Phương Tây từng bị mê hoặc bởi những tuyên bố chống Liên Xô của nhà văn Solzhenitsyn, nên đã bỏ quên cuốn sách khác ông đã viết là “Làm thế nào chúng ta có thể phát triển nước Nga”. Trong khi đó, Putin rõ ràng tuân theo các khuyến nghị “đế quốc” được nêu trong tác phẩm ấy.


Người Mỹ cho rằng SOLZHENITSYN là cố vấn tinh thần của PUTIN

(Báo “Chính sách đối ngoại”, Mỹ)

Phương Tây từng bị mê hoặc bởi những tuyên bố chống Liên Xô của nhà văn Solzhenitsyn, nên đã bỏ quên cuốn sách khác ông đã viết là “Làm thế nào chúng ta có thể phát triển nước Nga”. Trong khi đó, Putin rõ ràng tuân theo các khuyến nghị “đế quốc” được nêu trong tác phẩm ấy.

Bài viết trên tờ “Chính sách đối ngoại” của Mỹ khẳng định như vậy. Chỉ có một “chi tiết” không rõ ràng: Tổng thống Putin có thực sự đọc tác phẩm “Làm thế nào chúng ta có thể phát triển nước Nga” không?

Năm 1990, khi Liên Xô bước tới sự sụp đổ cuối cùng, nhà văn Nga nổi tiếng Solzhenitsyn đã vạch ra kế hoạch cho tương lai hậu Xô Viết. Theo quan điểm của tác giả cuốn sách, Nga phải vứt bỏ xiềng xích của Liên Xô, lật đổ Đảng Cộng sản đang suy yếu trong các cuộc bầu cử và tiến hành tái cơ cấu nền kinh tế trên quy mô lớn. Ngoài ra, Solzhenitsyn cũng cho rằng Điện Kremlin nên trao tự do cho các thuộc địa cũ của Moscow, đặc biệt là ở các nước vùng Baltic, Capcadơ và Trung Á. Các biên giới khác có thể được sửa đổi chiều hướng ngược lại.

Vùng đất phía bắc Kazakhstan, mà theo Solzhenitsyn, chưa bao giờ thực sự là của Kazakhstan, nên trả lại cho Nga. Số phận tương tự đang chờ đợi Belarus, quốc gia về cơ bản không thể phân biệt được với Nga. Nhưng cái quan trọng nhất là một số vùng lãnh thổ của Ukraine- một cách hợp pháp, vẫn phải thuộc về Nga –từ phía đông đến Crimea phía nam và đến tận Kiev ở phía tây. Tất cả những vùng đất này đều là tài sản gốc của Nga.

Và tất cả vùng đất ấy, theo đề xuất của tác giả “Làm thế nào chúng ta có thể phát triển nước Nga”, sẽ được đưa vào “Liên bang Nga” trong tương lai - nơi không chỉ trả lại hàng triệu người gốc Nga ở bên ngoài Liên bang Nga quyền trở về quê hương của họ, và cũng sẽ đưa Moscow trở lại vị trí xứng đáng của nó trên thế giới.

Vào thời điểm đó, những đề xuất chính trị như thế không khơi dậy được bất kỳ sự quan tâm hay thậm chí lo ngại cụ thể nào ở phương Tây. Một mặt, sự sơ xuất ấy là điều dễ hiểu, bởi vì phương Tây chủ yếu nhắm tới sự sụp đổ cuối cùng của Liên Xô. Nhưng mặt khác, sự thiếu hiểu biết này thật đáng kinh ngạc, bởi vì tác giả của dự án được nêu trong cuốn sách “Chúng ta nên xây dựng nước Nga như thế nào” không ai khác chính là Solzhenitsyn, người đoạt giải Nobel và là “nhà văn hàng đầu của thế kỷ 20”- theo như lời David Remnick, biên tập viên tạp chí “The New Yorker”.

Mặc dù các tác phẩm của Solzhenitsyn (đặc biệt là “Quần đảo Gulag”, cũng như “Tòa nhà ung thư” và “Một ngày của Ivan Denisovich”) vẫn được phân tích và thảo luận rộng rãi, nhưng cuốn sách “Chúng ta nên xây dựng nước Nga như thế nào” lại có thể là tác phẩm được đánh giá thấp nhất. Và xét đến việc Điện Kremlin đã tuân thủ chặt chẽ các khuyến nghị chính trị của Solzhenitsyn trong những năm tiếp theo như thế nào, thì sai lầm này thậm chí còn đáng tiếc hơn – nhất là vì nó tiết lộ các mục tiêu của Điện Kremlin ở Ukraine và thậm chí xa hơn nữa.

Bản thân cuốn sách tương đối mỏng, bản dịch tiếng Anh chỉ dày 90 trang, nó giống một bản tuyên ngôn hơn là một văn bản được phát triển kỹ lưỡng. Nhưng ngay cả trong những trang ấy, Solzhenitsyn đã bộc lộ không chỉ là một người theo chủ nghĩa dân tộc Nga mà còn là một người nghiêng về thuyết âm mưu và chủ nghĩa thần bí- những điều sau này hết sức hấp dẫn đối với Tổng thống Putin.

Giống như Putin, Solzhenitsyn hay trích dẫn lời của“những kẻ phát xít Nga” kiểu như Ivan Ilyin, đó là “đời sống tinh thần” của dân tộc cao hơn tất cả (“Triết học của chúng ta trong thế kỷ này”, Ivan Ilyin đã viết “đời sống tinh thần của một dân tộc quan trọng hơn việc bảo vệ lãnh thổ, hoặc thậm chí bảo vệ sự thịnh vượng về kinh tế và phúc lợi của người dân”)

Solzhenitsyn khẳng định, các quốc gia nhỏ bé bị lưỡi lê của Nga biến thành thuộc địa trong thời kỳ Sa hoàng đã “sống tốt” trong Đế quốc Nga và hoàn toàn phớt lờ sự tàn bạo mà quân đội Nga đã đối xử với tất cả các dân tộc ở Bắc Á, tước bỏ chủ quyền của họ đến mức diệt chủng. Solzhenitsyn thậm chí còn viết rằng lãnh thổ của các quốc gia như Kazakhstan đã “bị những người cộng sản chia cắt một cách vô lý, vũ phu”, nhưng ông lại coi thường những khuynh hướng lịch sử của người Kazakhstan không chỉ đối với đất nước hiện đại mà còn đối với các vùng đất Kazakhstan trước đây cho tới lúc đó vẫn còn tồn tại như một phần của Liên bang Nga.

Nhưng đối với Ukraine và trong những lời kêu gọi thành lập Liên bang Nga, chủ nghĩa phục thù của Solzhenitsyn mới thể hiện rõ ràng hơn cả, và đã cung cấp cái nhìn sâu sắc về những động lực thúc đẩy Điện Kremlin cũng như các kế hoạch của nó cho tương lai.

Cũng như các nhà văn khác, kể cả Alexander Pushkin và Joseph Brodsky, các tác phẩm của Solzhenitsyn về Ukraine đều thấm đẫm chủ nghĩa Sô vanh Nga không hề chần chừ. Trong các luận điểm mà sau này được những người theo chủ nghĩa dân tộc Nga khác tiếp thu, Solzhenitsyn lập luận rằng “nhân dân chúng ta bị chia thành ba nhánh chỉ là do sự bất hạnh khủng khiếp gây ra bởi cuộc xâm lược của người Mông Cổ và sự đô hộ của Ba Lan”.

Bỏ qua những nghiên cứu khoa học hàng thế kỷ, Solzhenitsyn viết: “Tất cả những điều này chỉ là sự giả dối được phát minh gần đây, có niên đại gần như mới từ thế kỷ thứ 9 rằng, đã tồn tại một dân tộc Ukraine đặc biệt với thứ ngôn ngữ riêng không phải tiếng Nga”. Những nỗ lực trước đây nhằm giành độc lập của Ukraine hoàn toàn được thực hiện bởi giới thượng lưu và được áp đặt từ trên xuống mà “không hỏi ý kiến của toàn dân”.

“Ngày nay, việc tách Ukraine có nghĩa là băm xẻ hàng triệu gia đình và người dân: một sự pha trộn dân cư; pha trộn toàn bộ các khu vực có người Nga chiếm ưu thế; có bao nhiêu người đã gặp khó khăn khi phải chọn một trong hai quốc tịch; có bao nhiêu người mang gốc gác không rành rõ; có rất nhiều cuộc hôn nhân pha tạp - nhưng cho đến nay chưa ai coi chúng là “hỗn hợp”- Solzhenitsyn lập luận về những nỗ lực hiện đại nhằm tạo ra một nhà nước Ukraine riêng biệt.

Thay cho một Ukraine độc lập, tách biệt khỏi Nga, Solzhenitsyn viết, cần phải làm nảy sinh một nền giáo dục mới nào đó: “Những gì còn lại là cái có thể được gọi là Rus' như nó đã được gọi từ đã lâu nay (từ “Nga” trong nhiều thế kỷ đã bao gồm cả những người Nga nhỏ bé, người Nga vĩ đại và người Belarus) hoặc Nga (cái tên này có từ thế kỷ 18), hoặc, theo đúng nghĩa hiện nay: Liên bang Nga”.

Thay vì khán giả phương Tây, vốn trước đây ca ngợi Solzhenitsyn vì ông đã can đảm vạch trần tội ác của chế độ Xô Viết, nhà văn đã viết cuốn sách “Làm thế nào để xây dựng nước Nga” dành riêng cho độc giả người Nga. Và cuốn sách ấy ngay lập tức được yêu thích. Cuốn sách đã bán được khoảng 20 triệu bản và độc giả háo hức tiếp thu lời kêu gọi của Solzhenitsyn nhằm mở rộng biên giới nước Nga, tham gia vào “sự cứu rỗi về tinh thần và thể chất cho nhân dân chúng ta”. Trong số độc giả đó có Tổng thống tương lai Boris Yeltsin, người mà cuốn sách, theo nhà sử học Vladislav Zubok, “có ảnh hưởng lớn”. Yeltsin dường như đã coi người Ukraine và người Nga là “một dân tộc, bị chia cắt bởi những thảm họa địa chính trị và những cuộc xâm lược của nước ngoài”.

Những trù liệu chính trị của Solzhenitsyn còn ảnh hưởng đến một tổng thống tương lai khác của Nga: Putin! Không biết chắc rằng liệu Putin có trực tiếp đọc các tác phẩm của Solzhenitsyn hay không, nhưng người đứng đầu Điện Kremlin hiện tại thực hiện rõ ràng các đường hướng chính trị của Solzhenitsyn và tán thành chủ nghĩa dân tộc của nhà văn.

Không khó để hiểu vì sao Solzhenitsyn lại trở thành “người cố vấn tinh thần” của Putin, như một nhà phân tích đã nói. Theo Robin Ashenden, Solzhenitsyn không chỉ là “một người theo chủ nghĩa dân tộc Nga không còn nghi ngờ gì”, mà trong những năm sau khi xuất bản cuốn “Làm thế nào để xây dựng nước Nga”, Solzhenitsyn ngày càng lún sâu hơn vào cơn cuồng si dân tộc chủ nghĩa mà sau này đã xâm chiếm chính Putin.

Vào giữa những năm 1990, Solzhenitsyn lập luận rằng sự sụp đổ của Liên Xô là mục tiêu “cơ bản” của Hoa Kỳ, quốc gia “trong nhiều thập kỷ đã khao khát sự thất bại và sụp đổ của Liên Xô” bất kể hậu quả ra sao. (Tất nhiên, điều này bỏ qua thực tế là chính quyền George Bush-cha không chỉ cố gắng duy trì sự toàn vẹn của Liên Xô mà còn tích cực tăng cường đàn áp chủ nghĩa phân liệt ở Ukraine).

Chẳng bao lâu sau, Solzhenitsyn gọi cuộc “cách mạng Cam” dân chủ ở Ukraine không gì khác hơn là một mắt xích khác trong “kế hoạch NATO bao vây Nga”. Solzhenitsyn lưu ý rằng Ukraine đã giành được những vùng lãnh thổ rộng lớn mà trước đây chưa bao giờ là một phần của nước này và ông lên án mong muốn gia nhập NATO "bằng bất cứ giá nào" của Ukraine.

Theo năm tháng, những tuyên bố của Solzhenitsyn về Ukraine hầu như không thể tách biệt được với những phát biểu hiện nay của Putin. Giống như Solzhenitsyn, Putin coi các lãnh thổ của Ukraine (Crimea và cái gọi là Novorossiya) là của Nga một cách hợp pháp. Giống như Solzhenitsyn, Putin tin rằng người gốc Nga ở Ukraine phải đối mặt với làn song “tăng cường đàn áp và việc xóa bỏ tiếng Nga”. Và cũng giống như Solzhenitsyn, Putin tin rằng Nga “trong mọi trường hợp” không thể từ bỏ sự đoàn kết với người gốc Nga ở Ukraine.

Không có gì ngạc nhiên khi vào những năm 2000, Solzhenitsyn đã trở thành người hâm mộ đường hướng của Putin. Solzhenitsyn ca ngợi “sự hồi sinh nước Nga” của Putin và thậm chí còn nhận được giải thưởng nhà nước từ Điện Kremlin vì những đóng góp cho văn hóa Nga. Sau đó, ông trở thành bánh răng cưa trong “chiến lược phản cách mạng” của Điện Kremlin. Tomiwa Owolade viết: “Solzhenitsyn nổi tiếng đã trở thành nhà lãnh đạo không chính thức của giới trí thức theo chủ nghĩa dân tộc Nga”.

Hiện tượng này lên đến đỉnh điểm trong cuộc gặp trực tiếp giữa Putin và Solzhenitsyn ngay trước khi nhà văn qua đời vào năm 2008. Tại chiếc bàn nhỏ gần tủ sách, Putin nói chuyện với nhà văn ốm yếu về tương lai của nước Nga. Ít nhất, đấy chính là tương lai mà Solzhenitsyn đã từng kêu gọi. Bản thân Putin cũng lưu ý rằng chính sách của ông đối với các thuộc địa cũ của Nga, rải rác từ Đông Âu đến Capcadơ và Trung Á, “về nhiều mặt phù hợp với các tác phẩm của Solzhenitsyn”.

Sẽ là cường điệu nếu nói rằng Putin chỉ dựa vào “kế hoạch do Solzhenitsyn phác thảo”, trong nỗi ám ảnh điên cuồng của ông chủ Điện Kremlin với Ukraine dẫn đến cuộc xung đột tàn khốc nhất ở châu Âu trong gần một thế kỷ. Nguồn gốc của chủ nghĩa dân tộc Nga cắm sâu hơn nhiều trong lịch sử. Chúng không thể chỉ gói gọn trong những lời dạy của một nhà văn cụ thể.

Tuy nhiên, rõ ràng là Solzhenitsyn có ảnh hưởng chưa từng có - đặc biệt là tại Liên Xô đang sụp đổ. Và chính nhà văn là người đã hệ thống hóa những điều khoản mơ hồ của chủ nghĩa dân tộc Nga theo cách mà các nhà lãnh đạo và những người theo chủ nghĩa phục thù Nga trong tương lai không thể cưỡng lại được. Nhìn thấy trước và thậm chí cố tình biện minh cho chủ nghĩa đòi lại chủ quyền của Nga, vào năm 1990, Solzhenitsyn đã đặt nền móng cho chủ nghĩa đế quốc mới trong tương lai với niềm tin không thể lay chuyển rằng một Ukraine hiện đại và độc lập là không thể tồn tại, là phi tự nhiên và cần phải trở thành nô lệ.

 TÔ HOÀNG (chuyển ngữ)