Câu chuyện xoay quanh Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam cuối cùng cũng được công khai trên các phương tiện truyền thông. Kéo theo nó là rất nhiều bàn cãi ở nhiều khía cạnh khác nhau. Tuy nhiên, có một khía cạnh đáng được xem là quan trọng nhất lại gần như không thấy xuất hiện bất kỳ một ý kiến trao đổi nào…


 

Chuyện không riêng ở Nhã Nam

VĂN ĐOÀN

1. 

Khởi đi từ một tin đồn, được râm ran truyền nhau qua vài tin nhắn riêng, hoặc mập mờ ở vài bình luận đây đó, vụ việc bắt đầu tạo sóng từ tuyên bố “chấm dứt hợp tác với Công ty cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam (sau đây gọi tắt là Nhã Nam)” của một tác giả sách bán chạy. Bắt đầu từ đó, đồn thổi về chuyện ông Tổng Giám đốc Nhã Nam - Nguyễn Nhật Anh - có hành vi quấy rối tình dục nhân viên nữ (nghe nói lại là người thân thích của chính tác giả kia) lan ra.

Không bên nào xác thực hay minh định thông tin cả. Kéo theo đó, tuyên bố tạm ngưng hợp tác với Nhã Nam của một dịch giả nổi tiếng và một tác giả sách khác cũng được đưa ra và nó càng khiến dư luận tin rằng chuyện quấy rối tình dục (QRTD) kia là có thật.

Đầu tiên, phải nhận thấy Nhã Nam, vốn hoạt động lẫy lừng trong giới kinh doanh sách và truyền thông, đã học được một bài học kinh điển về truyền thông từ chính tác giả sách đã mở màn làn sóng chấm dứt hợp tác với công ty này. Trên trang cá nhân có hơn 80.000 người theo dõi của mình, 4 ngày trước khi tuyên bố ngưng hợp tác với Nhã Nam, ông liên tiếp đăng tải 3 bài viết về vấn nạn QRTD và xâm hại tình dục (XHTD). Các bài đăng ấy nhận được hàng ngàn lượt likes, bình luận và chia sẻ của độc giả. Và khi cảm xúc của cộng đồng đã được nuôi dưỡng đủ, cùng với các thông tin rò rỉ xoay quanh nghi vấn ông Nguyễn Nhật Anh có hành vi QRTD đối với nữ nhân viên đã bắt đầu tạo ra sự tò mò, bài đăng “chấm dứt hợp tác” như phát đạn cuối cùng. Chính thức một vụ tai tiếng của Nhã Nam đã bắt đầu từ đó.

Thực tế, cho tới ngay lúc này, chưa một ai biết cụ thể hành vi của ông Nguyễn Nhật Anh là gì. Phía được xem là nạn nhân cũng kín tiếng, không cung cấp chi tiết. Lời xin lỗi cũng được ông Nguyễn Nhật Anh đưa ra trên trang fanpage của Nhã Nam, sau đó bị xóa và thay bằng một thông báo của Ban giám đốc Nhã Nam về chuyện cho ông Nguyễn Nhật Anh tạm ngừng công việc, chờ truy xét và xử lý. Chừng ấy cũng đủ để những ai nghi ngờ ông Nguyễn Nhật Anh càng tin hơn vào hành vi kia là có thật.

Rất nhiều phê phán đã được đưa ra. Và khách quan cũng thay đổi đối tượng phê phán của mình rất nhanh. Đầu tiên, họ phê phán hành vi QRTD. Sau đó, họ phê phán cách xin lỗi của ông Nguyễn Nhật Anh. Cuối cùng, họ phê phán cách xử lý khủng hoảng truyền thông của Nhã Nam. Ba đối tượng phê phán thay đổi chóng mặt chỉ trong vài ngày đó cho thấy một thực tế. Đó là không ai nắm rõ hành vi thực chất ở đây là gì nên việc phê phán ông Nguyễn Nhật Anh QRTD hơi bị yếu về dẫn chứng nên từ đó, với mặc định ông này có lỗi, họ phê cách xin lỗi của ông là thiếu thành thực.

Nhưng khổ nỗi, khi nạn nhân không nói rõ ông Nguyễn Nhật Anh đã làm gì; lời xin lỗi của ông Nguyễn Nhật Anh cũng không thừa nhận cái lỗi chính mà dư luận muốn xoáy vào là QRTD, dư luận cũng thiếu luôn luận điểm chắc chắn để công kích một người mà họ tin chắc đã phạm lỗi nhưng lại không thể chứng minh được hành vi ấy. Bản thân lời xin lỗi, dù có chưa thành thực đi nữa, nhưng lại cũng không có ý chối bỏ những sai lầm cá nhân, cũng khó có thể trở thành một tâm điểm để phê phán một cách tâm phục khẩu phục. Thế nên, cuối cùng, phê phán Nhã Nam kém trong xử lý khủng hoảng có vẻ hợp lý nhất.

Song, những tranh cãi như kể trên cũng sẽ không đi đến hồi kết nào cả và nó chỉ mất thời gian một cách vô ích. Rồi sự việc cũng sẽ trôi vào lãng quên như mọi làn sóng mạng xã hội khác. Chỉ có một vấn đề đọng lại mà ít ai trong chúng ta nghĩ tới, song nó hoàn toàn có thể là cơ sở để những vụ QRTD còn tồn tại trong xã hội hôm nay. Đó là chế tài với hành vi này dường như vẫn chưa đủ để mang tính răn đe.

2. 

Hiện nay, việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi QRTD vẫn chưa được Bộ luật Hình sự quy định cụ thể. Nhưng nếu chứng minh được hành vi QRTD đã xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm; danh dự người khác; thì người thực hiện hành vi này có thể bị xử lý hình sự về tội “Làm nhục người khác” theo Điều 155 Bộ luật Hình sự. Theo đó, tùy theo hành vi vi phạm có thể bị phạt cảnh cáo; phạt tiền từ 10 đến 30 triệu đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Thế nào là hành vi QRTD? Điều 84 Nghị định 145/2020/NĐ-CP có quy định về hành vi QRTD tại nơi làm việc như sau: QRTD quy định tại khoản 9 Điều 3 của Bộ luật Lao động có thể xảy ra dưới dạng trao đổi như đề nghị, yêu cầu, gợi ý, đe dọa, ép buộc đổi quan hệ tình dục lấy bất kỳ lợi ích nào liên quan đến công việc; hoặc những hành vi có tính chất tình dục không nhằm mục đích trao đổi, nhưng khiến môi trường làm việc trở nên khó chịu và bất an, gây tổn hại về thể chất, tinh thần, hiệu quả công việc và cuộc sống của người bị quấy rối. QRTD tại nơi làm việc bao gồm:

Hành vi mang tính thể chất gồm hành động, cử chỉ, tiếp xúc, tác động vào cơ thể mang tính tình dục hoặc gợi ý tình dục;

QRTD bằng lời nói gồm lời nói trực tiếp, qua điện thoại hoặc qua phương tiện điện tử có nội dung tình dục hoặc có ngụ ý tình dục;

QRTD phi lời nói gồm ngôn ngữ cơ thể; trưng bày, miêu tả tài liệu trực quan về tình dục hoặc liên quan đến hoạt động tình dục trực tiếp hoặc qua phương tiện điện tử.

Nơi làm việc quy định tại khoản 9 Điều 3 của Bộ luật Lao động là bất cứ địa điểm nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động, bao gồm cả những địa điểm hay không gian có liên quan đến công việc như các hoạt động xã hội, hội thảo, tập huấn, chuyến đi công tác chính thức, bữa ăn, hội thoại trên điện thoại, các hoạt động giao tiếp qua phương tiện điện tử, phương tiện đi lại do người sử dụng lao động bố trí từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại, nơi ở do người sử dụng lao động cung cấp và địa điểm khác do người sử dụng lao động quy định…

Chế tài xử lý hành vi này quy định tại Điều 11 Nghị định 12/2022/NĐ-CP Quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về thực hiện hợp đồng lao động như sau: Phạt tiền 15.000.000 - 30.000.000 đồng đối với hành vi QRTD tại nơi làm việc nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều gì sẽ xảy ra với một nữ nhân viên nếu cứ đến công sở là phải chịu đựng hành động QRTD từ chính các nam đồng nghiệp? Ai cũng có thể ngồi nói hàng giờ về hệ luỵ mà cô gái ấy phải gánh chịu. Song, có ai nghĩ điều gì sẽ xảy ra với một người đàn ông bị tố là có hành vi QRTD dù không ai chứng minh được ông ta có vi phạm. Sống trong sự dè bỉu, thậm chí là thóa mạ của các con mắt khách quan đã khó, đối diện người thân của mình còn khó hơn.

Một ví dụ rất cụ thể chính là trường hợp của một nhà sản xuất âm nhạc trẻ cách đây khoảng 15 năm. Trong quá trình làm việc với một nữ ca sĩ trẻ, anh này cũng lầm tưởng cô gái kia có tình cảm với mình. Thậm chí, chính cô, ngay ở chỗ công cộng, đông người, cũng không ít lần chủ động nắm tay anh. Người thân quen còn chứng kiến, lúc cùng trên xe taxi, cô còn thản nhiên nằm gối đầu lên đùi nhà sản xuất của mình ở trạng thái tỉnh táo hoàn toàn. Vậy mà sau khi chấm dứt không làm việc với nhau nữa, chẳng hiểu sao lại có tin đồn nhà sản xuất kia đã từng QRTD nữ ca sĩ nọ. Không chịu nổi dư luận, anh bỏ nghề và ra nước ngoài định cư, bặt vô âm tín luôn. Ở ngoài đời sống hôm nay, chúng ta cũng có thể thấy dễ dàng, chưa một ai nghĩ rằng đàn ông là nạn nhân trong một vụ QRTD mà hai phía khác giới với nhau.

Danh dự của một con người là vô cùng thiêng liêng. Người bị QRTD bị xâm hại danh dự một cách nghiêm trọng. Và trên thực tế, vấn nạn QRTD ở nơi làm việc vẫn xảy ra hàng ngày, với nhiều nạn nhân không thể lên tiếng vì ngại, vì sợ và hơn nữa, có lên tiếng cũng khó có thể tìm được công bằng nhờ pháp luật. Chính vì thế, cần có quy định pháp luật cụ thể để mỗi người có ý thức hơn về giới hạn có thể để biết dừng lại đúng lúc bởi nhiều khi đùa quá trớn cũng vô tình trở thành hành vi QRTD.

Có luật và dùng luật để tham chiếu, để tự uốn nắn hành vi, để tự ý thức sử dụng công cụ pháp luật nhằm bảo vệ mình cũng như đồng nghiệp của mình, đó chính là một hình thức tham gia xã hội một cách văn minh nhất chứ không phải dùng công cụ mạng xã hội và nhờ vào những người không chứng kiến minh định cho mình.

 

Nguồn: An Ninh Thế Giới cuối tháng