Giáo sư Tô Ngọc Thanh, một nhân vật tâm huyết với sự nghiệp bảo tồn và phát huy văn hóa dân gian, vừa qua đời ở tuổi 90 vào sáng 24/4 tại Hà Nội.


Giáo sư Tô Ngọc Thanh là con trai trưởng của danh họa Tô Ngọc Vân (1906-1954). Giáo sư Tô Ngọc Thanh có nhiều năm giữ cương vị Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật Việt Nam và Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.

Con được gắn bó với văn hóa dân gian, được giáo sư Tô Ngọc Thanh bộc bạch: “Năm 1956, tôi vào học Khoa Sáng tác của Trường Trung cấp âm nhạc Việt Nam khóa đầu tiên, tiền thân của Học viện Âm nhạc quốc gia. Trường nhạc ngày ấy chỉ dạy nhạc cổ điển phương Tây. Tôi không thích những thứ đó mà chỉ ham tìm hiểu về dòng âm nhạc dân gian của đất nước mình. Tôi nghĩ, âm nhạc dân gian chính là âm nhạc của cuộc sống, bởi muốn hiểu người, hiểu đời thì phải hiểu ngọn nguồn của văn hóa.

Việt Nam mình là nước nông nghiệp, đa phần là nông dân, họ sống ở nông thôn, nơi chứa đựng dòng văn hóa dân gian vô cùng phong phú. Có thể nói văn hóa dân gian là “cốt tử” của người Việt Nam. Vì vậy, tôi sẵn sàng lặn lội khắp các vùng, từ Tây Bắc, Việt Bắc đến Tây Nguyên để sống cùng đồng bào và hiểu thứ âm nhạc mà họ đang sở hữu. Cách học, cách nghiên cứu của tôi là thế”.

Hơn nửa thế kỷ đam mê điền dã khắp các bản làng Tây Bắc, Việt Bắc và Tây Nguyên, giáo sư Tô Ngọc Thanh trở thành chuyên gia hàng đầu về văn hóa dân gian. Nhiều công trình của giáo sư Tô Ngọc Thanh có giá trị với đời sống tinh thần cộng đồng như “Âm nhạc dân gian Thái Tây Bắc”, “Âm nhạc dân gian Mường”, “Âm nhạc dân gian nhóm tộc người Nam Á ở Việt Nam”, “Nhạc cụ các dân tộc thiểu số Việt Nam”, “Âm nhạc cung đình Việt Nam”…

Đặc biệt, nhiều bài hát lưu truyền trong cộng đồng dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa, đã được giáo sư Tô Ngọc Thanh sưu tầm, chỉnh lý và phổ biến rộng rãi trong xã hội. Giáo sư Tô Ngọc Thanh từng thổ lộ: “Tôi có nền tảng ngoại ngữ tốt từ nhỏ nên khi học các thứ tiếng của đồng bào dân tộc thiểu số rất dễ dàng. Trong nghiên cứu, tôi quan niệm muốn hiểu văn hóa của họ thì phải tới tận nơi để thấy được tình trạng cụ thể, sau đó mới đề xuất các tôn tạo, khôi phục hợp lý để gìn giữ sao cho hiệu quả nhất. Còn nếu chỉ nghiên cứu theo kiểu hàn lâm, trên tài liệu, giấy tờ thì không có hiệu quả. Bởi vậy, làm nghiên cứu mà không nói được tiếng dân tộc, không sống với họ, không hiểu được họ thì rất khó để thành công”.

Sau một thời gian lâm bệnh, giáo sư Tô Ngọc Thanh đã vĩnh biệt dương gian ở tuổi 90. Tâm huyết của ông với văn hóa dân tộc, chắc chắn sẽ được thế hệ sau ghi nhớ và kế thừa. Bởi lẽ, trọn đời mình, giáo sư Tô Ngọc Thanh đau đáu: “Văn hóa dân gian các dân tộc của Việt Nam phong phú lắm, giàu có lắm, chỉ có điều chúng ta chưa biết khai thác mà thôi. Bên cạnh những di sản đã được thế giới công nhận, chúng ta còn cả một kho báu vô tận đó là các công trình kiến trúc, nghệ thuật đình, đền, chùa, miếu; các điệu dân ca của các vùng, miền, hay lối sống, cách ứng xử văn hóa đẹp ở các vùng... Nhưng điều đáng buồn là kho báu ấy cứ mỗi ngày lại vơi dần, mai một dần”.

                                             NNVN