Có thể thấy, văn học mạng đem đến với nhiều người cảm giác như viết văn thật dễ dàng, ai cũng có thể trở thành nhà văn và việc tiếp nhận các sáng tác mới chưa bao giờ dễ dàng đến thế...


Văn học "ảo" cần có giá trị thực

NGUYỆT HÀ

Khoảng 20 năm trở lại đây, cùng với mạng Internet và các nền tảng mạng xã hội, tác giả - dịch giả có thể thoải mái tự đăng tác phẩm của mình lên và tự tìm kiếm độc giả mà không qua một nhà xuất bản nào. Văn học mạng thực sự đem đến "luồng gió mới" đối với cả người đọc và người viết, tuy nhiên nó cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ, đồng thời là một thách thức đối với các nhà quản lý.

Lực lượng sáng tác đông đảo

Cho đến nay, khái niệm "văn học mạng" vẫn còn gây tranh cãi về hình thức sáng tác, tính chất, giá trị văn học của nó. Ở Việt Nam nhiều người vẫn nhầm lẫn "văn học mạng" với "văn học được đăng trên mạng". Sau các hội thảo về văn học mạng tại lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) - nơi khai sinh ra văn học mạng - và Trung Quốc đại lục - nơi có lực lượng nhà văn mạng lớn nhất thế giới hiện nay (ước tính khoảng 2 triệu người), người ta đều có quan điểm thống nhất cho rằng, tác phẩm "Lần đầu tiên thân mật" của Thái Chí Hằng (sáng tác năm 1998 tại Đài Loan) là tác phẩm đánh dấu sự ra đời chính thức của văn học mạng.

Làn sóng văn học mạng ban đầu lan đến Việt Nam qua những tác phẩm dịch của nhà văn Trang Hạ - vốn rất "thời sự" với văn học ở Trung Quốc một thời gây ra nhiều bàn tán, tranh cãi như "Xin lỗi, em chỉ là con đĩ", "Nắm tay và làm tình", "Mẹ điên", "Trôi dạt về đâu", "Lỡ tay chạm ngực con gái"... Dấu ấn về văn học mạng ở Việt Nam trở nên rõ nét hơn khi hội thảo về văn học mạng lần đầu tiên do Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật và Công ty Sách Bách Việt tổ chức vào tháng 3/2008 được nhiều tác giả - độc giả quan tâm và không lâu sau đã trở thành xu hướng phổ biến.

Có thể thấy, với văn học mạng ở Việt Nam hình thành một phần là do các tác giả viết trên nền tảng mạng xã hội, Facebook, trang web cá nhân, blog..., một phần là tác giả người Việt dịch văn học mạng nước ngoài sang tiếng Việt. Đến nay, ở Việt Nam đã dần hình thành một thế hệ các tác giả sáng tác văn học mạng và ít nhiều gây được ấn tượng đối với độc giả như: Nguyễn Thế Hoàng Linh, Đặng Thiều Quang, Nguyễn Phong Việt, Song Hà, Nguyễn Ngọc Thạch, Nguyễn Đăng Khoa, Phan An, Nhật Phi, Đức Anh...

Họ hầu hết là những người thuộc thế hệ 7X, 8X, 9X như Trần Thu Trang nổi danh với "Cocktail cho tình yêu", "Phải lấy người như anh", nhà thơ Phong Việt gây sốt với tập thơ "Đi qua thương nhớ", "Chuyện của thiên tài" của Nguyễn Thế Hoàng Linh, "Dị bản" của Keng, "Đoản khúc" của Phan Tuấn, "Giường ra đời" của Phan An... Một số tác phẩm của Anh Khang, Hamlet Trương, Gào... cũng đã trở thành những cuốn sách từ mạng xã hội xuất bản thành sách bán chạy nhất.

Không chỉ thế, một số tác phẩm ra đời từ văn học mạng sau khi được xuất bản thành sách còn đoạt một số giải thưởng văn học uy tín như: "Người ngủ thuê" của Đỗ Nhật Phi đoạt Giải Nhất giải thưởng Văn học tuổi 20 lần thứ 5 năm 2014; tác phẩm "Nhân sinh kép" của tác giả trẻ Đức Anh đã được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2023 ở hạng mục Tác giả trẻ. Những thành công được ghi nhận của các tác giả trưởng thành từ văn học mạng đã đem đến niềm hy vọng mới vào văn chương mạng và động lực cho người sáng tạo trẻ. Đồng thời, nó cũng tạo ra một không khí sáng tác tươi mới, tiệm cận với các trào lưu văn chương của thế giới trong các dòng văn học kỳ ảo, văn học trinh thám, văn học kinh dị...

Nhà văn trẻ Đức Anh cho biết, chính nhờ có không gian văn học mạng cởi mở mà anh đã có được các tác phẩm về sau đều đã được xuất bản thành sách và được ghi nhận như "Tường lửa", "Thiên thần mù sương" và "Nhân sinh kép". Tương tự là trường hợp của Hồng Sakura, sau khi đăng tải các tác phẩm trên mạng, tác giả này đã tạo được dấu ấn cho riêng mình sau khi ra mắt bộ truyện dài đầu tay gồm các tác phẩm: "Xu Xu đừng khóc", "Đài các tiểu thư", "Nếu em ở đây", "Bạch Mã hoàng tử" và "Lãng tử gió" do Công ty Sbooks và Nhà xuất bản Văn học phối hợp ấn hành.

Từ những thành công bước đầu này, đã ít nhiều cho thấy, văn học mạng có một ưu thế mạnh mẽ trong thế giới của người viết trẻ và độc giả trẻ hiện nay. Đến nay không chỉ các nhà văn trẻ trưởng thành từ đời sống văn học mạng mới quan tâm tới việc sáng tác trên mạng mà các tác giả thuộc thế hệ người viết đã trưởng thành như Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Quang Lập, Hồng Thanh Quang, Inrasara, Lê Thiếu Nhơn, Nguyễn Đình Tú, Phong Điệp, Văn Công Hùng, Trần Nhương... đều có trang web, những tài khoản cá nhân để bên cạnh việc đưa tác phẩm đã được xuất bản thành sách của mình đến với công chúng yêu văn, họ cũng đăng những sáng tác trực tiếp trên các nền tảng được số hóa. Đây cũng chính là một ưu thế lớn, một giá trị đặc thù của dòng văn học mạng khi tạo ra động lực để các nhà văn liên tục cho ra đời tác phẩm mới, liên tục tương tác và nhanh chóng nhận được các phản hồi từ độc giả.

Nhiều thách thức đối với nhà quản lý

Ở góc độ tích cực, tại buổi tọa đàm "Nhà văn với các xu hướng phát triển của văn học mạng" do Hội Nhà văn Hà Nội và CLB Văn học trẻ Hà Nội tổ chức hồi tháng 11/2023, nhà văn Nhật Phi đã chia sẻ chân thành: "Các bạn trẻ ngày nay đọc nhiều tiểu thuyết mạng của Trung Quốc hay truyện tranh của Nhật Bản - các tác phẩm chẳng bao giờ là ngắn cả. Đọc gì viết nấy, việc bước chân đầu tiên của các bạn trên đường sáng tác là truyện dài cũng là điều hết sức hiển nhiên. Bản thân tôi ban đầu cũng đúng là như vậy!".

Ngoài ra, theo ý kiến của một số nhà văn trẻ khác, việc theo dõi thường xuyên dư luận của công chúng về văn học mạng cũng là cách để các cơ quan quản lý nhà nước vừa nhìn thấu đáo về giá trị, điểm mạnh và mặt tích cực của tác phẩm văn học mạng, đồng thời đánh giá được thói quen tiếp nhận, xu hướng đọc của công chúng. Để từ đó có những điều chỉnh kịp thời cho phát triển văn học trong dòng chảy không biên giới của môi trường số.

Không thể phủ nhận rằng, sự xuất hiện - lan tỏa của các tác phẩm văn học mạng trong đời sống thực đã làm đảo lộn khá nhiều khái niệm cố hữu về văn chương và xuất bản truyền thống. Có thể thấy, văn học mạng đem đến với nhiều người cảm giác như viết văn thật dễ dàng, ai cũng có thể trở thành nhà văn và việc tiếp nhận các sáng tác mới chưa bao giờ dễ dàng đến thế... Tuy nhiên, chỉ cần gõ vài từ khóa đơn giản, rất nhiều website có lượng truy cập lớn hiện ra như: wattpad.vn, truyenfull.vn, thichdoctruyen.net...

Dạo một vòng qua những trang web và một số trang Facebook nổi tiếng, tiêu đề của các truyện được đăng tải hầu như đều muốn "điều hướng" người đọc đến các đề tài đầy tính "sốc, sex, sến" với những cốt truyện được quy ước theo đề tài như: tổng tài (nam chính lộng lẫy, giàu có), nữ cường (nữ chính mạnh mẽ, cá tính), tình yêu đồng giới (đam mỹ - đồng giới nam, bách hợp - đồng giới nữ), truyện viễn tưởng, truyện kinh dị...

Nhiều "nhà văn mạng" có thói quen viết hằng ngày, viết theo "đơn đặt hàng", viết theo thị hiếu, theo gợi ý từ các bình luận, phản hồi của người đọc. Chính sự dễ dãi trong khâu xuất bản của văn học mạng khi không có một cơ chế nào kiểm soát, thẩm định, đánh giá công minh, nghiêm ngặt như xuất bản truyền thống, đã góp phần tạo ra một bộ phận độc giả dễ dãi, hời hợt, dễ hài lòng ngay cả với những tác phẩm kém chất lượng.

Nhìn sang "thị trường" văn học Trung Quốc, từ lâu đã có các hiệp hội như Hiệp hội Văn học mạng tiếng Hoa, Hiệp hội Văn học mạng Trung Quốc, Hội Biên tập văn học mạng, Tuần lễ văn học mạng diễn ra thường niên, ngoài ra còn có một số giải thưởng về văn học mạng do các nhà văn và độc giả bình chọn... Còn ở Việt Nam, văn học mạng vẫn chỉ mang tính cá nhân - tự phát chứ chưa có tổ chức/hội nghề nghiệp nào được thành lập hay đứng ra làm "nhà bảo trợ" hay "người đỡ đầu" cho xu hướng sáng tác này.

Từ góc độ nhà quản lý, ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) chia sẻ: "Bên cạnh những mặt tích cực mà văn học mạng mang lại, đã và đang bộc lộ những "mảng tối" bởi sự tràn lan các sản phẩm có nội dung độc hại, đi ngược với thuần phong mỹ tục; nội dung đi sâu vào những tình tiết giới tính nhạy cảm, hay những câu chuyện về bạo lực, tác động tiêu cực đến văn hóa xã hội... Chúng tôi phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó vừa "xây" vừa "chống". Đối với phát triển, chúng tôi tập trung cao độ vào thực hiện chuyển đổi số, đẩy nhanh xuất bản điện tử cũng như mở ra một số thị trường sách mới như sách nói, sách tinh gọn... để đáp ứng nhu cầu của độc giả trong kỷ nguyên số hóa này...".

 

Nguồn: Văn Nghệ Công An