái thì gió nổi, quạt ba cái thì mưa xuống. Gọi là “ba tiêu”, vì “ba tiêu” có
nghĩa là cây chuối, quạt giống với tàu lá chuối nên gọi ba tiêu.
Cổ mẫu “lá” trôi trên dòng thời gian...
NGUYỄN THANH TÚ
Dấu vết ngôn ngữ cho thấy từ thời xa xưa, chiếc lá đã
được coi là biểu tượng cho con người. Các thành ngữ: “Lá rụng về cội” vừa chỉ
quy luật tự nhiên vừa là bài học phải nhớ về nguồn cội; “Lá lành đùm lá rách” ý
nói phải đùm bọc, cưu mang nhau trong lúc khó khăn; “Lá ngọc cành vàng” chỉ người
con gái may mắn sinh ra trong gia đình giàu có…
Lại có cả người xấu “Lá mặt lá trái”… Ca dao có những
câu xót lòng khi diễn tả một bi kịch, một nghịch lý đau đớn: “Lá vàng còn ở
trên cây/ Lá xanh rụng xuống trời hay chăng trời”. Để chỉ hoàn cảnh người tài
hiếm hoi, thì “Nhân tài như lá mùa thu”…
Sách “Sáng thế” trong “Kinh Thánh” kể, Đức Chúa Trời tạo
ra Adam từ cát bụi rồi đặt vào vườn Eden (địa đàng) để có thể ăn thỏa thích
trái cây các loại, trừ cây tri thức về thiện ác. Đức Chúa lại tạo ra Eva từ một
trong những chiếc xương sườn của Adam. Đấy là những vị tổ tiên hồn nhiên thánh
thiện của loài người. Nhưng con rắn đã dụ dỗ Eva ăn trái cấm. Nàng lại đưa cho
Adam… Được “ăn” tri thức nên họ bừng tỉnh tri giác. Mà tri giác đầu tiên là về
sự xấu hổ. Thế là họ lấy lá cây kết lại thành khố để che…
Chung quanh huyền tích này, ít nhất có mấy ý nghĩa: Một
là, con người ta chỉ khôn lên khi được tiếp thu tri thức. Hai là, phẩm hạnh đầu
tiên cũng là nhận thức đầu tiên của con người là biết xấu hổ. Điều này gần gũi
đạo Nho với khái niệm “vô liêm sỉ” tức không biết xấu hổ thì không phải là người.
Ba là, khởi thủy “lá”, tức thiên nhiên cây cối che chở con người, nên nếu có
“liêm sỉ” thì con người phải biết ơn tự nhiên, cây cối…
Sau này Đức Giêsu dạy các môn đệ: “Thầy là cây nho,
các con là cành lá” tức tất cả đều thống nhất trong “cây vũ trụ”, cũng thống nhất
như trong một cơ thể vậy. Lá cành tươi tốt nhờ thân cây cường tráng, khỏe mạnh
và ngược lại. Cây nho phải nhờ cành lá mới có thể kết quả. Dễ hiểu sau này
trong văn học, nghệ thuật phương Tây rất giàu có hình tượng cây nho, cành nho,
lá nho, quả nho. Ngoài biểu hiện quy luật tự nhiên, còn là quy luật đời sống,
xã hội, đạo đức, đạo lý…
Qua các dụ ngôn, “Kinh Thánh” còn răn dạy những bài học
làm người thấm thía. Muốn cây nho nhiều quả cần phải cắt tỉa những cành lá gầy
guộc, non bấy. Nhất là trong ba năm đầu chưa có trái, nho phải được tỉa thật sạch
để phát triển tươi tốt. Con người cũng vậy, phải biết cắt bỏ những tính hư nết
xấu để trong sáng, khỏe mạnh… “Dạy con từ thuở còn thơ”, trong mấy năm đầu đời,
trẻ con như tờ giấy trắng, dạy cái gì dễ ăn sâu vào ký ức để trở thành ấn tượng
đi suốt đời.
Cách nay gần 2.500 năm, tại Ấn Độ, Phật tổ ngồi dưới gốc
bồ đề và ngộ ra giáo lý giải thoát đầy nhân bản. Bồ đề (Bodhi), trong các từ điển
Phật học có nghĩa là giác ngộ, là trí tuệ, trí huệ để con người buông bỏ cái
“tham, sân, si” thấp hèn mà vươn tới bầu trời Niết-bàn minh triết sáng láng. Từ
đó về sau, vị trí cây bồ đề là một trong bốn nơi đầu tiên được ví như một trong
bốn cây cột tâm linh nâng đỡ tòa tháp bảo vật tưởng nhớ Phật tổ. Cây bồ đề đi
vào tâm thức chúng sinh Phật tử như là cây của học vấn, của sự “thức tỉnh”. Có
hình dáng giống trái tim nên lá đề trở thành biểu tượng, một mã văn hóa kiến tạo
nên những mô hình mang tính thiêng của đạo Phật, có nhiều nhất trong các di sản
kiến trúc.
Trong lịch sử văn hóa Việt Nam, hình tượng lá bồ đề rất
phổ biến trong các chùa tháp thời Lý, Trần - thời kỳ Phật giáo được coi là quốc
giáo. Đối sánh với các quốc gia khác, biểu tượng lá đề của ta có phần tinh tế,
mềm mại hơn. Ở nhiều chùa, hình lá đề xuất hiện trong vòng hào quang tượng Phật,
trong hình vòm cửa, trong hình dáng một số đồ nghi lễ...
Theo nhiều nghiên cứu kiến trúc, biểu tượng lá đề mang
tính mô phỏng hình ảnh thực với mũi lá nhọn, phình to phần giữa, thu vào rồi
hơi thót phần giáp cuống.Thời Lý, lá đề có mô hình nhỏ nhưng đến thời Trần mô
hình lớn hơn nhiều, được trang trí thêm hình ngọn lửa ở vị trí các đường diềm của
lá. Ngọn lửa luôn tỏa sáng hay Phật pháp tỏa sáng soi đường cho chúng sinh đi
trên con đường Giác ngộ, thật ý nghĩa.
Cổ mẫu “lá” trôi vào dòng văn học viết (Trung Hoa) được
mở rộng về nghĩa. Trong “Tây du ký” có hình tượng cây quạt ba tiêu thần thánh
có công năng kỳ diệu biến to thu nhỏ, quạt một cái thì lửa tắt, quạt hai cái
thì gió nổi, quạt ba cái thì mưa xuống. Gọi là “ba tiêu”, vì “ba tiêu” có nghĩa
là cây chuối, quạt giống với tàu lá chuối nên gọi ba tiêu. Theo ngũ hành, cây
chuối thuộc âm, kỵ dương nên quạt này dùng dập lửa Hỏa Diệm Sơn. Thì ra, cây lá
không chỉ gần gũi, nuôi sống con người, còn giúp con người thoát nạn thiên tai.
Từ đó, đến nay không ít người dân Trung Hoa dù dùng quạt nhỏ làm bằng lá cọ,
cũng gọi là “quạt ba tiêu”.
Lá còn để chỉ sự trôi chảy của thời gian: “Ngô đồng nhất
diệp lạc/ Thiên hạ cộng tri thu” (Một lá ngô đồng rụng/ Thế là thu đã sang). Chảy
vào văn học Việt Nam, hình tượng lá dừng lại, nghiêng ngửa, đa diện, biến ảo
nhiều nhất trong “Truyện Kiều” (16 lần – theo “Từ điển Truyện Kiều” của Đào Duy
Anh). Ấn tượng hơn cả là “lá thắm” (“Cạn dòng lá thắm, dứt đường chim xanh”, “Dầu
khi lá thắm chỉ hồng”), lấy tích từ chuyện Vu Hựu đời Đường nhặt được trên dòng
sông chiếc lá thắm có đề bài thơ hay. Chàng đem về cất đi. Về sau chàng nên
duyên với Hàn Thị, vốn là một cung nữ - tác giả bài thơ. Thì ra “lá thắm” như
là định mệnh gắn kết đời nàng và đời chàng. Đi vào đời sống, “lá thắm” chỉ người
mai mối lương duyên.
Đến thời hiện đại, hình ảnh “lá rụng” trong thơ Bích
Khê làm nới rộng thêm về không gian: “Ô hay! buồn vương cây ngô đồng/ Vàng rơi!
Vàng rơi! Thu mênh mông”. Một chút ngạc nhiên, sững sờ khi thấy “vàng rơi” tức
những lá ngô đồng màu vàng cuối thu làm xao xuyến không gian, xao xuyến cả lòng
người. Một âm thanh của lá rơi, của bước chân con nai vàng trong thơ Lưu Trọng
Lư làm ngỡ ngàng cả một thế hệ: “Em không nghe mùa thu/ Lá khô rơi xào xạc/ Con
nai vàng ngơ ngác/ Đạp lên lá vàng khô”. “Lá vàng” trong thơ Chế Lan Viên gợi
nên những tiếc nuối hoài niệm buồn thánh thiện: “Ai đâu trở lại mùa thu trước/
Nhặt lấy cho tôi những lá vàng”…
Hình ảnh “Những luồng run rẩy rung rinh lá…” trong thơ
Xuân Diệu chắc còn làm “rung rinh” nhiều trái tim nghệ sĩ. “Lá rụng” nhiều nhất
trong mảnh vườn Thơ mới góp phần tạo nên một nét cảm quan mỹ học về cái đẹp
chia ly. Đến thời hiện đại thì ít hơn nhưng cũng không kém phần tinh tế. Hình
tượng chiếc lá rụng trong thơ thi sĩ Trần Hòa Bình như một lực hút thẩm mỹ chuyển
đổi cảm giác không gian: “Thêm một chiếc lá rụng/ Thế là thành mùa thu” (“Thêm
một”). Ấn tượng hơn cả là “chiếc lá” của nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại: “Người vá trời
lấp bể/ Kẻ đắp lũy xây thành/ Ta chỉ là chiếc lá/ Việc của mình là xanh” (“Lá
xanh”). Cái thế đối lập làm bật ra triết lý: hãy vui vẻ với chức phận mình, tri
túc. Có thể là vô danh, nhỏ nhoi nhưng bất tử!
Một nhà văn người Mỹ - ông O. Henry, để lại dấu ấn sâu
sắc cho văn chương nhân loại một truyện ngắn “Chiếc lá cuối cùng” viết về lòng
nhân ái cao cả, cảm động giữa những số phận nghèo khổ. Cô Giôn-xi mắc căn bệnh
sưng phổi. Nàng bi quan đến mức ngày ngày đếm lá thường xuân ngoài cửa sổ và
tin rằng chiếc lá cuối cùng rơi cũng là lúc mình sẽ chết. Biết điều ấy, cụ
Bơ-men – một họa sĩ già, trong đêm tuyết dữ dội đã tạo nên một kiệt tác: vẽ lên
một chiếc lá xanh trên tường. Cứu sống Giôn -xi, chiếc lá thường xuân ấy trở
thành biểu tượng vĩnh cửu về sức mạnh của nghệ thuật, về tình yêu thương, niềm
lạc quan sẽ cứu giúp con người, đưa họ từ nơi vực thẳm tối tăm trở về nơi rực rỡ
ánh sáng của tình người.
Cho đến hôm nay vẫn có nhiều nước tôn vinh hình ảnh
chiếc lá bằng cách in trên quốc huy, quốc kỳ, đồng tiền… Tiêu biểu là lá cờ của
Canada được thiết kế lá phong ở chính giữa hai phông màu trắng đỏ.Vì hình ảnh
cây phong với sắc đỏ vàng nổi bật là một trong những hình ảnh xinh đẹp và ấn tượng
nhất của quốc gia này. Không chỉ làm đẹp cảnh quan đất nước, thu hút khách du lịch,
cây phong còn mang những giá trị văn hóa, lịch sử, kinh tế lớn. Trở thành hình
tượng trung tâm của văn học, nghệ thuật, của tôn giáo, của các lễ hội…, cây
phong còn cho nhựa để làm siro và đường có giá trị cao, được thế giới ưa chuộng.
Nguồn: Văn Nghệ Công An