Thông thường các cây bút trẻ được “nhớ mặt đặt tên” bằng
chính giọng văn của họ. Điều này cũng dễ lý giải bởi ngoại trừ bản năng thì bản
xứ là một tài sản vô giá để người viết khai thác và đào sâu bởi sự thân thuộc
máu thịt
VĂN TRẺ 9X-2K: Điểm danh lực lượng và khuynh hướng
sáng tác
TỐNG PHƯỚC BẢO
Chờ hợp lưu của những dòng chảy trẻ và khỏe
Giải thưởng Tác giả trẻ Hội Nhà văn Việt Nam đã đi qua
3 mùa trao giải với nhiều tín hiệu tích cực lan tỏa trên văn đàn. Đây là giải
thưởng thường niên trong hệ thống giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam nhằm động
viên các cây bút trẻ dấn thân trên con đường văn học nhọc nhằn không có điểm kết
thúc cũng như tạo điều kiện, cơ hội để họ lan tỏa tác phẩm của mình đến với
công chúng. Từ năm 2021 đến 2023, đã có tổng cộng 8 tác giả trẻ thuộc thế hệ viết
9x - 2k (dưới 35 tuổi) được nhận giải. Tuy vậy, trên bình diện rộng của văn
đàn, lứa viết trẻ sinh năm 1990 đến sau 2000 còn nhiều cái tên đã làm một cuộc
bứt thoát mạnh mẽ và khơi dòng chảy mới cho văn chương Việt.
Có lẽ nhắc đến lứa viết này những người yêu văn chương
luôn theo dõi các chuyển động của các cây bút trẻ sẽ dễ dàng kể ra một loạt tên
tuổi. Nhưng, ấn tượng nhất phải kể đến Lê Quang Trạng của An Giang, một cây bút
vừa đoạt Giải thưởng Văn học thiếu nhi năm 2023 của Hội Nhà văn Việt Nam với
tác phẩm Cá linh đi học. Đây có thể nói là một thành tích nổi bật với cây
bút sinh năm 1996. Lê Quang Trạng còn là đại diện Việt Nam tham gia Diễn đàn
văn học châu Á lần thứ V năm 2023 tại Hàn Quốc. Dấu ấn Lê Quang Trạng để lại
trong lòng độc giả còn là một chất văn đậm đà phong vị Nam Bộ và nền tảng kiến
thức về văn hóa, lịch sử vững vàng của vùng đất này.
Cũng bước ra từ Giải thưởng Tác giả trẻ năm 2021, cái
tên Đinh Phương gây chú ý cho độc giả lẫn văn đàn bởi nét độc đáo trong từng
tác phẩm. Sau Chuyến tàu nhật thực, Nhụy khúc, thì Nắng Thổ
Tang cho thấy một Đinh Phương biến hóa khôn lường với một lối viết sắp đặt
kì công để dẫn dụ độc giả đi vào một không gian thực ảo đan xen đầy ma mị. Đọc
Đinh Phương, dễ thấy nhất chính là những câu chuyện nối hai miền xa xưa và hiện
thực để từ đó chuyển tải thông điệp về một cuộc người đa đoan trong cõi tạm phù
du này.
Nữ nhà văn trẻ Hiền Trang cũng là một cái tên mà mỗi lần
tác phẩm của cô gái sinh năm 1993 này ra mắt luôn được công chúng háo hức đón
nhận. Tác phẩm Giấc mộng lang thang trên đồng cỏ úa của cô đoạt giải
Ba Văn học tuổi 20 của Nhà xuất bản Trẻ lần 6 đã có một sắc màu văn chương mới
mẻ. Hiền Trang luôn biết cách làm mới mình, xác tín đường văn bằng những tác phẩm
ấn tượng mang sự kết nối tuyến tính. Hiện thực huyền ảo trong truyện ngắn của
Hiền Trang luôn có một hấp lực đối với độc giả. Hiền Trang cũng là cái tên đại
diện cho Việt Nam tham dự International Writing Program của Đại học Iowa (Mỹ) tổ
chức vào năm 2022.
Tuy không có điều kiện hoạt động văn chương ở các
thành phố lớn nhưng Phan Đức Lộc, chàng công an nơi miền núi Điện Biên, lại âm
thầm sống và viết một cách đầy máu lửa. Cây bút sinh năm 1995 này có truyện ngắn Xác
đá đoạt giải Nhì Cuộc thi truyện ngắn 2018 - 2020 của Tạp chí Nhà văn
và Tác phẩm. Xác đá gai góc, ấn tượng, cao tay và mê mị. Chính chất
trẻ trong góc nhìn văn chương đã đem đến cho Xác đá một kết cấu độc
đáo, bạo liệt chi tiết và thông điệp hàm chứa tầng nghĩa sâu thẳm hun hút. Thân
phận hữu hạn trong vòng quay tha nhân vô hạn đã tạo nên một câu chuyện huyền ảo
nhưng đầy chất hiện thực đến tàn tận nỗi đau.
Các cuộc thi văn chương ngày càng nở rộ, các cây bút
trẻ đi ra từ các cuộc thi đa phần có một điều kiện thuận lợi để định danh và mạnh
mẽ dấn thân hơn nữa trên hành trình viết của mình. Tuy vậy, đường văn luôn là
con đường dài, đòi hỏi sức bền cùng sự nỗ lực tìm tòi sáng tạo mới của các tác
giả để có thể khẳng định được vị trí của mình trên văn đàn.
Lấy bản xứ làm “căn cước văn chương”
Thông thường các cây bút trẻ được “nhớ mặt đặt tên” bằng
chính giọng văn của họ. Điều này cũng dễ lý giải bởi ngoại trừ bản năng thì bản
xứ là một tài sản vô giá để người viết khai thác và đào sâu bởi sự thân thuộc
máu thịt. Chữ chảy tràn trong vô thức khi viết đã tạo nên những tác phẩm hay, gắn
mác họ với quê xứ của mình. Bản xứ, nguồn gốc đã là một “căn cước văn chương”
giúp nhiều nhà văn trẻ tạo một vị trí riêng biệt cho mình giữa những người đồng
nghiệp cùng thế hệ. Nhà thơ Lý Hữu Lương với tập thơ Yao tạo một tiếng
nói mạnh mẽ để công chúng biết tới một tộc người sinh sống đậm đà bản sắc văn
hóa trên vùng núi Tây Bắc. Tác phẩm này của Lý Hữu Lương đã đoạt Giải thưởng
Tác giả trẻ năm 2021 của Hội Nhà văn Việt Nam. Tương tự, cây bút trẻ Nguyên Như
hiện đang sinh sống tại Krông Nô, Đắk Nông đã mang đến cho giới mộ điệu thi ca
một Tây Nguyên mập mờ ánh lửa, dưới đại ngàn xanh thẳm, những tộc người vẫn
đang từng ngày bám rừng giữ tục lệ xưa cũ. Sau hai tập thơ Lưng lửng hồn,
Ngược tìm phía trước, Nguyên Như đã quay trở về với nguồn cội bằng tập
thơ Chư B’luk Clu Clâm (2023, Nxb Hội Nhà văn). Trong dự định của năm
2024, cây bút trẻ 9x này lại đào sâu về dân tộc Thái, một gốc bên nội của mình.
Sinh năm 2000 ở An Giang, sau khi ra mắt tập truyện đầu
tay Lạc đà bay năm 2023, anh chàng chiến sĩ công an Võ Đăng Khoa đã
nhanh chóng ghi dấu ấn trong lòng bạn đọc bởi những trang viết đậm chất miền
Tây Nam Bộ mênh mang và khắc khoải. Bằng lối viết chậm rãi, chắc nhịp và góc
nhìn mới mẻ, những phận người trên miên man sóng nước được Võ Đăng Khoa khai
thác sâu vào nội tâm và từ đó mở ra những trăn trở với thời cuộc hiện đại hóa
đang xoáy mòn những giá trị văn hóa của đất và người miệt Cửu Long này.
Trần Đức Tín là một nhà thơ trẻ quê gốc Cà Mau, lang bạt
đời mình lên Sài Gòn, rồi từ góc nhìn của đứa con xa xứ, quê nhà trỗi dậy ào ạt
trong thơ anh một cách se thắt lòng dạ. Tập thơ Chín nhánh da
vàng đưa Trần Đức Tín chạm tay vào Giải thưởng Tác giả trẻ năm 2022 của Hội
Nhà văn Việt Nam, cũng mở ra một con đường thơ đầy tươi sáng cho anh. Tên tuổi
của Trần Đức Tín bắt đầu lan tỏa trên nhiều mặt báo, thơ của anh chàng cũng gây
được nhiều sự chú ý và yêu thích của độc giả.
Nhà văn trẻ Lê Vũ Trường Giang cũng là cây bút đoạt Giải
thưởng Tác giả trẻ năm 2022 của Hội Nhà văn Việt Nam, với tác phẩm Bạc màu
áo ngự. Nhắc đến cây bút trẻ này, độc giả và dân văn chương đều biết đến hàng
loạt tác phẩm ghi đậm dấu ấn về xứ thần kinh như Căn cước xứ mưa, Nở tàn
biên niên ký. Chính Huế đã làm nên một bút hiệu Lê Vũ Trường Giang.
Dòng chảy mang cá tính mạnh
Huỳnh Trọng Khang là một cây bút trẻ tạo dấu ấn mạnh mẽ
qua những tác phẩm như Mộ phần tuổi trẻ, Những vọng âm nằm ngủ, Phật trong
hẻm nhỏ và mới đây là Bể trăng côi. Cây bút sinh năm 1994 này luôn
khiến văn đàn háo hức đón đợi, bởi ngay từ Mộ phần tuổi trẻ, Huỳnh Trọng
Khang đã gởi đi thông điệp của một người trẻ trong dòng chảy văn chương, những
niệm ý sâu thẳm trong lòng mình với tha nhân thời cuộc. Tính triết luận trong
văn chương của Huỳnh Trọng Khang được thể hiện rõ qua từng chặng hành trình anh
đi với văn chương. Mỗi một tác phẩm là một góc nhìn với xã hội, với con người
và hơn hết là với một cõi người còn đầy trầm luân. Nắm hay buông, thiện hay ác,
ảo hay thực, cuối cùng con người ta về lại với chính mình, soi mình trong đêm với
ánh trăng chỉ là bóng mình. Huỳnh Trọng Khang tạo một dòng chảy cho riêng mình,
không khuất lẫn với những tác giả trẻ khác đang rầm rộ viết lách.
Tương tự, bước ra từ Giải thưởng Tác giả trẻ năm 2022,
Vĩ Hạ bỗng chốc tạo nên một cuộc bàn tán bởi chưa bao giờ cái tên này xuất hiện
trên báo chí, chưa một tác phẩm nào công bố, cho đến khi tập thơ đầu
tay Đi tìm những bóng người của cây bút sinh năm 2004 này được công bố
và trao giải. Tập thơ đầu tay năm 18 tuổi của chàng trai trẻ này gây một dư luận
trái chiều bởi thơ Vĩ Hạ như một bức tranh trừu tượng chồng chồng lớp lớp những
gam màu trầm và những ẩn ức đến buốt nghẹn của thế hệ trẻ giữa thời đại phẳng. Ở
thế giới của nội tâm, chàng trai 18 tuổi như vừa thét gào, vừa mong mỏi, lại vừa
chênh vênh. Tuy vậy, tựa một mầm xanh đang cựa mình cần sự tắm tưới để đâm cành
kết trái, thơ Vĩ Hạ vẫn có một lượng công chúng trẻ yêu thích, bởi giản đơn đó
là tiếng nói của thế hệ 2k trong nhập nhoạng giao thời của truyền thống và công
nghệ.
Thế giới người trẻ với những suy niệm đầy mới mẻ đã
khiến văn đàn chứng kiến những tác phẩm mang nhiều chiều kích của tư duy. Yang
Phan, tác giả trẻ sinh năm 1994 với tác phẩm Vụn ký ức đoạt giải Nhì
Văn học tuổi 20 lần 7, gây ngỡ ngàng cho giới chuyên môn bởi lối viết mới mẻ bằng
cách xoáy sâu vào nội tâm con người, xé nhỏ những ký ức, từ đó mở ra một chiều
kích suy nghĩ cho chính con người bằng những nội tại dằn vặt giữa đau khổ và hạnh
phúc. Tiếng nói người trẻ trong văn chương của Yang Phan cực kỳ mạnh mẽ, thậm
chí trần tục nhưng đó chính là một người trẻ của thời đại. Chúng ta luôn phải
chấp nhận và ứng biến trước những đổi thay tâm tính bởi những va đập trong cuộc
đời, nhất là khi chúng ta còn trẻ. Yang Phan có một fanpage viết những câu chuyện
tình của người trẻ hiện đại thu hút gần 60 ngàn lượt theo dõi. Từ trang mạng xã
hội này, Yang Phan hình thành một cộng đồng văn chương cho riêng mình.
Trong dòng chảy của người trẻ này, văn đàn còn chứng
kiến một Triều Dương sinh năm 2001 với tập truyện Không gì ngoài cơn
mưa đầy gai góc và sắc nét. Cô gái thuộc Gen Z này mang đến một thứ văn
chương trầm mặc, lạnh lùng nhưng đầy kiêu hãnh của một người con gái trẻ. Sự mạnh
mẽ và bứt thoát khỏi những xích xiềng của thân phận đã khiến màu văn Triều
Dương khác hẳn những cây bút nữ cùng lứa viết của mình.
Lịch sử, trinh thám, kinh dị vẫn âm
thầm sáng
Dòng văn chương lịch sử như một thách thức của người
viết trẻ, nhưng không phải vì thế mà không sôi động. Có thể kể đến như Thanh
Châu (1991) với Hỏa dực và Thánh dực dũng nghĩa; Tâm Phương
(1991) với Nhân duyên trăm năm… Nhưng có lẽ gây ấn tượng và bền bỉ nhất
là cô nàng Hoàng Yến sinh năm 1993. Tốt nghiệp Đại học Y dược Hải Phòng nhưng
trót đắm đuối sử Việt, Hoàng Yến đến với văn chương như một ngã rẽ và từ đó
nghiệp viết theo suốt cô. Mới đây, những ngày đầu năm 2024, Hoàng Yến vừa cho
ra mắt tập tiểu thuyết lịch sử thứ 3 mang tên Trăng tan đáy nước và
ngay lập tức bán được 600 bản chỉ trong vòng 2 tiếng mở đơn hàng đặt trước trực
tuyến thông qua hình thức livestream. Hay như Thành Châu, anh chàng 9x này luôn
chọn hình thức “gây quỹ phát hành” cho mỗi lần in ấn các tiểu thuyết lịch sử của
mình. Cách tiếp cận và bán sách mới mẻ đầy hiệu quả của các cây bút trẻ cho thấy
dù lực lượng viết dòng văn học này ít, nhưng vẫn tỏa sáng mạnh mẽ.
Cũng trong một dòng chảy âm thầm của văn chương, dòng
truyện trinh thám vẫn luôn gây “bão” mỗi lần ra mắt ấn phẩm. Mặc dù nhiều khi
giới viết lách vẫn coi trinh thám là văn chương thị trường, nhưng dòng chảy của
nó vẫn miệt mài và luôn có công chúng riêng. Có thể kể đến một loạt tên tuổi được
bạn đọc chú ý như Kim Tam Long với chuỗi “trinh thám trắng” như Mặt nạ trắng,
Ẩn ức trắng, Thảm kịch trắng. Hay như cô gái Gen Z có bút danh Doo
Vandenis hiện đang học kỹ thuật phần mềm với tiểu thuyết trinh thám 17 âm
1 tạo cơn sốt trong cộng đồng trinh thám khi chỉ sau 2 ngày mở bán đã lập
tức tái bản. Dòng truyện trinh thám thành công rực rỡ nhất phải kể đến cây bút
trẻ Đức Anh, người vừa đoạt Giải thưởng Tác giả trẻ năm 2023 của Hội Nhà văn Việt
Nam với tiểu thuyết Nhân sinh kép - sống hai cuộc đời. Đức Anh là
hình mẫu của một cây bút trẻ giàu nội lực, dung hòa được văn chương và thị trường.
Các tiểu thuyết trinh thám của anh chàng này luôn gây chú ý không chỉ cho bạn đọc
mà còn khiến giới văn chương xôn xao. Ngoài ra, với tư duy nhạy bén của người
trẻ, Đức Anh cũng là một trong những người làm truyền thông cực kỳ tốt cho dòng
văn chương trinh thám. Mới đây nhất, anh trở thành Streamer sách trên các nền tảng
mạng xã hội. Điều này khiến dòng sách trinh thám dù chỉ khởi phát như một mạch
ngầm của văn chương nhưng dần dà đã có một vị thế nhất định.
Mấy năm gần đây dòng văn học kinh dị như một thứ văn
chương gây tò mò cho công chúng. Nhưng có thể nói năm 2023, dòng văn học này bắt
đầu khởi sắc, không còn được coi là sân chơi ngoại biên nữa, đó là nhờ thành
công từ tác phẩm Tết ở làng địa ngục của cây bút sinh năm 1991, Thảo
Trang. Tiểu thuyết này được chuyển thể thành phim điện ảnh, được phát trên
Netflix, khiến dòng văn học kinh dị mở ra những cơ hội đầy mới mẻ. Có được
thành công này là nhờ sự tìm tòi và sáng tạo đầy đam mê của Thảo Trang. Văn học
kinh dị của tác giả này không chỉ đơn giản là “kể chuyện ma” mà ở đó là một
không gian đậm đà màu sắc văn hóa dân gian của Việt Nam. Thảo Trang đã mang đến
những câu chuyện hấp dẫn, mở ra thế giới huyền bí với những sinh vật, những thế
lực siêu linh đầy sống động, chân thực và cực kì hấp dẫn. Ngoài Thảo Trang còn
có Thục Linh, cũng là một cô gái Gen Z bén duyên với dòng văn học kinh dị qua
loạt tác phẩm như Tứ trấn huyễn linh, Ngôi làng cổ mộ. Thục Linh cũng
thành công khi biết tận dụng văn hóa dân gian lồng ghép vào các tác phẩm nên dù
kinh dị nhưng độc giả vẫn thấy đâu đó gần gũi trong các câu chuyện xưa cũ từ thời
ông bà hay dọa dẫm mỗi lần trẻ con ngỗ ngược.
Thay cho lời kết của bài viết này, khi ngồi điểm lại
những cây bút trẻ đang xác lập đường văn bằng các dòng văn học mà họ mê đắm,
tôi dễ dàng nhận thấy, ở người trẻ là một sự dấn thân mạnh mẽ đầy nhiệt huyết,
lẫn quyết liệt. Hơn hết, họ biết tự khơi dòng và mê mải trôi theo dòng chảy của
mình. Với họ, độc giả chính là người quyết định dòng chảy đó đến đâu và về đâu.
Suy cho cùng, không có chính thống, ngoại biên, hay thị trường nào cả. Khi độc
giả công nhận thì đó là văn chương. Bằng cách này hay cách khác, vào lúc này
hay lúc khác thì mọi dòng chảy đều sẽ hợp lưu tại một giao điểm. Và chúng ta gọi
đó là Văn chương Việt.
Nguồn: Văn Nghệ