Trí tuệ nhân tạo đang tác động trực tiếp đến từng số phận con người, được tác giả trẻ Yang Phan soi chiếu trong truyện dài ‘Biến thể của cô đơn’.
Trí tuệ nhân tạo (viết tắt là AI- artificial
intelligence) trở thành điểm nóng trong đời sống nhân loại. Bởi lẽ, rung chấn của
trí tuệ nhân tạo không chỉ tác động tới giới khoa học hay kinh tế mà còn lan tỏa
đến địa hạt văn chương. Tính tiện ích vượt trội của công nghệ được trí tuệ nhân
tạo hứa hẹn sẽ kết nối mỗi con người với toàn thế giới, dường như lại làm con
người mất kết nối với chính mình.
Đứng từ góc độ ấy, tác giả trẻ Yang Phan đã viết truyện
dài “Biến thể của cô đơn” để suy ngẫm về cách con người vùng vẫy để thoát khỏi
cô đơn. Con người nhầm lẫn rằng công nghệ là giải pháp, và lạc lối rất lâu mới
nhận ra sự chữa lành đến từ chính bản thân.
Tác giả trẻ Yang Phan tên thật là Phạm Anh Tuấn, năm
nay 30. Từng đoạt giải Nhì (không có giải Nhất) của cuộc thi sáng tác Văn học
tuổi 20 với tác phẩm “Vụn ký ức”, tác giả trẻ Yang Phan được chú ý với nhiều
tác phẩm như “Ngày buồn sẽ tạm biệt ta mà đi”, “Đêm đã sâu sao em chưa tắt
đèn”, “Thế giới xấu xí, với anh, em vẫn đẹp”…
Với truyện dài “Biến thể của cô đơn”, tác giả trẻ Yang
Phan cho rằng: “Cô đơn buộc loài người thực hiện cuộc tìm kiếm sự đồng điệu bằng
công nghệ và các mối quan hệ chóng vánh. Cho đến một ngày, ta nhận ra đó chỉ là
liều thuốc mê nhằm xoa dịu khoảng trống trong mình. Biến thể của cô đơn là cuộc
hành hương của những con người đang tìm lại linh hồn giữa thời đại công nghệ.
Nhiều kẻ đã thành công. Số khác, vẫn chạy theo những chuỗi kết nối chưa bao giờ
thực sự tồn tại trên đời”.
Mở đầu “Biến thể của cô đơn” là sự kiện rô bốt phát hiện
ra một bản thảo văn chương còn sót lại sau khi loài người đã bị rô bốt tiêu diệt
từ lâu, và loài người chỉ còn được nghiên cứu trong môn “nhân loại học” chứ
không còn tồn tại. Bản thảo sót lại này là tập hợp nhiều mẩu chuyện hay tự bạch
của con người trong những ngày tháng cuối cùng của xã hội nhân loại, mỗi chương
là một “biến thể của cô đơn”. Mỗi nhân vật đều được kỳ công khắc họa: họ khắc
khoải tìm kiếm, họ vật lộn với bóng tối bên trong mình, họ rơi vào bi kịch hay
nỗi tuyệt vọng. Nhưng cuối cùng, họ luôn tìm được cách thoát ra.
“Biến thể của cô đơn” đưa ra câu chuyện của nỗi lo và
hy vọng, của việc đánh mất và tìm lại chính mình, của cố gắng để thực sự sống, thực
sự là người trong một tương lai máy móc.
Có lẽ những suy tư ấy không còn mới, và chúng đã xuất
hiện ngay từ buổi sơ khai của robot và trí tuệ nhân tạo. Nhưng dưới sự phát triển
ồ ạt và choáng ngợp của công nghệ, vấn đề này càng ngày càng trở nên cấp bách.
Và việc các bạn trẻ liên tục chất vấn, tìm kiếm câu trả lời trong văn học và mọi
lĩnh vực khác, là một tín hiệu đầy hy vọng. Nó chứng tỏ con người chúng ta luôn
không ngừng phản tư và phản tỉnh, để gìn giữ phần “người” trong bản thân mình
và mài giũa để phần “người” đó ngày càng thêm lấp lánh.
Trong dòng chảy văn học hiện đại, dưới kỷ nguyên công
nghệ, rất nhiều cây bút trẻ đã chọn thể loại viễn tưởng, giả tưởng, hậu hiện đại
hay hậu tận thế để chất vấn về thực tại. “2 người trong 1 ngăn tủ” của Phát
Dương, “Dị bản” của Đinh Khoa cũng có màu sắc tương tư “Biến thể của cô đơn”.
Điều này thể hiện sự cố gắng tìm tòi của các tác giả trẻ cũng như ý thức trách
nhiệm của người trẻ trước một thực tại đầy bất an và thách thức.
Truyện dài “Biến thể của cô đơn”, theo lời bộc bạch từ
chính tác giả Yang Phan, có “kết cấu như một series phim được trình chiếu trên
Netflix”. Từng mẩu chuyện - từng “biến thể” tưởng như rời rạc nhưng lại được
xâu chuỗi khéo léo, với những cú ngoặt ấn tượng ẩn giấu trong từng trường đoạn,
đưa đến một khám phá gây ngỡ ngàng vào kết thúc. Giọng văn linh hoạt, cách kể thay
đổi qua từng “biến thể” làm nổi bật sự đa dạng của chính nỗi cô đơn con người.
Tác giả trẻ Yang Phan chia sẻ: “Đây là thời đại chúng
ta sống quá nhanh, bị nhiều thứ chi phối, từ đó mất khả năng hiểu về tâm hồn
mình. Khi cuộc sống biến động và phải đối mặt với nỗi đau, sinh-lão-bệnh-tử, tổn
thương tinh thần, ta trở nên mỏng manh hơn. Thay vì chấp nhận và đi tiếp, chúng
ta tìm đến những thức-ăn-nhanh-tinh-thần nhiều hơn, từ mối quan hệ chóng vánh,
công nghệ, đến ảo tưởng công nghệ.
Bên cạnh đó, “Biến thể của cô đơn” có tên ban đầu là
f(x), là hàm số bất định. Nó thể hiện mối quan hệ của Vũ trụ - Con người - Trí
tuệ nhân tạo. Trong vài nhịp phát triển, công nghệ tưởng chừng đã nắm hết con
người. Tuy nhiên, đó chỉ là ngộ nhận, bởi con người là sinh vật sống phức tạp.
Tương tự, trong vài khoảnh khắc, con người tưởng chừng
nắm vững và thay đổi quy luật tự nhiên. Tuy nhiên, đó cũng là mơ ước viển vông.
Dù thông minh thế nào thì chúng ta cũng phải chịu luật vũ trụ, vốn là thứ mạnh
mẽ, khó lường”.
Khía cạnh tâm lý con người giữa thời đại công nghệ lên
ngôi cũng được Yang Phan đào sâu mô tả. Những trạng thái tinh thần như nỗi đau
mất mát, sự bất lực và chống đối thời cuộc, sự trơ lì cảm xúc... được khắc họa
tỉ mỉ.
Ngoài ra, “Biến thể của cô đơn” cũng nỗ lực chạm đến
những vấn đề lớn có ý nghĩa triết học như sự sống trong cái chết, con người là
một phần của tự nhiên, và những điều làm nên một cuộc sống đúng nghĩa. Đây là
những tìm tòi muôn thuở của văn chương cùng nhiều ngành khoa học xã hội, và mọi
tiếng nói mới góp vào cuộc thảo luận đều đáng được trân trọng.
Truyện dài “Biến thể của cô đơn” là một sáng tác rất
thời sự và nhân văn, Hành trình định nghĩa “con người” sẽ còn tiếp diễn, và có
lẽ nhờ vậy, đối diện trước những bất định của công nghệ và tương lai, chúng ta
sẽ vững tâm hơn.
NNVN